Nhớ Cá Khoai Nấu Mẳn Mẹ Nấu

(Tổ Quốc)- Thuở còn để chỏm tôi đã được ăn món quà sáng khá ngon lành mà chỉ khi lớn lên tôi mới nhớ rõ tên món đó, đó là món cá khoai nấu mẳn. Mặc dù xa quê hơn 40 năm nhưng thứ quà sáng này luôn nhắc tôi nhớ về miền duyên hải quê tôi, nơi sông sâu nước chảy, tôm cá dồi dào.

Mỗi dịp Tết đến xuân về tôi lại háo hức nhìn dãy hàng đáy giăng giăng qua con sông lớn như gợi trong tôi tuổi thơ vất vả nhưng rất hồn nhiên với rất nhiều kỷ niệm. Xứ tôi hầu như làng xóm đều tập trung ở ven sông, không ai có đất đai rộng lớn mà mỗi nhà đều cố gắng cấm một miệng đáy để làm kế sinh nhai, sau này dân số tăng cao nên địa phương thu xếp nhiều hộ đóng cùng một hàng đáy từ 5,7 miệng đến hơn chục miệng tùy theo bề rộng của con sông. Xóm hàng đáy được đặt tên theo những gì đặt trưng nơi đây, xóm tôi được đặt là hàng đáy 12 vì có 12 chủ đóng cùng hàng đáy luân phiến nhau. Dù không có văn bảng phân chia nhưng 12 gia đình sống rất hòa thuận, lợi nhuận chia đều, lao động ngang nhau. Xóm hàng đáy đã hình thành hơn 50 năm, những người đầu tiên gầy dựng giờ kẻ còn người mất nhưng cái thâm tình vẫn nguyên vẹn đến bây giờ. Một số hộ đã chuyển nghề, con cháu “lên bờ” lập nghiệp nhưng mỗi khi nhà ai có giỗ oải, đám tiệc thì tề tuệ đông đủ. Người già ôn chuyện xưa, thanh niên thì bàn chuyện làm ăn, nói chuyện học hành của con cái.

Bất kể đám tiệc gì, buổi đầu tiên thường hay nhóm họ má tôi lại nấu nồi canh cá khoai thật nhiều mặc dù thức ăn ê hề nhưng món cá khoai nấu mẳn luôn được mọi người ưu thích. Đặc biệt là đêm giao thừa bao giờ cũng có nồi cá khoai nấu mẳn. Má tôi kể: Hồi xưa ít có đồ ăn để sẵn như bây giờ, mấy người đàn ông đi đóng đáy nước khuya đói bụng chỉ ăn cơm, món cá khoai nấu mẳn dể ăn vì vị ngọt và thơm của cá, không cần thêm món khác chỉ cần chén nước mắm ngon dầm ớt với nồi canh cá khoai nóng hổi là ai nấy ăn đổ mồ hôi hột.

Tôi lớn lên đã rời quê ra thành thị nhưng hương vị cá khoai nấu mẳn cứ làm tôi thèm thuồng mỗi lần nhớ lại. Tôi liền ra chợ mua vài con cá khoai về nấu nhưng khi ăn không giống cá khoai má nấu ở nhà, cá qua ướp nước đá mất vị ngọt, thịt không còn độ dính như cá tươi, nước sôi lên là rã ra không còn thấy khúc cá trong ngần nhìn thấu xương trắng mềm của cá. Lúc về quê tôi chuẩn bị mấy thứ như rau cần tàu, cà chua, hành lá, tiêu, tỏi, ớt. Gần đến giờ đổ đụt (kéo đáy lên thu hoạch cá tôm) má tôi bắt xoong nước lên sẳn, khi cá được đem từ liếp lượm vô còn nhảy soi sói là mổ bụng làm sạch ruột, cắt làm 2 làm 3 khúc để đó. Nước sôi nêm đường, bột ngọt trước rồi bỏ cà chua, rau cần, hành lá và cá cho vào một lượt vì cá rất mau chín. Nếm lại nếu nhạt thì thêm nước mắm ngon, cá khoai thịt nó mặn nên khoan hãy nêm trước.

Nếu làm siêng thì phi một chút mỡ lợn, tỏi bỏ vô cho thơm còn ai sợ béo thì chỉ bấy nhiêu thứ đó thôi đã cho ta hương vị tuyệt vời của nồi canh mẳn với đặc sản cá khoai.

Một lần tôi dẫn khách thành phố về nhà, má tôi nấu canh mẳn cá khoai, bạn tôi từ tốn dẽ từng miếng nhỏ, cả mâm nhìn anh ta cười tủm tỉm. Tôi bảo: ăn như thế không phải dân xứ biển rồi! Cá khoai nấu mẳn phải gắp nguyên khúc bỏ vô miệng rồi dùng đũa tuốt cái xương ra chứ ai dẽ manh múng làm sao gắp được, bạn tôi làm theo và cứ gật gù “Quá ngon!”

Nếu 4 người ăn phải nấu khoảng 3kg cá trở lên vì chủ yếu là ăn cá, còn rau chỉ tăng thêm mùi vị và màu sắc cho bắt mắt mà thôi. Cá khoai sinh sản rất nhanh nên đánh bắt được nhiều, lên khỏi mặt nước một chút là cá chết nên đem đi xa phải muối nước đá. Vì vậy ăn cá khoai tươi phải về tận… hàng đáy.

Mỗi bận về quê đám con nít trại đáy ngày xưa giờ đã trung niên nhưng đứa nào cũng mê món canh thời thơ ấu, mặc dù bia bọt, rượu tây linh đình nhưng vẫn không thể thiếu món cá khoai nấu mẳn. Chuyện cơm áo làm cho người ta mệt nhoài, căng thẳng nhưng khi được sống với thiên nhiên, với tình làng nghĩa xóm, được ăn món ngon gắn với ký ức tuổi thơ thì thật là an lành, hạnh phúc.

Ngọc Diễm

Từ khóa » Cá Khoai Kho Mẵn