NHỮNG DẤU HIỆU BẠN ĐÃ CÓ THAI LÀ GÌ ?

Thai kỳ thường được người phụ nữ phát hiện sớm và dễ dàng bởi các dấu hiệu chủ quan. Tuy nhiên một số trường hợp chẩn đoán khó khăn cần phối hợp nhiều yếu tố và thậm chí cần đến siêu âm và xét nghiệm máu. Theo thứ tự thời gian, người ta chia dấu hiệu có thai thành 3 nhóm:

Dấu hiệu hướng tới có thai

Bao gồm những dấu hiệu chủ quan mà người phụ nữ cảm nhận được.

Trễ kinh: ở những người có chu kỳ kinh đều đặn, thì đây là dấu hiệu phát hiện sớm nhất. Tuy nhiên dấu hiệu này không đáng tin cậy ở những người có chu kỳ kinh không đều. Ngoài ra triệu chứng trễ kinh có thể xảy ra ở những trường hợp không mang thai như đang cho con bú, căng thẳng, mệt mỏi, sợ mang thai hoặc mong chờ có thai. Ngược lại một số trường hợp đã mang thai nhưng không thấy có dấu hiệu trễ kinh do có xuất huyết tử cung bất thường, động thai nên người phụ nữ nhầm tưởng đó là máu kinh.

Thay đổi ở vú: thường xuất hiện rõ rệt nhất ở những người mang thai lần đầu, vú lớn ra, căng, đau, quầng vú sẫm màu, nổi những hạt quanh quầng vú và đôi khi có chảy ít sữa. Tuy nhiên dấu hiệu này có thể gặp ở một số trường hợp như tác dụng phụ của một số thuốc (motilium M, thuốc an thần,…), khối u ở não gây tăng tiết prolactin, u ở buồng trứng, mang thai tưởng tượng.

Nghén: Triệu chứng nghén mà nổi bật là tình trạng nôn, ọe, kèm với mệt mỏi, thay đổi tâm tính, đầy hơi, ợ hơi ợ chua. Nhiều người phụ nữ lầm tưởng triệu chứng này là dấu hiệu của “đau bao tử”. Cảm giác thai máy: được người phụ nữ cảm nhận vào tuần lễ thứ 16-20. Tuy nhiên triệu chứng này đôi khi bị nhầm lẫn với những nhu động của ruột. Nhiều người phụ nữ mong muốn có thai hoặc sợ hãi mang thai cũng có thể có cảm giác “thai máy” mặc dù không mang thai.

Thay đổi ở da và niêm mạc: da của người phụ nữ mang thai sạm đen do tăng sắc tố ở da, đặc biệt những vùng nếp gấp của cơ thể như cổ, nách, bẹn,… đen như lâu ngày không tắm. Niêm mạc âm đạo phù nề và tiết dịch nhiều nên người phụ nữ có cảm giác nặng ở vùng cửa mình và có nhiều khí hư. Rối loạn đường tiết niệu: do tử cung lớn đè vào bàng quang nên người phụ nữ có cảm giác mắc tiểu nhiều lần và mỗi lần tiểu ít (tiểu lắt nhắt).

Dấu hiệu có thể có thai

NhỮng dấu hiệu này xuất hiện tương đối trễ

Bụng lớn lên: từ tháng thứ 4 của thai kỳ người phụ nữ sẽ thấy bụng lớn lên và có thể sờ thấy tử cung trên bụng. Tuy nhiên ở những người mang thai giả (do mong chờ có thai hoặc sợ mang thai)cũng có thể thấy bụng to ra.

Cơn gò của tử cung: Từ tháng thứ 4, tử cung lớn sờ thấy trên bụng của người phụ nữ và thỉnh thoảng có những cơn gò sinh lý của tử cung và người phụ nữ cảm nhận được cơn gò này.

Sờ thấy dạng của thai: khi thai lớn từ tháng thứ 5 trở đi người phụ nữ có thể sờ thấy tay, chân đầu của thai nhi qua thành bụng, nhất là ở những người có thành bụng dày. Tuy nhiên ở những người mang thai giả, do yếu tố tâm lý nên họ cũng có cảm giác sờ thấy thai nhi qua thành bụng (tưởng tượng).

Thử que thử thai: Khi que thử thai lên 2 vạch là dấu hiệu có thai. Tuy nhiên có một số trường hợp kết quả không chính xác (có hai vạch nhưng không phải mang thai hoặc một vạch nhưng vẫn có thai) do kỹ thuật thử không đúng hoặc que thử quá hạn sử dụng hoặc bị rách thủng vỏ bao, bảo quản que không đúng,…

Dấu hiệu chắc chắn có thai

Tim thai: có thể nghe được tim thai nhi qua thành bụng của người mẹ. thường phát hiện được sau tháng thứ 3

Siêu âm: siêu âm là dấu hiệu khách quan giúp chẩn đoán chính xác có thai. Tuy nhiên nếu siêu âm quá sớm có thể không thấy túi thai mà chỉ thấy dấu hiệu của niêm mạc tử cung dày. Từ tuần lễ thứ 6 qua siêu âm có thể thấy được hoạt động của tim thai nhi.

Tóm lại khi người phụ nữ có những dấu hiệu nghi ngờ mang thai nên đi khám để bác sĩ xác định chính xác có thai và phát hiện những bất thường có thể có như thai ngoài tử cung, thai trứng, động thai, hở eo tử cung hoặc các bệnh lý của người mẹ kèm với thai như u xơ tử cung, u buồng trứng,…

Từ khóa » đầy Bụng ợ Hơi Có Phải Dấu Hiệu Mang Thai