Những Góc Khuất Cuộc đời Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao

{keywords}

Clip: Toàn bộ cuộc trò chuyện của người phát ngôn Thu Hằng.

Nhà báo Hà Sơn: Xin được bắt đầu với câu hỏi liên quan đến công việc hiện tại của chị. Hiện nay những câu chuyện mang tính thời sự luôn được mọi người quan tâm trong đó vấn đề chủ quyền và con người hay được nhắc tới. Chị nói gì về điều này?

Người phát ngôn Thu Hằng: Tôi rất đồng ý với nhận xét của bạn, thực ra người phát ngôn là bày tỏ quan điểm lập trường, truyền đạt các thông điệp nên chuyện lúc rắn lúc mềm là đương nhiên. Liên quan đến vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ có thể nói đây là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm và không gì đánh đổi được.

Ý thức bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ăn sâu vào mỗi người Việt Nam chúng ta. Nó thể hiện bằng lòng yêu nước của mỗi người. Thông điệp của chúng ta là yêu chuộng hòa bình nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình. Một trong những quan tâm lớn của dư luận hiện nay cũng chính là vấn đề này.

Bên cạnh đó vấn đề con người hay nói cách khác là bảo hộ công dân cùng được xã hội đặc biệt là người dân trong nước ngày một quan tâm hơn. Các bạn có thể hình dung ngày nay số lượng người Việt đi ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau học tập lao động, làm việc và đi du lịch ngày càng nhiều và đi kèm với nó phát sinh ra nhiều vấn đề. Với trách nhiệm, chức năng của mình Bộ Ngoại giao là cơ quan thực hiện việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Những vụ việc phức tạp như người Việt gặp nạn ở nước ngoài, là nạn nhân của khủng bố, cướp biển... luôn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Vậy có khi nào chị gặp sức ép các vấn đề thời sự nhiều người quan tâm?

Người phát ngôn Thu Hằng: Như tôi đã nói song song với việc người Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều cũng nảy sinh các vấn đề phức tạp. Và ta phải hiểu bảo hộ công dân là bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài. Trong quá trình thực hiện công tác bảo hộ công dân luôn có sức ép đến từ nhu cầu thông tin. Nhưng trong quá trình triển khai bảo vệ công dân có nhiều trường hợp phải giữ bí mật thông tin. Hoặc không phải lúc nào công dân của ta cũng đúng. Và cũng có trường hợp xảy ra xung đột pháp luật mà chúng ta phải giải quyết khéo léo với mục đích như tôi nói đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ta, đảm bảo triển khai bảo hộ công dân hiệu quả.

Nhà báo Hà Sơn: Thời buổi công nghệ tiên tiến người ta ngày càng muốn có sớm thông tin chính thống nhưng phải nhanh, Bộ Ngoại Giao đã rất nỗ lực điều này thời gian qua nhưng nếu có ai đó phàn nàn rằng Bộ Ngoại Giao cần phải nhanh và kịp thời hơn nữa, chị sẽ nói gì?

Người phát ngôn Thu Hằng: Môi trường thông tin hiện nay thay đổi rất nhanh và mỗi người bình thường cũng có thể thành người đưa tin. Tuy nhiên tôi cho rằng thông tin nhanh nhưng phải đúng chưa kể phải trúng và hay. Và muốn đúng thông tin phải có kiểm chứng, những thông tin về đối ngoại chắc chắn càng phải kiểm chứng kỹ hơn nữa vì nó ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam. Vì thế có thể Bộ Ngoại giao được cho là thận trọng hơn trong thông tin.

Trong một năm, Bộ Ngoại giao gửi hàng nghìn tin về các hoạt động đối ngoại cho các cơ quan báo chí và chúng tôi luôn có kế hoạch trước. Hiện nay trong thời kỳ chúng ta sử dụng nhiều công nghệ số có nhiều cách thông tin khác ví dụ như trước khi có thông tin chính thức chúng tôi có thể đưa lên mạng xã hội hoặc dùng hệ thống viber, messager để thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất cho báo chí để qua đó truyền tải đến cho bạn đọc.

Nhà báo Hà Sơn: Bộ Ngoại giao họp báo thường kỳ hàng tháng, có khi là mỗi tuần, theo đó chị thường xuyên tiếp xúc truyền thông, vậy công tác chuẩn bị trước mỗi lần họp báo có gì đặc biệt? Có lần nào chị phải đối diện những câu hỏi bất ngờ hay chưa được chuẩn bị?

Người phát ngôn Thu Hằng: Tôi thấy có khán giả nghĩ người phát ngôn như máy nói. (cười). Đằng sau mỗi cuộc họp báo là một khối lượng công việc rất lớn, đó không chỉ là công việc của một nhóm người mà còn là sự phối hợp giữa vụ báo chí với các vụ khác trong Bộ Ngoại giao, kể cả phối hợp với các bộ ngành khác, phối hợp từ trung ương đến địa phương.

Vì vậy để có cuộc họp báo nhiều khi chỉ diễn ra 30 phút nhưng là sự chuẩn bị rất dày công của nhiều người. Và để có được những cuộc họp hiệu quả và tránh những tình huống bất ngờ cần có sự chuẩn bị - đó là quá trình theo dõi thông tin, dự đoán quan tâm của dư luận từ đấy mình cần phải biết sẽ giải tỏa dư luận như thế nào, đưa ra thông điệp làm sao?... Tuy nhiên trong cuộc họp cũng sẽ có những câu hỏi mình chưa chuẩn bị trước.

Với tư cách người phát ngôn Bộ Ngoại giao người ta nghĩ tôi chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến đối ngoại, tuy nhiên đã có những câu hỏi tôi nhận được như: Quan điểm của bà về hôn nhân đồng giới? Về dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam?... Với những câu hỏi như vậy đòi hỏi mình phải có kiến thức và phải luôn theo dõi tin tức, cập nhật tình hình bám sát định hướng, nắm được lập trường cơ bản để phản ứng kịp thời và nguyên tắc quan trọng đã phát ngôn là phải chính xác, nếu không đúng ít nhất không được sai.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Những chuyến công tác với chị tôi hiểu rằng đều có những sứ mệnh khác nhau trong đó chắc không thiếu những thách thức?

Người phát ngôn Thu Hằng: Thật ra mỗi chuyến đi đều có những mục tiêu riêng, thậm chí nói to tát là những sứ mệnh riêng và mỗi chuyến đi sẽ có rất nhiều điều ấn tượng, những trải nghiệm.

Có những chuyến đi bay 40 tiếng đồng hồ từ Việt Nam qua Châu Âu sang Nam Mỹ không nghỉ ngơi, không ngả lưng và có những nơi tôi đến có khi chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ lại phải rời đi. Có những chuyến đi, bạn cảm giác như không thể ăn được bất cứ thứ gì ngoài mỳ tôm và có những chuyến đi khi bạn về đến sân bay Nội Bài việc đầu tiên là phải lao vào gửi tin bài chứ chưa thể lấy hành lý.

Điều này không phải riêng với tôi mà với phần lớn phóng viên đối ngoại là như vậy. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trải nghiệm thú vị, ví dụ khi tôi đến các nước Trung Đông, người ta hỏi tôi từ đâu đến, khi nói mình là người Việt Nam họ đều giơ chữ V lên, nghĩa là Việt Nam gắn liền với chiến thắng.

Hay khi tôi đến những đảo quốc xa xôi, nói chuyện với các cụ già, nhắc đến Việt Nam các cụ bảo Việt Nam là chiến tranh và tôi mất rất nhiều công để giải thích, cho xem ảnh trên điện thoại chứng minh rằng Việt Nam bây giờ hòa bình, Việt Nam bây giờ khác rồi. Tôi nghĩ đó là những trải nghiệm rất thú vị bên cạnh những khó khăn vất vả, thách thức trong những chuyến đi.

Nhà báo Hà Sơn: Lâu nay trong suy nghĩ của nhiều người những người làm ngoại giao là nghề có vẻ “quý tộc”, thực tế có phải như vậy thưa chị? Nếu có một bạn trẻ mong muốn trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp và xin một lời khuyên, chị sẽ nói gì?

Người phát ngôn Thu Hằng: Thật ra có thể với nhiều người nghề ngoại giao có vẻ quý tộc. Đúng là đi đối ngoại phải đến cung điện, phủ Tổng thống, đi trình quốc thư có khi được đi bằng xe song mã, tứ mã, dự yến tiệc nhưng đó chỉ là bề nổi, đằng sau đấy có rất nhiều công việc khác.

Những nhà ngoại giao làm công tác biên giới lãnh thổ phải trèo đèo lội suối đi phân giới cắm mốc. Những người làm công tác đàm phán phải thâu đêm suốt sáng với những giằng co rất khó khăn. Làm công tác bảo hộ công dân có lúc đối măt với nguy hiểm tính mạng khi đi cứu trợ công dân trong thiên tai hay công dân bị bắt giữ làm con tin.

Đối với các bạn trẻ tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, nhất là làm ngoại giao như tôi nói có bề nổi và những thứ ở đằng sau, cái cần hơn hết là sự đam mê với nghề nghiệp, yêu nghề mới vượt qua khó khăn vất vả, có khó khăn mới có vinh quang. Không có vinh quang nào mà không có lao động, không có con đường nào trải toàn hoa hồng. Và để trở thành một nhà ngoại giao thành công phải có một niềm đam mê thật sự.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Câu chuyện bình đẳng giới nhiều năm qua vẫn được nhắc đến và khi thời đại kỷ nguyên số 4.0, có ý kiến cho rằng đó là thách thức đối với nhiều người phụ nữ. Chị nói sao về vấn đề này?

Người phát ngôn Thu Hằng: Theo tôi kỷ nguyên nào cũng thế, vẫn tồn tại những định kiến truyền thống nhất là ở những nước Phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đó là định kiến về chuyện phụ nữ sẽ tập trung vào chuyện gia đình con cái, bị phân tâm và không thể giữ được vị trí cao trong xã hội. Có những định kiến khiến đàn ông không thích sếp mình là phụ nữ.

Còn kỷ nguyên số, theo tôi lại không phải là thách thức mà là cơ hội cho chị em. Vì trên môi trường làm việc trong không gian mạng bạn ngồi sau máy tính và không ai biết bạn là nam hay nữ, bạn sẽ vượt qua được định kiến nam nữ. Rồi bạn có thể tranh thủ làm việc từ nhà, đâu cần đến văn phòng, với internet bạn có thể kết nối với rất nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ phụ nữ vẫn phải giữ mình là phụ nữ, không cần phải suy nghĩ như đàn ông càng không cần phải hành động như đàn ông. Nhưng phụ nữ phải tự tin như đàn ông. Các chính sách hỗ trợ rất tốt, sự ủng hộ của phái mạnh cho phái nữ cũng rất tốt, tuy nhiên trước hết chúng ta phải dựa vào chính chúng ta, thế nên mới cần sự tự tin.

Nhà báo Hà Sơn: Là người đi nhiều, gặp nhiều hẳn sẽ có nhiều người phụ nữ khiến chị ngưỡng mộ?

Người phát ngôn Thu Hằng: Đúng là có rất nhiều tấm gương phụ nữ thành công trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp. Trong nghành ngoại giao chúng tôi mọi người đều rất biết một nữ ngoại giao tài năng là bà Nguyễn Thị Bình - người không chỉ Việt Nam mà thế giới đều biết và ngường mộ.

{keywords}

Đối với tôi, người mà dùng từ ngưỡng mộ thôi vẫn chưa đủ chính là bà nội của tôi. Bà mất khi tôi vẫn còn nhỏ và ấn tượng về bà là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, rất chiều con cháu.

Qua lời kể của bố mẹ và gia đình, bà là một người phụ nữ rất đáng khâm phục, dù không biết đọc biết viết nhưng lại buôn bán rất giỏi. Bà là người phụ nữ làm chỗ dựa vững chắc, nuôi dạy 10 người con thành đạt, đưa cả gia đình qua các cuộc chiến tranh, chống Pháp rồi chống Mỹ, chịu đựng cả sự chia cắt gia đình, kẻ Nam người Bắc thậm chí cả ở nước ngoài. Bà là người phụ nữ có tầm nhìn khi luôn muốn đầu tư việc học tập giáo dục con cái. Ngay cả thời kỳ khó khăn của gia đình cho đến lúc gia đình có kinh tế khá hơn bố tôi và các bác đều được học hành tử tế ở các trường tốt nhất. Có thể nói đó là một người phụ nữ tôi nghĩ dùng từ hâm mộ hay thần tượng vẫn chưa đủ.

Nhà báo Hà Sơn: Chị có 4 năm sống bên nước Anh làm phó đại sứ, quãng thời gian đó đọng lại trong chị những gì?

Người phát ngôn Thu Hằng: Thật ra tôi công tác ở Anh không phải nhiệm kỳ đầu tiên, nhiệm kỳ đầu tiên của tôi ở nước Nga. Nhưng thời gian ở Anh cho tôi rất nhiều trải nghiệm, đặc biệt là một môi trường làm việc rất phong phú, tiếp xúc với các giới, từ hoàng gia quý tộc cho đến giới tài chính và cả văn nghệ sĩ.

Một môi trường văn hóa phong phú như ở nước Anh cho tôi nhiều cảm nhận thú vị. Nhưng điều quý nhất tôi có được là tình cảm của rất nhiều bạn bè, cả người Anh cũng như người Việt sinh sống tại Anh. Trong hơn 3 năm đó tôi gặp rất nhiều người, đặc biệt mỗi người phụ nữ là một số phận mà tôi nghĩ sau này có thể viết được cả cuốn sách và tất cả những người tôi gặp đều để lại tình cảm thương mến trong tôi.

Phần 2: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tiết lộ tình bạn đẹp với MC Diễm Quỳnh

Sơn Hà - Đức Yên - Xuân Quý - Anh PhúẢnh: Phạm HảiThiết kế: Hằng Trần

Từ khóa » Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Qua Các Thời Kỳ