Những điều Cần Biết Khi Sử Dụng Thuốc Chống Viêm Phi Steroid

(SKDS) - Nhiều thuốc có cấu trúc hóa học như dẫn chất của salycylat, pyrazolon, indol… ở mức độ khác nhau đều có tác dụng chống viêm, hạ sốt, giảm đau, chống ngưng kết tiểu cầu. Những thuốc này được gọi là thuốc chống viêm phi (không) steroid để phân biệt với các glucocorticoid (có nhân steroid).

Tác dụng của thuốc chống viêm phi steroid

Tác dụng chống viêm: Thuốc chống viêm phi steroid có tác dụng ở hầu hết các loại viêm không kể đến nguyên nhân, theo các cơ chế sau:

Ức chế sinh tổng hợp prostaglandin (PG) do ức chế cyclooxygenase, làm giảm PGE2 và F1 là những chất trung gian hóa học của phản ứng viêm; Làm bền vững màng lysosom (thể tiêu bào), ngăn cản các enzym phân giải và ức chế quá trình viêm; Đối kháng với các chất trung gian hóa học của viêm.

Tác dụng hạ sốt: Do ức chế prostaglandin synthetase làm giảm tổng hợp PG, có tác dụng hạ sốt do làm tăng quá trình thải nhiệt (giãn mạch ngoại biên, ra mồ hôi), lập lại thăng bằng cho trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi.

Tác dụng giảm đau: Có tác dụng tốt với các chứng đau do viêm như: viêm cơ, viêm dây thần kinh, đau răng. Các thuốc chống viêm phi steroid do làm giảm sự tổng hợp PGF2 nên làm giảm tính cảm thụ của các tác nhân gây đau của phản ứng viêm.

Tác dụng chống ngưng kết tập tiểu cầu: Các thuốc chống viêm phi steroid ức chế men thromboxan synthetese, làm giảm tổng hợp thromboxan A2 cho tiểu cầu, nên có tác dụng chống kết tập tiểu cầu.

Chảy máu đại tràng là một biến chứng khi dùng thuốc chống viêm phi steroid.

Những điều cần biết khi sử dụngThuốc giảm đau phi steroid làm giảm sức đề kháng của cơ thể chống nhiễm khuẩn và che lấp các dấu hiệu nhiễm khuẩn, vì vậy phải thận trọng khi sử dụng trong các bệnh nhiễm khuẩn hay có nguy cơ nhiễm khuẩn. Thuốc gây kích ứng đường tiêu hóa, nếu có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa phải ngừng dùng thuốc ngay. Cần kiểm tra chức năng gan, thận, máu nếu dùng thuốc dài ngày. Ngừng ngay dùng thuốc nếu xuất hiện ban mụn nước. Người có tiền sử bệnh đường tiêu hóa như loét dạ dày - tá tràng, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, thoát vị hoành, người có tiền sử rối loạn máu - đông máu phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc. Thuốc có thể gây chóng mặt, choáng váng vì vậy cần lưu ý đối với những người vận hành máy, làm việc trên cao, nơi nguy hiểm… Cấm dùng thuốc 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ vì thuốc gây nhiễm độc thai và nguy cơ kéo dài thời gian chảy máu ở mẹ và con; cấm dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Riêng với thuốc dẫn xuất pyrazol cần lưu ý có thể gây mất bạch cầu hạt rất nguy hiểm. Đề phòng tác dụng phụ: Thuốc giảm đau phi steroid có thể gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, có thể gây loét, xuất huyết, thủng đường tiêu hóa). Phát ban, mày đay, ngứa, chàm, phù Quincke, suyễn, hiếm gặp phản ứng phản vệ thuốc ít gây giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu, suy tủy, nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, choáng váng, ù tai, hiếm gặp giảm thính lực, nhìn mờ, song thị. Đối với hệ tiết niệu có thể gây suy thận cấp, viêm thận kẽ, hiếm gây hội chứng thận nhiễm mỡ, đái ra máu, protein niệu. Rối loạn chức năng gan, tăng transaminase, hiếm gây viêm gan có hoặc không vàng da. Rối loạn thần kinh như: mất ngủ, co giật, dễ bị kích thích, u uất, viêm đại tràng. Hạ huyết áp, tăng kali huyết, phát ban, rụng tóc. Đặc biệt lưu ý với dẫn xuất pyrazol (noramidopyrin, amidopyrin…) vì có thể gây mất bạch cầu hạt nguy hiểm, chết người. Nếu dùng thuốc thấy sốt, viêm họng, lở loét miệng, bắt buộc phải ngừng dùng thuốc ngay và kiểm tra khẩn cấp huyết đồ. Nếu mất bạch cầu hạt phải đưa ngay đi bệnh viện điều trị mới tránh được tử vong. Thuốc chống chỉ định với các thuốc chống đông máu đường uống và methotrexat với dẫn xuất pyrazol - không phối hợp các thuốc chống đông máu đường uống, methrotrexat với các thuốc chống viêm không steroid khác vì tăng nguy cơ chảy máu và tăng độc tính của methrotrexat trên máu. Không phối hợp các thuốc chống viêm không steroid với nhau (tăng nguy cơ chảy máu, gây loét); với vòng tránh thai thuốc giảm hiệu lực tránh thai với heparin (tăng nguy cơ chảy máu); với lithium (indometacin, sulindac, aminoprofen, piroxicam và dẫn xuất, dẫn xuất pyrazol) gây tăng lithium huyết - gây độc; với ticlopidin tăng nguy cơ chảy máu. Thận trọng dùng với các thuốc lợi tiểu, phải uống nhiều nước, theo dõi chức năng thận, vì thuốc có nguy cơ suy thận cấp ở người mất nước - giảm lượng máu. Với các thuốc trị huyết áp, các thuốc chẹn beta, captopril, các thuốc lợi tiểu (giảm tác dụng hạ huyết áp). Nên uống thuốc vào giữa bữa ăn, không uống lúc đói.

DS. Thế Hiệp

Từ khóa » Chống Viêm Phi Steroid