Nhớ Mãi Người Bạn ấy - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
- Nhà văn, cái đọc và cái viết
- Nhà văn không thể nói khác
Tôi thuộc số người ấy. Kỷ niệm về người bạn ấy luôn là phần trong sáng bậc nhất trong cái phần đời tôi đã sống qua. Đến nỗi tôi luôn có cảm giác như chúng tôi chỉ vừa mới xa nhau chưa lâu và tôi không thể không mỉm cười mỗi khi hình ảnh anh hiện lên trong trí nhớ. Vì đó thật sự là một con người đáng yêu, đáng quý.
Còn nhớ mùa tựu trường sáu mươi năm trước, chúng tôi bước vào cuộc đời sinh viên trong một khu trường toàn nhà cấp bốn hoang sơ ở gần chùa Láng (bây giờ là địa điểm của Trường Ngoại thương). Đấy là những năm đất nước đang ở "đỉnh cao muôn trượng" trong thơ ông Tố Hữu. Mặc dù vậy, cuộc đời sinh viên vẫn rất khổ cực. Chúng tôi luôn luôn đói, theo nghĩa đen. Đặc biệt là vào hai thời điểm: Mười giờ sáng và mười giờ tối. Mà bài vở thì khá nhiều. Tuy thế, có vẻ như chúng tôi đã sống rất vui. Bởi vì quả thực dạo ấy trong chúng tôi ai cũng có một thứ nội lực. Ấy là lý tưởng. Ở Nguyễn Trọng Định, điều này thể hiện rõ nhất.
Đấy là một chàng trai gần như bé con, cao cỡ chừng một mét sáu mươi gì đó, gầy guộc. Thân hình ấy lại đi với một tính nết dịu dàng, nhường nhịn, một chút rụt rè và kín đáo khiến Định dễ gần như một cô gái. Tính nết ấy mà sống tập thể thì được yêu lắm. Tôi đã mến Định đến mức khi thấy anh thân cả với người khác thì tôi giận. Một thứ tình cảm độc chiếm kiểu trẻ con mà sau này không bao giờ tôi lặp lại, trừ với phụ nữ...
Bao nhiêu lần tôi đã giận Định vì cái sự trẻ con này và Định của tôi đã làm lành thật tài nên rồi hai đứa vẫn chơi tiếp. Nhưng dần dà tôi đã nhận ra rằng con người yếu đuối về thân xác, rụt rè trong tính cách này còn ẩn giấu một sức mạnh tiềm tàng, một khát vọng sống và làm việc to lớn, không trẻ con một chút nào. Vượt qua mọi gian khổ của đời sinh viên, Định chịu đựng những hay dở của cuộc sống thực bình tĩnh, học rất quyết liệt, viết chăm chỉ ngay từ buổi đầu vào trường, đọc nhiều, nghiền ngẫm nhiều, và tranh luận cũng thế.
Nằm gối đầu lên sách ngắm trời sao Nghe gió hè khẽ hát với phi lao
Hai câu thơ ấy của anh vẽ rất đúng con người Định và không khí sống của một lũ sinh viên nghèo chúng tôi thuở ấy.
Dạo ấy, những nhà thơ của tương lai hầu như đều chui ra từ ống tay áo của các bậc đàn anh đầy quyền lực - cảm xúc Xuân Diệu, giọng điệu Chế Lan Viên, - nhưng những ai có chút bản lĩnh trong số họ đều cố làm một cuộc phá rào không ý thức. Lòng hăm hở đi tìm tiếng nói riêng của chúng tôi - trong đó Nguyễn Trọng Định là người hăng hái vào bậc nhất, thật đáng cảm động. Từ những dòng đầu còn non nớt, mang chất ca dao, Định đã cố sớm tìm cho mình một bản sắc riêng: Đó là thứ thơ có cấu tứ chặt, nhưng luôn lấy cảm xúc làm nền tảng, đúng như chất người anh. Bài thơ "Nước vối quê hương" là một thành công theo hướng này:
Bắc ấm nước mưa, con ngồi nhóm lửa Nụ tích mấy mùa mẹ lại sẻ ra pha Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta Mà nhấp khỏi cứ ngọt hoài đầu lưỡi
Thứ cảm xúc tràn đầy kiểu Thơ Mới vẫn được tiếp tục, nhưng đã được khuôn vào một cái tứ rất chặt. Lối sử dụng chi tiết của quan sát (chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta), đặc trưng của thơ ca thế hệ chống Mỹ, đã xuất hiện. Đấy là lúc mà những Bằng Việt và Lưu Quang Vũ còn chưa khẳng định. "Nước vối quê hương" không tài hoa và cô đúc bằng "Bếp lửa" của Bằng Việt, nhưng bù lại nó có cái ngây thơ ngơ ngác đáng yêu của mối tình đầu.
Những ngày ấy, với chúng tôi, cuộc chiến tranh vừa ở rất xa lại vừa rất gần. Những lứa đàn anh của trường đã nhập cuộc. Hầu như con đường đi của chúng tôi đã vạch sẵn: Sống và viết ở chiến trường. Tôi nhớ mãi hình ảnh Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), sinh viên Khoa Sử, học trên chúng tôi hai năm. Với vóc người cao lớn, mái tóc xoăn, đẹp trai và cũng dịu dàng đến khả ái, Lê Anh Xuân và Định cùng xung phong đi B một đợt, nhưng do nhu cầu, anh được lên đường trước Định. Nhưng dù có đi B hay không đi B, tâm hồn của cả thế hệ chúng tôi luôn hướng về phía ấy. Không nên dễ dàng nói là may mắn hay không may mắn, nhưng thực tế là tuổi trẻ chúng tôi đã đến cùng lúc với cuộc chiến đấu lớn của dân tộc. Tuổi trẻ vốn đã mơ mộng, huống chi là những chàng trai trẻ yêu văn chương.
Chúng ta khôn lớn Sắp mưa rồi đến trường mau kẻo muộn Ta băng qua dưới năm sắc cầu vồng Lòng nhủ thầm sẽ tan những cơn giông
(Sắc cầu vồng - Nguyễn Trọng Định)
Hoàn cảnh lớn tạo ra những tính cách lớn. Sự thăng hoa trong tâm hồn của cả một thế hệ là điều có thật. Một con đường đi như của Nguyễn Trọng Định lúc ấy hầu như là duy nhất đúng và đã được cuộc sống chọn sẵn. Đến nỗi tôi thực khó hình dung anh sẽ sống ra sao trong thời bình, anh sẽ là ai trong cuộc sống hôm nay chẳng hạn?
Những ngày làm Báo Nhân dân không lâu trước khi đi B là chặng đường tập kết và thực tập để anh vào với chiến trường lớn. Có hôm tôi cùng Định đi lang thang trong những đường phố Hà Nội bấy giờ đã vắng người vì phải sơ tán, hình như để đánh một bức điện cho một ông phóng viên thường trú nào đó của báo. Có cảm giác như anh lạc lõng giữa thành phố này, anh đã từ đâu đó rất xa ghé qua đây chốc lát, để rồi lại đi tới những miền xa hơn. Những phút giây ngắn ngủi, những gặp gỡ mong manh, nhiều lúc hai đứa nói chuyện với nhau mà mắt vẫn nhìn đi đâu đó xa lắm. Hình như chúng tôi đang linh cảm về một cuộc sống khác, ở một nơi khác. Thắc thỏm, hồi hộp. Đôi lúc buồn vì một tình yêu chưa kịp đến đã đi. Đúng là những ngày không bình yên…
Nguyễn Trọng Định đã đi Nam và đã hy sinh chỉ sau đó không lâu. Đâu như chỉ khoảng nửa năm. Nửa năm, chỉ kịp làm quen với chiến trường, kịp tập nhịn đói và nếm vài trận sốt rét rừng. Mặc dù không đi cùng anh, nhưng tôi có thể hình dung ra hết những gì Định trải qua, vì chỉ sau đó ba năm, tôi cũng đi theo con đường của anh, chỉ khác là tôi mặc quân phục và làm lính trơn.
Nhà báo Trần Mai Hạnh đã kể lại phút giây cuối cùng của Định. Thoạt đầu không ai hiểu vì sao anh lại gục xuống - trên người không một vết thương: Kịp đến khi gỡ chiếc gùi trên lưng anh mới thấy một mảnh pháo đã xuyên qua gùi, cắm vào lưng Định, tất cả máu đều thấm vào chiếc gùi. Tất cả những gì anh mang theo - tư trang, gạo, thuốc và bản thảo những bài thơ, bài báo cuối cùng đều đẫm máu.
Sau này, khi làm phóng viên chiến tranh, tôi mới biết công việc làm báo ở chiến trường gian khổ và hiểm nguy như thế nào. Chúng tôi thực sự đơn độc, tự mình phải xoay xở lấy tất cả để đối phó với mọi tình huống, để không chỉ khỏi chết đói, chết vì bom đạn, mà còn để làm việc.
Chúng tôi vẫn nói đùa: Muốn làm báo ở mặt trận trước hết phải biết cách xin ăn, xin ở, xin đi nhờ xe... nụ cười luôn thường trực, trong bụng phải tích góp càng nhiều càng tốt kho truyện tiếu lâm, dù anh vốn có là người ít mồm ít miệng đi nữa, cũng buộc phải lém lỉnh dần lên.
Định của tôi, anh chàng rụt rè như con gái mà tôi đã tả ấy, đã sống ra sao nhỉ ở cái mặt trận ác liệt bậc nhất ấy? Vượt qua tất cả những ngang trái của chiến tranh, không hiểu sao tôi vẫn cứ khẳng định rằng người bạn của tôi đã đi con đường ấy vì không sao khác được. Có một câu thơ của một nhà thơ Pháp mà chúng tôi vẫn học ra rả trên ghế nhà trường dường như làm ra là để cho Định và cho cả thế hệ chúng tôi:
Nếu phải đi trở lại Tôi đi lại đường này
Cho dẫu con đường đó dẫn tới cái chết. Đúng thế.
Từ khóa » Bạn ấy
-
Người Bạn Ấy Full | Phim Việt Nam Cũ Hay Nhất - YouTube
-
Bạn Ấy | Facebook
-
Bạn ấy Trong Tiếng Anh - Từ điển - Glosbe
-
BẠN ẤY CÓ Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
BẠN ẤY BIẾT Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
Người Bạn ấy - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
Vì Sao Bạn Ấy Khác Con? - Nhà Xuất Bản Trẻ
-
Ngày Ấy Bạn Và Tôi - Lynk Lee - Zing MP3
-
Khám Phá Video Phổ Biến Của Bạn ấy | TikTok
-
Khám Phá Video Phổ Biến Của Bạn ấy đẹp Quá Remix | TikTok
-
Foto Van : Bạn Chủ Quán Rosie's Cafe "chụp Lén" Mình ... - TripAdvisor
-
Bài13 Ở Trong Lớp (2) Bạn ấy Không Khỏe. - 大東文化大学
-
Bạn ấy đẹp Qá:) - Pinterest