Những Bài Học Sâu Sắc Mà Người Xưa Truyền Lại Qua Câu Thành Ngữ ‘Năng Nhặt Chặt Bị’

Mục lục
  1. “Năng nhặt chặt bị” là gì?
  2. “Năng nhặt chặt bị” nói về đức tính gì?
  3. “Năng nhặt chặt bị” phản ánh quy luật nào?
  4. “Năng nhặt chặt bị” tiếng Anh là gì?
  5. Các thành ngữ đồng nghĩa và trái nghĩa với “Năng nhặt chặt bị” 

Siêng năng và kiên trì là những yếu tố quan trọng để vươn tới đến thành công và chúng cũng rất quan trọng để chúng ta chiến thắng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Để đề cao những đức tính đẹp này, dân gian ta có thành ngữ: “Năng nhặt chặt bị”.

nang-nhat-chat-bi-voh-00
Năng nhặt chặt bị là gì?

1. “Năng nhặt chặt bị” là gì?

Trong câu thành ngữ “Năng nhặt chặt bị”, chúng ta có:

  • Năng: Siêng năng, thường xuyên, nhiều lần
  • Nhặt: Gom lại, cầm nhặt
  • Chặt: chặt chẽ, sát vào nhau, khó tách ra
  • Bị: Bịch, túi đựng    

Như vậy, nghĩa đen câu thành ngữ “Năng nhặt chặt” bị có nghĩa là tích góp, gom nhặt mỗi ngày một ít thì chiếc túi đó mấy chốc sẽ đầy ắp, hoặc cứ tích góp những thứ nhỏ bé sẽ tạo thành một thứ gì đó to lớn hơn.  

Xét theo nghĩa bóng, câu thành ngữ “Năng nhặt chặt bị” muốn nói rằng nếu biết siêng năng, chịu khó kiên trì làm lụng, chắt chiu dần dần thì sẽ đạt thành quả xứng đáng. 

Nói một cách dễ hiểu, ngày xưa người nông dân sau khi gặt lúa xong, một đám con nít thường sẽ xách một chiếc túi để đi mót lúa, nếu đứa trẻ chịu khó đi nhặt từng hạt, từng bông rồi cũng sẽ đầy túi. Rõ ràng, trong cuộc sống chúng ta cũng thế, nếu biết kiên trì tích lũy mỗi ngày một ít thì chúng ta sẽ của ăn của để.

Xem thêm: Top 39+ thành ngữ, tục ngữ nói về ‘cái đẹp’ trong cuộc sống, ai cũng nên đọc!

nang-nhat-chat-bi-voh-01
Nếu biết siêng năng, chịu khó kiên trì làm lụng, chắt chiu dần dần thì sẽ đạt thành quả xứng đáng. 

2. “Năng nhặt chặt bị” nói về đức tính gì?

Từ giải thích ở trên, có thể thấy thành ngữ “Năng nhặt chặt bị” nói về đức tính siêng năng, kiên trì và tiết kiệm của con người. 

Thành ngữ khuyên răn chúng ta không nên bỏ lỡ những thứ nhỏ nhặt nhất vì biết đâu sau này nó sẽ to lớn khi mình biết kiên trì tích góp, từ đó dễ dàng thực hiện được ước mơ mong muốn của bản thân. 

Để làm được như thế, ngay từ bây giờ, chúng ta phải biết chăm chỉ làm việc, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để sau này còn vận dụng nó vào đời sống để nhanh chóng chạm đến ước mơ. Bên cạnh đó, chúng ta phải biết trân trọng những điều nhỏ bé, vì chính những cái bé đó khi gộp lại sẽ thành những điều lớn lao.

Thành ngữ năng nhặt chặt bị còn khuyên mỗi người chúng ta phải biết cố gắng, phấn đấu không ngừng, không được bỏ cuộc trước khó khăn, gian khổ. Muốn như vậy, mỗi người cũng cần rèn luyện sức khỏe và tinh thần thật tốt để có thể  đương đầu trước khó khăn.

Xem thêm: 20 câu ca dao tục ngữ về tự lập giúp rèn giũa tính cách con người

nang-nhat-chat-bi-voh-02
Thành ngữ năng nhặt chặt bị khuyên mỗi người chúng ta phải biết cố gắng, phấn đấu không ngừng.

3. “Năng nhặt chặt bị” phản ánh quy luật nào?

Thành ngữ năng nhặt chặt bị đề cao tính kiên trì và chịu khó của con người.

Vậy bạn có biết năng nhặt chặt bị thuộc quy luật nào của phép biện chứng duy vật không?

Trong triết học, thành ngữ năng nhặt chặt thuộc quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại. Lượng và chất là hai mặt thống nhất biện chứng của sự vật, chỉ khi nào lượng được tích lũy tới mức độ nhất định mới làm thay đổi về chất.

Nói cách khác, sự vận động và phát triển của sự vật bao giờ cũng phải tích lũy dần dần về lượng đến một giới hạn nhất định, đồng thời phải biết thực hiện và thực hiện kịp thời những bước nhảy khi có điều kiện chín muồi để biến đổi về chất.

Những việc làm vĩ đại của con người bao giờ cũng là sự tổ hợp của những việc làm bình thường của con người đó. Những yếu tố nhỏ sẽ góp phần tạo nên một kết quả lớn lao. Hay có thể nói, thành công của một người phụ thuộc vào sự phấn đấu nỗ lực của anh ta trên một hành trình dài. 

Do đó, mỗi người chúng ta phải luôn tích cực học hỏi, chủ động trong công việc học tập và rèn luyện của mình cả đức và tài, để trở thành một con người ngày càng phát triển về mọi mặt, tránh tư tưởng nóng vội mà không chịu tích lũy về kiến thức, kinh nghiệm.

Tóm lại, quy luật lượng chất giúp chúng ta tránh được tư tưởng chủ quan duy ý chí, đốt cháy giai đoạn trong hoạt động thực tiễn. Từ quy luật trên của phép biện chứng duy vật, cha ông ta đã rút ra được tư tưởng sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay qua thành ngữ “Năng nhặt chặt bị”.

Xem thêm: Vai trò của thế giới quan duy vật và duy tâm trong đời sống và triết học

4.  “Năng nhặt chặt bị” tiếng Anh là gì?

Trong tiếng Anh, thành ngữ “năng nhặt chặt bị” được dịch thành nhiều cụm từ sau:

  • Many little makes a mickle: Nhiều khoản nhỏ gộp lại với nhau sẽ trở thành một khoản lớn.
  • From small increments comes abundance: Những khoản nhỏ sẽ tích thành nguồn vốn dồi dào.
  • Little will grow to much: Những thứ nhỏ nhặt sẽ phát triển thành thứ lớn lao.
  • Penny and penny, laid up, will be many: Một đồng xu, thêm một đồng xu, một chốc sẽ trở nên nhiều hơn.

Xem thêm: 121 câu thành ngữ tiếng Anh ngắn gọn hay và thông dụng nhất

nang-nhat-chat-bi-voh-03
Mỗi người chúng ta phải luôn tích cực học hỏi, chủ động trong công việc, học tập.

5.  Các tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa và trái nghĩa với “Năng nhặt chặt bị” 

Về tính siêng năng kiên trì, ngoài câu “năng nhặt chặt bị”, kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam còn rất nhiều câu nói khác mang hàm ý tương tự như:

  1. Tiết kiệm sẵn có đồng tiền/Phong khi túng lỡ không phiền lụy ai.
  2. Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện.
  3. Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
  4. Tích tiểu thành đại.
  5. Ăn ít no lâu, ăn nhiều chóng đói.
  6. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.
  7. Ít chắt chiu hơn nhiều ăn phí.
  8. Ăn chắc, mặc bền.
  9. Ăn phải dành, có phải kiệm.
  10. Góp gió thành bão.
  11. Có công mài sắt có ngày nên kim.
  12. Có chí thì nên.
  13. Của bền tại người.
  14. Khi lành để dành khi đau.
  15. Được mùa chớ phụ ngô khoai Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng.
  16. Ăn giả làm thật.
  17. Một miếng khi đói, bằng một gói khi no.
  18. Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.
  19. Cần cù bù thông minh.

Xem thêm: Dân gian thường dùng câu "Người sống đống vàng" để nói đến điều gì?

Trái nghĩa với sự kiên trì, siêng năng chính là tính ỷ lại, lười biếng. Dưới đây là một số câu tục ngữ, ca dao mang ý nghĩa ngược lại với “Năng nhặt chặt bị”:

  1. Há miệng chờ sung
  2. Ăn sẵn nằm ngửa
  3. Ăn không ngồi rồi
  4. Làm biếng lấy miệng mà đưa
  5. Nhịn đói nằm co hơn ăn no vác nặng
  6. Đi cuốc đau tay, đi cày mỏi gối
  7. Nói thì có, mó thì không
  8. Ngồi dưng ăn hoang, mỏ vàng cũng cạn
  9. Ăn thì muốn những miếng ngon/ Làm thì một việc cỏn con chẳng làm.
  10. Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho.

Như bạn thấy đấy, có siêng năng, chịu khó kiên trì làm việc và tích góp dần thì chúng ta mới đạt được thành công mỹ mãn. Hy vọng bài viết này sẽ tạo thêm động lực cho độc giả trên hành trình chinh phục những ước mơ của mình.

Nguồn ảnh: Internet

Từ khóa » Góp Nhặt Nghĩa Là Gì