Những Công Dụng Bất Ngờ Từ Cây Khế | VTV.VN

Khế là loại cây quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là những người dân quê. Chùm khế ngọt mát cũng là tuổi thơ của bao thế hệ người Việt. Chẳng thế mà lại có những lời thơ của Đỗ Trung Quân "Quê hương là chum khế ngọt/Cho con trèo hái mỗi ngày."

Người dân Việt hay ăn quả khế để giải khát bởi vị chua ngọt, thanh mát của nó. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng, khế là loại cây đặc biệt hữu ích khi bên cạnh quả khế, các bộ phận khác đều có thể tận dụng để thực hiện các bài thuốc trị bệnh hữu hiệu.

GS Đoàn Thị Nhu, PGS Phạm Duy Mai và PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm trong cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật) đã chỉ rõ từng công dụng khác nhau của các bộ phận trên cây khế trong điều trị bệnh.

Những công dụng bất ngờ từ cây khế - Ảnh 1.

Quả khế (Hình minh họa: ebay.com)

Theo đó, quả khế vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải khát, trừ phong, tiêu viêm. Công dụng của quả khế là chữa ho, viêm họng, sổ mũi, dị dứng, lở sơn, thúc sởi mọc, trị bí tiểu, sốt rét và chữa scorbut (một loại bệnh do thiếu vitamin C gây nên với một số biểu hiện như viêm lợi, chảy máu chân răng, tụ máu dưới màng xương, tăng sừng hóa ở nang lông,…). Cách dùng cũng là sắc uống với liều từ 20 đến 40g hoặc hơn. Một kinh nghiệm dân gian khá hay bên cạnh công dụng chữa bệnh của quả khế là loại quả này vắt lấy nước còn có thể tẩy được các vết gỉ sắt, hoen ố trên áo quần, vải vóc.

Lá khế thì có vị chua, chát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, tiêu viêm, lợi tiểu. Lá khế có công dụng chữa lở sơn (loại bệnh dị ứng, lở loét do tiếp xúc với cây sơn), dị ứng thông thường, nổi mề đay, cảm nắng, sổ mũi, sốt, ho, sốt xuất huyết, tiểu buốt, tiểu ra máu, mụn nhọt, ngộ độc và các bệnh khác như viêm tiết niệu, viêm âm đạo (ở phụ nữ). Cách dùng là sắc nước uống với liều từ 20 đến 40g (hoặc hơn) một ngày.

Hoa khế có vị chua chát và hơi ngọt, tính bình, có tác dụng bổ thận sinh tinh, nhuận phế, trừ ho, chỉ khát (hết khát). Hoa khế chữa kinh giản (co giật) ở trẻ em, ho gà, thận hư, kém tinh khí với cách thức là hãm nước sôi uống, liều từ 8 đến 16g.

Những công dụng bất ngờ từ cây khế - Ảnh 2.

Hoa khế (Hình minh họa: commons.wikimedia.org

Vỏ thân và vỏ rễ cây khế vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, mang tác dụng thanh hỏa nhiệt, tiêu đờm trệ, trừ nhiệt tích, giúp ban sởi dễ mọc và trừ ho. Dùng vỏ thân và vỏ rễ khế có thể chữa được đau khớp, đau đầu mãn tính, viêm dạ dày, viêm ruột, tiểu ít, lên sởi ở trẻ hay bệnh ho, viêm họng. Sắc uống với liều dùng là từ 8 đến 16g hoặc hơn.

Ngoài ra, lá khế, quả khế, hoa khế và vỏ thân cây khế khi kết hợp cùng các dược liệu dân gian khác đều là những bài thuốc đặc biệt hữu ích với công dụng điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.

Các bài thuốc cụ thể:

- Chữa lở sơn: Lá khế tươi dùng riêng (40g) hoặc kết hợp với lá muồng truổng (mỗi thứ 20g) giã nát, gói vào vải sạch, đắp lên chỗ bị lở sơn. Cũng có thể dùng quả khế giã nát và đắp để điều trị chứng bệnh này.

- Chữa dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa, lở loét: Lá khế giã nát, xoa và đắp lên chỗ bị dị ứng. Khi điều trị, kết hợp sắc uống 16g vỏ núc nác. Hoặc có thể dùng lá khế, lá thanh hao, lá long não, lá thông, mỗi thứ từ 15 đến 20 g để nấu nước tắm hàng ngày.

- Phòng sốt xuất huyết trong thời gian có dịch: Lá khế 16g, lá dâu 12g, sắn dây 12g, lá tre 12g, mã đề 12g, sinh địa 12g sắc uống thay nước hàng ngày. Khi bị sốt xuất huyết, nếu có mẩn ngứa cũng dùng lá khế sắc uống, hoặc thêm lá khế vào bài thuốc dùng chữa sốt xuất huyết.

- Thuốc thúc sởi, làm sởi chóng mọc và mọc đều: Quả khế thái lát phơi khô 20g, rau dệu 20g, lá nọc sởi 20g, canh châu 20g, sao vàng hạ thổ tất cả dược liệu, sau đó sắc uống, chia làm 2 lần uống trong ngày. Cũng có thể dùng vỏ cây hoặc vỏ rễ cây, cạo bỏ vỏ ngoài và vỏ xanh để sao vàng và sắc uống với liều lượng từ 20m đến 40g một ngày.

Những công dụng bất ngờ từ cây khế - Ảnh 3.

Lá khế (Hình minh họa: healthbenefitstimes.com)

- Chữa cảm nắng: Lá khế tươi 20g, lá chanh 10g, giã nát, vắt lấy nước uống.

- Chữa sốt cao lên kinh giật (co giật, động kinh) ở trẻ em: Hoa khế 8g, hoa kim ngân 8g, lá dành dành 8g, cỏ nhọ nồi 8g, cam thảo 4g, bạc hà 4g, sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.

- Chữa ho, ho suyễn ở trẻ em, ho gà, ho đờm và viêm họng:

+ Hoa khế 12g, tẩm gừng rồi sao và sắc uống

+ Lá khế 20g rửa sạch, sắc tới khi còn 100ml nước, chia làm hai lần uống trong ngày.

+ Quả khế tươi 60 – 80g, sắc lấy nước uống.

+ Vỏ thân cây khế cạo hết vỏ ngoài và vỏ xanh, thái nhỏ, sao vàng (20g) sắc cùng từ 8 – 12g rễ cây đơn châu chấu và 4g trần bì, uống trong ngày.

- Chữa đái buốt, đái ra máu, viêm bàng quang, viêm âm đạo: Lá khế 80g, rễ cỏ chanh 40g, sắc uống.

- Chữa tiểu không thông: Dùng 7 quả khế chua, cắt mỗi quả lấy 1/3 phía cuống, đổ vào một bát nước, sắc đến khi còn nửa bát và uống khi còn ấm. Sử dụng kết hợp với bài thuốc khế (1 quả), tỏi (1 củ) giã nát, đắp vào phần rốn.

- Chữa ngộ độ nấm hoặc rắn cắn: Lá khế 20g, lá hoặc quả đậu ván 20g, lá lốt 10g (có hoa càng tốt), dùng tươi, giã nát, hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước uống hết một lần. Dùng từ 2 đến 3 lần. Nếu là rắn cắn, lấy bã này đắp vào vết cắn. Cũng có thể dùng lá khế khô với lượng bằng một nửa (10g), sao qua cho thơm rồi sắc uống. Dùng từ 2 đến 3 lần.

- Phòng bệnh cho phụ nữ sau khi sinh đẻ: Quả khế 20g, vỏ cây hồng bì 30g, rễ cây quả giun 20g, sắc uống thay nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa » Thân Cây Khế Có Tác Dụng Gì