Nhiều ẩn Số Về Loài Dinh Thú - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Bài viết được đăng trên Báo CAND với nội dung: Lương y Nguyễn Thái Bình, ngụ tại phường 9, quận Gò Vấp sở hữu chiếc sừng con dinh có tác dụng hóa giải nọc độc của nhiều loài mãng xà. Sau bài viết, đã có nhiều bạn đọc viết thư, gọi điện hoan nghênh Báo CAND đã có bài viết lý thú và hỏi thăm thêm thông tin về con vật có cái sừng huyền năng kia. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu và ghi nhận nhiều đồn thổi ly kỳ.

Loài thú bí hiểm…

Như đã nói ở số báo trước, lương y Bình cho biết, ông chưa từng có cơ duyên được gặp mặt loài "dinh rắn". Ông chỉ biết tính năng hút nọc độc của sừng dinh qua kinh nghiệm gia truyền và những đồn thổi trong dân gian.

"Có người nói dinh rắn thực chất là con trâu nước nặng tối đa sáu trăm ký lô, người khẳng định nó chỉ nặng vài chục ký, người bảo loài dinh chỉ con đực mới có sừng, con cái thì không. Nhưng hồi còn sống, cụ thân sinh tôi nói dinh cái hay dinh đực đều có sừng và sừng của chúng đều có tác dụng hóa giải nọc độc rắn dữ. Nếu được phối hợp với một số thảo dược còn có tính năng chữa một số bệnh nan y. Với mong muốn giải mã những bí ẩn của chiếc sừng dinh, nhiều năm qua tôi thăm hỏi các lương y trên mọi miền nhưng hầu như chẳng có ai hay biết về chiếc sừng. Nên những gì tôi biết về dinh rắn cũng chỉ có thế".

Nhiều năm qua phố thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM) là nơi tập trung nhiều con buôn xương cốt, nanh sừng các loài động vật quý hiếm nhưng khi chúng tôi đem câu chuyện về sừng dinh rắn hỏi thăm, các tay buôn đều lắc đầu.

Tại góc đường Triệu Quang Phục - Hải Thượng Lãn Ông, giữa lúc chúng tôi thối chí thì ông chủ quầy thuốc cỏ cây tên Hán Minh, người Việt gốc Hoa, hào hứng kể chuyện: "Dinh là loài thú có thật nhưng hiếm có lắm! Hình như nó tuyệt chủng đã lâu. Hồi trước năm 1975 tôi từng thấy một người gốc Lào ở phố thuốc có cái sừng này, tôi định hôm nào rỗi sẽ ghé hỏi thăm nhưng sau đó ông ta dọn nhà đi mất. Tôi chỉ nhớ ông ta nói dinh có ba nhóm, gồm dinh cá, dinh cỏ và dinh rắn. Nặng khoảng 20kg trở lại, mỗi nhóm dinh có thú ẩm thực riêng, dinh cá chuyên ăn cá, dinh cỏ thì chuyên ăn cỏ. Tuy gu ẩm thực khác nhau nhưng sừng của cả ba nhóm đều có tác dụng hóa giải nọc độc của rắn, kể cả nọc độc của chó cắn, mèo cào…".

Tiến sĩ Võ Văn Chi trao đổi kinh nghiệm hút nọc rắn từ cục nọc.

Câu chuyện về loài dinh bí hiểm của ông Minh có nhiều điểm trùng hợp với tâm tình của ông Bùi Thanh Tùng (ngụ ấp Thới Thượng, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), người được một số phương tiện thông tin đại chúng xác định đang giữ một mẩu sừng dinh quý hiếm và dùng nó cứu chữa nhiều người thoát khỏi cơn nguy nan của số phận do bị rắn độc cắn. Theo ông Tùng, dinh cỏ và dinh cá lâu lâu mới kiếm rắn ăn, riêng dinh rắn thì chuyên "lai rai" các loài rắn độc, rắn càng độc thì dinh rắn càng khoái khẩu.

Sách vở không hề đề cập

Không thỏa mãn với những gì thu thập được về loài dinh rắn, chúng tôi cất công hỏi thăm, tìm gặp nhiều già làng trên đất rừng Tây Nguyên, ở Đông Nam Bộ và các thầy thuốc, chuyên gia sinh học chuyên đi rừng để có những dẫn liệu giải mã cho thắc mắc "dinh rắn là loài thú có thật hay chỉ là huyền thoại?". Già làng Năm Nổi, người nổi tiếng với bài quyền "Xà gạc chém hổ" ở rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) tâm sự ngày trước thú rừng, rắn độc ở Mã Đà nhiều như lá rụng nhưng già chưa từng nghe nói đến con dinh.

"Có khi nào đó là tên gọi khác của tê giác không?" - già làng Năm Nổi hỏi ngược lại. Đem câu chuyện sừng dinh hỏi thăm già làng Ama H'rin ở thôn Kô D'hông (phường Tân Lang, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, học trò cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, phụ trách phòng khám Tuệ Lãn là người thường xuyên rong ruổi khắp các miền Bắc-Trung-Nam sưu tầm cây thuốc quý tỏ ra bất ngờ khi nghe chúng tôi hỏi thăm về sừng dinh hút nọc rắn. Lương y Nghĩa tra cứu khắp các bộ sách của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi nhưng bóng dáng dinh rắn và chiếc sừng thần diệu của nó cũng bặt tăm.

Không nỡ để chúng tôi trở về tay không, lương y Nghĩa cho chúng tôi số điện thoại của Tiến sĩ sinh học Võ Văn Chi, người nổi tiếng với cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam. Năm nay 81 tuổi, với thâm niên hơn nửa thế kỷ lội rừng và hàng ngàn cuộc điền dã trên các vùng non cao nhưng Tiến sĩ Chi cũng chưa từng nghe đến sừng con dinh hút nọc rắn. Ông hoài nghi: "Có khi nào đó là sừng sơn dương mà dân gian thường gọi là dê núi không? Bởi sừng sơn dương cũng có tác dụng hút nọc rắn".

Phần lớn các già làng, thầy thuốc đông y, chuyên gia nghiên cứu về động vật học mà chúng tôi tiếp xúc đều chưa từng biết, chưa từng nghe đến con dinh và chiếc sừng kỳ lạ của nó. Có người khẳng định đó là loài thú không có thật và tỏ ra hoài nghi về công năng của sừng dinh.

Giữa lúc bí lối trong việc giải mã những bí ẩn liên quan đến loài dị thú "dinh rắn" thì chúng tôi được một người bạn gửi qua địa chỉ email một đoạn trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau, phần nói về Cây Huê Xà do cố nhà văn Sơn Nam chấp bút: "Ăn bánh ngài rồi uống nước chanh. Xong xuôi nằm xuống hút một điếu á phiện với cái dọc tẩu làm bằng sừng con dinh".

Thông tin này chứng tỏ nhiều khả năng dinh rắn không phải là con thú mơ hồ. Nhưng tiếc là nhà văn Sơn Nam đã đi xa nên chúng tôi chẳng thể hỏi thăm ông cặn kẽ về loài dị thú dinh rắn.

TS Võ Văn Chi (tác giả cuốn Từ điển những cây thuốc Việt Nam): Cục nọc hút nọc rắn

Nếu đúng như kinh nghiệm chữa trị của lương y Bình thì sừng dinh có thể được liệt vào nhóm cục nọc. Cục nọc là những sừng nai (hoặc đầu mút nhọn của sừng hưu) cắt khúc nhỏ, nắm đất sét bao ngoài bỏ vào đống trấu đốt 12 giờ đem ra để nguội, tẩm phèn xanh rồi nắm đất sét đốt lại 6 giờ đem ra để nguội dùng dần. Khi bị rắn cắn lấy dao khía cho vết cắn hơi chảy máu rồi đặt cục nọc vào vết cắn.

Cục nọc không gây biến chứng, có sức hút rất mạnh, nó hút đến no máu và nọc độc rồi mới rơi ra. Dùng xong ngâm cục nọc vào rượu trong 30 phút rồi đem phơi khô, lau chùi sạch để dùng lần khác.

Từ khóa » Dinh Răn