Ông Bảy Phi Công - Tiền Phong

Ông Bảy cùng những củ khoai mỳ to tướng đào được ở vườn nhà
Ông Bảy cùng những củ khoai mỳ to tướng đào được ở vườn nhà.

Lừng lẫy chiến công

Anh hùng phi công một thời giờ bước sang tuổi 75, vẫn cái dáng dong dỏng cao, đầu quấn khăn rằn Nam bộ, quần áo cũ mèm, lấm lem bùn đất, đi chân trần vừa rửa dưới mép nước kinh lên. Ông cười rất phúc hậu: “Mầy thấy rặt nông dân Nam Bộ không? Tao đi đào khoai mỳ, sẵn vớt luôn mấy con cá nướng cho tụi bay nhậu”. Là chỗ quen biết, nên ông chân tình, mộc mạc như cây lúa. Ông kêu thím Bảy vào bếp nấu nướng.

Ông nói vui: “Đời tao ngộ lắm mầy. Người ta thì “ba chìm, bảy nổi” còn tao tới chín lần bảy”. Ông là con thứ 7, tên Bảy, 17 tuổi đi bộ đội, học 7 ngày, 7 lớp, 7 lần bóp cò, bắn rơi 7 máy bay, lái MiG-17, năm 67 phong Anh hùng.

Tên cha mẹ đặt là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936, tại xã Hòa Thành, Lai Vung. Lớn lên bị chê tên “con gái” nên sẵn thứ 7 ông lấy tên Nguyễn Văn Bảy. Năm 17 tuổi, cha mẹ ép lấy vợ, ông bỏ trốn theo bộ đội. Ông cười khà khà: Thấy còn nhỏ, mấy ông chưa nhận đâu. Nhưng tao cứ lẽo đẽo theo suốt, thấy cơm dọn là sà vào ăn, ai nhờ gì là làm. Rồi thành bộ đội ngon lành.

7 lần bóp cò, 7 máy bay địch rơi, ông Bảy được đồng đội tung hô
7 lần bóp cò, 7 máy bay địch rơi, ông Bảy được đồng đội tung hô.

Năm 1954 lên đường tập kết, cuối năm 1960 được chọn đi Trung Quốc học lái máy bay. Ông kể: Hồi nhỏ học lõm bõm biết đọc thôi. Lên Lạng Sơn thầy giáo dạy “tốc hành” 7 ngày, học 7 lớp. Chỉ để ý nghe, nhìn và nhớ mấy cái hình vẽ, mấy định lý, định luật, nguyên lý cơ bản. Nhờ có trí nhớ “học lóm” bẩm sinh mà ông nhớ nằm lòng.

Nhớ lời huấn thị của Bác Hồ trước giờ lên đường: “Các cháu là những học sinh, chiến sĩ miền Nam, hãy cố gắng học tập và rèn luyện cho tốt để sau này trở thành những phi công giỏi, chiến đấu thống nhất đất nước mình. Và còn chở Bác về thăm đồng bào miền Nam nữa chứ!”, ông luôn phấn đấu học tập. Năm 1965, tốp phi công đầu tiên của Việt Nam từ Trung Quốc lái máy bay về Gia Lâm.

Ông tham gia chiến đấu 13 trận, bảy lần bóp cò bắn là 7 máy bay Mỹ rơi và chưa lần nào phải nhảy dù. Ông kể: Có lần bắn nó cháy bốc khói nghe cái bụp đã lắm, tao lượn sát để nhìn, suýt nữa là đâm vào núi, kéo cần lên kịp nhìn thấy ngọn cây sát bên buồng lái.

Ngồi bên ngạch cửa căn chòi, sau lưng là ruộng lúa trong ánh nắng chiều bàng bạc, ông rít thuốc lá, nhấp chung rượu đế ngâm chuối hột rồi kể chuyện. Đó là ngày mồng 7-10-1965, khi chiến đấu trên bầu trời Yên Thế, máy bay của ông bị trúng đạn, thủng kính buồng lái.

“Có lỗ to như trái cau, trái quýt Lai Vung”, ông dùng tay bịt lỗ thủng to nhất... hạ cánh an toàn. Dưới đất, đồng đội reo mừng, các chuyên gia Liên Xô thán phục về tinh thần dũng cảm tuyệt vời của phi công VN. Lần đó, ông đếm tất cả 82 lỗ thủng nắp buồng lái.

Ông nhớ nhất là trận không chiến ngày 5-9-1966 cùng phi công Võ Văn Mẫn (quê Bến Tre). Khoảng 4 giờ chiều, máy bay hải quân địch vào cầu Giẽ đánh phá. Nhận lệnh cất cánh, nhưng khi bay vào không vực thì địch đã rút.

Lúc đó, phát hiện một tốp địch vào Phủ Lý (Hà Nam), Sở chỉ huy dẫn đường để các ông công kích. Phát hiện mục tiêu như hai chấm đen cách 5 km, ông lệnh cho Mẫn (số 2) thả thùng dầu phụ, tăng tốc đối đầu. Địch hốt hoảng, nương theo mây lẩn trốn.

Ông bay tắt, xé ngang mây đón đường. Qua đám mây, nhìn thấy máy bay địch, chúng rất hoảng sợ vừa bay, vừa chao cánh né đạn. Ông bám theo chiếc thứ hai, xả đạn vào buồng lái, phi công chết, máy bay lao xuống. Còn Võ Văn Mẫn bám theo chiếc số 1 nổ súng, máy bay địch bốc cháy, phi công nhảy dù.

Trận đánh chớp nhoáng trong 45 giây, hai phi công người miền Nam hạ hai máy bay tiêm kích F8 rơi cách nhau 10 km. Ông và ông Mẫn được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu.

Năm 1967, Bác Hồ tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 3 phi công VN, trong đó có Thượng úy Nguyễn Văn Bảy. Cũng năm này cậu con trai chào đời, ông đặt tên Phi Hùng như một kỷ niệm chiến công.

Ông trải qua nhiều cương vị công tác: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Phó tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (nay là Binh chủng PK-KQ), được tặng 7 huy hiệu Bác Hồ. Sau ngày thống nhất, ông vào tiếp quản sân bay Cần Thơ, từ đây ông thay mặt quân chủng điều hành các sân bay miền Nam như : Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Gặp lại người từng ở bên kia chiến tuyến
Gặp lại người từng ở bên kia chiến tuyến .

Nông dân Nguyễn Văn Bảy

Chiến đấu với phi công Mỹ, kể cả khi máy bay trúng đạn thủng 82 lỗ cũng không sao, thế mà ông thành thương binh vì máy bay trực thăng. Đó là dịp Tết 1986, ông thay mặt Quân chủng dùng trực thăng chở đào Nhật Tân tặng cho các đơn vị PKKQ phía Nam. Lúc trực thăng cất cánh ở SVĐ Bạc Liêu, phi công bất cẩn để chạm cây đổ nhào làm ông bị thương.

Nghỉ hưu năm 1990, ông ở tại TP Hồ Chí Minh một thời gian rồi về xã Tân Phú Đông, TX Sa Đéc đào ao nuôi cá, làm chuồng nuôi heo, lên liếp, giồng đất trồng cây ăn trái. Hồi đó, các trường học của Đồng Tháp mời ông nói chuyện. Ông lấy tiền bồi dưỡng bỏ vào heo đất, gây quỹ tiết kiệm. Học sinh, nhà trường và Đoàn Thanh niên phát động phong trào “nuôi heo đất ông Bảy”.

Ông tham gia chiến đấu 13 trận, bảy lần bóp cò bắn là 7 máy bay Mỹ rơi và chưa lần nào phải nhảy dù. Ông kể: Có lần bắn nó cháy bốc khói nghe cái bụp đã lắm, ông lượn sát để nhìn, suýt nữa là đâm vào núi, kéo cần lên kịp nhìn thấy ngọn cây sát bên buồng lái.

Một hôm, ông tiếp vị khách đặc biệt tại Sa Đéc là Trung tướng Không quân Mỹ, GS. Steve Richie, “đối thủ” 40 năm trước lái máy bay F- 4 tham gia nhiều trận chiến trên không phận miền Bắc. Tướng Steve Richie đi cùng con gái người bạn phi công bị Nguyễn Văn Bảy bắn hạ.

Ngoài việc xác định chính xác về chiếc máy bay bắn cháy, phi công không bung dù kịp, hai người phi công từng là kẻ thù của nhau đã ngồi tâm sự nhiều chuyện đời như thể họ là bạn bè sau nhiều năm không gặp. Ông Bảy kể : “Hôm đó tao mần con gà ác nuôi trong vườn, nướng nước mắm, thêm rau vườn và cá lóc..nhậu rượu đế đã đời. Ông bạn Mỹ vui lắm, khen ngon luôn miệng”.

Năm 2009, ông Steve Richie tới Hà Nội trong một chuyến du lịch, đến thăm Bảo tàng Phòng không- Không quân, tình cờ biết buổi giới thiệu sách của cựu phi công Lưu Huy Chao “Chúng tôi và MiG-17” có anh hùng Bảy, ông tha thiết xin được tham dự và gặp lại cố nhân.

Năm 2009, ông Bảy giao nhà cho con gái rồi hai vợ chồng về ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, Lai Vung -mảnh đất ngày xưa ông đã sinh ra lớn lên dựng cái chòi bên bờ bao nuôi cá, trồng lúa, trồng khoai. Thấy cảnh dân nghèo chưa có điện, đèn dầu tù mù, ông vận động các doanh nghiệp, bà con góp tiền xin chính quyền kéo điện về thắp sáng vùng sâu. Giờ thì ông tiếp tục vận động làm con đường trên 1 km. Ông nói chắc như đinh: Năm sau tụi bay về chơi, xe ô tô chạy vào tới nơi.

Mới đây khi bốc dỡ đám khoai mỳ trên bờ bao trồng lâu năm để làm thức ăn cho cá, heo, bất ngờ ông đào được các bụi mỳ có củ nặng từ 10 kg đến 22,5 kg khiến bà con quanh vùng ngạc nhiên.

Ngồi uống rượu với ông không bao giờ chán vì ông hay kể chuyện tếu, chuyện thời trai trẻ, chuyện bắn máy bay Mỹ. Thím Bảy (Trần Thị Niên) cũng là người Lai Vung. Năm 9 tuổi gia đình gởi xuống tàu tại bến sông Đốc- Cà Mau đi tập kết.

Hồi đó thím Bảy là học sinh miền Nam, anh phi công Bảy ở sân bay Cát Bi- Hải Phòng lúc rảnh ra chơi gặp đồng hương rồi quen và yêu nhau. Lúc đám cưới (tháng 4-1966), ông trực chiến ở sân bay đến 7 giờ tối. Một mình cô dâu từ Hà Nội xuống. Chú rể hết ca trực chạy vù đến nghe tổ chức tuyên bố… 45 phút sau, có báo động, chú rể quay lại sân bay chuẩn bị xuất kích.

Giờ bóng chiều đã dần nghiêng đổ, hai vợ chồng anh hùng phi công trở thành nông dân thứ thiệt. “Tao chạy xe bị công an thổi phạt hỏi bằng lái. Tao nói chỉ có bằng lái máy bay, còn bà xã mới có bằng lái xe hai bánh…”- Vuốt chòm râu dài rung rinh trong gió, ông cười khà khà, thoải mái làm sao. “Từ ngày hưu đến giờ, đêm ngủ chưa bao giờ nằm mộng thấy máy bay, chiến đấu hay chiến tranh. Có lẽ vì tao trả xong nợ nước, nên thanh thản, an nhàn”.

Lai Vung 2011, trước ngày kỷ niệm Không quân đánh trận đầu tiên.

Trân Châu Theo Báo giấy

Từ khóa » Nguyễn Văn Bảy Bị Cánh Sát Giao Thông Bắt