Những Di Tích Thờ Phụng Vua Ngô Quyền ở Hải Phòng – Phần 1

Một số những di tích tiêu biểu đó là:

Đình Lương Xâm, Nam Hải, Hải An, Hải Phòng

Đình Xâm Bồ - Hải An, Hải Phòng - Đình thờ Đức Vua Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập, Phạm Tử Nghị. Đình có kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn.

Đình Trực Cát, Tràng Cát, Hải An, Hải Phòng

Đình thờ Đức Vua Ngô Quyền, Đình có kiến trúc thời Nguyễn, Đình mới được trùng tu xây dựng. Lễ hội chính vào ngày 15 - 02 âm hàng năm. Lễ hội của đình Trực Cát thường tổ chức vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm!

Làng Trực Cát, phường Tràng Cát quận Hải an vừa tổ chức Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1061 năm ngày mất đức Ngô Vương Quyền - người có công lập lên chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

Hiện nay, ở một số đình miếu vẫn còn giữ được bản sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880) phong cho 17 xã thuộc vùng An Hải cũ thờ Ngô Vương. Truyền thuyết dân gian vùng Đông Hải, Tràng Cát đều lưu truyền chiến thắng và công đức của Ngô Quyền.

Làng Trực Cát là một trong những nơi tập kết quân sĩ, lương thảo của Ngài. Đình làng không còn nguyên vẹn nhưng quần thể đền chùa - nơi ngày kháng chiến từng cất giấu cán bộ đã được cấp bằng công nhận là di tích lịch sử kháng chiến. ở đây còn dựng bia tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, hy sinh tại bốt Cây Xanh những năm 1950-1954.

Tuy mở lễ hội truyền thống tưởng nhớ Ngô Vương Quyền muộn hơn so với các đình đền khác trong vùng, nhưng Lễ hội truyền thống ở làng Trực Cát (nay là khu dân cư Trực Cát) có nét riêng biệt. Ngoài các thủ tục nghi lễ rước xách, Lễ hội còn là dịp vào đám cầu phúc, cầu bình an cho mọi người, mọi nhà. Đặc biệt, còn có hội vào đám của trai làng mang đậm nét truyền thống của người dân miền biển.

Miếu Hạ Lũng, Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng

Miếu Hạ Lũng trước đây thuộc xã Đằng Hải, huyện Hải An nay thuộc phường Đông Hải, quận Hải An thành phố Hải Phòng.

Miếu là một công trình kiến trúc cổ của nhân dân đia phương dựng lên để ghi nhớ công ơn đánh giặc của Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Kiến trúc của di tích được bố cục: Tiền Quốc Hậu Đinh, tiền đường rộng tựa chữ Quốc, phía sau cung giống chữ Đinh, hai tòa kiến trúc gỗ cách nhau một khoảng sân rộng, tạo sự thông thoáng cho nội thất di tích.

Miếu Hạ Lũng khi chưa nâng cấp, tôn tạo

Tòa bái đường 5 gian và hai tòa giải vũ song song, nối liền khoảng sân tế lát gạch cổ Bát Tràng, tiếp đến là tòa cung cấm 3 gian kín đáo. Toàn cảnh trang trí nội thất từ miếu đầu đao, bờ nóc tới các tòa kiến trúc đều được bố cục mạch lạc, đăng đối qua nhiều biểu tượng quen thuộc gần gũi với đời sống dân cư nông nghiệp.

Tại nơi trang trọng của hậu cung, đặt một cỗ khám cổ có tượng chân dung Đức Ngô Vương trong thế thiết triều. Tượng thể hiện một gương mặt uy phong lẫm liệt, đầu đội mũ gắn vương miện, lưng khoác long bào trang trí hình rồng, mây bông cụm.

Hàng năm nhân dân địa phương thường tổ chức tại Miếu Hạ Lũng nghi vệ thành hoàng làng Ngô Vương Quyền vào ngày 17/01 Âm lịch, thu hút đông đảo khách thập phương tới dự. Di tích Miếu Hạ Lũng đã được Nhà Nước xếp hạng di tích năm 1992.

Nguồn: Ngô Tộc Việt Nam

Ths Nguyễn Thy Ngà

Từ khóa » đền Ngô Quyền Hải Phòng