Nhiều Người Bệnh Hoang Tưởng ảo Giác - Tuổi Trẻ Online

fZE3MHG1.jpgPhóng to

Hoang tưởng ảo giác là một dạng triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Đây là bệnh nội sinh nhưng có người vẫn còn lầm lẫn cho rằng đây là bệnh mắc phải do stress, do yếu tố môi trường, do chấn thương.

Tưởng bị hại

Đầu tháng 12-2011, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ nhận được điện thoại của một bạn đọc có tên Đ.C.T.. Qua điện thoại, anh T. phản ảnh anh không bị tâm thần nhưng hai năm nay bị gia đình đưa vào khoa tâm thần Bệnh viện 175

(TP.HCM) điều trị vì cho rằng anh tâm thần. Theo anh T., em gái anh đưa anh vào bệnh viện vì tranh chấp nhà. Ngày 9-12, trả lời phản ảnh của anh T., đại tá bác sĩ Nguyễn Văn Hường - chủ nhiệm khoa nội tâm thần - khẳng định anh T. (44 tuổi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) bị bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid (hoang tưởng ảo giác). Anh đã vào Bệnh viện 175 điều trị nhiều lần trong hai năm qua. Trước khi đến bệnh viện điều trị, anh có thời gian dài 12 năm điều trị bệnh hoang tưởng ảo giác tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai). Người đưa anh T. vào bệnh viện điều trị là mẹ ruột. Mẹ anh T. thường đón anh về nhà nhưng được mấy ngày anh lại bỏ nhà đi lang thang và có hành vi gây nguy hiểm cho người khác nên mẹ anh lại phải đưa trở lại nhập viện điều trị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, mẹ anh T. là bà Đ.T.H.L. cho biết năm 18 tuổi anh chỉ đậu dự bị đại học. Khi thấy một số bạn bè học kém hơn nhưng lại đậu đại học, anh T. bắt đầu có biểu hiện phát bệnh tâm thần từ đó đến nay. Bà L. xác nhận anh T. điều trị hơn mười năm tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Bà L. chỉ có hai người con trai. Em trai của anh T. đã có gia đình và ở riêng. Trong gia đình không có ai tranh chấp nhà cửa với anh T..

Không được uống rượu - bia, thức đêm...

Ngoài điều trị bằng thuốc, yếu tố gia đình rất quan trọng trong việc chăm sóc, nhắc nhở bệnh nhân tự giác uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Bệnh nhân có thể làm việc nhưng không được làm việc nặng nhọc, thức đêm. Tuyệt đối không uống rượu, bia, hút thuốc lá. Với trà, cà phê có thể dùng chừng mực. Việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân như lao động nhẹ, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, điều độ trong sinh hoạt giúp ổn định 50% tình trạng bệnh. Cần lưu ý việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá, stress, yếu tố môi trường, tình trạng gia đình (người thân bị mất, bản thân ly thân, ly hôn...) là các yếu tố thúc đẩy chứ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng ảo giác.

Chúng tôi cũng đã trò chuyện với anh T. gần một giờ tại bệnh viện. Có những lúc anh nói chuyện rất tỉnh táo, lưu loát và đề nghị báo can thiệp đưa anh đi giám định tâm thần. Tuy nhiên, anh cũng có nhiều biểu hiện không bình thường trong tư duy và ngôn ngữ. Ví dụ anh kể đã nghiên cứu và chế tạo thành công xe hơi điện. Khi chúng tôi hỏi chiếc xe này anh để ở đâu, lúc đầu anh bảo để ở nhà một người bạn, nhưng sau đó bảo đã bán xe này cho một công ty sữa với giá 400 triệu đồng. Tiền bán xe để đâu? Trả lời câu hỏi này anh T. bảo: “Tiền đâu có mang theo. Mang theo bị cướp hết thì sao?”.

Khi chúng tôi hỏi anh có đang nghiên cứu, phát minh gì không thì anh trả lời: “Phát minh làm cái gì, cái ông Thomas Edison phát minh ra bóng đèn điện về già không có vợ không có bạn”! Anh còn nói về mẹ mình là “bà già tôi bả tham lam lắm”!

860.000 người mắc bệnh

Nói về bệnh hoang tưởng ảo giác, đại tá bác sĩ Nguyễn Văn Hường cho biết bệnh thường xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi 15-25, bất cứ ai cũng có thể mắc phải, tỉ lệ nam-nữ mắc bệnh như nhau. Tỉ lệ mắc bệnh là 1% ở mọi quốc gia. Nguyên nhân bệnh do những biến đổi, khiếm khuyết về rối loạn chuyển hóa của tế bào não, rối loạn chức năng hoạt động của não và chưa một xét nghiệm nào có thể phát hiện được.

Khi mắc bệnh, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn giấc ngủ (có khi không có rối loạn) như mất ngủ, khó ngủ, không ngủ, đảo giấc (ngày ngủ đêm thức); rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc. Ví dụ như cảm giác hai chiều vừa yêu vừa ghét hay cảm xúc trái ngược là người thân thì rất ghét, căm thù nhưng người dưng lại tin yêu; đi dự đám ma thì cười nhưng đi đám cưới lại khóc.

Bệnh nhân còn có các triệu chứng điển hình như đi lang thang, nhặt rác, tích trữ các vật dụng bỏ đi, cười một mình; có dấu hiệu đáng quan tâm nhất mà bác sĩ thường ghi chẩn đoán là “ảo thanh bình phẩm”. Tức là bệnh nhân thường nghe có tiếng nói chuyện trong đầu, hoặc tiếng nói trong bụng phát ra. Có khi là tiếng nói xấu hoặc khen bệnh nhân, có khi phân tích, nhận xét những hành vi, suy nghĩ của bệnh nhân. Thậm chí tiếng nói đó ra lệnh, bắt bệnh nhân làm theo việc này việc khác. Trong đầu bệnh nhân lúc nào cũng có tiếng đó.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện hoang tưởng ma nhập, người chết nhập vào, luôn có cảm giác bị theo dõi, bị hại, bị bắt, bị giết, bị bệnh. Có người lại có hoang tưởng phát minh, nghiên cứu sáng chế... Tuy nhiên, bác sĩ Hường cho biết thực tế rất nhiều bệnh nhân tuy mắc bệnh hoang tưởng ảo giác nhưng nói năng lưu loát, trí nhớ tốt, thậm chí nhớ tốt hơn người bình thường.

Hoang tưởng ảo giác có từng đợt, lúc có lúc không và đặc biệt có tính thu hẹp, thụ động trong hoạt động và suy nghĩ. Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm dễ chẩn đoán nhầm. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào việc nói chuyện với bệnh nhân để họ bộc lộ ra, chứ không có xét nghiệm hay chẩn đoán cận lâm sàng nào có thể tìm ra bệnh.

Về điều trị, bác sĩ Hường cho biết hiện nay có nhiều thuốc tốt và ít tác dụng phụ. Việc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt 5-7% số ca mắc bệnh. 93-95% bệnh nhân còn lại gần như mắc bệnh suốt đời, nhưng trong số này nếu bệnh nhân được điều trị tốt thì 60-70% sống gần như bình thường, không ai biết họ có bệnh. Yếu tố để bệnh nhân ổn định bệnh tốt nhất là chính người bệnh nhận thức được bệnh của mình.

Từ khóa » Cách Chữa Bệnh Hoang Tưởng ảo Giác