Nhớ Lắm…lung Linh ánh đèn ông Sao - Báo Hà Tĩnh

Ngày ấy, cả nhà ai cũng bảo tôi là con đầu cháu sớm nên được ông nội nuông chiều đủ thứ. Khi những anh chị lớn trong làng rập rình tập văn nghệ chuẩn bị cho Tết trung thu thì cũng là lúc công việc làm đèn ông sao của ông cháu tôi bắt đầu. Muốn có chiếc đèn ông sao thật đẹp, ông tôi phải chọn tre và ngâm nước từ ngày trước. Ông bảo, có như thế thì nan mới có độ dẻo, khi chống đèn sẽ căng tròn, không bị gãy. Cứ như thế, ông tôi như một người nghệ sĩ thực thụ, hết vót, uốn lại buộc dây thép vào những cánh sao một cách chắc chắn. Còn tôi, cũng là một phụ tá cần mẫn, lăng xăng lấy giúp ông hộp hồ dán hay xếp lại tập giấy màu xanh đỏ ông vừa cắt ra.

Đêm rằm tháng 8, trăng tròn vành vạnh, lấp loáng trên những bóng cây. Cả nhà tập trung trên chiếc chõng tre được kê giữa khoảng sân rộng để ngắm trăng và kể những câu chuyện xưa cũ. Còn những đứa trẻ như bọn tôi, trong lòng rộn ràng không yên, vừa nghe ông nội kể chuyện về chú Cuội, Chị Hằng, về đêm trăng Rằm nhưng vừa nhấp nhổm hướng theo tiếng trống bỏi phía đầu làng. Đoàn rước đèn của thiếu nhi của xóm qua nhà, tôi được bố dẫn ra để cùng nhập hội. Năm nào, đèn ông sao của tôi cũng đẹp và độc đáo nhất xóm. Không chỉ to và được trang trí rực rỡ, bố tôi còn “chế” thêm bộ đèn bằng hai cục pin Con Thỏ sáng trưng mà lại không bị gió thổi tắt như các bạn dùng bằng nến. Bởi thế mà, tôi rất hãnh diện khi được các chị đoàn viên chọn lên dẫn đầu, ngay sau chiếc đèn cỡ lớn của xóm. Nông thôn ngày ấy không có đèn điện sáng như bây giờ, chúng tôi cứ thế, vừa rước đèn quanh xóm vừa thi nhau hát vang những bài hát trung thu quen thuộc. Những âm thanh trong trẻo lẫn hòa trong ánh sáng lung linh đa sắc của những chiếc đèn ông sao, đèn đẩy loang loáng, xoay tròn… Không ít đứa đã khóc thút thít vì cây nến đổ làm đèn cháy rụi, rồi lại cười ngay được khi được chúng bạn an ủi và kéo vào cùng cầm chung chiếc đèn còn sáng.

Nhớ lắm…lung linh ánh đèn ông sao ảnh 1

Có những năm, trung thu mưa tầm tã. Mặt trăng cũng trốn biệt sau những đám mây đen kịt trên bầu trời. Tôi hết làm mình làm mẩy rồi lại khóc òa vì không thể khoe cùng bạn bè chiếc đèn ông sao mới của mình. Kê chiếc chõng tre quen thuộc bên hiên nhà, ông nội tôi đặt một chiếc đèn có hình trụ tròn, xung quanh có những hình cắt dán. Thắp đèn lên, con trục ở giữa quay làm những hình ảnh về người, ngựa, vua quan cứ nối tiếp nhau chạy vòng tròn khiến tôi tít mắt thích thú. Ông nội bảo đấy là đèn kéo quân. Thân tre ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Con người hay thay đổi cũng có căn do song sẽ luôn đi đúng hướng là bởi có ánh sáng, đó là đạo làm người. Chong chóng quay nhờ ánh đèn soi sáng thì con người tốt lành cũng nhờ đạo đức.

Một mùa trung thu nữa lại về, khắp phố phường được trang hoàng bởi muôn sắc màu sặc từ hàng quán đồ chơi. Trẻ con bây giờ thật đủ đầy, đồ chơi hiện đại tràn ngập, cứ bước ra đường là có thể chọn được một thứ ưng ý. Đèn lồng nhấp nháy chạy bằng pin, có nhạc giậm giật với đủ hình dáng, kích cỡ; súng nhựa bắn liên thanh ra đạn nhựa; súng nước phun phù phù…Bây giờ tiện dụng nhưng cứ thấy nó vô cảm vô hồn, lạnh lùng không sức sống. Và những đứa trẻ con đón Trung Thu cũng không có cái tâm trạng náo nức, hồi hộp khi tự làm cái đèn lồng ngày xưa. Hình ảnh đứa con trai rụt rè, gượng nhẹ của bàn tay nhỏ nhắn khum khum che ngọn gió lang thang vô tình thổi tắt ngọn lửa đèn cầy đã đi vào dĩ vãng. Người lớn đôi khi vì quá bận rộn mà quên mất những giá trị nhân văn tốt đẹp của Trung thu, tặng đồ Trung Thu cho trẻ con, nhưng thực ra là cho tặng… người lớn.

Bây giờ, ông nội tôi đã già lắm, chẳng đủ sức khỏe để đi tìm tre chẻ lạt làm đèn ông sao cho lũ cháu. Còn những đứa trẻ như chúng tôi, cảm giác choáng ngợp trong tâm hồn ngày ấy, tiếng trống, tiếng hát, ánh đèn nhiều màu hòa quyện vào nhau thành một miền thương nhớ chẳng thể nào nguôi được, cứ chập chờn quanh những giấc mơ... Nhớ lắm, lung linh ánh đèn ông sao!

Từ khóa » đèn điện Sáng Lung Linh Như