Những Kiến Giải Về Sự Hình Thành Và Danh Xưng Quân Hàm Thế Giới

Những kiến giải về sự hình thành và danh xưng quân hàm thế giới

(1/34) > >>

thainhi_vn: Quân hàm là hệ thống cấp bậc trong một quân đội. Ở một số quốc gia, hệ thống cấp bậc này còn được áp dụng trong ngành cảnh sát hoặc một số tổ chức dân sự nhưng được hệ thống theo mô hình quân sự. Trong lịch sử quân sự hiện đại, hầu hết các quân đội chính quy đều có hệ thống quân hàm. Một số trường hợp ngoại lệ như Hồng quân Liên Xô ở giai đoạn 1918–1935, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 1965–1988 và Quân đội Albania giai đoạn 1966–1991, đã không áp dụng chính thức hệ thống quân hàm. Tuy nhiên, sau đó thì hệ thống quân hàm vẫn được áp dụng trở lại chính thức sau khi những khó khăn trong việc chỉ huy và kiểm soát do việc bãi bỏ chế độ quân hàm gây ra.Trên đây là khái quát khái niệm về quân hàm. Tuy khá đơn giản, nhưng do sự khác biệt về văn hóa cũng như nền tảng học thuyết quân sự, sự hình thành và biến chuyển của hệ thống quân hàm cũng có sự khác nhau cũng như sự giao lưu với nhau, nhất là trong nền tảng quân sự hiện đại. Điều này dẫn đến sự hiểu lầm do không nắm được bản chất của sự hình thành các danh xưng quân hàm khi chuyển ngữ từ quân hàm của quân đội này sang quân đội khác, điều xảy ra khá thường xuyên trong các tài liệu dịch từ nguồn nước ngoài trên các báo Việt hiện nay.Để có được các nhìn mở về hệ thống quân hàm, topic này sẽ trình bày những kiến giải cá nhân của tác giả về sự hình thành và nguồn gốc danh xưng của hệ thống quân hàm các quốc gia có nền quân sự lớn trên thế giới, cũng như mong muốn trao đổi kiến thức với những nhà nghiên cứu các, nhằm rút ra kinh nghiệm, hầu đưa ra một giả thuyết hệ thống quân hàm QĐNDVN trong tương lai.Cấu trúc cơ bản của topic như sau:- Sự hình thành và phát triển hệ thống cấp bậc quân đội thời cổ đại- Hệ thống cấp bậc quân sự Đông và Tây thời Trung cổ- Sự hình thành danh xưng quân hàm phương Tây- Sự hình thành danh xưng quân hàm phương Đông- Hệ thống quân hàm quốc gia qua các thời kỳ+ Đế quốc Anh+ Đế quốc Nga+ Đế quốc Pháp+ Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ+ Quân đội và lực lượng SS Đức Quốc xã+ Hồng quân Liên Xô+ Đế quốc Nhật+ Trung Hoa Dân quốc+ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên+ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa...Về cuối cùng là Quân hàm Việt Nam qua các thời kỳ.Mời các bạn cùng tham gia.

thainhi_vn: Thông thường, hệ thống quân hàm được biểu thị bằng các phù hiệu đặc biệt gắn liền với đồng phục. Hệ thống quân hàm được sử dụng nhằm tạo thuận lợi trong các hoạt động chỉ huy, tham mưu, hậu cần... Ban đầu hệ thống này chỉ gồm những cấp bậc đơn giản, trong suốt quá trình phát triển của lịch sử chiến tranh, nó cũng được phát triển về số lượng cấp bậc và trở nên phức tạp hơn.Thời Cổ đạiThông qua các thư tịch cổ, nhiều sử gia đã ghi nhận được sự tồn tại của các cấp bậc quân sự trong quân đội Ba Tư cổ đại. Tổ chức quân sự nhỏ nhất là dathabam gồm 10 người, do một cá nhân là dathapatish chỉ huy. Một hazarabam gồm 100 dathabam, do một hazarapatish chỉ huy. Mười hazarabam hợp thành một baivarabam và do một baivarapatish chỉ huy. Các đơn vị kỵ binh cũng được tổ chức thành các asabam do các asapatish chỉ huy.Các tài liệu lịch sử cũng ghi nhận danh xưng một số cấp bậc trong quân đội các Đế quốc Parthia và Sassanid thời cổ đại:* Tổng chỉ huy: Eran Spahbod* Chỉ huy Kỵ binh: Aspwargan Salar (Parthia) hoặc Aswaran Salar (Sassanid)* Chỉ huy Cung thủ: Tirbodh* Chỉ huy Bộ binh: Paygan SalarapooCấp bậc Spahbod (سپهبد) có lẽ là một trong những danh xưng cấp bậc tồn tại lâu nhất trên thế giới. Được hình thành từ cách đây 2000 năm, kết hợp từ Spah (سپه - quân đội) và bod (بد - thống lĩnh), cấp bậc Spahbod được sử dụng cho đến tận ngày nay tại Iran, tương đương với cấp bậc Trung tướng.Tại Trung Quốc cổ đại, thông qua các cuộc chiến tranh chiếm hữu nô lệ, hình thái tổ chức quân đội sơ khai cũng được phát triển dần. Các tài liệu cổ cũng ghi nhận những hình thái tổ chức quân đội đầu tiên trong Vũ kinh thất thư như Quân (軍), Sư (師), Lữ (旅), Tốt (倅), Ngũ (伍). Người đứng đầu đơn vị gọi là Trưởng quan (長官). Đơn vị nhỏ nhất là một Ngũ, gồm 5 người, do Ngũ trưởng (伍長) đứng đầu. Cao hơn Ngũ là Tốt, có khoảng 100 người, do Tốt trưởng chỉ huy. Tiếp theo là Lữ, có 500 quân; Sư có 2.500 quân. Cao nhất là Quân, đứng đầu là một Tướng quân. Người thống lĩnh quân đội trong một chiến dịch thì được gọi là Soái, Tướng soái hoặc Nguyên soái. Cách gọi tên chức vụ chỉ huy này ảnh hưởng sâu đậm tại các nước Đông Á cho đến tận ngày nay.Đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, quân đội của thành bang Athena được chỉ huy bởi các "strategos", nghĩa là chỉ huy quân đội, tương đương như cấp tướng lĩnh ngày nay. Mỗi năm, người Athen bầu ra 10 người vào chức vụ strategos. Mỗi Strategos sẽ cầm đầu một tribes, tương đương một cánh quân. Các strategos được xem là có thứ bậc ngang nhau, không phân cấp. Mỗi khi có chiến dịch lớn xảy ra, cần có sự huy động tác chiến phối hợp của nhiều cánh quân, kế hoạch tác chiến được thông qua theo nguyên tắc đa số gữa các strategos, mà điển hình như trong trận Marathon năm 490 TrCN.Ban đầu, các strategos làm việc dưới sự chỉ đạo của nguyên lão phụ trách về chiến tranh, được gọi là "polemarchos", tương đương Bộ trưởng chiến tranh ngày nay. Tuy nhiên, về sau, chức vụ này dần chỉ còn danh nghĩa, không còn vai trò chỉ huy quân đội.Một cấp bậc dưới của strategos là "taxiarchos" hay "taxiarhos", tương đương chức vụ Lữ đoàn trưởng ngày nay. Tại Sparta, chức vụ này lại được gọi là "polemarchos". Thấp hơn là "syntagmatarches", chỉ huy một "syntagma", tương đương một trung đoàn ngày nay. Các cấp tiếp theo là "tagmatarches", chỉ huy một "tagma", tương đương tiểu đoàn ngày nay; và "lokhagos", chỉ huy một "lokhos" gồm 100 người, tương đương cấp đại đội ngày nay.Trong lực lượng kỵ binh Hy Lạp, được gọi là "hippikon", một trung đoàn kỵ binh được gọi là "hipparchia" và được chỉ huy bởi một "hipparchos" hay "hipparch". Người Sparta gọi chức vụ này là "hipparmostes". Nếu là đơn vị kỵ binh cung thủ, thì sẽ được gọi là "hippotoxotès". Một đại đội kỵ binh Hy Lạp sẽ được chỉ huy bởi "tetrarchès" hay "tetrarch".Hệ thống cấp bậc này được áp dụng ở toàn bộ các thành bang Hy Lạp, ban đầu là các lực lượng trên bộ. Khi Athen trở thành một cường quốc hải quân, các strategos ban đầu cũng nắm quyền chỉ huy hải quân. Phụ tá cho strategos là các chỉ huy chiến hạm được gọi là "trièrarchos" hay "trierarch", có nghĩa là sĩ quan chỉ huy chiến hạm 3 tầng chèo. Dưới họ là các sĩ quan chuyên môn có tên gọi là "kybernètès" (sĩ quan lái tàu), "keleusthès" (sĩ quan điều khiển tốc độ), "trièraulès" (đội trưởng trạo thủ). Về sau, danh xưng strategos trong hải quân được thay thế bằng "nauarchos", tương đương cấp bậc đô đốc ngày nay.Khi Macedonia bành trướng dưới thời vua Philippos II và con trai ông là vua Alexandros Đại đế, quân đội Hy Lạp trở thành đội quân chuyên nghiệp, chiến thuật cũng trở nên tinh vi hơn và được bổ sung thêm một số cấp bậc quân sự. Trong đội hinh bộ binh nặng phalanx, một "tetrarchès" hay "tetrarch" chỉ huy một đội hình bộ binh nặng phalanx gồm 4 hàng có tên gọi là tetrarchia. Nếu đội hình gồm 2 hàng thì được gọi là dilochia, do một "dilochitè" chỉ huy. Một đội hình gồm một hàng 8 người, được gọi là lochos, do một "lochagos". Thấp nhất là một tiểu tổ 4 người, được gọi là dimoiria hoặc hèmilochion, do một "dimoirites" hay "hèmilochitès" chỉ huy.Tuy nhiên, cũng có thể tùy theo đơn vị mà có những danh xưng khác nhau. Ví dụ một tổ 10 người được gọi là dekas hoặc dekania thì lại do một "dekarchos" chỉ huy; một đội 100 người hekatontarchia do "hekatontarchès" chỉ huy; và một chiliostys hay chiliarchia gồm 1000 người, do một "chiliarchès" chỉ huy. Trong một đơn vị kỵ binh thời Alexander, còn có tổ chức một toán ilè, được chỉ huy bởi một toán trưởng "ilarchès".

thainhi_vn: Quân đội La Mã cũng kế thừa những giá trị này từ quân đội Hy Lạp. Vào thời kỳ hùng mạnh của mình, các đơn vị Lê dương La Mã (Legio Romana) tung hoành thế giới cũng một phần nhờ vào hệ thống tổ chức cấp bậc chặt chẽ của mình, giúp thống nhất khả năng chỉ huy cũng như phát huy tính linh hoạt, cơ động đến cấp phân đội.Thời Trung cổSự kiện Mông Cổ trỗi dậy và tung hoành khắp thế giới, lần đầu tiên đã phá tung sự cách biệt Đông - Tây. Người Mông Cổ ngoài việc học hỏi và truyền bá văn hóa và giao lưu kinh tế, còn trao đổi và các kỹ thuật, chến thuật quân sự cũng như tổ chức quân đội của họ. Giống như tổ chức quân đội Ba Tư cổ đại, người Mông Cổ cũng tổ chức quân đội theo thập phân. Cấp cơ sở của họ là aravt gồm 10 người (thập phu), trên nữa là zuut (100 người, bách phu), myangat (1.000 người, thiên phu). Đứng đầu mỗi cấp đơn vị có mỗi trưởng quan. Tổ chức cao nhất của họ là Tümen, gồm 1 vạn quân, tương đương như cấp tướng ngày nay. Dù người Mông Cổ được xem như rất ít có ảnh hưởng đến hệ thống danh xưng cấp bậc hiện đại, tuy vậy, trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có sử dụng cấp bậc Tümgeneral trong Lục quân và Không quân, cũng như Tümamiral trong Hải quân, chính là chịu ảnh hưởng từ người Mông Cổ mà ra.Khi Đế quốc Mông Cổ tan rã, ở các nước phương Đông, hệ thống cấp bậc không có gì tiến triển. Họ đã có hệ thống cấp bậc võ quan Cửu phẩm với 18 bậc, vốn chịu ảnh hưởng lâu đời của Trung Hoa. Ngược lại, ở các nước phương Tây, họ học hỏi nhiều từ cách thức tổ chức của Mông Cổ, đã dần hình thành hệ thống cấp bậc quân sự riêng, tách rời với hệ thống tước vị, hoặc chức vụ phong kiến.

thainhi_vn: Sự hình thành một số danh xưng cấp bậc phương TâyLà hình thức quân đội khởi đầu và là lực lượng có quân số hùng hậu, Lục quân có hệ thống cấp bậc hình thành sớm nhất.Thống chế (Marshal, Maréchal)Thời Trung Cổ, quân đội của các vị vua được giao cho các Constable (tiếng Pháp: Connétable) chỉ huy. Do nguồn gốc của từ constable có từ comes stabuli trong tiếng Latin, dùng để chỉ những người phụ trách chăm sóc ngựa cho các lãnh chúa (quản mã), sau dần phát triển lên thành một cấp bậc dành cho các nhân viên cao cấp trong quân sự thời Trung Cổ.Đến lượt mình, các constable thường được phụ tá bởi các field marshal (tiếng Pháp: maréchal de camp). Và cũng theo thời gian, cấp bậc Marshal cũng rũ bỏ được quá khứ "phò mã" của mình để trở thành một trong những cấp bậc cao cấp nhất trong quân đội.Tuy nhiên, đến ngày nay, Constable chỉ còn vai trò là một chức vụ cao cấp trong hành chính hoặc tư pháp ở một số quốc gia. Mãi đến năm 2001, trong quân đội Pháp vẫn tồn tại một cấp bậc "thống chế phò mã" này, Maréchal des logis (tiếng Anh: Marshal-of-Lodgings), một cấp bậc tương đương Trung sĩ (Sergent) trong các đơn vị cơ động (kỵ binh).

thainhi_vn: Trưởng quan (Captain, Capitaine)Danh xưng này phát xuất từ việc các lãnh chúa gửi những đội quân, thường được gọi là các company để nhập vào với đội quân của hoàng đế. Người chỉ huy một company được gọi là Captain, có nguồn gốc từ capitaneus trong tiếng Latin, có nghĩa là "trưởng quan".Cần lưu ý thêm, capitaneus xuống phát từ nguyên gốc của từ caput trong tiếng Latin, có nghĩa là "đứng đầu". Từ này về sau biến âm sang tiếng Đức là thành "haupt", dẫn đến sự hình thành Hauptmann, tương đương cấp bậc Captain trong tiếng Đức.Phó quan (Lieutenant)Danh xưng này có nguồn gốc từ tiếng Pháp là "lieu tenant", có nghĩa là "người phụ trách một phần", phụ tá cho chỉ huy, nhưng ở một phần việc nào đó chuyên biệt, hoặc chỉ phụ trách một đơn vị nhỏ trong một company, gọi là platoon.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

Từ khóa » Cấp Bậc Trong Quân đội Liên Xô