Những Bài Thuốc Thông Dụng Từ Vỏ, Hạt Và Lá Quýt

Nhắc đến quýt, có người le lưỡi, lắc đầu vì nghĩ đến loại quả chua lèm nhưng cũng có người tỏ ra thèm vì liên tưởng ngay đến quýt ngọt.

Loại quýt ngọt như đường ấy, người ta để ăn chơi, trưng bày, làm quà biếu… Trong đời sống hàng ngày, nó được ưa chuộng từ khi lúc lĩu trên cành cho đến lúc chín “rụng bờ ao”:

“Quýt rụng bờ ao ngọt ngào anh chuộngTrái mận hồng đào, rụng cuống anh chê.” (1).

Cây quýt có tên khoa học là Citrus deliciusae Tenore, thuộc họ Cam (2).

Ở nước ta, có nhiều giống quýt được trồng như quýt chua, quýt ngọt, quýt giấy, quýt gai…  và loại nào cũng có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên, theo quan niệm y học cổ truyền thì vỏ quả quýt chua là làm thuốc tốt nhất (còn trong ăn chơi thì quýt ngọt được ưa chuộng nhất).

Quả quýt làm thực phẩm

Được biết, quýt là một trong những loại quả chứa nhiều vitamin C nên rất tốt cho sức khỏe và sắc đẹp phụ nữ. Theo Đông y, ăn quả quýt chín (hoặc uống nước ép quýt) có tác dụng giải khát, giải rượu, nhuận phổi, kích thích thèm ăn (2) (3) (4), làm tan đờm và sảng khoái tinh thần (5).

Trần bì (vỏ quýt)
Trần bì (vỏ quýt)

Quả quýt làm thuốc

Không chỉ là món trái cây tráng miệng hấp dẫn, quả quýt còn được dùng làm thuốc với các bộ phận như vỏ, hạt và cả xơ quýt.

Vỏ quýt (trần bì)

Sau khi ăn quýt, bạn đừng vội vứt bỏ vỏ của nó bởi vỏ quýt là vị thuốc rất thường gặp trong các thang thuốc nam. Nếu lấy vỏ của quả còn xanh rồi đem phơi âm can, bạn sẽ được vị thuốc có tên là thanh bì. Nếu lấy vỏ của quả quýt chín phơi âm can, chúng ta sẽ có vị thuốc trần bì (phơi âm can là phơi ở chỗ thoáng gió cho khô dần). Hơn nữa, vỏ quýt để càng lâu thì càng tốt (nhưng các bạn không nên treo lên gác bếp vì như thế sẽ làm phần vỏ bị hao hụt tinh dầu và bị bám khói, đen bẩn) (2) (6).

  • Tham khảo: Vỏ quýt và hiệu quả điều trị viêm tuyến vú, viêm phế quản

Theo Đông y, thanh bì và trần bì được dùng trong các trường hợp như:

  • Điều trị đau gan, đau mạn sườn, đau tức ngực và sốt rét (sắc uống 3 – 9 g thanh bì mỗi ngày) (2) (3).
  • Điều trị khó tiêu, nôn mửa, đờm và sốt rét (sắc uống 4 – 12 g trần bì mỗi ngày hoặc nhiều hơn) (3).
  • Điều trị ho mất tiếng (lấy 12 g trần bì sắc trong 200 ml nước, đến khi còn 100 ml nước thì cho thêm đường và uống nhấp nháp từ từ trong ngày) (3).
  • Điều trị tiêu chảy, tức ngực và ho đờm lâu năm (sắc uống từ 6 – 12 g trần bì) (3).

Hạt quýt

Sau khi ăn quả quýt chín, phần hạt có thể được thu nhặt, phơi khô và gọi là quất hạch. Vị thuốc này có vị đắng, tính bình, có tác dụng điều trị viêm tuyến vú, sa ruột, thận lạnh, đau lưng và tinh hoàn sưng đau (thiên trụy). Cách dùng: sắc lấy nước uống từ 3 – 10 g mỗi ngày (4) (6).

Xơ quýt

Những lớp xơ trong quả quýt cũng được dùng làm thuốc điều trị ho, đau tức ngực và sườn. Cách dùng: sắc lấy nước uống từ 3 – 10 g mỗi ngày (6).

Lá quýt và công dụng làm thuốc

Không chỉ quả, hạt mà lá quýt (chứa nhiều tinh dầu) cũng được ứng dụng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, nếu bị đau bụng, đau nhức lưng sườn, sưng vú (núm vú nứt lở) hoặc ho, có thể lấy lá quýt hơ cho nóng rồi đắp lên hoặc lấy lá quýt phơi khô rồi sắc lấy nước uống (6 – 12 g lá) (2). Bên cạnh đó, nếu bị đau tức ngực và sa ruột, có thể dùng 10 – 20 lá quýt sắc lấy nước uống (4).

Quả và lá quýt
Quả và lá quýt

Một số bài thuốc thông dụng từ trần bì

  • Điều trị ho đờm nhiều (đờm đặc) và tức ngực: Lấy 6 g trần bì, 6 g bán hạ chế, 3 g cam thảo và 12 g phục linh, sắc lấy nước uống trong ngày (4).
  • Điều trị tinh hoàn sưng đau: Lấy một lượng bằng nhau các vị trần bì, đại hồi hương, hạt vải (riêng hạt vải thì thái mỏng, phơi khô rồi sao vàng), sau đó đem tán tất cả thành bột mịn và uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 2 – 4 g và lưu ý dùng rượu để chiêu thuốc (4).
  • Điều trị sốt và sưng vú ở phụ nữ cho con bú: Lấy 20 lá quýt và nửa hạt qua lâu nhân rồi sắc chung với cam thảo (1, 5 g) cùng các vị xuyên khung, liên kiều, hoàng cầm, thạch cao, chi tử, trần bì, sài hồ, thanh bì (mỗi vị 3 g). Lưu ý, nên chia nước sắc thành nhiều lần uống trong ngày (4).
  • Điều trị nôn và hay ợ hơi do lạnh dạ dày: Lấy 9 g trần bì và 6 g gừng tươi, sắc lấy nước uống trong ngày (6).
  • Điều trị sốt rét: Lấy vỏ quýt đốt cháy thành than rồi tán nhỏ, sau đó uống với rượu hâm nóng. Liều lượng: mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần uống khoảng 4 g và nên uống từ 5 – 7 ngày liên tiếp để thấy hiệu quả (7).

Lưu ý

  • Phân biệt: Cần phân biệt vị thuốc trần bì (vỏ quýt) với vỏ chanh, vỏ tắc. Ngoài ra, cây quýt còn được gọi là cam quất, hoàng quất… và khác với kim quất (quả tắc, hay còn gọi là quả hạnh).
  • Đối tượng cần tránh: Người yếu mệt không có tích trệ không được dùng thanh bì (6) và người âm hư, miệng khát không được dùng trần bì (6).

Nguồn tham khảo

  1. Quýt, https://cadao.me/the/qua-quyt/, ngày truy cập: 16/12/2019.
  2. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 384.
  3. Bộ Y tế, Vụ y học cổ truyền, Cây quả cây thuốc, NXB  Y học, HN, 2005, trang 59.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 555.
  5. Nhiều tác giả, Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, NXB Văn hóa dân tộc, trang 91.
  6. Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 236.
  7. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 432.

Từ khóa » Hạt Quýt Làm Thuốc