Nhìn Lại Nền Kinh Tế Thế Giới Trong Năm 2021 Và Những Dự Báo Cho ...

Đến năm 2022, thiệt hại về thu nhập bình quân đầu người của năm trước đó sẽ xảy ra ở 2/3 các nước EMDE. Triển vọng toàn cầu vẫn chịu rủi ro đáng kể, bao gồm khả năng có thêm làn sóng dịch mới và căng thẳng tài chính trong bối cảnh mức nợ của các nước EMDE cao. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cân bằng giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi trong khi cần bảo đảm ổn định giá cả và hệ thống tài khóa bền vững, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy cải cách nâng cao tăng trưởng.

Tổng quan nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cho biết, dù mức dự báo giảm chung chỉ là 0,1% nhưng đối với một số nước, mức dự báo tăng trưởng giảm mạnh hơn. Cụ thể, tác động hiện nay của đại dịch Covid-19 và thất bại trong việc phân phối vaccine trên thế giới đang ngày càng làm gia tăng sự chênh lệch về kinh tế và gây ra triển vọng không mấy sáng sủa tại các nước đang phát triển.

Hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị đình trệ vì các vấn đề trong chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu các thành phần quan trọng như thiết bị bán dẫn, cũng như việc các cảng biển đóng cửa, thiếu xe chở hàng, thiếu nhân công vì các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch. Sự bất cân bằng cung - cầu đã khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên cao. IMF dự báo lạm phát sẽ trở lại mức trước khi bùng phát dịch vào năm 2022, song cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các dự báo về lạm phát.

Nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở giai đoạn khó khăn, với kết quả tăng trưởng không đồng đều về độ lớn của cung và cầu trong nước và thị trường lao động trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% và tình trạng thiếu lao động đang diễn ra ở một số ngành báo hiệu sự thắt chặt của thị trường lao động thì tăng trưởng việc làm nói chung đã bị kìm hãm trong những tháng gần đây.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ vẫn mạnh, nhưng xuất hiện sự xói mòn trong niềm tin của người tiêu dùng, điều này có thể làm giảm nhu cầu trong nước. Hai dự luật lớn về chi tiêu công được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đều có mục tiêu nhằm nâng cao năng suất trong dài hạn, đồng thời thúc đẩy cầu và gây áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn.

Tại châu Á, động lực tăng trưởng của Trung Quốc đã suy yếu khi Chính phủ nước này nỗ lực giải quyết tình trạng mất cân bằng lâu dài trong nền kinh tế, ngay cả khi nước này đang đối phó với những tác động khó lường của tình trạng thiếu năng lượng và những đợt bùng phát dịch quy mô nhỏ. Chiến dịch xóa nợ và siết chặt đầu cơ trên thị trường nhà ở đã làm giảm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vốn đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Việc Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cho phép một số tập đoàn và công ty bất động sản đóng cửa do vỡ nợ là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh mong muốn tăng cường kiểm soát thị trường này, ngay cả khi phải trả giá bằng sự biến động ngắn hạn trên thị trường tài chính. Mặc dù khó có khả năng xảy ra sự cố tài chính, nhưng việc thiếu rõ ràng về ý định của Chính phủ đối với doanh nghiệp tư nhân có thể đóng vai trò là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Hầu như tất cả các chỉ số đều cho thấy nhu cầu trong nước đang yếu đi, đặc biệt khi tình trạng thiếu năng lượng làm ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp.

Nền kinh tế EU đã lấy lại mức sản lượng trước đại dịch trong quý 3 năm nay và chuyển từ phục hồi sang mở rộng. Nhu cầu trong khu vực tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng này. Những cải thiện trên thị trường lao động và dự kiến giảm tiết kiệm sẽ góp phần duy trì tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng. Việc sử dụng Quỹ Cơ sở phục hồi và chống đỡ (RRF) cũng bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư công và tư nhân.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của EU đang đối mặt với những cơn gió ngược chiều mới. Sự tắc nghẽn và gián đoạn nguồn cung toàn cầu đang đè nặng lên hoạt động của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất có tính hội nhập cao của EU. Hơn nữa, sau khi giảm mạnh vào năm 2020, giá năng lượng đặc biệt là khí đốt tự nhiên đã tăng với tốc độ hỗn loạn trong thời gian qua và hiện cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Điều này gây ảnh hưởng đến việc cân nhắc giữa tiêu dùng và đầu tư.

Thương mại toàn cầu gặp khủng hoảng nghiêm trọng do việc nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu bị đứt đoạn khi đại dịch chưa được kiểm soát. Hệ lụy của nó là việc giá hàng hóa tăng cao trong thời gian dài. Do thiếu không gian tài chính, cụ thể là không có khả năng phát hành thêm nợ, năng lực của các Chính phủ ở những nước đang phát triển chuyên về xuất khẩu hàng hóa là tương đối hạn chế và điều này có thể góp phần làm suy giảm tổng cầu và làm gia tăng nghèo đói.

Giờ đây, ngân hàng trung ương ở nhiều nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ khi đối mặt với lạm phát gia tăng và các Chính phủ sử dụng chính sách hỗ trợ tài khóa bất thường đặc biệt là sau khi mức nợ công tăng mạnh như ở Bolivia, Paraguay, Sudan, Zambia. Nợ công vẫn được dự báo sẽ duy trì trên mức trước đại dịch trong khoảng vài năm tới. Mức nợ tăng cao có thể sẽ hạn chế khả năng của các Chính phủ trong việc giải quyết các hậu quả lâu dài của đại dịch khi phục hồi kinh tế đạt được lực kéo.

Giá cả của một số mặt hàng đã được phục hồi, mang lại hy vọng về tăng trưởng thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở các nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên. Giá của một số mặt hàng chẳng hạn như dầu, đồng, gỗ xẻ và ngô đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Chỉ số hàng hóa theo tổng hợp của hãng tin Bloomberg cho thấy giá cả đã tăng 66% kể từ tháng 4/2020; Chỉ số giá toàn cầu của tất cả hàng hóa do IMF thống kê cho thấy giá gần với mức cao nhất mọi thời đại.

Có những lý do để tin rằng giá hàng hóa tăng cao có thể sẽ còn kéo dài. Các điều khoản thương mại hàng hóa - tỷ lệ giữa giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia - đã gần với mức cao nhất kể từ những năm 2000 (đối với một số quốc gia ở châu Phi và Mỹ Latinh). Tại Peru, các điều khoản thương mại hàng hóa hiện đang thuận lợi nhất kể từ năm 1980 do giá đồng và các kim loại khác tăng ở mức kỷ lục.

Tình trạng nghèo đói cùng cực vẫn chưa thể chấm dứt

Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trên diện rộng, dẫn đến sự nghèo đói ra tăng trên toàn cầu lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua. Số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực ở mức 1,9 USD/ngày trên toàn cầu ước tính đã tăng 10% trong năm 2020 và vẫn ở mức cao nhất trong gần một thập kỷ.

Trước đại dịch, tình trạng nghèo đói được dự báo sẽ giảm 2% trên toàn cầu, theo tốc độ giảm chậm kể từ năm 2014. Kể từ khi đại dịch diễn ra, con đường để chấm dứt nghèo đói cùng cực vào năm 2030 như đã được đề ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững 1.1 (đến năm 2030, xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực ở trên toàn cầu, hiện được tính là những người sống dưới mức 1,9 USD/ngày) càng trở nên mấp mô, quanh co hơn. Các nền kinh tế quốc đảo được Cabo Verde, Jamaica, Madagascar ghi nhận sự gia tăng cả về số lượng và tỉ lệ dân số nghèo, một số nền kinh tế không giáp biển như Chad, Ethiopia, Uganda cũng gặp tình trạng tương tự.

Cùng với việc thế giới khó có khả năng đạt được Mục tiêu số 1 của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, việc giảm thiểu thảm kịch do đại dịch gây ra sẽ đòi hỏi phải tăng tốc hơn nữa trong việc xóa đói, giảm nghèo. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay được dự báo chỉ có thể cải thiện tình trạng này với tốc độ chậm và điều này còn phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng ngắn hạn khi các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức, bất ổn và rủi ro to lớn ở phía trước.

Trên thế giới có sự không đồng nhất đáng kể về số lượng người nghèo cùng cực, con số này đang gia tăng ở một số khu vực chẳng hạn như châu Phi. Mức độ đói nghèo trên toàn cầu gia tăng lâu dài sẽ có những tác động bất lợi trong cuộc chiến chống lại đại dịch và các biến chủng của nó vì nghèo đói được cho là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với việc mắc phải và chống chọi với bệnh tật trên toàn thế giới. Tỷ lệ nghèo đói cao cũng gây ra những rủi ro lớn đối với sự ổn định trong nước, do tình trạng mất an ninh gia tăng. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến tình trạng thiếu lao động do việc di cư đến những nơi có điều kiện sống tốt hơn của người dân.

Những tín hiệu kinh tế cho những năm tới

Nếu giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cùng với các yếu tố ngoại tác có thể có đối với các lĩnh vực khác, bao gồm cả một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch thì sản xuất hàng hóa có thể tăng trưởng một lần nữa và thu hút lao động, tiền lương tăng. Các lĩnh vực có cường độ lao động cao hơn, chẳng hạn như nông nghiệp và khoáng sản thường được hưởng lợi tương đối nhiều từ các cú sốc giá, trái ngược với lĩnh vực sản xuất năng lượng và hydrocacbon, vốn thường sử dụng nhiều lao động có kỹ thuật cao và công nghệ thâm dụng vốn.

Lãi suất thấp, tiết kiệm dư thừa, các nền kinh tế phát triển áp dụng chính sách kích thích tài khóa và nhu cầu bị dồn nén sau thời gian phong tỏa kéo dài đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phát triển, điều này sẽ hỗ trợ giá hàng hóa. Nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc như nhôm và ngô đã tăng đáng kể trong năm nay, góp phần làm cho chỉ số giá hàng hóa tăng cao.

Hơn nữa, các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn những năm gần đây trong bối cảnh đầu tư kinh doanh tăng lên vào vốn hiện vật và các dự án cơ sở hạ tầng kéo dài nhiều năm của các Chính phủ như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, cùng một số quốc gia khác. Việc đầu tư như vậy sẽ tiêu tốn một lượng lớn nguyên liệu thô.

Đầu tư vào công nghệ carbon thấp cũng có thể là nền tảng hỗ trợ cho sự bùng nổ của một số mặt hàng nhất định bằng cách thúc đẩy tiêu thụ kim loại và khoáng chất. Ô tô điện cần lượng khoáng chất đầu vào nhiều gấp 6 lần so với ô tô thông thường và các nhà máy năng lượng gió chứa lượng khoáng chất nhiều hơn 9 lần so với các nhà máy điện khí đốt. Để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhu cầu Lithium dự kiến sẽ tăng hơn 40 lần vào năm 2040, nhu cầu về than chì, Coban và Niken sẽ tăng 20-25 lần và nhu cầu về đồng ước tính tăng hơn gấp đôi. Giá Lithium hiện cao gấp 3 lần so với đầu năm và giá Coban đã tăng gấp đôi. Việc chuyển sang chế độ không phát thải ròng toàn cầu có thể mang lại khoản thu 13 nghìn tỷ USD cho các nhà sản xuất đồng, Niken, Coban và Lithium trong 2 thập kỷ tới.

Hạn chế về nguồn cung có thể tiếp tục góp phần làm cho giá hàng hóa cao trong thời gian dài hơn. Giá khí đốt tự nhiên và giá than đã đạt ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu điện năng tăng trở lại. Điều này gián tiếp tác động đến sản xuất các mặt hàng khác, bao gồm phân bón và một số kim loại. Giá có thể tăng đột biến trong thời gian tới do lượng hàng tồn kho rất thấp và các nguồn cung bị tắc nghẽn liên tục.

Với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết bất lợi như nhiệt độ cao vào mùa hè, hạn hán và lũ lụt sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều thị trường hàng hóa, làm tăng nhu cầu điện năng vào mùa hè tới và làm giảm nguồn cung một số mặt hàng nông nghiệp, thủy điện, kim loại và than.

Hồng Nhung biên dịch

Từ khóa » Toàn Cảnh Kinh Tế Thế Giới 2021