Những Biện Pháp Phòng Một Số Bệnh Da Liễu Thường Gặp Vào Mùa Hè

Theo Bác sỹ Nguyễn Xuân Hiền - Phó Trưởng Phòng khám Đa khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết:vào mùa hè nóng nực hay xảy ra rất nhiều các bệnh đặc biệt nhất là các bệnh về da ở trẻ em. Trẻ em trong mùa này đa số mắc bệnh rôm sảy, xuất hiện các sẩn đỏ, sẩn hồng toàn bộ trên da mặt hay toàn thân. Nguyên nhân là do một loại vi trùng tụ cầu. Điều trị bệnh này các bà mẹ nên chú ý vệ sinh hàng ngày, phải tắm cho trẻ bằng xà phòng sát khuẩn, xoa phấn rôm hoặc các bà mẹ có thể mua thuốc dưỡng ẩm để xoa cho trẻ.

Bệnh thứ hai hay thường gặp đó là các bệnh nang lông và nhọt, về mùa  nắng nóng nhọt xuất hiện rất nhiều kể cả người lớn, nhọt ở vùng nách hay gọi là bệnh ổ gà, ở vùng cằm gọi là đinh râu, ở vùng lưng hay gọi là hậu bối. Nguyên nhân của nhọt cũng là do vi trùng tụ cầu. Điều trị về nhọt mọi người cũng cần chú ý vệ sinh thân thể hàng ngày sau khi lao động (mặc quần áo bảo hộ lao động khi đi làm việc mồ hội ra nhiều ngứa gãy vi trùng xâm nhập ngoài da vào cơ thể).

Bệnh thứ ba ở trẻ hiện nay là bệnh trốc, nguyên nhân cũng là do vi trùng tụ cầu thường hay xuất hiện ở trẻ nhỏ, các trẻ đang đến tuổi đến trường, hay xuất hiện trên da là các đám rát, rộp da và bị chảy nước loét sâu. Điều trị các bà mẹ chú ý vệ sinh cho trẻ, bôi các thuốc sát khuẩn, bôi mỡ kháng sinh và nên cho trẻ dùng thuốc kháng sinh sớm để chống nhiễm khuẩn và bội nhiễm khác. Các bà mẹ nên chú ý nếu các ổ loét sâu thành hình vòng chảo thì ngay lập tức cho trẻ đến phòng khám da liễu để khám và điều trị kịp thời.

Bệnh thường gặp hiện nay nhất với tất cả mọi người là bệnh mề đay. Nguyên nhân hay gặp nhiều nhất là những người lao động làm việc nặng, nắng nóng như công nhân xây dựng, làm việc ở công trường, hầm mỏ, nguyên nhân nữa là do dị ứng thuốc uống, dị ứng thức ăn dẫn tới mọc sẩn rát đỏ mọc trên toàn thân có khi kèm theo sốt. Điều trị chỉ cần loại bỏ các tác nhân gây bệnh và bôi các thuốc dưỡng ẩm để cho da giữ độ ẩm, không bị kích ứng, uống các loại thuốc theo chỉ  định của bác sỹ và bệnh sẽ dần khỏi.

Bên cạnh đó, mùa hè nắng nóng là nguyên nhân cho da tăng tiết mồ hôi và bã nhờn gây mụn trứng cá; bệnh nấm da và viêm kẽ. Triệu chứng của viêm kẽ thường có ngứa rát, đau ở các nếp của cơ thể thường trở nên đỏ, nứt kẽ và thượng bì ướt, trợt ra. Có thể gặp ở người ra mồ hôi nhiều, béo phì, đái tháo đường, vệ sinh kém, tuổi cao...

Để phòng chống các bệnh ngoài da, Bác sỹ Nguyễn Xuân Hiền khuyến cáo:

 Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Cần thường xuyên tắm rửa, luôn đảm bảo cho làn da khô thoáng và sạch sẽ, gội rửa hết bụi bẩn trên da, nhất là sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc sau khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Dù vậy, không nên quá lạm dụng việc tắm rửa.

 Bảo vệ da khi đi ngoài nắng: Khi ra trời nắng nóng cần bảo vệ da thật kỹ bằng cách đội nón mũ, mặc quần áo dài, khẩu trang, bao tay và tất để tránh nắng, bụi bẩn.

 Mặc quần áo cotton: Vải cotton sẽ giúp cho làn da "có chỗ để thở", thấm mồ hôi, thoát nhiệt và cảm thấy mát mẻ.

 Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng: Làn da rất cần các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng. Cần bổ sung các loại vitamin, chất xơ. Lưu ý nên hạn chế các chất kích thích, cà phê, các loại thực phẩm có thể gây dị ứng như tôm, cua, mực...

 Uống nước đều đặn: Càng uống nhiều nước, cơ thể càng đào thải các độc tố tốt hơn và phục hồi da. Do đó cần bổ sung đầy đủ tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày cho cơ thể.

 Không cào gãi, chà xát, cậy nặn: Khi đã bị viêm da tuyệt đối không cào gãi, chà xát hay cậy nặn vì điều đó sẽ làm cho tổn thương bị chầy xước và nghiêm trọng thêm.

Khi có dấu hiệu mắc các bệnh da liễu, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp./.

Nguyễn Minh

Từ khóa » Kể Tên Các Bệnh Ngoài Da Và Cách Phòng Tránh