Tại Sao Nhiều Người Việt Tin Tiền ảo Pi - VnExpress

Nhiều điểm mập mờ của dự án Pi Network đã được các chuyên gia công nghệ chỉ ra, như thiếu tính minh bạch của một dự án Blockchain do mã nguồn đóng, dễ bị chi phối bởi người quản trị và đặc biệt là rủi ro mất thông tin cá nhân. Tuy nhiên, lượng người tham gia Pi vẫn tăng, khi đồng tiền này phát triển cộng đồng theo mô hình "rủ người khác vào mạng lưới" để nhận được nhiều Pi hơn.

Bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia công nghệ, lượng người tham gia các hội nhóm về tiền ảo Pi tại Việt Nam chưa có xu hướng giảm.

"Có mất gì đâu mà không chơi" là câu trả lời của nhiều người. Thực tế, ứng dụng Pi Network được cung cấp miễn phí trên hai nền tảng iOS và Android. Để sử dụng, người dùng tải về, đăng ký tài khoản bằng số điện thoại hoặc Facebook cá nhân, sau đó tài khoản Pi trong máy sẽ bắt đầu tăng theo thời gian. Tháng 2/2021, người mới tham gia có thể nhận 0,1 Pi mỗi giờ.

Nếu muốn tăng tốc độ đào, người chơi chỉ có cách mời thêm những người khác cùng tham gia mạng lưới. Đồng thời sẽ phải tuân thủ quy định cứ mỗi 24h phải vào ứng dụng để "điểm danh" một lần.

"Người dùng chắc chắn sẽ mất thông tin cá nhân, như họ tên, số điện thoại; mất thời gian; mất tài nguyên của điện thoại; mất công sức để lôi kéo người khác và có thể mất thêm thông tin khác trong máy", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, chuyên gia Blockchain nhận định.

Tài khoản trên ứng dụng Pi sẽ tự động tăng sau khi đăng ký thành công.

Tài khoản trên ứng dụng Pi sẽ tự động tăng sau khi đăng ký thành công.

Thông tin cá nhân vốn đã mất từ lâu. "Tôi dùng smartphone, mạng xã hội vốn dĩ đã phải cung cấp mọi thông tin này. Cung cấp cho Pi cũng chẳng sao" người dùng có tên An Nhiên chia sẻ. Nhiều người cùng chung suy nghĩ với Nhiên.

Các chuyên gia bảo mật cho rằng đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ này. Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an toàn thông tin, khuyên người chơi Pi nên cẩn trọng khi cài Pi Network. "Quyền và thông tin mà Pi Network yêu cầu, tiềm ẩn khả năng lấy thông tin người dùng và dính mã độc. Khi đó hậu quả sẽ rất khó lường", ông Hiếu nói. Theo chuyên gia này, chỉ nên cài ứng dụng nếu chúng thực sự cần thiết và có nguồn gốc rõ ràng. Ông Hiếu cho biết sẽ đưa website của Pi Network vào blacklist của tiện ích Chống lừa đảo vì dự án này có nhiều điều mập mờ, không mở mã nguồn.

"Đồng Pi được tạo ra bởi một tiến sĩ đang làm việc tại Đại học Stanford". Thời gian qua, "Tiến sĩ Nicolas Kokkalis" liên tục được đưa ra để minh chứng cho độ tin cậy của Pi. Người này xuất hiện trong danh sách đội ngũ sáng lập với vai trò Giám đốc Công nghệ. Một bài báo về Nicolas Kokkalis cùng dự án Pi được đăng tải trên trang Stanforddaily được nhiều người sử dụng để kêu gọi tham gia Pi Network với lý lẽ "trường Stanford cũng viết về dự án này".

Những người am hiểu về tiền điện tử đều nghi ngờ về vai trò của Tiến sĩ Nicolas Kokkalis với dự án Pi.

Trang LinkedIn của Tiến sĩ Nicolas Kokkalis.

Trang LinkedIn của Tiến sĩ Nicolas Kokkalis.

Hồ sơ của Nicolas Kokkalis tại trường Stanford cũng như trang LinkedIn liệt kê nhiều dự án mà ông tham gia, nhưng không nhắc đến Pi. Nhiều trang cá nhân mang tên Nicolas Kokkalis xuất hiện trên Twitter được cho là của tiến sĩ này nhưng đã ngừng cập nhật từ nhiều tháng nay. Nicolas Kokkalis cũng xuất hiện trong 3 video trên kênh YouTube của Pi Network.

"Việc này khá bất thường. Trong hầu hết dự án về tiền điện tử, uy tín của người sáng lập cao hơn cả uy tín của dự án. Những người sáng lập thường phải hoạt động tích cực trên các mạng xã hội để công bố các thông tin quan trọng và để tránh bị mạo danh. Tuy nhiên, Nicolas Kokkalis lại không làm vậy với Pi", Anh Thái, một người có 3 năm kinh nghiệm đầu tư tiền điện tử nhận xét.

Ngoài ra, trang Stanforddaily là một trang tin do sinh viên trường lập ra, không phải trang chính thức của trường đại học Stanford.

"Pi sẽ có giá trị như Bitcoin".

Pi du nhập vào Việt Nam từ năm 2019, nhưng chỉ nổi vài tháng trở lại đây, khi các đồng tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum tăng giá lên hàng chục nghìn USD. Trong các hội nhóm của người "đào" Pi, Bitcoin và Ethereum là minh chứng cho giá trị của tiền điện tử. Admin của các nhóm này thường nhắc lại thực tế vào năm 2008, Bitcoin ra đời cũng bị nghi ngờ và nay giá trị của đồng này đã lên hơn một tỷ đồng.

"Thấy mọi người nói cuối năm nay sẽ có thể bán được Pi lấy tiền, nên mỗi ngày tôi vẫn vào ứng dụng để "đào" Pi và rủ bạn bè cùng chơi", Thế Bách, một công nhân đang làm việc tại Bình Dương chia sẻ. Anh Bách cho biết đã bắt đầu "đào" khoảng 2 tháng và sở hữu gần 1.000 đồng Pi trong ứng dụng. "Sau này, mỗi Pi có giá chỉ 1 USD thôi, tôi cũng sẽ có vài nghìn USD", anh nói.

Thời điểm "có thể bán Pi lấy tiền" là khi dự án bước vào giai đoạn MainNet, tức là hoạt động chính thức. Tuy nhiên, sách trắng của Pi Network chưa đưa ra thời gian cụ thể cho giai đoạn này, dù nền tảng đã xây dựng được 2 năm.

Hiện nay, giá trị của đồng Pi vẫn bằng 0 và cũng chưa thể giao dịch được vì không có địa chỉ ví hay khóa bí mật - những yếu tố cần thiết với một đồng tiền điện tử.

Theo chuyên gia Đặng Minh Tuấn, do tiền Pi chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị hệ thống có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy thích. "Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì", ông Tuấn nói.

Hiện nay, tiền ảo Pi được quan tâm nhiều nhất Việt Nam. Trên kho ứng dụng iOS và Android, ứng dụng Pi Network nằm trong top được tải về nhiều nhất. Trang fanpage của Pi Network vừa công bố đạt 13 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Lưu Quý

  • Người Việt mất 20 nghìn tỷ đồng vì virus máy tính
  • Người Việt săn lùng tiền ảo Pi
  • Bill Gates gọi tiền điện tử là phát minh thừa thãi
  • Elon Musk muốn phát hành tiền ảo để thanh toán trên Sao Hỏa
  • Thợ đào tiền ảo và 'cú sốc' Bitcoin

Từ khóa » đồng Pi Vnexpress