Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Của Uỷ Ban Nhân Dân Cấp Xã Trong Công Tác Thi ...

Có thể nói thi hành án hình sự là hoạt động cụ thể của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành theo một trình tự, thủ tục nhất định đưa những nội dung quyết định trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hình sự ra thi hành để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân.

 Hoạt động thi hành án hình sự bảo đảm cho phán quyết tại các bản án, quyết định của Toà án được thi hành trên thực tế một cách chính xác, kịp thời; nếu được thực hiện nghiêm túc, triệt để thì các quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân được bảo đảm trong thực tế, quy tắc xã hội được tôn trọng, pháp luật được thực thi, quản lý của Nhà nước đối với xã hội được chặt chẽ. Thông qua hoạt động thi hành án, các cơ quan ban hành pháp luật, quản lý Nhà nước đánh giá được hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về thi hành án và nghiên cứu, bổ sung biện pháp thi hành án thích hợp, đồng thời trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng xét xử của Toà án, hạn chế những bản án có nội dung không phù hợp với thực tế, án tuyên không rõ, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Có nhiều cơ quan có thẩm quyền thi hành án hình sự: Cơ quan Công an, Toà án và Viện kiểm sát tham gia Hội đồng thi hành án tử hình; chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú; cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc và cơ sở chuyên khoa y tế. Có nhiều loại việc thi hành án hình sự:Thi hành hình phạt tử hình; thi hành hình phạt tù; thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo; thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội; thi hành hình phạt quản chế; thi hành hình phạt cấm cư trú; thi hành hình phạt cấm đảm nhiệm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; thi hành hình phạt trục xuất và thi hành hình phạt cảnh cáo, tước một số quyền công dân.

Khoản 3 Điều 117 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn Uỷ ban nhân dân cấp xã là: “Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành án theo quy định của pháp luật”. Trong trong công tác thi hành án hình sự, Uỷ ban nhân dân cấp xã tham gia với tư cách là cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp thi hành án (cơ quan thi hành án) hoặc với tư cách là cơ quan phối hợp với cơ quan thi hành án (không phải là cơ quan thi hành án).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp xã trong công tác thi hành án hình sự thể hiện trên những mặt hoạt động cơ bản sau đây:

1. Trực tiếp tổ chức thực hiện việc thi hành án

Sau khi nhận được quyết định thi hành án do Toà án chuyển giao, Uỷ ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện việc thi hành án theo thẩm quyền. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 (Bộ luật Hình sự), Điều 256, 257, 263, 264, 266, 267 Bộ luật Tố tụng Hình sự ngày 26/11/2003 (Bộ luật Tố tụng hình sự), Nghị định số 59/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, Nghị định số 52/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Nghị định số 53/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các hình phạt cấm cư trú và quản chế, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp thi hành những việc thi hành án sau đây:

1.1.  Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ

- Cải tạo không giam giữ là hình phạt được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự quy định, mà họ đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội. Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 31, Điều 73 Bộ luật Hình sự và Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ.

Khi Toà án đã ra quyết định thi hành bản án tuyên phạt cải tạo không giam giữ và giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã giám sát, giáo dục người bị kết án, thì Uỷ ban dân dân cấp xã thực hiện các biện pháp cần thiết bảo đảm hiệu quả thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cụ thể là:

- Phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người bị kết án.

- Tạo điều kiện để người bị kết án lao động, học tập và hoà nhập vào cuộc sống chung của địa phương mình.

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan và gia đình người bị kết án  trong việc giáo dục, cảm hoá, giúp người bị kết án sửa chữa lỗi lầm.

- Yêu cầu người bị kết án thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình; có biện pháp ngăn ngừa, giáo dục kịp thời khi người đó có biểu hiện tiêu cực và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý khi cần thiết.

- Kịp thời biểu dương khi người bị kết án có nhiều tiến bộ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hoặc lập công.

- Cho phép người bị kết án vắng mặt ở nơi cư trú.

- Xem xét hoặc theo đề nghị của người bị kết án đề nghị Toà án cấp huyện nơi người đó đang chấp hành hình phạt xem xét việc giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt còn lại theo quy định của pháp luật.

Khi đề nghị Toà án xem xét việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt còn lại, thì phải gửi kèm theo hồ sơ đề nghị. Hồ sơ đề  nghị gồm có: Bản đề nghị của Uỷ ban nhân dân về việc xét việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt còn lại cho người bị kết án, sổ theo dõi người bị kết án, trích lục bản án và quyết định thi hành án của Toà án, đơn xin rút ngắn thời gian thử thách của người bị kết án (nếu họ có đề nghị), bản tự kiểm điểm của người bị kết án, biên bản cuộc họp kiểm điểm người bị kết án.

- Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn cải tạo không giam giữ cho người bị kết án.

- Nhận xét bằng văn bản và ghi vào sổ theo dõi về quá trình chấp hành hình phạt của người bị kết án khi người đó chuyển đi nơi khác.

- Uỷ ban nhân dân cấp xã không được đặt thêm nghĩa vụ và hạn chế khác đối với người bị kết án ngoài những nghĩa vụ quy định tại Điều 4 Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ và những hạn chế đã được ghi trong bản án của Toà án.

- Trong trường hợp người bị kết án đang phải chấp hành hình phạt chuyển đi nơi khác, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phải thông báo ngay cho Toà án đã ra quyết định thi hành án kèm theo hồ sơ của người đó để Toà án làm thủ tục cần thiết giao cho cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án chuyển đến tiếp tục giám sát, giáo dục.

1.2. Thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo nhằm tạo điều kiện cho người được hưởng án treo làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của họ ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được hưởng án treo làm việc, công tác, học tập hoặc cư trú và gia đình của người đó. Người được hưởng án treo phải chịu thử thách dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục và gia đình của người đó.

Trong việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, Uỷ ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo có quyền và trách nhiệm quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự và Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ. Các quyền và trách nhiệm đó là:

- Phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

- Tạo điều kiện để người được hưởng án treo tham gia vào hoạt động chung của cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục nơi người đó làm việc hoặc cư trú.

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức khác và gia đình người được hưởng án treo trong việc giáo dục, cảm hoá, giúp họ sửa chữa lỗi lầm.

- Yêu cầu người được hưởng án treo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình; có biện pháp ngăn ngừa, uốn nắn kịp thời khi người được hưởng án treo có biểu hiện tiêu cực và thông báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý khi cần thiết.

 Kịp thời biểu dương khi người được hưởng án treo có nhiều tiến bộ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hoặc lập công.

- Cho phép người được hưởng án treo được vắng mặt ở nơi cư trú.

- Tự mình hoặc theo đề nghị của người được hưởng án treo đề nghị Toà án cấp huyện nơi người được hưởng án treo đang chịu thử thách xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách, khi người đó chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ.

- Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách cho người được hưởng án treo theo mẫu thống nhất.

- Nhận xét bằng văn bản và ghi vào sổ theo dõi người được hưởng án treo về quá trình thử thách của người đó khi người đó chuyển đi nơi khác.

Trong trường hợp đề nghị Toà án xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách và cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách cho người được hưởng án treo, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tổ chức cuộc họp để cho người được hưởng án treo kiểm điểm, làm cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá quá trình thử thách của người được hưởng án treo. Khi đề nghị Toà án xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo, thì phải gửi kèm theo hồ sơ đề nghị. 

Uỷ ban nhân dân cấp xã không được đặt thêm nghĩa vụ và hạn chế khác đối với người bị kết án ngoài những nghĩa vụ quy định tại Điều 4 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ và những hạn chế đã được ghi rõ trong bản án của Toà án.

Trong trường hợp người được hưởng án treo chuyển đi nơi khác, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phải thông báo ngay cho Toà án đã ra quyết định thi hành án kèm theo hồ sơ của người đó để Toà án làm thủ tục cần thiết giao cho cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo chuyển đến tiếp tục giám sát, giáo dục.

1.3. Thi hành hình phạt cấm cư trú

 Cấm cư trú là hình phạt bổ sung áp dụng đối với người bị kết án phạt tù, buộc người đó không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định. Thời hạn cấm cư trú là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Hình phạt cấm cư trú  được quy định tại Điều 37 Bộ luật Hình sự hiện hành. Với tính chất là một hình phạt, cấm cư trú chỉ do Toà án quyết định và chỉ áp dụng đối với người bị phạt tù.

Việc thi hành hình phạt cấm cư trú phải thực hiện đúng đối tượng, đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Chương II Nghị định số 53/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ.

Cơ quan thi hành hình phạt cấm cư trú là chính quyền cấp xã nơi người bị kết án đến cư trú. Hai tháng trước khi người bị cấm cư trú hết hạn chấp hành hình phạt tù, giám thị trại giam thông báo bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị cấm cư trú sẽ đến cư trú và Công an huyện về: Họ tên, tuổi, quê quán của người bị cấm cư trú; ngày, tháng, năm chấp hành xong hình phạt tù; nhận xét về kết quả chấp hành án phạt tù; thời hạn và nơi cấm cư trú; những thông tin cần thiết khác để quản lý, giáo dục, tạo điều kiện cho người bị cấm cư trú làm ăn, sinh sống, cải tạo. Trong trường hợp chưa rõ nơi người bị cấm cư trú sẽ về cư trú, thì giám thị trại giam giao bản nhận xét kết quả chấp hành án phạt tù cho người đó và yêu cầu họ xuất trình cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đến cư trú.

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 mục I Thông tư số 11/2005/TT-BCA-C11 ngày 07/10/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 51/CP ngày 10/5/1997 và Nghị định số 108/2005/NĐ-CP ngày 19/8/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ khẩu, thì người đang chấp hành quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú của cơ quan có thẩm quyền, người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp quản chế hành chính hoặc đang chấp hành hình phạt quản chế không được chuyển hộ khẩu thường trú đi nơi khác; người đang chấp hành quyết định cấm cư trú tại các khu vực, địa bàn ghi trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền không được đăng ký hộ khẩu thường trú ở một số khu vực, địa bàn nhất định. Những khu vực cấm cư trú đó là: thành phố, thị xã, khu vực biên giới và những khu vực quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, ngoài những địa phương bị cấm cư trú, người bị kết án cấm cư trú vẫn được xem xét chấp thuận cho đăng ký tạm trú ở một địa phương nhất định khác.

Hồ sơ thi hành hình phạt cấm cư trú do Uỷ ban nhân dân cấp xã lập gồm có: Trích lục hoặc bản sao bản án của Toà án, giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù, tài liệu về quá trình chấp hành hình phạt cấm cư trú, các tài liệu khác có liên quan.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị cấm cư trú không được đến cư trú có trách nhiệm:

- Theo dõi, không để người bị cấm cư trú trở về thường trú, tạm trú tại địa phương trong thời gian bị cấm cư trú.

- Khi thấy người bị cấm cư trú có mặt tại địa phương phải kiểm tra, lập biên bản và buộc họ rời khỏi địa phương (trừ trường hợp họ có lý do chính đáng được phép đến địa phương bị cấm cư trú nơi có thân nhân, gia đình đang sinh sống hoặc quê quán theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số53/2001/NĐ-CP nêu trên) và thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đang quản lý người bị cấm cư trú.

- Tiếp nhận, tạo điều kiện giúp đỡ người đã chấp hành xong thời hạn cấm cư trú làm ăn, sinh sống.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị cấm cư trú đến cư trú có trách nhiệm:

- Tiếp nhận, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện để người bị cấm cư làm ăn, sinh sống, lao động, học tập bình thường, giúp đỡ họ trở thành người có ích cho xã hội và báo cho Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án.

 -  Khi xét thấy người bị quản chế đã chấp hành được ít nhất một phần hai thời hạn cấm cư trú và tích cực lao động, học tập, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương, thì làm văn bản đề nghị hoặc nhận xét kèm theo tài liệu có liên quan nếu có gửi Công an cấp huyện để làm các thủ tục chuyển Toà án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định giảm hoặc miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cho người bị cấm cư trú.

- Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị cấm cư trú đến cư trú cuối cùng có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn cấm cư trú cho người bị cấm cư trú và gửi bản sao cho Toà án đã ra quyết định thi hành án, Toà án và Công an cấp huyện nơi người bị kết án cấm cư trú đến cư trú.

Trong quá trình thực hiện việc thi hành án cấm cư trú, Uỷ ban nhân dân cấp xã cần phải yêu cầu người bị cấm cư trú nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ của người bị cấm cư trú và phải tôn trọng các quyền của họ theo quy định của pháp luật.

1.4. Thi hành hình phạt quản chế

Quản chế là hình phạt bổ sung áp dụng đối với người bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật Hình sự quy định, buộc người đó phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương.

Hình phạt quản chế được quy định tại Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Thủ tục thi hành hình phạt quản chế được quy định tại Điều 235 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Chương III (từ Điều 11 đến Điều 18 Nghị định số 53/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ).

Cơ quan thi hành hình phạt quản chế là chính quyền cấp xã nơi người bị quản chế phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở địa phương đó.

Hai tháng trước khi người bị kết án quản chế hết hạn chấp hành hình phạt tù, Giám thị trại giam thông báo bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi quản chế và Trưởng Công an huyện về: Họ tên, tuổi, quê quán của người bị quản chế; ngày, tháng, năm chấp hành xong hình phạt tù; thời hạn quản chế và những thông tin cần thiết khác để quản lý, giáo dục, tạo điều kiện cho người bị quản chế làm ăn, sinh sống, cải tạo.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi quản chế có trách nhiệm:

- Tiếp nhận, ghi vào sổ theo dõi về người bị quản chế trình diện; lập hồ sơ quản lý, theo dõi người bị quản chế.

 - Quản lý, giáo dục tạo điều kiện để người bị quản chế làm ăn, sinh sống, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội và báo cáo cho Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án.

 - Định kỳ ba tháng một lần nhận xét, đánh giá, làm báo cáo chung về quá trình chấp hành án của người bị quản chế gửi Trưởng Công an cấp huyện.

- Khi xét thấy người bị quản chế đã chấp hành được ít nhất một phần hai thời hạn quản chế và thành khẩn hối lỗi, tích cực lao động, học tập, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương và quy định về quản chế, thì làm văn bản đề nghị miễn chấp hành hình phạt quản chế còn lại cho người bị quản chế kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có để gửi Công an cấp huyện làm thủ tục chuyển Toà án cấp huyện xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

- Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn quản chế cho người bị phạt quản chế theo mẫu thống nhất; gửi giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn quản chế cho Toà án đã ra quyết định thi hành án, Toà án và cơ quan Công an cấp huyện nơi quản.

Uỷ ban nhân dân cấp xã cần lưu ý là người bị quản chế có nghĩa vụ: Trở về địa phương mà bản án chỉ định là nơi quản chế ngay sau khi chấp hành xong hình phạt tù và trình diện với Uỷ ban nhân dân cấp xã, xuất trình giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù. Chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương; không được tự ý rời khỏi nơi quản chế. Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế. Khi Uỷ ban nhân dân các cấp yêu cầu, phải có mặt tại địa điểm quy định và trả lời các vấn đề có liên quan, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng. Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của chính quyền địa phương; tích cực lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội.

Trong trường hợp sau khi chấp hành xong hình phạt tù mà người bị quản chế không đến trình diện với Uỷ ban nhân dân cấp xã đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã triệu tập họ đến để lập biên bản và họ buộc chấp hành các quy định về quản chế.

1.5. Thi hành hình phạt tước một số quyền công dân

 Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác trong những trường hợp nhất định thì theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Hình sự, họ có thể bị tước một số quyền công dân. Đó là các quyền:

- Quyền ứng cử, bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp).

- Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời hạn tước một số quyền công dân là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc cần theo dõi đối tượng phải thi hành án để không cho họ thực hiện những quyền công dân đã bị Toà án tước, nhưng cần lưu ý tránh áp đặt quá thời hạn tước quyền công dân theo quy định của pháp luật.

1.6. Thi hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

Những hình phạt này được áp dụng khi xét thấy để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

 Thời hạn cấm là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày có bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Hình phạt đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là hình phạt bổ sung được quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự.

Nếu Toà án đã quyết định trong bản án là người bị kết án bị cấm đảm nhiệm chức vụ công tác tại Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc hành nghề bị Toà án cấm ở địa phương, thì Uỷ ban nhân dân nơi đó phải kịp thời thi hành theo đúng quyết định của Toà án.

1.7. Thi hành biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội

Điều 70 Bộ luật Hình sự và Điều 9 Nghị định số 59/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Thực hiện nhiệm vụ này, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải: 

- Phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội.

- Tạo điều kiện giúp người chưa thành niên học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức khác và gia đình người chưa thành niên phạm tội trong việc giáo dục, cảm hoá, giúp người bị kết án sửa chữa lỗi lầm.

- Yêu cầu người chưa thành niên phạm tội thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình; có biện pháp ngăn ngừa, uốn nắn kịp thời khi người đó có biểu hiện tiêu cực và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý khi cần thiết.

- Kịp thời biểu dương khi người chưa thành niên phạm tội có nhiều tiến bộ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hoặc lập công.

- Xem xét, giải quyết cho người chưa thành niên phạm tội vắng mặt ở nơi cư trú.

- Đề nghị hoặc theo đề nghị của người chưa thành niên phạm tội đề nghị Toà án cấp huyện nơi người đó đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra quyết định chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp này khi người đó chấp hành được một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ.

- Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người chưa thành niên phạm tội.

1.8. Quản lý người được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Điều 233 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc quản lý. Họ không được tự ý đi nơi khác, nếu không được phép của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức quản lý họ.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi được giao thực hiện việc quản lý người được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cần tiến hành những công việc sau:

- Quản lý, giám sát họ, không cho họ tự ý đi khỏi địa phương.

- Chỉ cho họ đi khỏi địa phương trong những trường hợp cần thiết khi họ có đơn yêu cầu trình bày rõ lý do và chỉ cho họ đi khỏi địa phương trong thời hạn nhất định với điều kiện phải có mặt tại địa phương trước thời hạn phải chấp hành hình phạt tù.

- Nếu trong thời hạn được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà họ có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có ý định bỏ trốn thù Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm phải báo cáo ngay với Chánh án Toà án đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án để kịp thời huỷ bỏ quyết định đó và ra lệnh bắt buộc họ phải chấp hành hình phạt tù.

2. Phối hợp trong việc thi hành án hình sự

Với tư cách là cơ quan phối hợp trong việc thi hành án hình sự, Uỷ ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn đối với các loại việc thi hành án như sau:

2.1. Đối với việc thi hành hình phạt tử hình

 Uỷ ban nhân dân cấp xã tham gia vào việc thi hành hình phạt tử hình nhằm giúp cho Hội đồng thi hành án tử hình và các cơ quan có thẩm quyền khác đảm bảo việc thi hành án đạt hiệu quả, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt về an ninh, trật tự ở địa phương.

2.2. Đối với công tác thi hành hình phạt tù

- Ngoài việc quản lý, giám sát người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù, để đảm bảo tính chính xác, khách quan việc Toà án quyết định cho họ được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thực hiện nghiêm túc việc xem xét xác nhận đơn xin hoãn, tạm đình chỉ thi hành án của người bị kết án.

- Người đã chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương sinh sống, thì Ban giám thị trại giam sẽ thông báo cho Uỷ ban nhân dân biết. Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho họ được đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, có thể tạo điều kiện bố trí việc làm cho họ để họ sớm ổn định cuộc sống.

- Nếu người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam bị chết, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi giam giữ người đó có thẩm quyền và trách nhiệm đăng ký khai tử cho người chết.

2.3. Trong việc xoá án tích

Uỷ ban nhân dân xác nhận đơn xin xoá án tích của người đã chấp hành xong hình phạt hoặc có thể đề nghị Toà án xoá án tích cho người bị kết án có những tiến bộ rõ rệt hoặc đã lập công theo quy định tại các điều từ Điều 63 đến Điều 67 Bộ luật Hình sự.

2.4. Trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn

Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền và trách nhiệm tham gia chứng kiến việc bắt người, khám xét chỗ ở, khám người, tạm giữ đồ vật, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bố trí người chăm nom thân nhân (người già yếu, trẻ em...) và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam hoặc có quyền bảo lãnh đối với người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Lê Anh Tuấn

Từ khóa » Hình Sự Phường