Những Câu Chuyện Tình Yêu Trong Chiến Tranh

Nhảy đến nội dung Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ công tác năm 2024Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụTổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dânThủ tướng: Lan tỏa mạnh mẽ, khí thế, dấu ấn nổi bật của đất nước trong kỷ nguyên mớiGiao lưu điển hình tiên tiến “Mỗi tấm gương một khát vọng cống hiến” Chính trị - Xã hội Những câu chuyện tình yêu trong chiến tranh 27/07/2022 - 20:49

TĐKT - “Chiến tranh” - hai từ khi nhắc đến, gợi cho chúng ta bao hình dung về sự tàn khốc, ác liệt và chia ly. Với thế hệ đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Tạp chí Thi đua Khen thưởng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện tình yêu thời chiến mà khi nhắc đến trái tim ta vẫn nghẹn ngào, thổn thức xen lẫn niềm tự hào, khâm phục và cả những tiếc nuối khôn nguôi.

Chuyện tình vợ chồng nhà văn, nhà báo

Tình yêu của vợ chồng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam là một trong những câu chuyện tình đẹp và lãng mạn trong thời chiến.

Nhà báo, nhà văn Thanh Hương và Vũ Tú Nam

Thanh Hương và Vũ Tú Nam biết mặt nhau từ năm 1948, khi đó bà Hương là một cán bộ phụ nữ trẻ của Liên khu IV tới Tiểu đoàn ông Nam để diễn thuyết, động viên bộ đội đi giết giặc, thi đua với hậu phương. Với gương mặt tròn, nước da trắng, đôi mắt sáng và tóc xõa ngang vai, cái đầu nghiêng nghiêng khi nói, cách nói nhanh và hấp dẫn nên đã thu hút được sự chú ý của tất cả các chàng trai trong đơn vị, trong đó có chàng trai tên Tú Nam quê Nam Định. Khi Tiểu đoàn của ông Nam rời Thanh Hóa ra đến khu 3, đơn vị nhận được thư của một cô gái ký tên là Phương Thùy gửi theo động viên, nhắc nhở chuyện thi đua. Ông Nam được anh em giao cho nhiệm vụ thay mặt đơn vị viết thư trả lời. Bắt đầu từ đó có những lá thư đi thư lại giữa người con gái ký tên Phương Thùy và ông Nam (ký tên Then). Năm 1949 khi đơn vị của ông Nam xong nhiệm vụ ở khu 3 trở về Thanh Hóa cũng là lúc ông biết và gặp được Phương Thùy, đó chính là Thanh Hương, người con gái đăng đàn diễn thuyết hôm nào. Từ đó Thanh Hương và Tú Nam quen và thân nhau.

Năm 1950, bà Hương được điều ra Việt Bắc công tác, tháng 6 năm 1950 ông Nam cũng ra Việt Bắc làm báo Quân đội nhân dân. Thời gian này ông bà có cơ hội gặp nhau ở một số chiến dịch. Từ 1950 những lá thư hai người viết cho nhau cũng nhiều lên và từ tình bạn họ đã chuyển dần sang tình yêu. Ngày 1/6/1952 bà Thanh Hương và ông Tú Nam đính ước.

Tuy đã đính ước nhưng thời gian ông bà ở bên nhau không nhiều vì Tú Nam đi các chiến dịch liên miên, Thanh Hương cũng đi chiến dịch phục vụ bộ đội, khi thì làm công tác hậu cần, khi thì là chính trị viên quân y. Từ lúc yêu cho đến lúc đã là vợ chồng, do thường xuyên phải đi công tác, hai người luôn trong hoàn cảnh cách xa nên họ thường xuyên viết thư cho nhau. Những lá thư đó không chỉ thể hiện tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng Hương - Tú, mà nó còn thể hiện lý tưởng sống, hoài bão và khát khao cống hiến cho Tổ quốc; là sự tái hiện những năm tháng kháng chiến khốc liệt, những tấm gương dũng cảm của đồng bào, đồng đội, những kỷ niệm về các đồng nghiệp, đất trời Hà Nội và những vùng quê thân thiết của Việt Nam.

Tình yêu bên hiếu, bên tình

Câu chuyện tình yêu của nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhãn và chiến sĩ lái xe Nguyễn Mạnh Cường là một trong những mối tình đẹp, cao cả.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn và ông Nguyễn Mạnh Cường còn trẻ

Nhật ký của bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn

Năm 1972 trong một lần đi công tác bị sức ép của bom hắt xuống ngầm bất tỉnh, bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn được một đồng chí lái xe đưa đến bệnh viện cấp cứu. 10 ngày sau tỉnh lại bà biết mình đã thoát chết, muốn gặp đồng chí lái xe để cảm ơn nhưng không biết đồng chí đó tên gì, ở đơn vị nào. Năm 1973, khi chuyển sang đơn vị xe, bà bất ngờ gặp lại đồng chí lái xe đã cứu sống mình một năm về trước, đó là ông Bùi Mạnh Cường, quê Thái Bình.

Cùng làm việc trong một đơn vị, thấy bà Nhãn là một người cán bộ luôn nhiệt tình, hết lòng với công việc nhưng lúc nào cũng có tâm trạng buồn nên ông Cường đã để ý tìm hiểu. Chính vì dành sự quan tâm nhiều đến bà Nhãn mà ông đã đem lòng yêu bà. Bà Nhãn đã từ chối tình cảm đó một phần vì hoàn cảnh gia đình ở quê hương đang gặp chuyện éo le, một phần vì bà Nhãn vẫn nặng lòng với mối tình đầu. Bà Nhãn coi ông Cường như một người đồng chí mặc dù ông dành sự quan tâm đặc biệt tới bà. Mãi đến năm 1974, sau một trận ốm, cảm động trước tấm chân tình của ông Cường, bà đã nhận lời yêu ông.

Năm 1975 sau khi đất nước thống nhất, bà Nhãn giải ngũ về quê. Ông Cường đã tặng bà tấm ảnh chân dung nhỏ của mình để làm kỷ niệm và cũng ngầm khẳng định ông sẽ tìm về quê hương bà Nhãn và ông bà sẽ đi đến hôn nhân. Chuyện tình cảm của bà đã bị mẹ bà ngăn cản bởi bà không muốn con gái lấy chồng xa, bà sợ rằng “Con gái mà lấy chồng xa. Một là mất giỗ, hai là mất con”. Vậy là giữa bên tình và bên hiếu, bà Nhãn đã lựa chọn làm tròn chữ hiếu. Tuy hai người không đến được với nhau nhưng họ mãi giữ những kỷ niệm tốt đẹp về nhau.

Mối tình không tuổi

Câu chuyện tình yêu của bà Vũ Thị Lui và liệt sĩ Trần Minh Tiến là một mối tình không tuổi.

 

Liệt sĩ Trần Minh Tiến (1945 – 1968) và bà Vũ Thị Lui (thời trẻ)

Bức ảnh chân dung và bút tích của bà Vũ Thị Lui thời trẻ.

Bà Vũ Thị Lui và ông Trần Minh Tiến có một tình yêu phát triển từ tình bạn học cùng trường phổ thông. Bị gia đình ngăn cản vì “không môn đăng hậu đối” nhưng họ vẫn vượt qua và chính thức yêu nhau từ năm 1963, khi ông Minh Tiến lên đường nhập ngũ. Gần 5 năm, từ lúc nhận lời yêu đến khi ông Minh Tiến hy sinh ngày 1/6/1968, họ chỉ gặp nhau không quá 20 lần. Mối tình đó có nhiều cung bậc cảm xúc, có cả lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước, họ sẵn sàng gạt tình riêng vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Có tinh thần thi đua giữa hậu phương và tiền tuyến, có sự ý thức, trách nhiệm làm tròn bổn phận của người hậu phương để an lòng người ra trận… Có những ước mơ về tình yêu, hạnh phúc bình dị, lời hẹn ước và cả những vật đính ước họ tặng cho nhau: Ông tặng bà chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, còn bà tặng ông chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Họ đã mật ước với nhau rằng nếu bà nhận được chiếc khăn tay do đồng đội trao lại, nghĩa là ông đã hy sinh và bà đi lấy chồng.

Ông Tiến hy sinh, thời gian trôi, bà Lui cũng đã có một gia đình yên ấm hạnh phúc với người chồng là một cựu chiến binh đã yêu thương bà và vô cùng trân trọng mối tình đầu của bà với người liệt sĩ. Tình yêu ấy càng trọn vẹn hơn khi ròng rã suốt 8 năm từ năm 2000, khi con cái đã khôn lớn, sau 51 chuyến đi từ Hà Nội vào Quảng Trị, bà Lui đã tìm thấy nơi liệt sĩ Tiến ngã xuống và đưa hài cốt của ông về an táng tại nghĩa trang Đường 9, thành phố Đông Hà, Quảng Trị.

Hưng Vũ

BAN THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG Trung tâm Thông tin - Truyền thông Giấy phép hoạt động Trang Thông tin điện tử tổng hợp số 88/GP-TTĐT ngày 05/06/2023 Địa chỉ: 103 Quán Thánh - Ba Đình - Hà Nội Điện thoại: 080.43427/ Email: thiduakt@thiduakhenthuongvn.org.vn

Từ khóa » Khi Chúng Ta Viết Nên Câu Chuyện Tình Yêu