NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI NUÔI HEO NÁI - Anova FEED

Nhiều hộ nông dân đang chăn nuôi heo nái, tuy nhiên vẫn còn nhiều thắc mắc mà các nhà chăn nuôi chưa hiểu rõ hết. Dưới đây là những điều cần biết khi nuôi heo nái.

1. Chăm sóc heo nái trong giai đoạn mang thai:

Nái tơ lên giống vào tháng tuổi thứ 6 đến tháng thứ 8 (trọng lượng khoảng 80 – 110kg) tuỳ thuộc vào điều kiện chăm sóc. Tuy nhiên , tốt nhất chỉ nên phối giống khi nái trên 6 tháng tuổi và trọng lượng ít nhất 90kg.

Khi heo lên giống (chu kỳ 21 ngày), thời điểm phối giống thích hợp nhất là khi nái đứng yên cho con nọc phủ (tai dựng đứng) hay lấy hai tay đè lên mông nái mà cũng có hiện tượng tương tự. Việc phối giống nên thực hiện hai lần (phối kép) cách nhau từ 12 – 24 giờ.

Nái mang thai từ 110 – 117 ngày, thai phát triển nhanh nhất vào tháng cuối của thời kỳ mang thai. Trong suốt quá trình mang thai, nái cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để dự trữ cho cơ thể cũng như để nuôi thai.

Trong khẩu phần ở giai đoạn cuối thời kỳ mang thai cho heo nái phải có ít nhất 5-7% chất xơ. Lượng chất xơ này giúp ngăn ngừa hiện tượng táo bón ở heo.

Khẩu phần ăn cho heo nái cần cung cấp đầy đủ Vitamine và chất khoáng. Thiếu khoáng heo con chậm lớn, heo nái dễ bị bại liệt sau khi sinh. Khẩu phần thức ăn cho heo nái đầy đủ và cân đối sẽ kéo dài thời gian khai thác sinh sản.

Nếu nuôi nái ở chuồng chung, phải chuyển sang chuồng đẻ trước ngày mang thai thứ 110.

2. Chăm sóc nái trong giai đoạn đẻ:

– Chuồng đẻ phải được dọn sạch và sát trùng cẩn thận, 5-7 ngày trước khi chuyển nái đẻ đến.

– Trước khi đưa nái vào chuồng đẻ nên rửa sạch bụng và bầu vú bằng nước ấm.

– Trong suốt thời gian trước khi đẻ nên cho heo nái ăn giống như trong kỳ mang thai. Tuy nhiên, nên cho ăn loại thức ăn có tính nhuận trường (giàu chất xơ).

– Khi thấy vú có sữa, nghĩa là nái sẽ đẻ trong vòng 24 giờ sau đó, chăm sóc nái trong lúc đẻ giúp giảm tỷ lệ heo con chết trong và sau khi đẻ. Thời gian đẻ kéo dài từ 30 phút đến 5 giờ đồng hồ. Trung bình mỗi con heo đẻ cách nhau 15 phút, nhưng có trường hợp đến vài giờ sau.

– Có thể tiêm Oxytocin để hỗ trợ heo nái trong quá trình sinh sản trong các trường hợp sau: Heo rặn đẻ yếu; sau 30 phút heo rặn nhưng chưa đẻ heo con kế tiếp, hoặc heo con đã ra hết nhưng nhau chưa ra. Chú ý không nên dùng Oxytocin nếu heo chưa đẻ ra con nào, hoặc có dấu hiệu rặn đẻ dữ dội nhưng thai không ra, cần phải kiểm tra trước khi dùng thuốc (điều này có thể do thai bị ngược, lệch hay kẹt trong cơ quan sinh sản).

– Hỗ trợ bằng tay chỉ áp dụng trong trường hợp heo nái có dấu hiệu không thể đẻ được nếu không có sự trợ giúp. Người xử lý nên đeo găng tay dài được bôi trơn bằng dầu thực vật, hay Vaselin trộn với kháng sinh, nái phải được tiêm kháng sinh ngay sau khi xử lý.

– Sau khi sinh xong, nái được tiêm kháng sinh qua cơ bắp, đồng thời bơm kháng sinh vào đường âm đạo.

– Nên cho heo con bú sữa đầu (sữa có chứa kháng thể) ngay sau khi sinh. Heo nái chỉ có khả năng cho sữa đầu từ 24 – 36 giờ sau khi sinh. Heo con cũng chỉ có khả năng hấp thu trực tiếp kháng thể qua tế bào biểu mô ruột non ngay giờ đầu sau khi sinh đến 18-24 giờ sau đó. Khi cho heo con vừa đẻ ra bú ngay cũng tác dụng kích thích heo nái rặn đẻ nhanh hơn, ít sót nhau hơn.

Bích Nguyên

Nguồn: Sở NNPTNT Lâm Đồng

Từ khóa » Chăm Sóc Heo đẻ