Những Công Trình Nổi Tiếng Trong Triều đại Nhà Lý - Dân Ta Phải Biết Sử Ta

1. VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM.

Tháng 8 năm Canh Tuất (1070 ) vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu, đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và 12 vị hiền tài để thờ, đây là nơi để các Hoàng Thái tử đến học. Vua Lý Thánh Tông lập văn Miếu nhằm mục đích khuyến khích nhân dân trong nước chăm chỉ học hành, thông qua việc học, thi cử để tìm người tài ra giúp nước.

Năm 1075 triều Lý mở khoa thi Nho học Tam trường, người đậu thủ khoa là Lê Văn Thịnh .

Năm 1076 sau khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi đã cho lập Quốc Tử Giám ngay giữa kinh thành cũng từ đây nền giáo dục đại học nước ta được khai sinh. Chu Văn An là một trong những tế tửu (hiệu trưởng) đầu tiên, tiêu biểu và nổi tiếng nhất.

Vào năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người đi thi đỗ tiến sĩ. Các triều sau vẫn tiếp nối truyền thống này. Nay chỉ còn tìm thấy 82 bia ghi tên của 1.323 tiến sỹ . Bia dựng ở hai dãy nhà bia Tả bi đình và Hữu bi đình

Năm 1762 thời vua Lê Hiển Tông Quốc Tử Giám là cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình. Năm 1785 đổi thành nhà Thái học. Đời nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám lập tại Huế. Năm 1802 vua Gia Long ấn định đây là Văn Miếu - Hà Nội và cho xây dựng thêm Khuê Văn Các. Trường Quốc Tử Giám cũ ở phía sau Văn Miếu lấy làm nhà Khải Thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử. Sau đó dời kinh đô về Huế nên vua Gia Long bãi bỏ trường Quốc Tử Giám ở Thăng Long và lập ở Phú Xuân (Huế).

Kiến trúc này xưa được xây dựng ở phía ngoài cửa Tây Nam Hoàng Thành Thăng Long, bên Thái hồ, thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm huyện Thọ Xương. Hiện nay Văn Miếu Quốc Tử Giám là một khu đất hình chữ nhật, rộng khoảng 9 ha, có tường cao khoảng 1m70 bao bọc , bề dài 350m, bề ngang ở phía bắc 75m, bề ngang ở phía nam là 60m.

Đầu năm 1947 quân Pháp nã đại bác làm đổ sập căn nhà, chỉ còn cái nền với hai cột đá và 4 nghiên đá. Tới nay ngôi nhà này đã được phục dựng theo kiến trúc cùng thời với quần thể các công trình còn lại .

Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc cổ đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ ngày 28 tháng 4 năm 1962.

2. CHÙA DIÊN HỰU (CHÙA MỘT CỘT).

Chùa Một Cột gọi theo Hán Việt là Nhất Trụ tháp, còn có tên khác là Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài (đài hoa sen), là một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình – Hà Nội, ở bên phải lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, Chùa Một Cột ngày nay có hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất) có đường kính là 1,2m. Trụ đá gồm 2 khối gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Sự độc đáo của Chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa đặt trên một cột đá. Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là sự biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông).

Tháng mười âm lịch năm Kỷ sửu (1049) vua Lý Thái Tông cho xây dựng chùa Một cột. Năm 1080, vua Lý Nhân Tông cho đúc chuông lớn để treo ở chùa gọi là “Giác Thế Chung” (chuông thức tỉnh đời người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng, nhưng vì chuông quá nặng không sao treo lên được, phải để dưới đất nên đánh không kêu, chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở ,được gọi là ruộng Qui Điền và quả chuông cũng được gọi là chuông Qui Điền. Khi quân Minh bị bao vây ở Đông Quan, hết quân khí, Vương Thông đã cho phá quả chuông này để đúc súng đạn.

Qua văn bia miêu tả, Chùa Một Cột thời Lý to hơn chùa ngày nay nhiều. Chùa đã qua nhiều lần tu sửa. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã đặt mìn phá đổ chùa. Sau ngày tiếp quản thủ đô, Bộ Văn Hóa đã cho tu sửa Chùa Một Cột theo đúng kiểu mẫu cũ để lại từ thời Nguyễn. Chùa Một Cột đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật ngày 28 tháng 4 năm 1962.      

3. CHÙA THẦY.

Chùa Thầy tọa lạc ở chân núi Sài Sơn, làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây), cách Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam, đi theo con đường cao tốc Láng- Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một cái am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa là Chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ XVII, Dĩnh Quận Công cùng Hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh, sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông.

Chùa Thầy gồm ba tòa nhà chạy song song với nhau dựng trên nền cao bó đá hộc xanh. Tòa ngoài gọi là tiền tế hay chùa Hạ. Tòa giữa là trung điện hay chùa Trung, tòa trong cùng là thượng điện, bên trái là tượng toàn thân của Thiền sư. Chính giữa là tượng Thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa vóc vàng, đặt trên một bệ tượng bằng đá thời nhà Lý, có hình sư tử đội tòa sen. Bệ đá chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bốn góc có thần điểu Garula. Đây là di vật thời nhà Lý còn sót lại duy nhất ở chùa. Tương truyền rằng động Phật tích ở sau chùa là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh thoát xác, đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hầu và trở thành vua Lý Thần Tông.

Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng ba âm lịch hàng năm. Hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo, ở đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian. Hiện nay trước cửa chùa Thầy, trên hồ Long Trì, còn lại một di tích gần như nguyên vẹn của một sân khấu rối nước được xây cất từ thời Lê.

Từ khóa » Hoa Văn đình đền Chùa Thời Lý