Nhớ Người Anh Hùng Phi Công… “bảy Phát, Bảy Trúng”

  • Nhớ người Anh hùng phi công… “bảy phát, bảy trúng”- Kỳ 1: Huyền thoại trên bầu trời
  • Nhớ người Anh hùng phi công… “bảy phát, bảy trúng”- Kỳ 2: Duyên nợ với con số 7

Kỳ 3: Sống mãi trong lòng người dân miền sông nước

Hai ngày qua, khi hay tin ông vĩnh viễn về với trời xanh do tuổi cao, sức yếu, nhiều độc giả đã bật khóc khi đọc bài viết "Nhớ người Anh hùng phi công… “bảy phát, bảy trúng”. Nhìn hình ảnh ông gắn bó với bao công việc của một nông dân, đặc biệt hình ảnh ông luôn lạc quan, tươi cười với anh em, bạn bè, đồng chí, đồng đội, với con, với cháu xa gần... ai cũng tiếc thương.

Hình ảnh lưu niệm người phi công Anh hùng.

Sáng nay 24-9, một nữ độc giả là cán bộ Công an tỉnh Đồng Tháp vừa về hưu sau đúng 40 năm công tác, nhắn tin cho chúng tôi, tiếc thương “ông Bảy lúa”. Chị đã sáng tác bài ca cổ về ông. Đọc qua những ca từ trong bài hát ấy, chúng tôi thật sự cảm động nhận ra đó cũng chính là tình cảm dạt dào của người dân vùng đất được mệnh danh Sen Hồng quê ông dành cho “Người anh hùng chân đất”.

Thượng tá Trần Bạch Phần, nguyên Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đồng Tháp kể, dù cùng quê với “Anh hùng chân đất” Nguyễn Văn Bảy nhưng chị gặp ông được một lần duy nhất, đó là dịp kỷ 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam do tỉnh tổ chức.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Tôi vẫn nhớ như in lời mời của bác Bảy, gần gũi lắm: 'Cô cứ về nhà tui chơi cho biết, lúc đó thư thả tui mới nhớ mà kể'. Sau khi bác Bảy mời như vậy, tôi có hứa với bác sẽ sớm sắp xếp thời gian để đến nhà bác bên Lai Vung cho biết nhà. Nhưng thời gian thấm thoắt đã gần 2 năm. Lần lựa mãi chưa kịp về thăm thì hay tin bác mất, tôi cảm thấy buồn và hối tiếc quá. Tiếc cho quê hương Đồng Tháp, có cây đại thụ lại ra đi vội vàng”, Thượng tá Trần Bạch Phần bộc bạch và kể thêm rằng trong suy nghĩ của chị, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy như là biểu tượng thành đồng Nam bộ, đại diện cho người nông dân Nam bộ hiền lành, vì yêu nước.

Về bài vọng cổ “Người anh hùng chân đất” mà chị vừa chuyển nội dung cho chúng tôi xem sáng nay 24-9, Thượng tá Trần Bạch Phần kể, chị đã viết sau lần gặp bác Bảy.

Thượng tá Trần Bạch Phần, nguyên Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đồng Tháp trong lần gặp Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

“Tôi viết trong tâm trạng nể phục, yêu quý bác Bảy vô vùng. Hồi mới viết xong, tôi còn nói thầm khi nào qua nhà bác chơi, tôi sẽ ca cho bác nghe. Giờ thì không kịp nữa rồi”, Thượng tá Trần Bạch Phần nghẹn ngào khi nhắc lại ca từ trong câu kết của bài vọng cổ:

“Đuổi giặc chạy rồi, ông trở về với vườn ruộng quê hương, vui thú điền viên sau những năm xông pha trận mạc. Khi đất nước cần, người nông dân trở thành chiến sĩ. Hòa bình rồi, xây dựng lại quê hương. Cả cuộc đời giản dị, bao dung, hào sảng, thẳng ngay đúng chất dân Nam bộ. Ông thường bảo, làm người đừng sợ nhọc thân, hiến dâng tài đức, giúp dân xây đời”.

Tấm ảnh chụp Đại tá Nguyễn Văn Bảy gặp lại con gái nuôi là con của cựu phi công Mỹ.

Có một câu chuyện mà chúng tôi được nhiều người dân Đồng Tháp kể. Đó là có lần Anh hùng Nguyễn Văn Bảy chạy xe máy trên đường thì gặp CSGT. Ông Bảy bước xuống xe, nói vui rằng: “Bằng lái xe máy thì không có nhưng bằng lái phi công thì có”. Khi nhận ra người đang cầm lái xe máy chính là Anh hùng Nguyễn Văn Bảy – người phi công huyền thoại, cán bộ CSGT làm nhiệm vụ lần nữa chào hỏi và chúc ông luôn mạnh khỏe, sống vui cùng con cháu.

Cuộc sống bình dị của người anh hùng quá đỗi thân thương.

Người dân Đồng Tháp rất đỗi tự hào khi vùng đất Sen Hồng có được người con là Anh hùng phi công được gặp Bác Hồ và 7 lần bắn rơi máy bay.

Sáng nay, đồng nghiệp của chúng tôi ở Đồng Tháp - Nhà báo Dương Út, chia sẻ cảm nghĩ rằng ông Bảy mất nhưng hình ảnh ông vẫn còn mãi trong thế hệ hôm nay. Cũng từng tiếp xúc với ông Bảy, anh Dương Út kể anh rất thích nhất là cái giọng sang sảng của ông, nhất là xưng hô “mày - tao” khi trò chuyện.

Ông Bảy bên chiếc áo quân nhân, treo trang trọng trong căn nhà ở quê.

“Ông Bảy thích uống rượu đế, thỉnh thoảng ông cũng uống ly bia. Cá ông nuôi dưới ao con nào cũng to, béo, nhưng hễ có khách là bắt lên đãi. Ông đi đặt dớn bắt được cá là xách cho bà con cùng xóm. Ai ghé nhà ông cũng dẫn đi thăm vườn, thăm ao sen, thăm ao cá... Trước khi ra về, phải nhậu với ông, không là ông buồn. Ông Bảy là vậy - bình dị mà cao quý!”, nhà báo Dương Út bày tỏ.

Cũng như chúng tôi, khi nghe tin ông Bảy nhập viện và mất sau đó vài ngày, anh em làm báo từng có dịp tiếp xúc với ông đều rất buồn.

“Gặp ông rồi, mới thấy mọi chuyện thật đơn giản. Mọi chiến công, công trạng chỉ là niềm động viên, khích lệ, không lấy đó để khoe khoang, đưa mình lên cao hay coi thường người khác. Với ông, chốn quan trường chỉ nhất thời. Hình ảnh đọng lại trong lòng người dân mới là mãi mãi”, anh Thanh Tùng – một đồng nghiệp của chúng tôi, đang công tác tại VOV, có thời gian thường trú địa bàn Đồng Tháp chia sẻ.

"Cây nhà lá vườn", thành quả lao động từ đôi bàn tay của người anh hùng bình dị.

Nhà báo, nhà văn Vũ Thống Nhất – một CTV của Báo CAND chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân của anh như đang nói chuyện với Anh hùng Nguyễn Văn Bảy: “Đêm qua cháu thấy một ngôi sao rất sáng bay lên trời”.

Nhà báo Vũ Thống Nhất viết: “Tố chất chú Bảy mạnh mẽ lắm. Tố chất của một con người kiên định, dũng cảm trong cuộc chiến; luôn chọn sự thanh sạch, trong lành, thanh bình nơi mảnh vườn, thửa ruộng để hòa quyện. Vậy mà chú lại bay đi thật rồi!

Nhớ chú, một con người tràn đầy lạc quan, luôn truyền sự lạc quan cho người đối diện.

Nhớ chú, một ông già gốc vườn chơn chất, lấy ruộng vườn làm niềm vui đích thực. Chiếc quần cụt, cái áo thun lấm lem đất sình, đầu quấn khăn rằn, vai vác cuốc...

Nhớ chú, nhớ ngón tay chỉ tới kèm theo cái nheo mắt đầy tinh nghịch và bao câu chuyện tiếu lâm “mặn mà” bên bàn rượu.

Nhớ chú với chiếc ly rượu bự, rót riêng, cứ uống tới tới, rất lười gắp mồi…

Nhớ chú, một con người bình dị. Là anh hùng nhưng không bao giờ chú nhắc mình là anh hùng.

Nhớ chú, nhớ cái dáng lỏng khỏng cao ngòng chạy chiếc xe cà tàng trên con đường đất trước nhà...

Chính cái bình dị mà chú có biết bao tấm chân tình bao quanh, đầy ngưỡng mộ, không phân biệt tuổi tác, cấp bậc cao thấp...

Đêm qua, cháu thấy một ngôi sao, sáng lắm, bay xẹc trên trời cao chú Bảy ạ. Tiếc thay. Ngôi sao số 7 oai hùng. Ông già Nam bộ đúng nghĩa!

Thế là bộ ảnh chân dung đời thường “Người anh hùng chân đất”, chú đồng ý “thì bây cứ điện tao sắp xếp” không bao giờ thực hiện được nữa.

Một người đích thực là “hồng phúc” cho dân cho nước lại đi xa

Hôm qua chú lại bay nữa rồi… Nơi xa nhớ chú thiệt nhiều!”.

Ngay từ ngày hôm qua 23-9, khi hay tin Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy qua đời, Đại tá Mai Hoàng Dũng, nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ An ninh Công an TP Cần Thơ, chia sẻ với PV Báo CAND điện tử rằng, dù chưa được gặp ông Bảy nhưng anh biết và rất tôn kính ông qua báo chí, qua phim ảnh.

“Chiến công của ông Bảy, ai cũng biết rồi – câu chuyện, kỳ tích quá phi thường. Biết tin ông Bảy bay về cõi vĩnh hằng, tuy có buồn nhưng tôi không đau, vì cuộc đời ông là những khúc ca tuyệt đẹp, xua tan đi hết những nỗi đau. Xa ông, từ cuộc đời ông, tôi trân quý cái phong cách Nam Bộ trong sáng của ông, đó là khi Tổ Quốc cần, ông vui vẻ dấn thân không chút đắn đo, suy tính thiệt hơn cho mình. Hoàn thành nhiệm vụ, với công lao như vậy nhưng ông không đòi hỏi tôn vinh mà hồn nhiên mang ba lô về quê để sống lại, làm lại cuộc đời người nông dân trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Ôi! Cuộc đời ông trong sáng như pha lê, vô cùng kính phục”.

Người anh hùng bình dị của vùng đất Sen Hồng.

Đại tá Mai Hoàng Dũng bộc bạch, ông ra đi nhưng để lại rất nhiều điều quý báu cho con, cho cháu, cho thế hệ hôm nay. Đó là khó khăn nào cũng vượt qua và sẵn sàng hy sinh vì đồng bào, vì Tổ Quốc. Công danh, quyền lợi vật chất không màng đến; hãy luôn dùng sức lao động của chính mình để lo cho cuộc sống gia đình cho đến ngày ra đi. Một đời thương yêu quê hương, cho dù nơi đó còn thiếu thốn khó khăn, một đời gắn bó với bà con xóm làng...

Thế hệ con cháu sẽ quyết tâm đưa Việt Nam bay cao vào bầu trời thế giới, để cho bạn bè ngưỡng mộ như họ đã từng khâm phục và ngưỡng mộ ông Bảy và đồng đội trong cuộc chiến đấu quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh!.

Ai cũng trân quý trước cốt cách Nam Bộ trong sáng, bình dị và hết sức gần gũi của ông Bảy.

Báo CAND điện tửxin được giới thiệu sáng tác của Thượng tá Trần Bạch Phần, nguyên Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ Công an tỉnh Đồng Tháp, viết về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Đại tá Nguyễn Văn Bảy.

Bài ca vọng cổ

NGƯỜI ANH HÙNG CHÂN ĐẤT

NÓI LỐI

Nữ: Ở quê tôi có người nông dân chân đất

Hóa anh hùng từ một khúc dân ca

Tuổi thanh xuân gian khó, phong ba

Theo lời Bác dạy, làm rạng danh Đồng Tháp

VỌNG CỔ

Nam/câu 1: Mười tám tuổi cha bắt đi cưới vợ. Anh sợ lời thương làm người ta vương vấn nên lặng lẽ ra đi không dám thốt nên… lời.

Sợ phải chia tay là vĩnh biệt trọn đời.

Nữ: Hành trang mang theo chỉ có chiếc đệm bàng của má, mấy vắt cơm muối mè lót dạ đường xa (-) Tiếng còi tàu thúc giục ngân nga, đoàn quân tập kết xuống tàu rời bến.

Nam: Đêm Cao Lãnh màn sương phủ kín, đâu ai dám hẹn ngày về khi non sông còn chia cắt. (-)

Nữ/câu 2: Rong ruỗi ngày đêm trên biển trời sóng gió, trông Bắc, hướng Nam càng yêu Tổ quốc anh hùng. Không thể ngồi yên, nhìn lũ giặc hoành hành. Chí nam nhi theo hồn sông núi, quyết giữ cơ đồ Tổ quốc anh linh. (-)

Nam: Rồi anh được tuyển vào Biên đội không quân, làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Lòng mừng vui khi người nông dân chân đất, được Đảng, Bác Hồ chấp cánh tự do. (-)

NÓI LỐI

Nam: “Mỗi lần bắn một chiếc rơi

Là tôi được gắn ngôi sao Bác Hồ!”

Nữ: Bảy ngôi sao lửa rạng ngời

Sáng thêm cánh thép của người miền Nam.

PHI VÂN ĐIỆP KHÚC

Nam: Nhớ!… Nhớ quê hương nhà…

Tháp Mười yêu thương, mãi trong lòng anh

Nữ: Ngày đêm tung lướt mây, truy diệt xâm lăng

Giữ khung trời xanh

Lòng luôn khắc ghi câu thề non sông

Nam: Vượt lên gian khó, hiểm nguy

Khát khao trở về, vui câu ước thề, giữ vẹn tình quê…

VỌNG CỔ

Nữ/câu 5: Những tên giặc lái hung hăng vẫn còn khiếp kinh khi nghe đến tên anh - Anh hùng Nguyễn Văn Bảy! Chúng không hiểu vì sao, không quân Việt Nam còn thô sơ, yếu kém mà đã bắn rơi bao cánh sắt hung …tàn.

Bắc Sơn, Chi Lăng những trận đánh kinh hoàng. Thái Nguyên, Việt trì, Chí Linh, Hải Phòng oai dũng, anh liên tiếp dẫn đầu đoàn bay xuất kích diệt giặc bay. (-)

Nam: “Tôi yêu đất trời, dân tộc quê tôi, chỉ có một niềm tin giành độc lập, hòa bình. Dâng trọn tim mình cho Đảng, nhân dân, cho Đồng Tháp yêu thương bất khuất, kiên cường (-)

(ca tiếp Phi Vân Điệp khúc)

Nữ: Gió!…Gió câu tung trời, không sờn lay

Quyết tâm diệt thù, anh chỉ có, ước mơ hiền lành

Cho ngày mai nước nhà ấm no.

Đời tự do, vui ngắm nhìn quê hương!

Nam/câu 6: Đuổi giặc chạy rồi, ông trở về với vườn ruộng quê hương, vui thú điền viên sau những năm xông pha trận mạc.

Nữ: Khi đất nước cần, người nông dân trở thành chiến sĩ, hòa bình rồi, xây dựng lại quê hương.

Nam: Cả cuộc đời giản dị, bao dung, hào sảng, thẳng ngay đúng chất dân Nam bộ. Ông thường bảo:

Nữ: “Làm người đừng sợ nhọc thân, hiến dâng tài đức, giúp dân xây đời. (-)

Nam: Đồng Tháp xuân về rộn ràng mùa hoa trái, có một cội hoa ầm thầm dâng sắc giữa quê hương. Bông hoa thép của một thời pháo lửa, vẫn rực hồng thắp ngọn lửa yêu thương (-).

Từ khóa » Nguyễn Văn Bảy Bị Cánh Sát Giao Thông Bắt