Nhớ Về Thứ Trưởng Viễn Chi – Người Thầy, Người Cha, Người đồng Chí

Theo Lưu Đình Lợi (nguyên cán bộ Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) Bộ Công an, nguyên Trưởng phòng TCCB, Trưởng ban Thanh tra Công an tỉnh Hà Nam Ninh viết thư ngày 27/7/1997 gửi Chuyên đề An ninh thế giới) thì ông còn một chiến trường không kém phần hao tổn sức lực, trí tuệ đó là chiến trường chống tàn dư phong kiến, đế quốc khá nặng nề trong nội bộ công an tỉnh Nam Định vào thời kỳ đầu Cách mạng tháng Tám, khi đó là Trưởng ty Công an Nam Định, ông đã viết quyển sách in bằng Litô với nội dung: "Giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, thân ái đoàn kết nội bộ, tôn trọng nhân dân, hăng hái đấu tranh chống bọn phản cách mạng và giặc Pháp xâm lược".

Mọi người cũng biết ông không những là một cán bộ nghiệp vụ giỏi, chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm trong lực lượng Công an mà còn là một người yêu thích thơ. Bài thơ "Núi vọng phu" ông viết khi mới 14 tuổi được in trên báo Văn nghệ Công an, số 119 (219) ngày 4/1/2010. Nhưng ít ai biết những việc vô danh mà ông đã làm như một vị anh hùng không vinh danh và một người cha mẫu mực.

Thật may mắn do phải sao lại lý lịch của ông viết từ năm 1967 theo tinh thần nghị quyết Trung ương về việc kê khai quá trình hoạt động tiền khởi nghĩa và qua tâm sự với những người bạn, người đồng chí và đồng nghiệp của ông, tôi được biết ông tham gia cách mạng từ năm 1937 tại Hội An trong tổ chức Hội Ái Hữu, một tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội này rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, truyền tài liệu của Đảng nhằm tuyên truyền, giác ngộ quần chúng theo cách mạng chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.

Ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 22/8/1945 và sau khi lãnh đạo dân quân phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo ông được tổ chức phân công là Ủy viên kinh tế và Tư pháp huyện Thanh Hà nhưng lại được bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương. Cũng năm 1945, khi ông bà mới sinh đứa con thứ hai vào một buổi sáng chủ nhật, bọn Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch (một tổ chức phản động vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật theo sự phân công của phe đồng minh nhưng thực chất tổ chức này đang tìm cách chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ) đi hai xe ôtô cam nhông giả danh quân cách mạng, chúng treo cờ đỏ sao vàng phía trước xe để ngụy trang rồi đột nhập vào trụ sở huyện cướp vũ khí của ta, phá trại giam giải thoát cho bọn tội phạm và bắt trói, bịt mắt ông. Trong số đó có một tên nguyên là đặc vụ Quốc dân đảng đã bị ta bắt.

Sau khi được thả tự do hắn đã báo cho bọn Quốc dân đảng bắt ông nhằm lập công và trả thù cách mạng. Đầu tiên chúng định bắn ông nhưng vì nhân dân trong phố huyện kéo đến rất đông, đấu tranh đòi không được bắt, đánh đập nên chúng không dám bắn. Trước mặt nhân dân phố huyện chúng vu cho ông là phản động, là phản dân hại nước. Nhưng người dân trong huyện không tin vì ông vừa ra lệnh phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo và kêu gọi nhân dân tiết kiệm hũ gạo cứu đói theo lời kêu gọi của Chính phủ cách mạng lâm thời. Người dân nói ông là một cán bộ rất tốt, cần mẫn, liêm khiết, yêu dân và yêu cầu chúng phải thả ông ra.

Sau khi cướp phá phố huyện, chúng đưa ông đi khoảng 1km đến gần một chiếc cầu, thấy bên kia cầu, dân quân đang khám xét những người qua cầu, chúng thấy dân quân đông sợ lộ bèn thả ông xuống bụi tài bi vệ đường rồi phóng xe chạy mất. Đó là lần duy nhất ông bị bắt bởi vì trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông được Tỉnh ủy phân công ở lại vùng địch hậu bám đất, bám dân xây dựng khu du kích vừa đấu tranh vũ trang lại vừa tuyên truyền vận động nhân dân chống bắt xâu, bắt lính, làm nhà không vườn trống để giặc Pháp không có cơ sở hậu cần khi hành quân qua.

Thứ trưởng Viễn Chi (người đứng thứ tư, hàng đầu, từ trái sang) dẫn đầu đoàn cán bộ Bộ Công an vào Đông Hà – Quảng Trị. Ảnh chụp tại Vĩnh Thạch - Vĩnh Linh tháng 3/1972.

Những năm 1946-1947, ông là Thường vụ Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Kim Thành và là Ủy viên Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Dương, đồng thời tham gia tuyên huấn Tỉnh ủy Hải Dương. Trong lý lịch ông viết: "Khi Pháp đánh tới huyện Kim Thành, đã tích cực chỉ đạo đảng viên, nhân dân kháng chiến, tích cực xây dựng và chỉ đạo phong trào du kích, phát động phong trào đánh mìn trên đường số 5, xây dựng chính quyền xã trấn áp địch, trừ gian, phá tề".

Cũng tại đây nổi lên những đội du kích làm quân Pháp khiếp đảm kinh hồn và cũng con đường số 5 này vào thời điểm ấy đã sinh ra nhiều anh hùng liệt sĩ mà mãi tận năm 2012 vẫn có người được Đảng và Chính phủ ghi nhận công lao của họ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông đã từng tham gia bốn chiến trường nhưng không hề bị bắt, tù đày hay bị thương tật gì. Một câu hỏi mà tác giả bài viết thắc mắc là tại sao từ năm 1937 khi ông mới chập chững theo Cách mạng cho đến 1992 (Hồi ký 55 năm - một chặng đường) khi ông về hưu ông không hề bị bắt hay bị thương lần nào trừ một lần năm 1945 mà tác giả đã nói ở trên. Qua trao đổi với đồng nghiệp, đồng niên hoạt động cùng thời với ông, tôi được biết ông không những là một cán bộ lãnh đạo công an giỏi, sâu sắc về chuyên môn và giàu kinh nghiệm về nghiệp vụ mà còn là một người cán bộ lãnh đạo có đức, có tâm, có tình trong đối nhân xử thế với đồng nghiệp, cấp dưới và với nhân dân nơi ông công tác. Có lẽ chính vì cái tâm, cái đức, cái tình ấy của ông nên khi ông được giao nhiệm vụ ở lại hoạt động trong vùng địch hậu ông đã được nhân dân đùm bọc, che chở và họ sẵn sàng hy sinh tính mạng bảo vệ ông.

Tôi còn nhớ một lần khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam đã sum họp một nhà, ông có đưa một người bạn về nhà ăn cơm và ông hỏi chúng tôi có biết ai đây không? Tất nhiên chúng tôi làm sao biết được những người bạn, những đồng nghiệp của ông trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông thong thả giới thiệu với chúng tôi đây là chú Vũ Đức Tiêm (năm 1989 là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Trực Ninh, Nam Định) nguyên là người theo đạo Thiên Chúa. Năm 1948, ông làm Trưởng ty Công an Nam Định, bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa giao nhiệm vụ cho chú ấy tìm mọi cách ám sát ông, nhưng chú ấy đã không thực hiện vì qua nhân dân quanh vùng họ đều coi ông như người thân trong gia đình.

Khi ông đến với họ, họ có cơm ông ăn cơm, có khoai có sắn ông ăn khoai, ăn sắn và ông cũng hết lòng vì họ, rất chân thành, thân thiện và cởi mở giúp đỡ họ khi họ cần đến ông nên họ tin yêu ông và rất tốt với ông. Khi biết về ông như thế ông Tiêm đã cảm phục và tin quý ông. Ông Tiêm đã gặp ông và nói toàn bộ nhiệm vụ ám sát cùng những âm mưu khác của bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo cho ông biết. Sau khi ông phân tích điều hay lẽ phải, ông Tiêm đã theo ông, theo cách mạng. Kể từ đấy, toàn bộ âm mưu chống phá cách mạng của một số kẻ phản động lợi dụng Giáo hội Thiên Chúa giáo ở những nơi ông phụ trách, ông đều biết và có kế hoạch đối phó.

Đồng chí Viễn Chi mặc áo trắng ngồi giữa, người ngồi ngoài cùng bên phải là ông Vũ Đức Tiêm (năm 1989).

Trong bài viết ngày 1/1/1997: "Tưởng nhớ anh Trần Quốc Hoàn…" có một tình tiết mà tôi không thể không đề cập đến ở đây đó là vào năm 1954, ông Viễn Chi mang danh nghĩa là sĩ quan trong Ủy ban Liên lạc đình chiến (để hợp pháp hóa chuyến đi) được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ vào làm việc với Trung ương Cục miền Nam cùng với đồng chí Lê Đức Thọ, đi trên chuyến máy bay Dakota khác do phi công người Pháp lái. Khi vào đến Trung ương Cục, ông Viễn Chi đã gặp ông Diệp Ba lúc đó là Giám đốc Công an Nam Bộ. Sau đó làm việc với các ông Mai Chí Thọ, Văn Viên (Xứ ủy viên Nam Bộ) và Cao Đăng Chiếm (lúc đó đều là Phó giám đốc Sở Công an Nam Bộ được Đảng bố trí ở lại miền Nam hoạt động sau khi đất nước tạm thời bị chia cắt, còn ông Diệp Ba được Trung ương bố trí tập kết ra Bắc) nhằm truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về kế hoạch hậu chiến sau khi ký hiệp định Geneve - Cài cắm người ở lại miền Nam khi đại bộ phận quân chủ lực của ta rút ra miền Bắc và phổ biến Chỉ thị số 5 của Ban Bí thư cũng như ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.

Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng: "Nhiệm vụ bảo vệ Đảng là quan trọng nhất trong bất cứ tình huống nào dù có chính quyền hay không có chính quyền chúng ta cũng phải cương quyết bảo vệ Đảng. Chúng ta phải đẩy mạnh công tác tình báo, nhất là tình báo phản gián (sau này gọi là công tác phái khiển). Trong lúc này công tác phái khiển là hết sức cần thiết vì địch ta ở xen kẽ nhau, một số anh em trong hàng ngũ chúng ta có quan hệ bà con ruột thịt với địch nên rất thuận lợi cho công tác phái khiển".

Ông đã giới thiệu kỹ với Công an Nam Bộ về mục đích, phương châm, đường lối và phương pháp của công tác phái khiển kể cả những vấn đề mà ta đã đúc kết được sau mỗi hội nghị tổng kết. Sau đó ông được mời dự thính tại Hội nghị Xứ ủy mở rộng để nghe Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn nói chuyện. Trước khi về Hà Nội, ông đã gặp ông Phạm Hùng để báo cáo kết quả làm việc với lãnh đạo Sở Công an Nam Bộ. Ông Phạm Hùng nghe xong rất phấn khởi.

Năm 1955, ông Viễn Chi được Bộ trưởng giao nhiệm vụ xây dựng và trực tiếp làm Trưởng phòng Phái khiển, Phòng Trinh sát đế quốc từ khi Bộ Công an mới thành lập, và năm 1956 ông được bổ nhiệm là Vụ phó Vụ Bảo vệ chính trị kiêm Trưởng phòng Phái khiển, Phòng Trinh sát đế quốc. Năm 1961, Phòng Phái khiển và Trinh sát đế quốc được tách ra để thành lập Cục Phái khiển.

Khi mới thành lập chính quyền cách mạng, các ty công an cũng đã làm công tác tình báo nhưng vẫn còn tự phát, nhỏ lẻ nhưng khi công an thống nhất thành một bộ cũng như các bộ khác trong cơ quan hành pháp của nước ta có thể nói Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người sáng lập ra ngành tình báo công an khi Công an được Ban Bí thư cho phép hoạt động tình báo (Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nói: "Về nguyên tắc, theo tinh thần của chỉ thị, công an phải làm công tác bảo vệ …. Riêng công tác tình báo của công an là mặt tích cực của công tác phản gián nên không thể không làm được. Nhất là trong tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt ở Nam Bộ, kẻ địch sống trà trộn với ta. Tôi đã trao đổi với các đồng chí trong Ban bí thư nên vẫn cứ làm công tác tình báo phản gián lấy tên là công tác phái khiển" (từ dòng 9 đến dòng 12 trang 56 từ dưới lên trong “Hồi ký 55 năm - một chặng đường”). Còn ông Viễn Chi là Cục trưởng đầu tiên cũng là người xây dựng và phát triển lực lượng này trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Viễn Chi (người ngồi) với con trước lúc con nhập ngũ (chụp 5/9/1971).

Năm 1961, khi mới được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Phái phiển, ông được cử sang Liên Xô trao đổi về công tác mà ông đương đảm nhiệm (dòng thứ 5 trang 2 trong Lý lịch cán bộ) và kể từ đó Bộ Công an Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (gọi tắt là Liên Xô) có những mối quan hệ đặc biệt trong lĩnh vực trao đổi, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tình báo.

Tháng 3/1972, sau khi giải phóng Đông Hà, Chính phủ cử một đoàn cán bộ vào miền Nam giúp nhân dân Quảng Trị, Đông Hà xây dựng chính quyền địa phương do Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực dẫn đầu và yêu cầu mỗi bộ cử một đoàn do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách. Bộ trưởng Công an lại cử ông Viễn Chi theo đoàn. Trên đường vào Quảng Trị, ông đã được Cục An ninh quân đội bố trí gặp con cũng vào Quảng Trị phục vụ chiến trường. Hai cha con chỉ gặp nhau trên một chuyến phà sau đó họ chia tay để tiếp tục vào sâu vì miền Nam ruột thịt.

Đến Vĩnh Linh, đoàn của ông gặp rất nhiều đứa bé vừa chạy, vừa khóc vì nhà trẻ nơi trông giữ các cháu bị ném bom và người trông giữ trẻ đã hy sinh. Bố mẹ các cháu đang công tác xa nhà và các cháu không biết bố mẹ ở đâu. Ông đã yêu cầu cán bộ cấp dưới đi theo, tập trung các cháu lại và chuyển về hậu phương nuôi dưỡng để sau này khi hòa bình lập lại hoặc khi bố mẹ các cháu tìm các cháu có thể dễ dàng tìm thấy.

(Còn nữa)

Từ khóa » Thứ Trưởng Bộ Công An Viễn Chi