Những điều Cần Biết Về Xét Nghiệm HbA1c Với Bệnh Đái Tháo đường

Tổng quan về bệnh lý Đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) hay bệnh tiểu đường là bệnh ngày càng phổ biến trên thế giới và ở cả Việt Nam, nó gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của con người.

Bệnh lý đái tháo đường gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin). Bình thường, sau khi ăn Glucose sẽ được hấp thụ vào máu. Insulin có tác dụng giúp vận chuyển Glucose từ máu vào các tế bào để chuyển hóa và sinh ra năng lượng.

Trong bệnh Đái tháo đường, do thiếu Insulin tuyệt đối hoặc tương đối Glucose không được đưa vào các tế bào mà nó vẫn tồn tại trong máu làm cho nồng độ đường trong máu tăng lên quá mức bình thường.

Ý nghĩa và sự hình thành HbA1c

Hemoglobin (Hb) là một trong những thành phần của tế bào hồng cầu, có vai trò vận chuyển oxy trong máu. Bình thường luôn luôn có sự gắn kết của đường trong máu với Hb của hồng cầu.

HbA1 chiếm phần lớn ở người lớn, trong đó HbA1c đại diện cho tình trạng gắn kết của Glucose trên Hb hồng cầu.

HbA1c tồn tại suốt trong đời sống hồng cầu là 120 ngày, vì vậy xét nghiệm HbA1c cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong 2-3 tháng vừa qua.

HbA1c là một trong những thành phần quan trọng cấu tạo nên hồng cầu của máu

HbA1c là một trong những thành phần quan trọng cấu tạo nên hồng cầu của máu

Xét nghiệm HbA1c

1. Chỉ định xét nghiệm

Xét nghiệm HbA1c là một trong những xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc nghi ngờ có bệnh đái tháo đường khi gặp các biểu hiện sau:

- Khát nước

- Đi tiểu nhiều

- Ăn nhiều

- Mệt mỏi, mờ mắt

- Gầy sút cân

- Bệnh nhiễm trùng lâu khỏi.

Ý nghĩa của xét nghiệm HbA1c với bệnh lý đái tháo đường

Xét nghiệm HbA1c là một trong những xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường

Xét nghiệm HbA1c cũng có thể được xem xét ở người lớn thừa cân với các yếu tố nguy cơ như:

- Hoạt động thể chất kém

- Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường

- Chủng tộc/ dân tộc có nguy cơ cao

- Huyết áp cao

- Bất thường chuyển hóa Lipid

- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, phụ nữ có thai

- Tiền sử bệnh tim mạch

- Điều kiện lâm sàng khác liên quan đến tim mạch.

Trong quá trình điều trị, HbA1c được chỉ định để theo dõi sự kiểm soát đường huyết, giúp bác sĩ điều trị đánh giá được đường huyết có kiểm soát tốt hay không trong thời gian 2-3 tháng vừa qua. HbA1c giúp tiên lượng sự xuất hiện và tiến triển của các biến chứng vi mạch do đái tháo đường

2. Cách lấy mẫu

Xét nghiệm HbA1c được thực hiện trên mẫu máu toàn phần chống đông EDTA, thể tích 2ml, ổn định trong 2 tuần ở 2-8ºC, 24h ở 25ºC.

Bệnh nhân không cần nhịn đói trước khi làm xét nghiệm.

Xét nghiệm HbA1c tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

Xét nghiệm HbA1c đang được thực hiện hàng ngày tại bệnh viện Đa khoa Medlatec trên hai hệ thống máy tự động hoàn toàn Premier Hb9210 xuất xứ Mỹ và máy Tosho G8 xuất xứ Nhật.

Hệ thống máy xét nghiệm HbA1c tự động Premier Hb9210

Hình ảnh hệ thống máy xét nghiệm HbA1c tự động Premier Hb9210

Hệ thống máy xét nghiệm HbA1c tự động Tosho G8

Hình ảnh hệ thống máy xét nghiệm HbA1c tự động Tosho G8

Kết quả xét nghiệm được trả sau 1.5h từ thời điểm nhận mẫu.

* Ưu điểm của hệ thống máy xét nghiệm HbA1c:

- Công nghệ được công nhận bởi NGSP (Chương trình quốc gia tiêu chuẩn hóa Glycohemoglobin) và IFCC (Liên đoàn hóa sinh lâm sàng y học quốc tế), được khuyến cáo là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh ĐTĐ

- Sai số CV< 2%, đảm bảo kết quả có độ lặp lại cao và đáng tin cậy

- Kết quả không bị nhiễu bởi các biến thể Hemoglobin khác

Kết quả và ứng dụng lâm sàng

Bình thường HbA1c chiếm 4-6% trong toàn bộ hemoglobin.

- Khi HbA1c tăng trên mức bình thường 1% tương ứng với giá trị đường huyết của bạn tăng lên 30mg/dL hay 1.7 mmol/L.

- Khi HbA1c tăng trên 10% cho thấy đường huyết của bạn trong thời gian qua kiểm soát kém. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, chỉ cần tăng 1% HbA1c, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng 38%, nguy cơ biến chứng mạch máu (bệnh võng mạc, bệnh thận, loét bàn chân..) tăng 40%. Ngược lại nếu giảm được HbA1c sẽ giảm khả năng biến chứng.

- Khi HbA1c dưới 6.5% cho thấy đường huyết của bạn được kiểm soát tốt.

Cần kiểm soát chỉ số HbA1c vì với HbA1c < 6.5%, bạn có thể làm chậm và ngăn ngừa sự phát triển các biến chứng về mắt, thận và thần kinh do bệnh ĐTĐ. Theo nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới thì kiểm soát đường huyết 24h hàng ngày, liên tục qua một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống thích hợp có thể làm thay đổi chỉ số HbA1c.

- HbA1c thường được khuyến cáo xét nghiệm 3 tháng một lần để theo dõi sát tình trạng kiểm soát glucose huyết, nếu glucose huyết thường xuyên ổn định có thể xét nghiệm 6 tháng một lần.

- Theo dõi đường huyết khi đói chỉ cho thấy giá trị đường huyết ở thời điểm làm xét nghiệm.

- Xét nghiệm HbA1c cung cấp thông tin tổng quát về tỷ lệ % trung bình đường huyết của bạn trong 2-3 tháng qua, tuy nhiên cả 2 đều giúp bác sỹ có kế hoạch thay đổi trong điều trị về chế độ ăn, tập luyện thể dục cũng như chế độ dùng thuốc thích hợp hơn.

- Đường huyết được kiểm soát tốt nhất khi chỉ số HbA1c nhỏ hơn 6.5% và nồng độ Glucose trong huyết thanh nằm trong giới hạn sinh lý (3.9-7.0 mmol/L). Trong một số trường hợp, các bác sỹ có thể chấp nhận mức đường huyết lúc đói khoảng 8.3 mmol/L, nhằm tránh các biểu hiệu hạ đường huyết ở người ĐTĐ, đặc biệt là ở những người có ngưỡng đường huyết cao kéo dài.

Khi lượng đường trong máu xuống mức 3.3 mmol/L hoặc thấp hơn, gọi là hạ đường huyết. trường hợp này có thể dẫn đến các vấn đề quan trọng đối với sức khỏe, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi người bệnh thường có một ngưỡng khác nhau về khả năng đáp ứng của cơ thể với mức đường trong máu của mình, do vậy, bạn cần tham vấn bác sỹ chuyên khoa về nội tiết.

Theo dõi chỉ số xét nghiệm HbA1c và glucose là cách để phòng tránh bệnh tiểu đường và biến chứng

Cần kiểm soát chỉ số HbA1c và đường huyết để theo dõi, phòng tránh bệnh tiểu đường và những biến chứng của bệnh

* Các yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả:

- HbA1c có thể “tăng giả”

PreHbA1c, HbF, Hội chứng ure máu cao (cơ chế: do Hb bị carbamyl hóa)…

- HbA1c có thể “giảm giả”

Các bệnh làm giảm đời sống HC: huyết tán (tan máu), thiếu máu mạn hoặc cấp, xuất huyết tiêu hoá, sau trích máu điều trị, nhiễm sắc tố sắt, Hemoglobin bất thường (VD: HbH, HbS, HbD, HbE, HbC)…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hóa Sinh, trang 234.

2. Bộ Y tế (2017). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2, phụ lục 05: Tương quan giữa Glucose huyết tương trung bình và HbA1c, trang 37.

3. Trinity biotech . Premier Hb9210 HbA1c Analyzer.¸Accessed 1 June 2019.

4. Tosho. G8 HPLC Analyzer.,Accessed 1 June 2019.

5. Trương Khắc Chí và Nguyễn Thế Vinh, (2018). Một số hiểu biết cơ bản về xét nghiệm HbA1C đối với bệnh đái tháo đường.

Từ khóa » Chỉ Số Hplc