NHẤT THỐNG SƠN HÀ – 1
Kỳ 173:
TÂY SƠN TAM KIỆT
Phần 2
NHẤT THỐNG SƠN HÀ
Cổ kim bách thắng Long Nhương Tướng
Nhất thống sơn hà Bắc Bình Vương
Kính dâng:
Hồn thiêng sông núi Việt Nam
Anh linh những nam hùng – nữ liệt của Việt tộc
Hương hồn song thân phụ mẫu
Vũ Thanh
***
Viết cho:
Hai con Quốc Khanh và Bảo Trân.
Các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam.
Vũ Thanh
*****
Tập 1
ÁO VẢI CỜ ĐÀO
Khởi viết mồng Một Tết Giáp Ngọ
Nhằm ngày 31-1-2014
Florida Hoa Kỳ
Vũ Thanh
***
LỜI THƯA
Tây Sơn là dãy núi phía Tây tỉnh Bình Định, nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (Tây Sơn hạ đạo) và huyện An Khê, tỉnh Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo).
Tây Sơn là vùng đất được người xưa tôn xưng là chốn địa linh. Địa linh sinh nhân kiệt, đất Tây Sơn đã sản sinh ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, ba con người đã dựng nên mốc son chói lọi cho lịch sử nước nhà từ một đất nước hoang tàn, đầy nhũng nhiễu và được tôn xưng là Tây Sơn Tam Kiệt. Trường thiên tiểu thuyết lịch sử TÂY SƠN TAM KIỆT phục dựng giai đoạn đầy bi tráng này.
TÂY SƠN TAM KIỆT gồm ba phần:
– Én Liệng Truông Mây (1738-1770) nói về cuộc đời hào hùng của Hiệp sỹ Việt tiêu biểu: Chàng Lía và bức tranh xã hội cuối thời chúa Nguyễn Đàng Trong.
– Nhất Thống Sơn Hà (1770-1792) vẽ lại toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, quá trình đánh đổ hai triều đại phong kiến: chúa Nguyễn Đàng Trong và chúa Trịnh Đàng Ngoài, thống nhất sơn hà sau hơn hai trăm năm chia cắt.
– Gia Định Tam Hùng (1787-1802) tái dựng sự rạn nứt nội bộ giữa ba anh em Tây Sơn, cái chết đột ngột của vua Quang Trung và sự phục quốc của Nguyễn Ánh khi từ Vọng Các trở về, với sự phò tá của ba nhân vật kiệt xuất đất Gia Định.
Khoảng thời gian hai mươi hai năm trong NHẤT THỐNG SƠN HÀ tuy rất ngắn ngủi trong dòng lịch sử bốn ngàn năm, nhưng lại là một giai đoạn lịch sử oai hùng và sáng chói nhất của dân tộc, khoảng thời gian đã đưa tên tuổi của nước Đại Việt vang khắp năm châu. Và vị anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ đã được liệt vào hàng vĩ nhân, một danh tướng bậc nhất của nhân loại, một vị tướng bách chiến bách thắng, chưa một lần chiến bại, người đã đánh tan năm vạn quân Xiêm La và hai mươi vạn quân Thanh bằng những trận đánh chớp nhoáng vô tiền khoáng hậu, người xứng đáng được hậu nhân ca tụng qua hai câu đối:
Cổ kim bách thắng Long Nhương Tướng
Nhất thống sơn hà Bắc Bình Vương
Không may cho dân tộc Việt Nam, những trang sử oai hùng kia đã bị các sử gia triều Nguyễn sau khi thắng cuộc cố tình bóp méo cho sai lệch hoặc xóa bỏ, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất với nhiều tranh cãi cho những thế hệ về sau.
Bằng một tấm lòng dành cho quê hương, bằng tất cả cố gắng thu thập tài liệu từ nhiều nguồn đáng tin cậy, chúng tôi dù tài sơ cũng tham vọng vẽ lại bức tranh trung thực nhất về giai đoạn lịch sử mù mờ này, mong mỏi góp phần lưu lại cho những thế hệ mai sau có thêm hiểu biết về một thời kỳ oanh liệt nhất của lịch sử nước nhà.
Xuân Kỷ Dậu 1789, mùa xuân hùng võ của dân tộc, mùa xuân mà hai mươi vạn quân xâm lược của một đại cường phương Bắc đã phải tan tành dưới sức mạnh đoàn kết của nhân dân nước Đại Việt nhỏ bé. Viết lại chuyện đời xưa để nhắc nhở người đời nay tinh thần Quang Trung và câu nói bất hủ của vị anh hùng bách thắng Long Nhương – Nguyễn Huệ trước ba quân: “Sự thắng bại trong chiến tranh không quyết định bởi quân đội nhiều hay ít, vũ khí tối tân hay sơ sài, mà chính ở sự tinh nhuệ, tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ và sự đoàn kết của quân dân chúng ta. Tất cả hãy nhớ lấy lời của tôi và chờ xem thực tế chứng minh”.
Florida, lễ Độc Lập Hoa Kỳ, ngày 04 tháng 7, năm 2015
Vũ Thanh
***
PHI LỘ
….. Đứng trước lăng mộ vị thủy tổ Kinh Dương Vương, vua Quang Trung bảo Phan Huy Ích:
– Khanh hãy nói rõ hơn về vị thủy tổ của chúng ta.
Phan Huy Ích kể:
– Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh, đóng tại đó rồi lấy con gái bà Vụ Tiên sau sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua châu Kinh, châu Dương ở phương Nam lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ, chọn đất Kinh Bắc này làm kinh đô truyền mãi đến khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Đến thời Bắc thuộc, nhà Hán về đây dựng thành Luy Lâu để đặt bộ máy cai trị. Địa bàn nước Xích Quỷ dưới thời Kinh Dương Vương rộng lớn, phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp Động Đình Hồ, phía Nam giáp Lâm Ấp, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai, con của Đế Nghi, tên là Âu Cơ. Âu Cơ được sinh ra bên bờ Âu Giang, nơi có hàng ngàn chim Âu sinh sống, vì vậy Đế Lai lấy tên chim Âu đặt cho con gái. Cũng có lẽ vì thế mà có truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở trăm con trai tạo thành giống Bách Việt của chúng ta. Theo truyền thuyết thì vua Hùng đầu tiên chính là cháu nội của Kinh Dương Vương.
Nhà vua nghe kể xong hỏi:
– Vậy biên giới nước ta xưa kia lên đến tận sông Dương Tử?
– Dạ, đúng thế, tâu hoàng thượng. Đến đời Triệu Đà, sau khi chiến thắng vua An Dương Vương đã sáp nhập các bộ lạc Bách Việt lại với nhau lập nên nước Nam Việt và tự xưng Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung tức Quảng Châu ngày nay, đứng ngang hàng với nhà Hán. Cương thổ nước Nam Việt thời bấy giờ phía Bắc giáp núi Nam Lĩnh, gồm cả biên giới phía Bắc của Quảng Đông và Quảng Tây, Đông giáp Mân Việt, Phúc Kiến, phía Tây giáp Dạ Lang, Vân Nam và phía Nam đến Hoành Sơn của Lâm Ấp.
Ánh mắt vua Quang Trung chợt lóe lên một tia sáng, ông hỏi:
– Từ sau Triệu Vũ Vương đã có ai dám đánh lại nước Trung Hoa và sánh ngang hàng với họ chưa?
Huy Ích tâu:
– Đời Lý có Lý Thường Kiệt đánh sang đất Tống, đời Trần có Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên rồi Lê Thái Tổ đánh giặc Minh…
Nhà vua ngắt lời:
– Nhưng đã có ai dám đánh sang để chiếm lấy đất của Tàu chưa?
– Muôn tâu, việc này thì chưa ai dám làm.
Đôi mắt vua Quang Trung lại lóe lên tia sáng cương quyết, ông hăng hái nói:
– Vậy để trẫm làm. Chúng ta phải đòi lại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây về cho nước Việt.
………
VÀO TRUYỆN
Mùa Đông Mậu Tý – 1768.
Nước Đại Việt, năm Cảnh Hưng thứ hai mươi tám, đời vua Lê Hiển Tông.
Bắc Hà – chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm.
Nam Hà – chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần.
Phủ Quy Nhơn.
Sông Côn đang mùa lũ lớn, nhiều nơi nước tràn qua hai bờ cao hàng thước, lênh láng, cuồn cuộn chảy, cuốn phăng mọi thứ trên mặt đất. Dòng sông bây giờ biến thành biển cả, nhìn mút chân trời.
Trên một khu gò cao bên bờ sông, khúc chảy qua làng An Thái, một ông già tuổi độ năm mươi ngoài và một chàng thiếu niên chừng mười sáu đang ngồi dưới gốc cây ngô đồng nhìn dòng nước đục phăng phăng, ào ạt mang mọi thứ về xuôi. Chợt nghe chàng thiếu niên hỏi:
– Nước trông yếu mà lại rất mạnh là vì sao, thưa thầy?
Người già đáp:
– Nước yếu nhưng tính nước động, liên tục không rời nhau, uyển chuyển và vô hình. Động nên có lực. Liên tục không rời nhau nên không bị phá vỡ. Uyển chuyển nên nơi nào cũng đến được, không gì ngăn cản nổi. Vô hình nên có khi nhỏ như hạt sương lại có khi lớn như biển cả. Cho nên nước trông yếu mà rất mạnh.
– Đó có phải là nguyên lý của Miên quyền của chúng ta không?
– Đúng vậy.
– Nước mạnh như vậy, sao ngày xưa Sơn Tinh lại thắng được Thủy Tinh, thưa thầy?
– Vì tính của núi tĩnh, thế núi cao, chất núi rắn. Tĩnh thì định, định thì sáng suốt, không loạn động. Cao thì trông xa, trông xa thì hiểu sâu. Rắn thì cứng cáp, cứng cáp thì có thể nâng đỡ muôn loài. Do đó mà núi vô địch.
– Vậy làm người nên là Sơn Tinh hay Thủy Tinh?
– Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn. Anh muốn làm người nhân hay người trí?
– Người nhân thì như thế nào, còn người trí thì như thế nào?
– Nhân giả sống vững chải như núi nên rất an nhiên, không lo lắng. Bao dung như đất nên hết lòng vì người khác, không ngưng nghỉ, không tỵ hiềm. Trí giả mềm mại, uyển chuyển và linh hoạt như nước nên nơi đâu cũng tới, việc gì cũng biết, không gì không vượt qua.
– Có thể dung hợp cả nhân và trí không?
– Có thể. Người đó sẽ là Thánh Nhân.
Đôi mắt của chàng thiếu niên chợt ngời lên, hỏi tiếp:
– Cha con đặt tên con là Huệ vì nghe nói lúc con chào đời vườn huệ của Mẹ con bỗng đồng loạt nở hoa thơm ngát. Dòng sông này tên Côn, chữ Côn có ý nghĩa gì không, thưa thầy?
Người già đáp:
– Trong thiên Tiêu Dao Du – Nam Hoa Kinh, Trang Tử có nhắc đến một loại cá Côn to lớn ở biển Bắc. Cá Côn hóa ra chim Bằng cũng rất to lớn. Chim Bằng khi bay thì ở tận chín tầng mây cao. Tiền nhân chúng ta khi đặt tên cho con sông đã có ý mong mỏi con cháu sống trong lưu vực của sông có đại chí như cá Côn, chim Bằng vậy.
Đôi mắt của chàng thiếu niên tên Huệ một lần nữa lại ngời lên. Đó là biểu hiện trở thành thói quen của chàng ta mỗi khi tâm lĩnh một điều gì. Người già thấy ánh mắt đó nở nụ cười mãn nguyện. Ông đưa mắt nhìn dòng lũ trên Côn Giang, giọng trịnh trọng:
– Thầy tôi lúc cuối đời có để lại cho tôi một lời căn dặn và một câu sấm ngôn, tôi muốn ủy thác lại cho anh.
Người trẻ vội hỏi:
– Sư tổ con là ai, thưa thầy?
– Một vị Phong Trần Nho Hiệp vô danh, nhưng cả một đời bôn ba chỉ vì sự hưng vong của quốc gia, dân tộc.
– Con xin nhận.
– Lời dặn này là ý nguyện và tâm huyết suốt một đời của người, đó là: “Giang san thống nhất, đối kháng Trung Hoa”.
– Còn câu sấm ngôn?
– “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Ba anh em các anh sinh trưởng bên bờ Côn Giang, lại là người Tây Sơn, hãy gắng lên để trở thành những cánh chim Bằng.
Cuộc đối thoại đã đem đến cho chàng thiếu niên tên Huệ những ánh mắt sáng ngời và một ước vọng mãnh liệt như dòng lũ sông Côn và là nguyên nhân khiến cho dòng chảy lịch sử Đại Việt rẽ sang một hướng mới hết sức to lớn, huy hoàng và kỳ thú….
*****
(Mời xem tiếp vào ngày mai)
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » én Liệng Truông Mây Pdf
-
Én Liệng Truông Mây Tập 1: Truyền Quốc Ô Long Đao - Vũ Thanh
-
Én Liệng Truông Mây - Tiểu Thuyết Võ Hiệp Lịch Sử Vn - Tập 1
-
Én Liệng Truông Mây Tập 3: Những Mảnh Tình Trắc Trở
-
[Tải Sách] Én Liệng Truông Mây (Bộ 4 Tập) PDF. - TaisachPDF
-
Tải Về Én Liệng Truông Mây (Bộ 4 Tập) Vũ Thanh Miễn Phí Trong Pdf
-
Én Liệng Truông Mây - Tập I: Truyền Quốc Ô Long Đao - Gác Sách
-
Én Liệng Truông Mây (Bộ 4 Cuốn) Ebook Pdf - Hay Đọc
-
Én Liệng Truông Mây (Bộ 4 Cuốn) - Sách Hay Mỗi Ngày
-
Trấn Biên Thành Dậy Sóng Én Liệng Truông Mây #2 ...
-
Trấn Biên Thành Dậy Sóng Én Liệng Truông Mây #2 By Vũ Thanh
-
Sách Nói Én Liệng Truông Mây 3 - Vũ Thanh - Phật Pháp Ứng Dụng
-
Én Liệng Truông Mây Tập 2: Trấn Biên Thành Dậy Sóng – Vantuyen ...
-
Én Liệng Truông Mây (Bộ 4 Tập)
-
'Đó Là Cuốn Sách Duy Nhất Em đọc Không Chán Suốt Tuần' - PLO