Nhớ Chiếc Vó Tép Của Bà | Văn Hóa Xã Hội

Nhớ chiếc vó tép của bà
Ảnh minh họa

Mỗi độ xoan trong vườn nở tím, mộc miên thắp lửa đầu làng, những quả chanh non nhú bằng nụ đinh, tiếng ếch, nhái kêu đầy đồng, ấy là gần hết tháng 3, bà cháu tôi lại chuẩn bị những chiếc vó đi cất.

Tờ mờ sáng, loa phóng thanh trong làng còn chưa phát ra nhạc hiệu thể dục buổi sáng, tôi và bà đã chuẩn bị nào rổ, nào gậy, nào vó và không thể thiếu cả cám rang. Cám dùng kéo vó là loại cám gạo - thứ lương thực chỉ dành riêng cho đám gà, lợn ăn hàng ngày.

Ấy thế mà khi được rang qua lửa, thứ thức ăn tưởng chừng bỏ đi ấy dậy lên một thứ mùi khó tả, đứng cuối xóm vẫn đượm một mùi thơm. Cám rang xong có màu vàng ruộm, xốp, trộn vào nước ngấm đều, đây chính là món mà tôm, tép khoái nhất.

Trời vừa sáng rõ cũng là lúc hai bà cháu đi cất những mẻ đầu tiên. Biết chẳng kéo nổi vó nặng gấp hai, ba lần mình mà lần nào tôi cũng tranh gậy của bà, có lần còn đâm nhào xuống ruộng, người ngợm lấm lem, ướt át… làm bà phải tự tay cất vó. Bà dặn: “Khi cất, phải thật nhẹ nhàng, kéo vó lên từ từ, vừa không mệt, lại bớt làm lũ tôm sợ mà không vào nữa”.

Thế rồi, một tay bà cất vó, tay kia cầm gọng, nhẹ nhàng đổ vào rổ. Tép tôm hồi ấy nhiều vô kể, chỉ đặt vó xuống một lát mà cái nào cái ấy được trên vực bát tép. Đổ vào rổ rồi mà tép còn nhẩy đành đạch, nước bắn đầy chân. Hai bà cháu chỉ cất mấy mẻ là đủ cho cả nhà ăn trong ngày.

Nhớ lần nào cất vó, tôi cũng phải giấu đi một ít đem cho bà ngoại. Bao nhiêu lần mà chẳng ai biết, lần nào ngoại cũng mắng, bảo: “Cất được nhiều thì để nhà ăn, bà có một mình thì ăn đáng bao nhiêu…”.

Nhiều hôm đi qua giếng làng, tôi chợt thấy các cụ nhà ta có đầu óc sáng tạo đến lạ! Tận dụng vải màn cũ, vót 4 gọng tre, gắn cố định vào nhau, thế là thành chiếc bẫy tép. Nhiều lần vó bị mắc cành rào, bị rách, ngồi xem bà khâu, vá tôi mới càng thấm thía nhiều điều… Cách “bắt” tép này rất có lợi cho sức khỏe, lại bảo vệ môi trường, vừa làm vừa chơi mà vẫn được nhiều món ngon.

Mới đó thôi, đã 25 năm trôi qua, đi cùng đó là hơn hai mươi năm mùa vó tép cùng bà. Tiếc rằng, nay bà không còn nữa nhưng hình ảnh người bà nhỏ bé và cô đơn giữa bao la trời rộng, một mình bước dưới con đường quê đầy những rơm, những thóc, những con người làm nên hồn cốt của làng với nón lá, áo bà ba, với câu hát võng đưa nôi và lời ru ầu ơ thấm ngọt vẫn còn đó.

Nhớ về chiếc vó tép năm nào, trong tôi lại rưng rưng nỗi nhớ về bà, một người gắn bó với tôi từ những ngày tôi biết cất tiếng bi bô tập nói, một người suốt cả cuộc đời đội nón lá, đun bếp rơm và uống nước chè tươi... bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng! Tôi bỗng sợ cái gọi là sự trôi chảy của thời gian. Tôi sợ cuộc sống phát triển, tiện nghi, hiện đại nhưng ao hồ bị lấn chiếm, nguồn nước bị ô nhiễm… Tôi sợ một ngày, chỉ được ngắm nhìn chiếc vó treo lơ lửng trên gác bếp, bồ hóng phủ đen sì…

Từ khóa » Cách Vót Gọng Vó