Thận Trọng Khi Dùng Thuốc Chống Viêm Không Steroid

Một trong những loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị triệu chứng giảm đau là thuốc chống viêm không steroid. Thuốc có thể gây nên những phản ứng có hại về đường tiêu hóa, có khi rất nặng và được xem như một biến cố của việc dùng thuốc. Vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc để tránh những tai biến.

Cơ chế ảnh hưởng có hại của thuốc

Theo nhà khoa học Manigand, các phản ứng có hại của thuốc chống viêm không steroid (NSAID: non-steroidal anti-inflammatory drug) chiếm tỉ tệ từ 20 - 25% các phản ứng của các loại thuốc nói chung. Trên thực tế loại thuốc này được dùng khá phổ biến và có nhiều nơi mua thuốc không cần có đơn thuốc của bác sĩ; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có thể dễ dàng tự mua thuốc và điều trị. Các nhà khoa học ước tính mỗi ngày trên thế giới có khoảng 30 triệu người bệnh sử dụng loại thuốc chống viêm không steroid.

Các phản ứng có hại của thuốc chống viêm không steroid gây nên thường do 4 cơ chế: thuốc có tác dụng ức chế tổng hợp chất prostaglandin nội sinh, chất này là yếu tố rất cần thiết cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại các tác nhân tấn công vì prostaglandin kích thích bài tiết chất nhầy, bài tiết bicarbonat; duy trì lưu lượng máu đến niêm mạc và còn có khả năng giảm tiết acid chlorhydric. Thuốc có độc tính có liên quan đến liều lượng. Thuốc có thể gây nên phản ứng quá mẫn liên quan đến từng cơ địa của cá thể. Thuốc có khả năng phát sinh tạo ra các chất chuyển hóa trung gian. Ngoài ra, phản ứng có hại của thuốc cũng có thể do các yếu tố thuận lợi khác gồm: tuổi và giới tính như người cao tuổi và nữ giới dễ bị ảnh hưởng; người nghiện rượu và thuốc lá; người mắc một số bệnh có sẵn như bệnh lý về dạ dày, xơ gan, giảm tiểu cầu, viêm khớp dạng thấp... Đồng thời trong điều trị có sự phối hợp nhiều loại thuốc chống viêm không steroid với nhau, phối hợp thuốc chống viêm không steroid với aspirin hoặc với thuốc chống đông cũng có thể gây nên những phản ứng có hại.

Thận trọng khi dùng thuốc chống viêm không steroidChảy máu tiêu hóa là nguy cơ tai biến được ghi nhận ở những người sử dụng thuốc chống viêm không steroid

Trên lâm sàng, khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid ghi nhận tác dụng phụ có thể nhẹ như ợ nước, buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa... hoặc ở mức độ vừa như đau vùng thượng vị kiểu nóng rát, cơn đau tăng lên sau mỗi lần uống thuốc và thường kèm theo triệu chứng nôn. Thực tế thấy các phản ứng có hại ở mức độ nhẹ và mức độ vừa này xảy ra với tỉ lệ từ 10 - 30% trường hợp ở những toa thuốc được bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên cũng có lúc gặp những tai biến nặng khi dùng thuốc chống viêm không steroid nhưng ít hơn như chảy máu tiêu hóa và thủng dạ dày với tỉ lệ thấp từ 0,5 - 3%; mặc dù chiếm tỉ lệ thấp nhưng tất cả các cơ sở y tế cũng phải cần thận trọng, chú ý để phát hiện, xử trí phù hợp nhằm tránh hững hậu quá đáng tiếc có thể xảy ra.

Các phản ứng có hại cần thận trọng

Ngoài các phản ứng phụ ở mức độ nhẹ và mức độ vừa khi dùng thuốc chống viêm không steroid đã nêu ở trên; trong quá trình điều trị cần quan tâm đến tai biến nặng do thuốc gây nên như chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày và các thương tổn khác ở đường tiêu hóa.Tỉ lệ thủng dạ dày có thể chiếm đến 60% các trường hợp đối tượng bệnh nhân có sử dụng thuốc chống viêm không steroid trước đó vài ngày hoặc vài tuần

Chảy máu tiêu hóa là nguy cơ tai biến được ghi nhận ở những người sử dụng thuốc chống viêm không steroid. Qua nghiên cứu, đối tượng này thường chiếm số lượng gấp đôi so với nhóm đối chứng và xảy ra gấp 4 lần ở những người bệnh sẵn có các cơ địa, yếu tố thuận lợi đã nói ở trên. Trong thực tế, khó có được một con số chính xác về biến cố này nhưng các nhà khoa học ước lượng tỉ lệ tai biến có thể xảy ra khoảng 1/6.000 đơn thuốc được kê cho người sử dụng. Nguy cơ chảy máu tiêu hóa xảy ra có thể có tỉ lệ khác biệt tùy theo loại thuốc chống viêm không steroid được sử dụng như Azapropazon, Piroxicam, Indomethacin, Naproxen, Diclofenac, Ibuprofen...

Thủng dạ dày cũng là một tai biến khó xác định mối liên quan về nhân quả giữa ảnh hưởng của thuốc chống viêm không steroid đối với biến cố này. Một số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên những người bệnh thủng dạ dày ghi nhận tỉ lệ thủng dạ dày có thể chiếm đến 60% các trường hợp đối tượng bệnh nhân có sử dụng thuốc chống viêm không steroid trước đó vài ngày hoặc vài tuần; tuy vậy nhận xét này chưa mang tính thuyết phục và không được nhiều người chấp nhận. Ngoài ra, tai biến thủng dạ dày và chảy máu dạ dày cũng có thể là biến chứng của một ổ loét sẵn có hoặc không được biết đến trước khi dùng thuốc chống viêm không steroid. Trên thực tế, chỉ có phương pháp nội soi dạ dày mới xác định được căn nguyên của bệnh lý dạ dày và cần tiến hành thủ thuật này càng sớm càng tốt để xử trí phù hợp vì bệnh lý sẽ được hồi phục nhanh. Các nhà khoa học nhận thấy có khoảng 20% bệnh nhân dùng thuốc chống viêm không steroid có những biểu hiện của viêm dạ dày do thuốc dưới dạng thương tổn ban đỏ, phù nề, sung huyết; có chấm chảy máu là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa; có vết trợt hoặc vết loét làm chảy máu nhiều và có thể gây thủng dạ dày. Các vết trợt thường cạn, bờ có nhiều vòng và trên nền của một loại viêm dạ dày lan tỏa. Các vết loét cấp tính thường nhỏ, đơn độc hoặc có nhiều ổ và thường ở vùng hang vị, tiền môn vị hoặc trên bờ cong lớn của dạ dày. Đối với một ổ loét cũ, hình ảnh thường thấy có bờ rõ, phù nề, quy tụ các nếp nhăn niêm mạc; dấu hiệu phù nề và sung huyết biểu hiện sự trỗi dậy của một ổ loét cũ do dùng thuốc chống viêm không steroid. Nhiều nhà khoa học đã tổng kết qua công tác nghiên cứu về mối liên quan nhân quả giữa bệnh loét dạ dày và việc dùng thuốc chống viêm không steriod nhận thấy bệnh loét dạ dày và dạ dày-tá tràng chiếm tỉ lệ khoảng 15 - 20% số trường hợp bệnh nhân dùng thuốc; tai biến chảy máu và thủng dạ dày xảy ra cho 1,5% người có sử dụng thuốc; có khoảng 34% bệnh nhân vào bệnh viện để chữa bệnh loét dạ dày sau thời gian đã dùng thuốc này đều đặn, kéo dài; có đến 78% bệnh nhân tử vong do biến chứng của bệnh loét dạ dày là những người đã thường dùng thuốc chống viêm không steroid. Ngoài ra, những người cao tuổi dùng liên tục thuốc thường có nguy cơ tử vong do biến chứng của bệnh loét dạ dày tăng gấp 4 lần so với người thường. Ở Anh Quốc đã thống kê số bệnh nhân tử vong do biến chứng của bệnh loét dạ dày có liên quan đến việc dùng thuốc chống viêm không steroid cũng gần bằng số bệnh nhân tử vong do bệnh hen phế quản. Ở Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận số bệnh nhân bị biến chứng tiêu hóa do dùng thuốc chống viêm không steroid bằng 1/2  số bệnh nhân AIDS... Chính vì vậy việc dùng thuốc chống viêm không steroid cần đặc biệt thận trọng, quan tâm để chủ động ngăn ngừa những tai biến hay biến cố có thể xảy ra, trong đó có một số trường hợp đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Ngoài các phản ứng có hại trầm trọng như chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày như đã nêu ở trên; thuốc chống viêm không steroid còn có thể gây nên các phản ứng không mong muốn ở các nơi khác của bộ máy tiêu hóa. Tại miệng, họng thường gặp trường hợp viêm lợi, sưng tuyến nước bọt mang tai. Tại thực quản có thể gây viêm thực quản, có khi làm loét thực quản; vấn đề này thường có liên quan đến cách uống thuốc. Tại ruột non thường hiếm gặp hơn, thuốc chống viêm không steroid có thể gây loét hỗng tràng đưa đến hẹp; một số nhà khoa học ghi nhận khoảng 70% các trường hợp dễ có trạng thái viêm ruột non ở những người bệnh dùng lâu dài thuốc chống viêm không steroid. Tại ruột già, một số trường hợp thuốc có thể gây rối loạn cơ năng dưới dạng đau bụng, đi tiêu chảy phải cần ngừng thuốc ngay; các bệnh lý có sẵn như bệnh Crohn, viêm loét ruột già chảy máu có thể có đợt làm cho bệnh tiến triển thêm do dùng thuốc chống viêm không steroid. Tại trực tràng, nếu dùng thuốc chống viêm không steroid loại thuốc đạn hay tọa dược đặt hậu môn có thể gây nên sự nóng rát, có cơn mót rặn trực tràng ở một số bệnh nhân.

Lời khuyên của thầy thuốcCần lưu ý rằng cách điều trị và phòng ngừa các phản ứng có hại của thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt ảnh hưởng đối với đường tiêu hóa là không nên phối hợp các thuốc chống viêm không steroid với nhau hoặc phối hợp với thuốc aspirin, thuốc corticoid. Thực tế ghi nhận sự phối hợp các loại thuốc chống viêm không steroid với nhau sẽ không có tác dụng kết hợp có lợi mà ngược lại chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố và tai biến do việc dùng thuốc. Cộng đồng người dân, các cơ sở y tế cần thận trọng vấn đề này khi trên thực tế các loại thuốc chống viêm không steroid ngày càng được sử dụng nhiều để điều trị triệu chứng chống viêm, giảm đau do những bệnh lý có liên quan đến xương khớp khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở người cao tuổi nhằm chủ động phòng ngừa tai biến có thể xảy ra.

Từ khóa » Chống Viêm Phi Steroid