Nhân Viên Hay đòi Hỏi - Nhà Quản Lý Nên Làm Gì?

Trong mỗi một tập thể, bạn sẽ ít nhiều bắt gặp một, hay một số nhân viên làm được việc nhưng hay đòi hỏi, liên tục đòi quyền lợi: tăng lương, thăng chức, cải thiện điều kiện làm việc… trong khi họ chưa thực sự đủ “tầm”. Đây cũng là một vấn đề nhà quản lý cần giải quyết. Hãy tham khảo một số kinh nghiệm từ chia sẻ của Trưởng phòng Nhân sự CareerLink nhé!

Trao đổi thẳng thắn

Đối thoại luôn là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để bạn hiểu được nhân viên của mình. Vì vậy, bạn nên có cuộc trò chuyện thẳng thắn, đặt câu hỏi và lắng nghe họ một cách chú tâm để hiểu nguyện vọng và mục tiêu của họ. Nếu những đòi hỏi của nhân viên tương xứng với năng lực và sự cống hiến của họ trong công việc, hãy khích lệ họ, cho họ biết rằng bạn hiểu họ đang làm tốt và sẽ tạo điều kiện để họ thành công. Tuy nhiên, họ cần thêm thời gian để chứng minh năng lực và tích lũy kinh nghiệm. Phân tích cho nhân viên của bạn hiểu ra rằng, đặt trong điều kiện, bối cảnh chung của công ty ở thời điểm hiện tại, với vị trí của họ, các quyền lợi họ đang nhận được là phù hợp.

Đồng thời, bạn nên đưa ra các mốc thời gian sẽ đáp ứng hoặc đáp ứng một phần những đòi hỏi của họ sau khi thử thách năng lực của họ nếu như họ có khả năng đem lại những lợi ích cụ thể cho công ty hoặc hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra trong công việc.

Dựa trên những nguyên tắc hoặc quy chế công ty

Khi bạn đang quản lý dựa trên nền tảng là những nguyên tắc, quy chế chung hãy chỉ cho những nhân viên đó thấy được tất cả nhân viên có cùng năng lực đều nhận được những quyền lợi như nhau. Họ không phải trường hợp đặc biệt hay đang bị đối xử bất công. Họ muốn nhận được nhiều hơn thì phải cống hiến nhiều hơn, theo những tiêu chí nhất định của công ty.

Dựa trên nền tảng là những quy chế hay nguyên tắc chung, nếu những đòi hỏi của nhân viên là quá đáng, hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết từ chối. Không nên để việc đòi hỏi vô lý tạo ra tiền lệ xấu. Ngoài ra, nếu bạn đáp ứng đòi hỏi của một người thì những người khác trong nhóm có thể sẽ cảm thấy bất công. Hãy công bằng trong việc đánh giá toàn bộ đội ngũ và tạo cơ hội thăng tiến cho tất cả nhân viên, chứ không chỉ những người đòi hỏi nhiều nhất.

Quan tâm đến họ

Nghe có vẻ lạ nhưng điều này có thể rất hiệu quả. Dĩ nhiên, là một nhà quản lý, bạn có nhiệm vụ quan tâm đến tất cả các thành viên. Tuy nhiên, một số người thích đòi hỏi nhiều khi vì họ muốn được chú ý, quan tâm và thừa nhận năng lực một cách thường xuyên. Bạn cần tinh tế để nhận ra động cơ thực sự phía sau đòi hỏi của họ là gì. Đôi khi chỉ với sự quan tâm chân thành, ghi nhận kịp thời, bạn có thể thay đổi được thái độ của người nhân viên hay đòi hỏi và có được những cống hiến tuyệt vời của họ cho công ty.

Cho nhân viên thấy các giá trị khác ngoài tiền lương

Hãy cho nhân viên của bạn thấy được những giá trị khác ngoài tiền lương họ nhận được… Chia sẻ với họ về mục tiêu lớn của công ty, giúp họ hiểu được cách mà công ty tạo nên một môi trường làm việc tốt đẹp, những giá trị nhân văn “hữu hình” công ty đang hướng tới, hay “sân chơi” cho tất cả mọi người được sống với đam mê và thể hiện tài năng. Cho họ thấy được ý nghĩa công việc các bạn đang làm, ảnh hưởng của nó đối với cộng đồng, với sự phát triển bản thân của mỗi người trong nhóm.

Khi bạn chứng minh và giúp cho nhân viên hiểu được rằng làm việc tại công ty, đội nhóm của bạn, nhân viên sẽ gặt hái được nhiều giá trị khác ngoài tiền bạc, họ sẽ muốn cống hiến nhiều hơn.

Phương án thay thế

Một số nhân viên có năng lực và đang nắm giữ vai trò khá quan trọng thường tự cho mình được quyền đòi hỏi cao hơn người khác. Nếu cấp trên không đáp ứng các “yêu sách” của họ, có thể người đó sẽ phản ứng tiêu cực, làm ảnh hưởng đến công việc chung của nhóm. Trong trường hợp bạn đã làm nhiều cách nhưng họ vẫn không thay đổi, hãy nghĩ đến phương án chọn người thay thế. Đào tạo, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho những người khác trong nhóm để nhân viên đó không còn giữ vị trí “độc quyền”. Khi họ nhận ra “không mợ thì chợ vẫn đông”, vai trò của họ cũng có thể bị thay thế, họ sẽ không còn đòi hỏi quá đáng.

Nếu nhân viên đó vẫn cảm thấy khó chấp nhận, họ có thể tìm công việc khác, bạn đã chuẩn bị cho trường hợp này nên không có gì phải lo lắng.

Kiều Giang

Author Profile

CareerLink
Latest entries
  • quản lý vi mô là cần thiết để đảm bảo chất lượng và hiệu quảNghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
  • Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?
  • Khám phá cách đọc CV hiệu quảBí quyết tuyển dụng2024.10.28Khám phá cách đọc CV hiệu quả giúp tìm được ứng viên phù hợp
  • 5 điều cần tìm kiếm khi tuyển dụng nhân viên Digital MarketingBí quyết tuyển dụng2024.10.215 điều cần tìm kiếm khi tuyển dụng nhân viên Digital Marketing

Từ khóa » đối Với Bản Thân Công Việc Nhân Viên đòi Hỏi Gì Nơi Nhà Quản Trị