Nhiều Người Khoe Mua đồ Bằng Tiền ảo Pi - VnExpress

Nguyễn Tâm (Hà Nội) cho biết anh mua một laptop cũ và thanh toán bằng Pi hôm 15/7 tại một cửa hàng máy tính ở Hà Nội. Thiết bị này trên thị trường có giá vài triệu đồng, được anh mua bằng cách chuyển 200 Pi cho người bán.

Nguyễn Lương, chủ một cửa hàng điện tử tại Hà Nội, khẳng định bắt đầu nhận bán laptop bằng Pi. Số Pi dùng để thanh toán cho sản phẩm tùy thuộc vào sự đồng thuận giữa anh với người mua. "Đến nay đã có gần chục người tìm đến để mua theo cách trên. Tôi chấp nhận mang hàng hóa ra trao đổi trong giai đoạn này", anh nói.

Trên các cộng đồng Pi Network tại Việt Nam, loạt bài viết chia sẻ về giao dịch bằng Pi xuất hiện nhiều tuần qua kể từ khi Pi Network vào giai đoạn chạy mạng chính thức và cho giao dịch từ ngày 13/7. Nhiều người cho biết đã mua bán thiết bị điện tử, thực phẩm... bằng Pi, hoặc trao đổi Pi với giá gần 1 USD.

Theo Phiên Võ, quản trị viên cộng đồng Pi Network Việt Nam, những người đã KYC (xác thực danh tính), có số dư trong tài khoản có thể chuyển Pi cho nhau qua ví chứa Pi trên ứng dụng. Trong sách trắng dự án, đây là giai đoạn "mainnet kín", tức người dùng có thể đổi hàng hóa và Pi cho nhau. Trong khi "mainnet mở" là người dùng có thể trao đổi với các loại tiền tệ khác.

"Theo quy định dự án đưa ra, người sở hữu Pi hiện chỉ có thể trao đổi hàng hóa và dịch vụ, chưa cho phép đổi sang tiền tệ khác. Tuy nhiên, khi Pi đã có thể chuyển giữa các tài khoản với nhau, cách sử dụng là tùy nhu cầu người dùng", ông Phiên nhận định.

Một giao dịch bằng đồng Pi được người dùng đăng trên cộng đồng.

Một giao dịch bằng đồng Pi được người dùng đăng trên cộng đồng.

Việc trao đổi hàng hóa bằng Pi diễn ra dựa trên "giá đồng thuận", tức hai bên tự thỏa thuận với nhau. Trên các hội nhóm đào Pi, các bài viết về việc dùng tiền ảo này để thanh toán thu hút hàng trăm lượt thảo luận, phần lớn là về cách định giá đồng tiền ảo.

Một quản trị viên diễn đàn cho biết dự án chưa có bất cứ quy định nào về mức giá. Điều này dẫn đến việc một số người đưa ra giá hàng chục nghìn USD cho đồng Pi. Ví dụ, một người nhận là chủ vườn lan đột biến tại Việt Nam khẳng định Pi có giá 10.000 USD. Anh này rao bán một cây "lan đột biến" với giá 20.000 USD hoặc người mua có thể thanh toán bằng 2,1 Pi.

Rủi ro khi mua bán bằng Pi

Việc sử dụng tiền ảo để thanh toán là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tại Hội nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số cuối năm ngoái, ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi trái pháp luật.

Theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP bổ sung cho nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, các phương tiện thanh toán có thể sử dụng gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương thức thanh toán không có trong danh sách trên sẽ không hợp pháp tại Việt Nam.

Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cập nhật năm 2021 cũng nêu rõ, những người "phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự" sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, quản trị viên một cộng đồng trao đổi Pi tại Việt Nam cho biết, có tình trạng giả vờ rao bán hàng hóa bằng Pi, nhưng thực chất để quảng cáo sản phẩm, hoặc lừa chiếm Pi của người khác. "Có nhiều bài rao những món có giá trị cao và nhận thanh toán Pi, nhưng khi có người hỏi mua bằng Pi thì họ không bán. Một số yêu cầu chuyển Pi trước nhưng sau đó chặn liên hệ", người này cho biết.

Pi Network rộ lên từ năm 2019, được quảng cáo là "sở hữu tiền ảo mà không mất gì". Người dùng sau khi tải ứng dụng, mỗi ngày sẽ vào bấm điểm danh, sao đó số đồng Pi trên ứng dụng tự động tăng. Ứng dụng từng nhiều lần nằm trong danh sách tải nhiều tại Việt Nam. Theo công bố hồi cuối tháng 6, dự án có hơn 35 triệu người dùng trên toàn cầu.

Trong khi đó, giới chuyên gia lo ngại dự án không mang lại giá trị, khiến người dùng tốn công sức và có thể gây rò rỉ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, Pi thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain khi không công khai mã nguồn, còn ứng dụng smartphone yêu cầu nhiều quyền truy cập danh bạ của người dùng.

Lưu Quý

  • Người 'đào' Pi lại được yêu cầu chờ 14 ngày
  • Người 'đào' Pi hồi hộp chờ tiền ảo có giá
  • Người Việt rục rịch đào tiền ảo Pi trở lại
  • Chi trăm triệu đồng mua máy 'đào' tiền ảo Pi

Từ khóa » đồng Pi Vnexpress