NHÓM MÁU AB: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Hệ thống nhóm máu của con người rất đa dạng và phức tạp. Năm 2019, Hội Truyền máu Quốc tế (ISBT) công nhận có tới 39 hệ nhóm máu khác nhau dựa trên 367 kháng nguyên khác nhau, tuy nhiên thực tế thì 2 hệ thống nhóm máu quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu là ABO và Rhesus (Rh).

Trong hệ thống nhóm máu ABO, có 4 nhóm chính là A, B, O và AB được xác định dựa trên có hay không kháng nguyên A và B có trên bề mặt hồng cầu và kháng thể chống A và chống B có trong huyết thanh và để xác định chính xác hệ nhóm máu này phải sử dụng 2 phương pháp khác nhau còn được gọi là huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu.

Như vậy, nhóm máu AB là nhóm máu có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu đồng thời không có kháng thể chống A và B trong huyết thanh.

1. Vì sao lại có người có nhóm máu AB?

Hệ thống nhóm máu ABO nói chung và nhóm máu AB nói riêng thì sẽ được quy đinh bởi gen và di truyền theo quy luật Mendel, tức là bạn thừa hưởng gen từ bố – mẹ để tạo ra nhóm máu bản thân, các trường hợp bố mẹ có nhóm máu A-B, AB-AB, AB-A, AB-B thì có thể sẽ sinh con có nhóm máu AB. Ví dụ:

2. Vì sao nhóm máu AB là nhóm máu hiếm?

Nhóm máuNgười Châu Á (*)Người Việt Nam (**)
A28%20%
B27%30%
O40%45%
AB5%5%

Bảng 1. Tần suất các loại nhóm máu hệ ABO tại Việt Nam và Châu Á

Người có nhóm máu AB chỉ chiếm khoảng 5% dân số Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với các nhóm máu còn lại nên nhóm máu AB thường được gọi là nhóm máu hiếm. Tuy nhiên, theo quy ước của Hội Truyền máu Quốc tế, nhóm máu có tỉ lệ dưới 0.1% quần thể mới dược xem là nhóm máu hiếm.

Vì vậy, nhóm máu hiếm ít được dùng cho các trường hợp thuộc nhóm máu hệ ABO mà thay vào đó là hệ nhóm máu khác là Rhesus (Rh), đặc biệt là Rh (-), do ở Việt Nam, tỉ lệ người có Rh (-) chỉ là 0.04% – 0.07%, tức là trong 10.000 người chỉ có 4 – 7 người có Rh (-).

Những người sở hữu cả 2 nhóm máu là AB và Rh (-) là những trường hợp cực hiếm (< 0.01%). Trường hợp bệnh nhân có nhóm máu AB, Rh (-) thường gây bối rối cho bác sĩ khi cần sử dụng các chế phẩm máu để điều trị.

3. Người có nhóm máu AB nên chú ý những gì?

Về lý thuyết, người mang nhóm máu AB có thể nhận được tất cả máu (khối hồng cầu) từ những người có nhóm máu khác của hệ ABO và người nhóm máu AB chỉ cho được cho người cùng nhóm AB nên thường được gọi là nhóm máu “chỉ nhận”. Hiện tại, điều này không còn đúng nữa khi công tác truyền máu đã tiến bộ và không còn sử dụng “máu toàn phần” để điều trị mà thay vào đó là các chế phẩm khác nhau được điều chế từ “máu toàn phần” nên nhóm máu AB hiện nay không còn là nhóm máu “chỉ nhận” nữa, ví dụ:

+ Các chế phẩm từ huyết tương, tủa lạnh của người nhóm máu AB có thể sử dụng cho tất cả nhóm máu còn lại của hệ ABO, hay người nhóm máu AB có thể cho các chế phẩm này cho các nhóm máu còn lại.

+ Người nhóm máu AB có thể nhận các chế phẩm khối hồng cầu, tiểu cầu từ người có nhóm máu còn lại của hệ ABO.

Người có nhóm máu AB nên đến các trung tâm hiến máu để đăng kí thông tin, các trung tâm này sẽ ghi nhận lại thông tin của bạn. Bạn có thể sẽ nhận được lời đề nghị hiến máu cho các bệnh nhân cùng nhóm máu khi cần thiết và ngược lại, khi cần chế phẩm máu họ sẽ giúp bạn.

Những người chưa biết được nhóm máu của mình nên thực hiện xét nghiệm hay đăng kí hiến máu tình nguyện để biết được thông tin về nhóm máu của mình, có thể bạn đang sở hữu nhóm máu hiếm, và việc tham gia vào cộng đồng nhóm máu hiếm của các trung tâm hiến máu sẽ giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân hiểm nghèo.

Nguồn

  • * Tổ chức y tế Thế giới (2004), “Quyển 3 Huyết thanh học nhóm máu”.
  • Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương

Từ khóa » Vì Sao Nhóm Máu Ab Là Nhóm Máu Hiếm