Những Cách Day Con Ngoan Biết Nghe Lời Hiệu Quả Nhất

Con không nghe lời – xưa nay vẫn là nỗi lo lắng của nhiều bậc làm cha làm mẹ. Mỗi người đều hy vọng có thể tạo dựng được uy tín trước con cái, mong rằng con cái sẽ biết vâng lời, nghe theo những chỉ bảo của cha mẹ. Nhưng thực tế không ít trẻ thường bỏ ngoài tai những lời cha mẹ nói và thích làm theo ý mình. Lúc này nhiều người sẽ tức giận, có những lời nói và hành vi thiếu tự chủ, đánh con, hay đưa ra những hình phạt v.v…

Những Cách Day Con Ngoan Biết Nghe Lời Hiệu Quả NhấtNhững Cách Day Con Ngoan Biết Nghe Lời Hiệu Quả Nhất

Chúng ta đều hiểu rằng roi vọt không thể dạy được một đứa trẻ ngoan. Những đau đớn về thể chất và tổn thương tâm lý khi bị đánh đòn sẽ ám ảnh các em tới khi trưởng thành. Còn Khi bị phạt, trẻ sẽ cảm thấy tức giận và trở nên phòng thủ với mọi thứ xung quanh. Một loại hóc-môn có tên là Adrenalin sẽ nhấn chìm bọn trẻ trong cảm giác muốn chiến đấu thay vì hòa bình, hợp tác. Trẻ sẽ sớm quên những hành động xấu khiến chúng bị phạt và tạo cảm giác sợ hãi, muốn che đậy ở trẻ.

Thay vì phạt trẻ, hay đánh trẻ bạn hãy quan tâm, yêu thương và trở thành những tấm gương để chúng noi theo. Khi đó, trẻ sẽ chấp nhận những quy tắc chúng ta đưa ra một cách dễ dàng hơn.

Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, trẻ không nghe lời có thể vì cha mẹ không nêu gương tốt cho con, vì cha mẹ chưa hiểu rõ tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của con, ngược lại, đứa trẻ cũng chưa hiểu rõ được tâm ý của cha mẹ.

Để con nghe lời mà không cần roi vọt hay các hình phạt, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ tâm lý của trẻ, phân tích nguyên nhân trẻ không chịu nghe lời, đưa ra những biện pháp giải quyết phù hợp và khoa học. Chỉ cần giáo dục đúng cách thì trẻ sẽ tự nhiên nhận biết được phải trái đúng sai, hiểu được thế nào là tốt xấu.

Vậy thì hôm nay Các Bậc Phụ Huynh hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Thuocthang.com.vn để học hỏi được những cách dạy con ngoan biết nghe lời đơn giản mà vô cùng hiệu quả nhé.

NHỮNG BIỂU HIỆN THƯỜNG GẶP CỦA TRẺ NGỖ NGƯỢC, KHÔNG NGOAN

Trẻ nhỏ thường có một trong các biểu hiện dưới đây, nhưng chỉ là tạm thời. “Ông trời con” lại có xu hướng lặp lại những hành vi này. Dần dà, chúng trở thành một phần lối ứng xử, gây lệch lạc nhân cách trẻ vì bố mẹ không biết cách dạy con ngoan từ bé.

+ Không thích bị áp đặt, khó chấp nhận mệnh lệnh hoặc kỷ luật từ bố mẹ, người lớn

+ Trẻ cho mình tự chủ, mình là cái rốn vũ trụ, có quyền hành

+ Rất dễ thất vọng. Trẻ sẽ giận dữ, khóc lóc, thậm chí làm mình đau

+ Trẻ muốn gì phải được chiều ngay

+ Rất bực bội khi cha mẹ tỏ vẻ quan tâm người khác

+ Thiếu tôn trọng người lớn, khó thỏa hiệp

+ Ích kỷ và không quan tâm đến người xung quanh

+ Tự cho mình ngang hàng với người lớn

+ Có xu hướng nói rất nhiều để chứng tỏ mình có lý, mình thông minh

+ Tự cho phép mình hành xử bạo lực, hung hăng

NHỮNG CÁCH DAY CON NGOAN BIẾT NGHE LỜI HIỆU QUẢ NHẤT

1. Dạy Trẻ Từ Nhỏ

Sẽ không bao giờ là quá sớm để giáo dục một đứa trẻ cư xử ngoan ngoãn. Ở mỗi độ tuổi, bố mẹ sẽ cần có một phương pháp dạy trẻ riêng hiệu quả. Theo các chuyên gia, nền móng tính cách và lối cư xử của một đứa trẻ thường được hình thành trước 5 tuổi. Chính vì vậy, các ông bố bà mẹ nên nghiêm túc đặt ra mục tiêu giáo dục con cư xử ngoan ngay từ khi còn tấm bé.

2. Luôn Nhất Quán

Con trẻ thông minh và nhạy cảm hơn bạn nghĩ rất nhiều. Bạn nghĩ rằng nếu đưa cho con một cái kẹo khi con đang khóc sẽ không sao cả vì “chỉ một lần thôi mà”. Nhưng bạn càng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của con thì con sẽ càng muốn được chiều theo cách của mình. Chính vì vậy, việc đặt ra giới hạn và áp dụng chúng một cách nhất quán trong gia đình là rất quan trọng. Bố và mẹ cần phối hợp thống nhất khi nói đến những quy tắc gia đình vì nếu hai người lại đưa ra những nguyên tắc khác nhau thì chắc chắn sẽ khó có thể dạy bé cư xử đúng cách được.

3. Luôn Trò Chuyện Với Con Một Cách Bình Đẳng

Là cha mẹ nên trò chuyện nhiều với con để hiểu rõ con thích gì và mong muốn gì. Không nên thiết lập uy quyền khiến cho con cái nể sợ. Không nên làm tổn thương tình cảm của con bằng những lời nói thiếu tôn trọng. Hãy nói “Cha mẹ nghĩ …” khi bày tỏ ý kiến và đánh giá của mình trước con cái, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng, cảm nhận được tình cảm của cha mẹ mà vui vẻ tiếp thu những gì người lớn chỉ bảo, không cần tới đòn roi.

4. Phê Bình Con Cần Sự Nhẹ Nhàng

Có nhiều bậc cha mẹ cho rằng khi phê bình con thì phải dùng những lời lẽ thật nặng nề mới tạo được tính giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên càng phê bình gay gắt, hiệu quả càng hạn chế. Đừng nói với con những lời như “Con đúng là hết thuốc chữa”, “Con thật là khó dạy” v.v.. Muốn khiến trẻ nghe lời mà tâm phục khẩu phục thì bên cạnh việc tôn trọng con bằng cách luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của con, cha mẹ còn cần phải biết cách đưa ra lời phê bình công bằng và hợp lý, đúng mực.

5. Kết Nối Trước Khi Đưa Yêu Cầu

Trước khi bạn đưa ra những hướng dẫn hay những yêu cầu đối với con, hãy cho trẻ thời gian để làm quen với bạn, đánh thức ham muốn học hỏi từ trẻ. Hãy nhớ rằng trẻ sẽ cư xử sai khi chúng cảm thấy tiêu cực về bản thân và không có sự kết nối với người xung quanh.

Ví dụ:

– Cúi xuống và nhìn ngang tầm mắt con: “Con đang cư xử không tốt đâu… Hãy nói cho mẹ điều con muốn…. và không được cắn”

– Ôm con: “Con ước rằng mình có thể chơi lâu hơn…nhưng đến giờ đi ngủ rồi”

– Ánh mắt âu yếm: “Trông con có vẻ đang rất buồn”

6. Học Cách Thấu Hiểu

Bạn phải hiểu rằng khi bọn trẻ nóng giận thì chúng không thể học được gì. Thay vì giảng giải, hãy đưa chúng đến một nơi yên tĩnh, giúp chúng bình tĩnh lại. Đó không phải là một hình phạt mà là một cơ hội để bạn hiểu con hơn. Nếu trẻ vẫn tỏ ra sợ hãi và hoảng sợ, đừng cố giải thích về lỗi lầm của con. Thay vào đó, bạn hãy tạo cho trẻ một cảm giác an toàn và được yêu thương. Sau đó, khi con cảm thấy bình tĩnh hơn, bạn có thể gần gũi con và nói cho con hiểu vấn đề.

7. Không Dạy Trẻ Khi Đang Tức Giận

Việc ‘chỉnh đốn’ con trẻ khi bạn đang tức giận thường không phải là một việc khôn ngoan. Trong khi tâm trạng đang bị chi phối bởi việc khác, lời nói và hành động dạy dỗ lúc này sẽ rất có thể khiến bố mẹ phải hối hận sau đó.

8. Cha Mẹ Cần Kiểm Soát Bản Thân

Khi đối mặt với những rắc rối do con cái gây nên, cha mẹ cần học cách tự kiềm chế, giữ lý trí và suy nghĩ tỉnh táo. Dù cho có lúc rất bực tức thì cha mẹ cũng cần tự hỏi: “Liệu con có sai không?”; “Mình sai ở chỗ nào”… Nếu như không kiềm chế được mà đánh con thì sẽ dẫn tới thất bại trong việc giáo dục con cái.

9. Để Cho Con Tham Gia Làm Việc Nhà

Để trẻ tham gia làm việc nhà cũng là cách giúp trẻ có thêm tinh thần trách nhiệm với gia đình, bồi dưỡng khả năng tự lập cho trẻ, tăng cường sự tự tin. Tránh việc nuông chiều con quá mức sinh hư, hay ỷ lại vào người khác.

10. Gương Mẫu Cho Con

Điều con cần phải làm thì cha mẹ phải làm được trước. Không muốn con làm gì thì cha mẹ cũng phải đảm bảo không làm trước. Có như vậy mới dạy con có hiệu quả. Nếu như cha mẹ thích hưởng thụ, phô trương thì không thể dùng đòn roi dạy con tính tiết kiệm và chăm chỉ được. Khổng Tử dạy: “Người làm đúng, không ra lệnh người khác cũng làm theo. Người làm không đúng, có ra lệnh cũng không ai làm theo”.

11. Khen Con Đúng Mức

Khen trẻ quá lời dần dần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng mình làm gì cũng đúng, không cần nghe lời người lớn nữa. Chính vì thế hãy luôn trân trọng sự cố gắng của con, nói lời động viên khi con làm đúng nhưng đừng bao giờ nói với con “Con là số một”, “Con giỏi nhất” v.v..

12. Khen Thưởng Đúng Lúc

Khi làm việc tốt mọi người đều xứng đáng được khen thưởng, trẻ con cũng vậy. Phần thưởng của bố mẹ khi bé cư xử ngoan ngoãn hay đã sửa được thói quen xấu chắc chắn sẽ tạo động lực để bé duy trì lối cư xử đúng đắn này. Phần thưởng ở đây không nên quá thiên về vật chất mà có thể chỉ là lời khen, một cử chỉ quan tâm hay khích lệ. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chọn đúng thời điểm để khen ngợi bé, tốt nhất là ngay sau khi quan sát thấy biểu hiện tích cực của bé. Tuy nhiên, bố mẹ cũng phải liên tục đánh giá ‘động cơ’ khiến con trẻ cư xử ngoan ngoãn để chắc chắn rằng chúng không chỉ như vậy bởi vì những món quà nhận được.

13. Để Con Được Vấp Ngã

Con đường đi từ nhỏ đến lớn quá bằng phẳng cũng không hoàn toàn tốt. Cần cho trẻ có cơ hội được vấp ngã, thất bại. Trải qua những sai lầm, trẻ sẽ học cách lắng nghe cha mẹ nhiều hơn. Không những thế còn giúp trẻ học được cách đối mặt với những rắc rối thường ngày.

14. Không Nên Quá Chiều Chuộng Con

Cha mẹ quá nuông chiều con cái khiến cho trẻ thiếu khuôn phép, không hiểu lễ độ và giới hạn trong hành vi của mình. Nhiều trẻ hư, ngang ngược và không nghe lời vì cha mẹ đã không kịp thời uốn nắn hành vi của con từ nhỏ, chỉ để đến khi những thói quen xấu đã hình thành mới điều chỉnh, lúc đó việc dạy con ngoan trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

15. Hướng Dẫn Trẻ Cách Sửa Sai

Hãy hướng dẫn trẻ bài học này thật sớm để bạn có thể truyền tải những thông điệp của bản thân một cách dễ dàng nhất. Ví dụ như việc bạn dùng khăn giấy lau sạch sữa đổ của con, không phàn nàn và không xấu hổ. Khi trẻ lớn hơn, chúng sẽ bình tĩnh khi xử lý những cơn cáu giận với các em. Tấm gương về sửa lỗi và xin lỗi sẽ giúp con học một cách nhanh nhất.

Hãy nhớ rằng tất cả các hành vi sai trái cũng là một cách ứng xử theo một nhu cầu chính đáng nào đó (mặc dù sai).

Khi con hành động sai, chúng cũng có những lí do riêng. Lúc đó, bạn nên quan sát xem có phải trẻ đang cáu vì thiếu ngủ hay vì một lí do nào đó không. Hãy trò chuyện với con hoặc cho trẻ thời gian riêng để khóc và giải phóng cảm xúc xáo trộn bị kìm nén. Sau khi trẻ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trên, chúng sẽ hiểu và dừng những hành vi sai trái.

16. Dành Nhiều Thời Gian Ở Bên Con

Ngày nay rất nhiều bậc phụ huynh luôn than thở mình rất bận, bận kiếm tiền, bận sự nghiệp, bận bạn bè và giao tiếp xã hội mà ít khi quan tâm con cái. Đó là nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, và dần dần không nghe lời cha mẹ. Các bạn hãy luôn nhớ rằng, sự lớn lên lành mạnh của trẻ không chỉ phụ thuộc vào cuộc sống vật chất có đầy đủ hay không mà phần nhiều ảnh hưởng bởi sự thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ và tình yêu thương đong đầy của cha mẹ. Chính vì thế hãy dành thời gian để ở bên con cái nhiều hơn nhé!

Hy vọng với những cách dạy con trên đây của Thuocthang.com.vn, các bậc cha mẹ có thể tìm ra con đường nhanh nhất, thích hợp nhất với thái độ đúng đắn nhất để sớm uốn nắn con mà không cần đến roi vọt, hay các hình phạt

Nguyễn Ngọc

Từ khóa » Dạy Trẻ Nghe Lời Cha Mẹ