Nhiều Giải Pháp Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu - Tỉnh Bắc Kạn

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư Govina (Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới)

Trên cơ sở đánh giá toàn diện về thị trường cũng như phân tích đánh giá mức độ cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu hàng hóa, UBND tỉnh Bắc Kạn mới đây đã ban hành Kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch này đã đưa ra hàng loạt các giải pháp phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu như chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm xuất khẩu, tổ chức nguồn hàng cho xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống thông tin, truyền thông và nâng cao hiểu biết về ưu đãi thương mại từ các FTA, công tác dự báo thị trường…

Trong những giải pháp này, chiến lược phát triển thị trường và mặt hàng có lợi thế so sánh của tỉnh cũng đã được đặt ra khá cụ thể.

Theo đó, thời gian tới, đối với thị trường Châu Mỹ, Bắc Kạn tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Mỹ, đồng thời tận dụng có hiệu quả lộ trình cắt giảm thuế quan theo tinh thần Hiệp định CPTPP để mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường khác như Ca-na-đa và các thị trường các nước Nam Mỹ. Về mặt hàng hóa, tập trung xuất khẩu những nhóm hàng có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh như mặt hàng gỗ, nông sản chế biến.

Đối với thị trường Châu Âu, là thị trường có dung lượng lớn, Hiệp định tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định tự do Việt Nam - Liên Minh kinh tế Á - Âu (EAEU) với trên 90% số dòng thuế được cắt giảm sẽ là cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Do vậy, Bắc Kạn sẽ duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Séc, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các nhóm mặt hàng nông sản chế biến, may mặc...

Còn về thị trường Trung Quốc, tỉnh tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm dần nhập siêu, giảm xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô, tăng cường xuất khẩu mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu đầu vào xuất xứ trong nước. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng khoáng sản, nông sản chế biến, đồ gỗ, dược liệu...

Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi từ các FTA đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông sản chế biến, hoa quả sấy, dược liệu...

Để phát triển mặt hàng có lợi thế so sánh, Bắc Kạn phấn đấu đưa nhóm hàng công nghiệp chế biến trở thành động lực của xuất khẩu hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng. Cụ thể, đối với trục sản phẩm quốc gia, tập trung phát triển 2 nhóm sản phẩm là gỗ, chế biến gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần…) và dược liệu (tinh dầu hồi, quýt, quế, giảo cổ lam,...). Trục sản phẩm địa phương tập trung phát triển các nhóm sản phẩm miến dong, quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam quýt, hồng, mận, mơ và chuối; chè; các sản phẩm từ nghệ (tinh bột, Curcumin). Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu, tập trung phát triển các nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị cao như: Rau, củ, quả; gạo; các sản phẩm khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat,...).

Các sở, ban, ngành, đơn vị, hội, hiệp hội ngành hàng của tỉnh được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm, dự kiến kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh giao và hỗ trợ của ngân sách Trung ương, nguồn tài trợ huy động kinh phí xã hội hóa, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai toàn bộ Chiến lược này, nhanh chóng tăng trưởng xuất khẩu, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 10%/năm trở lên và đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 20 triệu USD trở lên./.

Từ khóa » Giải Pháp Mở Rộng Thị Trường