Những điểm Mới Trong Khái Niệm Tội Phạm Của Bộ Luật Hình Sự Năm ...
Có thể bạn quan tâm
Qua việc phân tích các điểm mới trong khái niệm tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015,tác giả bài viết chỉ ra một số vấn đề cần phải bàn luận và đề xuất một số góp ý nhằm hoàn thiện khái niệm tội phạm.
Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (viết tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 với rất nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là những sửa đổi, bổ sung về khái niệm tội phạm. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất của luật hình sự bởi lẽ, nội dung của khái niệm tội phạm “thể hiện rõ nét bản chất giai cấp, các đặc điểm chính trị, xã hội cũng như pháp lý của luật hình sự”. Đồng thời,nó còn “được xem như là điều kiện cần thiết có tính nguyên tắc để giới hạn giữa tội phạm và không phải tội phạm, giữa trách nhiệm hình sự và những trách nhiệm pháp lý khác”. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về những điểm mới cũng như những nội dung trong khái niệm tội phạm không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa to lớn trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó thể hiện ở một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về khách thể của tội phạm
Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
So với khái niệm tội phạm của các Bộ luật Hình sự trước đó thì khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm “quyền con người” vào các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Sự bổ sung này là nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 3 và chương II). Cụ thể tại Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Như vậy, khi Hiến pháp (luật gốc) đã xác định quyền con người là một trong những quyền cơ bản và cần được bảo vệ thì Bộ luật Hình sự (một trong những luật chuyên ngành, là sự cụ thể hóa luật gốc) bổ sung thêm quyền con người vào các quan hệ xã hội cần được bảo vệ là hoàn toàn phù hợp.
Thứ hai, về chủ thể của tội phạm
Nếu như trong các Bộ luật Hình sự trước đây chỉ quy định duy nhất một chủ thể của tội phạm đó là con người thì đến Bộ luật Hình sự năm 2015, chủ thể của tội phạm đã được mở rộng hơn, bao gồm cả: con người và pháp nhân thương mại. Vậy, pháp nhân thương mại là gì? Tại sao Bộ luật Hình sự lại quy định mở rộng chủ thể của tội phạm bao gồm cả pháp nhân thương mại? Theo Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên…”. Quy định trên cho thấy, pháp nhân thương mại trước hết phải là pháp nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Tuy nhiên, khi pháp nhân thương mại thực hiện hành vi bị coi là tội phạm, xâm hại đến các quan hệ xã hội được Nhà nước và pháp luật bảo vệ thì pháp nhân thương mại đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều đó có nghĩa, pháp nhân thương mại cũng là một trong những chủ thể của tội phạm. Và sự mở rộng về chủ thể của tội phạm này xuất phát từ những lý do sau đây:
Một là, xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thương mại thực hiện diễn ra trong những năm qua ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động… Những hành vi vi phạm pháp luật nói trên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và có tính chất, mức độ nguy hiểm như tội phạm nhưng do chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự nên không thể xử lý hình sự với những pháp nhân thương mại đó mà chỉ có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc nhắc nhở yêu cầu sửa chữa, khắc phục hậuquả. Ví dụ: Năm 2008, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vedan có vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan) thực hiện hành vi gian lận tinh vi trong việc xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải – Đồng Nai, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân ven sông Thị Vải… Nhưng áp dụng vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại Vedan (do Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại) nên chỉ có thể xử lý pháp nhân thương mại này bằng biện pháp xử phạt hành chính. Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính với pháp nhân thương mại Vedan là chưa thích đáng so với hậu quả mà Vedan đã gây ra cho môi trường và xã hội cũng như chưa đủ sức răn đe đối với các pháp nhân thương mại khác.
Hai là, về cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân thương mại vi phạm trên thực tế chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều bất cập,gây khó khăn cho người dân – đối tượng bị thiệt hại. Bởi vì, họ không thể thực hiện được nghĩa vụ tự chứng minh những thiệt hại mà pháp nhân thương mại đã gây ra cho mình trong thủ tục đòi bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự, trong khi cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính lại không có đội ngũ cán bộ chuyên trách để điều tra, chứng minh vi phạm cũng như hậu quả của vi phạm. Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân thương mại vi phạm trên thực tế chưa đạt được hiệu quả thiết thực. Ví dụ: Tháng 4/2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh-FHS có hành vi hủy hoại môi trường biển Việt Nam, bằng việc xả chất thải có chứa độc tố là nguyên nhân làm cho hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy, gây ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân và các doanh nhiệp hoạt động du lịch biển. Do đó, người dân đã khởi kiện Formosa để đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, để yêu cầu pháp nhân thương mại Formosa bồi thường thì bên khởi kiện phải chứng minh được thiệt hại do cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng đến mình như thế nào. Đây là một khó khăn lớn đối với người dân bởi ngoài những thiệt hại có thể định lượng được thông qua những hóa đơn, chứng từ như: những thống kê về các các hư hỏng của tàu, thuyền; các chi phí chuyển đổi nghề nghiệp, các giấy tờ nằm viện, chi phí điều trị, toa thuốc do ăn phải cá chết… thì còn những giao dịch buôn bán nhỏ lẻ không có hóa đơn, chứng từ khác người dân sẽ không chứng minh được. Hơn nữa những thiệt hại trong tương lai như biển có trong sạch trở lại để người dân tiếp tục sinh sống bằng nghề đánh bắt cá hay không lại là một vấn đề không nói trước được. Vì vậy, để đòi bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân thương mại Formosa, người dân phải dựa vào các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các cơ quan này lại không có đội ngũ cán bộ chuyên trách để điều tra, chứng minh vi phạm của pháp nhân thương mại Formosa mà phải nhờ đến các chuyên gia của nước ngoài phân tích và cung cấp số liệu mới đưa ra được kết luận cuối cùng. Như vậy, về cơ bản, cơ chế xử phạt hành chính với pháp nhân thương mại Formosa chưa thực sự hiệu quả.
Ba là, khi xem xét các quy định của Luật Doanh nghiệp cũng như một số luật khác có liên quan đến pháp nhân thương mại, chúng tôi thấy rằng: Nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân thương mại là doanh nghiệp phải do tập thể thông qua (ví dụ: đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là Hội đồng thành viên; đối với công ty cổ phần là Hội đồng quản trị…). Vì vậy, nếu pháp nhân thương mại nói trên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có tính chất tội phạm thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự không thể là một cá nhân nào đó mà phải là cả một tập thể, một doanh nghiệp mà đại diện là những người đứng đầu pháp nhân thương mại như Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị. Do đó, nếu áp dụng theo Bộ luật Hình sự năm 1999 sẽ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Ngoài ra, thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cho thấy, đối với một số tội như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); Tội trốn thuế (Điều 200); Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235) quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015… nếu là cá nhân có hành vi vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự, trong khi đó nếu là pháp nhân cũng thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên, thậm chí sẽ ở những quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần cá nhân thì không xử lý được về hình sự. Điều đó sẽ gây ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như ngăn ngừa tội phạm mới ở nước ta.
Bốn là, hiện nay, trên thế giới có 120 nước đã quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như: Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Slovakia,… và 06 quốc gia thuộc khối ASEAN, gồm: Singapo, Malaixia, Thái Lan, Philipin, Indonexia và Campuchia. Do đó, việc nước ta quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Bởi cùng một hành vi vi phạm nghiêm trọng tương tự nhau nhưng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở nước ngoài thì bị xử lý hình sự theo pháp luật của nước sở tại, còn đối với doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở nước ta vi phạm lại chỉ bị xử phạt hành chính. Như vậy là bất bình đẳng. Năm là, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại chính là việc nội luật hóa các Công ước quốc tế mà Việt nam là thành viên, trong đó đặc biệt lưu ý đến Công ước Liên Hiệp quốc về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (Công ước TOC). Theo Công ước này, yêu cầu tất cả quốc gia thành viên áp dụng những biện pháp cần thiết để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc tham gia vào các nhóm tội phạm nghiêm trọng… gồm hành vi tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức, rửa tiền, cản trở công lý mà trách nhiệm pháp lý ở đây có thể là trách nhiệm hình sự, dân sự hay hành chính. Do đó, để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Công ước TOC nói riêng cũng như các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia nói chung thì Việt Nam cần phải quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.
Từ những lý do trên đây, khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành, các nhà làm luật đã bổ sung thêm quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại để kịp thời khắc phục những bất cập nêu trên và điều chỉnh các vi phạm pháp luật nghiêm trọng do pháp nhân thương mại gây ra trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp.
Thứ ba, về hậu quả pháp lý của tội phạm
Trong khái niệm tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định về tính phải bị xử lý hình sự nhưng dưới góc độ khoa học pháp lý khi phân tích về tội phạm thì tính phải bị xử lý hình sự vẫn mặc nhiên được thừa nhận (trong nhiều nghiên cứu khoa học sử dụng “tính phải chịu hình phạt”). Bởi lẽ, xuất phát từ mỗi quy định về phần các tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999 bao giờ cũng có quy định về hình phạt tương ứng kèm theo hoặc các biện pháp xử lý hình sự khác. Có nghĩa, chỉ có tội phạm mới “phải bị xử lý hình sự” hay “phải bị xử lý hình sự” chỉ gắn liền với tội phạm. Do đó, rõ ràng “phải bị xử lý hình sự” là một dấu hiệu (về hậu quả pháp lý) của tội phạm và việc Bộ luật Hình sự năm 1999 không khái quát dấu hiệu này trong khái niệm tội phạm là chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn khách quan. Đây là một điểm hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999 và khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành thì các nhà làm luật mới khắc phục hạn chế đó bằng cách tạo ra cơ sở pháp lý khẳng định tội phạm phải bị xử lý hình sự là một dấu hiệu của tội phạm nhằm nhấn mạnh tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục, ngăn ngừa tội phạm mới cũng như khẳng định tính tất yếu khách quan của quy định này.
Như vậy, so với Bộ luật Hình sự năm 1999, khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều điểm mới bổ sung theo hướng chặt chẽ, khoa học và phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu và phân tích một cách sâu sắc những đặc điểm cụ thể thuộc nội dung của khái niệm tội phạm cũng như xem xét mối liên hệ giữa chúng thì thấy rằng còn một số điều cần phải bàn như sau:
Một là, pháp luật hình sự đã quy định về “Hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm”, thì đương nhiên hành vi nguy hiểm cho xã hội đó phải được hiểu là nó đã xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ (Chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, trật tự pháp luật…được quy định rất cụ thể tại Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015). Và như vậy, nếu không có hành vi nguy hiểm nào xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ thì không có tội phạm xảy ra. Do đó, khi đề cập hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đã bao trùm cả sự xâm phạm của hành vi đó vào các quan hệ xã hội cần bảo vệ của luật hình sự. Vì vậy, việc các nhà làm luật quy định lại các quan hệ xã hội nói trêntrong khái niệm tội phạm tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 là việc làm không cần thiết.
Hai là, Bộ luật Hình sự Việt Nam không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, đó là: “Người ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Từ quy định này, dưới góc độ khoa học có thể hiểu: Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của con người. Như vậy, có thể rút ra định nghĩa về người có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện và có khả năng điều khiển được hành vi ấy”. Nghĩa là: Người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người có đầy đủ cả hai khả năng: Khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi mà họ thực hiện và khả năng điều khiển hành vi theo ý chí của mình. Trong khi đó, dưới góc độ khoa học pháp lý, lỗi được hiểu là: “Thái độ tâm lí của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý”. Mà thái độ tâm lí của con người bao gồm hai yếu tố lí trí và ý chí – là những yếu tố cần thiết để hợp thành lỗi. Trong đó, lí trí phản ánh khả nhận thức thực tại khách quan của con người còn ý chí phản ánh khả năng điều khiển hành vi trên cơ sở của sự nhận thức đó. Đây là “những yếu tố tâm lí cần thiết của mọi hành động có ý thức của con người”. Nội dung của những yếu tố này cũng chính là những điều kiện bắt buộc để tạo thành năng lực trách nhiệm hình sự. Vậy, giữa hai dấu hiệu: Năng lực trách nhiệm hình sự và lỗi có mối quan hệ mật thiết, mang tính nhân quả với nhau: Phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự mới có thể thực hiện một hành vi có lỗi và ngược lại khi nói đến hành vi có lỗi thì bao giờ cũng được thực hiện bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự. Do đó, khi một người được coi là có lỗi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như đối với hậu quả do hành vi đó gây ra thì đương nhiên họ phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Chính vì thế, khi tính có lỗi đã được quy định trong khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đặc điểm của tội phạm rồi thì nhà làm luật không cần phải quy định tính có năng lực trách nhiệm hình sự của chủ thể vào trong khái niệm này nữa. Quy định như vậy sẽ làm cho nội dung khái niệm của tội phạm trở nên rườm rà và chưa đảm bảo tính khoa học. Từ sự phân tích trên, chúng tôi thấy rằng cần xây dựng lại khái niệm tội phạm như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do con người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý và phải bị xử lý hình sự.
ThS. Nguyễn Thị Vân Học viện Chính trị Công an nhân dân
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn).
Từ khóa » Những điểm Mới Trong Khái Niệm Tội Phạm 2015
-
Một Số điểm Mới Của Bộ Luật Hình Sự Năm 2015
-
Tìm Hiểu Các Khái Niệm Về Tội Phạm Tại Điều 8 “Khái Niệm Tội Phạm ...
-
Những điểm Mới Quy định Về Các Tội Phạm Về Chức Vụ Trong BLHS ...
-
Một Số điểm Mới Trong Phần Các Tội Phạm Của Bộ Luật Hình Sự (sửa ...
-
Phân Tích Một Số điểm Mới Trong Bộ Luật Hình Sự 2015
-
Những điểm Mới Nhất Của Bộ Luật Hình Sự 2015
-
Khái Niệm Tội Phạm Trong Bộ Luật Hình Sự Việt Nam - Phamlaw
-
Những điểm Mới đáng Lưu ý Của Bộ Luật Hình Sự Có Hiệu Lực Từ Năm ...
-
Khái Niệm Tội Phạm Theo Quy định Tại Bộ Luật Hình Sự Năm 2015?
-
Phân Tích Khái Niệm Tội Phạm Trong Bộ Luật Hình Sự 2015
-
Tư Vấn Về Những điểm Mới Của Tội Tham ô Tài Sản Theo Bộ Luật Hình ...
-
Điều 8. Khái Niệm Tội Phạm Theo Bộ Luật Hình Sự
-
Những điểm Mới Về đồng Phạm được Quy định Tại Phần Chung Bộ ...
-
Một Số Nội Dung Mới Của Các Tội Phạm Khác Về Chức Vụ Theo Bộ Luật ...