Thuyền Trưởng Và đại úy (Phần 1)
Có thể bạn quan tâm
Từ đại úy đến thuyền trưởng
“Thuyền trưởng và đại úy” (“Два Капитана”) là tên một bộ tiểu thuyết, sau được dựng thành phim cùng tên của Liên Xô rất hay hồi những năm 1970 của thế kỷ XX. Nội dung phim kể về câu chuyện đi tìm một vị thuyền trưởng bị mất tích cùng đoàn thám hiểm của một đại uý không quân Liên Xô thông qua mối tình đẹp với con gái của vị thuyền trưởng đó.
Có lẽ cũng cần nói thêm một chút, vì bản thân tên của tiểu thuyết/phim cũng đã là một sự chơi chữ vì từ “Капитан” trong tiếng Nga vừa có nghĩa là “đại uý” (lục quân, không quân) vừa là “thuyền trưởng”. Tức là, tên tiếng Việt, “Thuyền trưởng và đại úy”, mang hàm ý giải thích cho tiêu đề của phim và tiểu thuyết trong tiếng Nga.
Hình ảnh trailer trong phim “Thuyền trưởng và đại uý”
Nếu có ai đặt vấn đề dịch tên phim từ tiếng Việt sang tiếng Anh thì sẽ rất thú vị, nó sẽ là “captain and captain”. Chữ “captain” trong tiếng Anh có nhiều nghĩa: Đội trưởng, thuyền trưởng… Còn nếu chỉ quân hàm của sĩ quan quân đội thì lúc là “đại úy”, lúc lại là “đại tá” (thượng tá). Điều thú vị và rắc rối này có lịch sử của nó và bắt nguồn từ truyền thống của ngành hàng hải nói chung, nhất là từ Hải quân Anh nói riêng. Hải quân Anh quốc suốt từ thế kỷ XVII đến hết Thế chiến II (1945) luôn là một lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Vì vậy cung cách tổ chức lực lượng, thói quen, truyền thống của họ được hải quân rất nhiều nước phỏng theo và học tập, trong đó có hệ thống cấp bậc quân hàm.
Ngày xưa vào khoảng thế kỷ XI, khi đóng tàu chiến xong, người ta phái xuống tàu một đội lính (nhiều ít thì tùy tàu), chỉ huy đội lính đó là một “đại úy” (captain), cấp phó cho ông ta là một “trung úy” (lieutenant). Người làm thuyền trưởng con tàu đó như ngày nay ta hiểu, là một hạ sĩ quan gọi là “sailing master” (thuyền trưởng) và gọi tắt là “master”.
Ban đầu viên “captain” này chỉ lo chỉ huy đội lính của ông ta, dần dần theo thời gian những viên “captain” này cũng giỏi đi biển và làm luôn nhiệm vụ của “master”, tức là vừa chỉ huy (việc của “captain”) vừa điều khiển tàu (việc của “master”). Vì vậy, từ khoảng thế kỷ XV trở về sau “captain” mang ý nghĩa là “thuyền trưởng”, còn “master” ngày nay vẫn được dùng trên các tàu hàng để chỉ thuyền trưởng. Nếu theo các tài liệu của ngành hàng hải thì “ship’s master” chính là viên “sailing master” từ ngày xa xưa, dù cho ngày nay tàu thuyền ít khi dùng buồm (sail).
Đây chính là lịch sử tại sao đại úy (captain) lại trở thành thuyền trưởng (captain). Sau đó, vào khoảng thế kỷ XVIII, khi người ta tổ chức hệ thống cấp bậc trong hải quân thì “captain” vẫn là cấp bậc cao nhất dưới cấp tướng của sĩ quan, tương đương với đại tá (colonel) trong lục quân, tức là “captain” (đại úy) lúc đầu còn trở thành “captain” (đại tá) trong hải quân như hiện nay.
Những cấp bậc thấp hơn
Vào những thời xa xưa, khi các “captain” (thuyền trưởng) đi vắng hoặc cần nghỉ ngơi thì họ sẽ ủy nhiệm cho một người dưới quyền, đủ năng lực chỉ huy và điều khiển tàu, người này được gọi là “master and commander”, trong đó “commander” là người chỉ huy, còn “master” thì như đã biết. Dần dà do gọi tắt nên “master and commander” trở thành “commander” là một người làm phó cho “captain” chỉ huy tàu.
“Commander” vốn có nghĩa ban đầu là người chỉ huy sau đó đã được hiểu thành một người có vị trí chỉ thấp hơn các “captain” trên các tàu chiến và có thể xuống làm “captain” của một tàu nhỏ hơn và cứ như thế cho đến khi chức vụ này được chuyển thành một cấp bậc quân hàm dưới “captain” (đại tá) tức là trung tá hải quân như ngày nay ta gọi.
Tàu chiến thời xưa
Thời gian đó, khi cần bổ nhiệm một người xuống chỉ huy một tàu nhỏ hơn nữa so với tàu của “commander” (thường là chỉ có 10-20 pháo thủ, do tàu chiến trước đây chỉ có vũ khí chính là pháo) người ta đặt ra chức “lieutenant-commander”, trong đó “lieutenant” ngoài nghĩa trung úy như đã biết thì còn nghĩa khác là “next to” tức là “bên cạnh và thấp hơn”.
Sau này khi trở thành một cấp bậc sĩ quan thì “lieutenant-commander” là sĩ quan thấp hơn trung tá, tức là thiếu tá hải quân như ngày nay ta gọi. Theo truyền thống thì thiếu tá (lieutenant-commander) cũng là cấp bậc thấp nhất được làm thuyền trưởng một tàu chiến đấu dù là nhỏ trong hải quân nhiều nước.
Từ “lieutenant” có gốc gác tiếng Pháp, trong đó “lieu” có nghĩa là “vị trí” hoặc “không gian” còn “tenant” có nghĩa là “chiếm” hoặc “giữ chỗ”, khi ghép lại “lieutenant” có nghĩa như ta hay gọi là “người lấp chỗ trống” tức là làm phó khi cấp trên có mặt và làm chỉ huy khi cấp trên đi vắng. Như đã biết, ban đầu khi chưa có các cấp bậc dưới “captain”, thì trên tàu “lieutenant” là người thấp chỉ dưới “captain”.
Vào khoảng thế kỷ XVII trong Hải quân Anh quốc, “lieutenant” là cấp bậc được trao cho các nhà quý tộc đang được huấn luyện để trở thành “captain” (thuyền trưởng), trên tàu sẽ có vài “lieutenant” như thứ nhất, thứ hai, thứ ba (first, second, third lieutenants).
Sau này khi hệ thống cấp bậc quân hàm trong hải quân đã ổn định thì “lieutenant” trở thành cấp bậc tương đương với “captain” trong lục quân tức là đại úy. Và như vậy “lieutenant” (trung úy) ban đầu đã trở thành “lieutenant” (đại úy) như hiện nay trong hải quân nhiều nước.
Để chỉ các cấp bậc khác thấp hơn trong hàng cấp úy, người ta thêm vào những chữ như “sub”-để chỉ trung úy hải quân (sub-lieutenant) và “acting sub-lieutenant” để chỉ thiếu úy hải quân ở các nước theo truyền thống Anh (Canada, Australia, New Zealand và một số nước khác). Ở Mỹ và ở một số nước như Philippines… thì hơi khác một chút, họ gọi trung úy là “lieutenant junior grade” và dùng từ “ensign” để chỉ thiếu úy. Điểm rắc rối là, bình thường họ đều gọi “lieutenant” và “lieutenant junior grade” là “lieutenant”, khi nào cần thì mới làm rõ đấy là đại úy hay trung úy.
Còn từ “ensign” ở Anh, Canada, Australia và một số nước dùng để chỉ cờ/quân kỳ hải quân, nên không dùng để chỉ thiếu úy. Chỉ ở Mỹ có lẽ do không có quân kỳ hải quân nên mới dùng “ensign” để chỉ thiếu úy hải quân.
Đức Thắng
Từ khóa » Cấp Bậc Trong Quân đội Liên Xô
-
Cấp Bậc Quân Sự Lực Lượng Vũ Trang Liên Xô – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quân Hàm Quân đội Liên Xô 1943–1955 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quân Hàm Quân đội Liên Xô 1943–1955 - Wikiwand
-
Tướng Quân đội (cấp Bậc Liên Xô) - Wikimedia Tiếng Việt
-
Cấp Bậc Quân Sự Hoàng Gia. Hệ Thống Cấp Bậc Quân Hàm Trong ...
-
Top 14 Cấp Bậc Trong Quân đội Nga
-
Rodion Malinovsky - Từ Binh Sĩ Quân đội Pháp Trở Thành Nguyên Soái ...
-
Quân Hàm Quân đội Nga Và Các Cấp Bậc Trong Quân đội Nga
-
Phạm Tuân - Ba Lần được Phong Tặng Danh Hiệu Anh Hùng
-
Tất Cả Cấp Bậc Quân Sự Của Quân đội Nga - ATOMIYME.COM
-
Những Kiến Giải Về Sự Hình Thành Và Danh Xưng Quân Hàm Thế Giới
-
Tăng Bậc Kiếm Vũ
-
Cấp Bậc Cao Nhất Trong Quân đội Liên Xô Là Gì