Những Lầm Tưởng Tai Hại Về Thân Vỏ Xe ô Tô - Tiền Phong

Bài viết này nói về thân vỏ xe hơi, lớp bảo vệ an toàn đầu tiên của xe, cho cả người trên xe lẫn người bị đâm phải.

Ngành công nghiệp ô tô đã thay đổi rất nhiều trong khoảng thời gian nửa thế kỷ qua, đặc biệt là các công nghệ bảo vệ an toàn cho người trên xe cũng như người bên ngoài xe. Sự thay đổi này là rất đáng khích lệ, nó giúp tỉ lệ thương vong giảm đi rất nhiều sau các vụ tai nạn xe cộ. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra được những điểm thay đổi mang tính cách mạng. Vỏ xe là 1 thứ như vậy.

Cách đây khoảng 30 năm, những chiếc xe được đánh giá độ xịn, độ sang trọng bằng lớp vỏ xe. Cứng, chắc chắn, không lõm khi nhấn bằng tay, đó là những gì giới tài xê Việt Nam vẫn thay thử nghiệm trên các mẫu xe hơi, vốn được coi là 1 thứ tài sản lớn. Ngày nay, công nghệ đã thay đổi nhiều trên lớp vỏ xe, nhưng cách thử nghiệm độ cứng vẫn được mang ra để so sánh, xe nào tốt hơn xe nào.

Trên thực tế, những lầm tưởng về vỏ xe “càng cứng càng tốt” đã quá lỗi thời, nó cần được thay đổi, cùng với suy nghĩ nhân văn hơn: chiếc xe không chỉ cứu người trong xe mà còn cứu người bên ngoài xe – những người bị chiếc xe đâm phải.

Những chiếc xe “cổ lỗ” ngày trước được làm với phần vỏ xe cứng. Điều này giúp cho chiếc xe không bị biến dạng nhiều khi va chạm, chi phí sừa chữa cũng bớt tốn kém hơn. Hậu quả của nó là toàn bộ lực va chạm sẽ không được hấp thụ, và dồn lên người bên trong xe, khiến người trong xe chịu thương vong lớn. Tất nhiên thân vỏ cứng cũng khiến những người bị đâm bằng ô tô, có tỉ lệ sống sót thấp, hoặc thương vong nặng nề sau va chạm.

Lối suy nghĩ chiếc xe là tài sản trên sau đó đã được thay thế bằng lối suy nghĩ nhân văn hơn, coi chiếc xe là 1 phương tiện an toàn hơn các phương tiện khác, và nó cần phải bảo vệ con người nhiều hơn. Vì thế, lớp thân vỏ được “mềm hóa” với mục tiêu bảo vệ con người.

Đầu tiên, lớp thân vỏ dễ bị biến dạng của xe hơi hiện đại là tầng bảo vệ đầu tiên của xe. Nó sẽ biến dạng, vỡ nát, thậm chí tụt hẳn vào sát phần khung xe, trông rất thảm khốc, nhưng nó đã làm tốt nhiệm vụ của mình, đó là hấp thụ lực va chạm, giảm lực tác động lên khung xe và người ngồi bên trong xe.

Thứ nữa, lớp thân vỏ này được tính toán rất kỹ, để nếu đâm phải người đi đường (đi bộ, xe đạp hoặc xe máy), họ sẽ được phần thân vỏ hấp thụ lực va chạm, giảm thương vong nhất có thể. Điều này khiến cho trong nhiều vụ tai nạn với người đi đường, nắp capo có thể móp méo biến dạng, nhưng bù lại người bị nạn vẫn bảo toàn tính mạng, thậm chí không hề hấn gì.

Các bài test va chạm của các hãng xe nói chung, hay khi người viết được tận mắt chứng kiến tại trung tâm an toàn của Tập đoàn Toyota tại Nhật Bản nói riêng, đều nhằm mục đích tạo ra những chiếc xe an toàn nhất có thể cho tất cả mọi người, dù là bên trong hay bên ngoài xe. Những bài test va chạm ở tốc độ hàng trăm km/h, với lực va chạm rất mạnh, mô phỏng những vụ tai nạn thực tế trên đường, nhằm tính toán lực tác động lên chiếc xe, từ đó chế tạo ra những phần “hi sinh” cần thiết.

Đèn đóm, cản trước, có thể vỡ nát, đầu xe có thể lõm tịt tới khung gầm, kính xe có thể vỡ vụn, thậm chí khung gầm có thể méo mó, nhưng quan trọng hơn hết là sự an toàn của con người. Với những chiếc xe có thiết kế “nồi đồng cối đá” ngày trước, những bài test như thế này sẽ khiến hình nộm trong xe chịu tổn thương nặng nề, tương ứng với những thương vong ngoài đời thực. Vậy, vỏ mỏng hay vỏ cứng, an toàn hay không an toàn, cần được suy xét đầy tỉnh táo, chứ không phải cứ xe hơi có vỏ thật cứng là sẽ an toàn hơn những chiếc xe mới đâm đã vỡ nát kinh hoàng.

Phần khung siêu cứng bảo vệ khoang lái và giảm thương vong tối thiểu, nhiệm vụ còn lại là của túi khí, và tất nhiên là dây an toàn

Quay trở lại chiếc xe hơi hiện đại, toàn bộ phần khoang lái được bảo vệ bởi phần khung gia cố cứng hơn rất nhiều so với những chiếc xe đời trước. Ngoài phần khung siêu cứng này, các bộ phận khác ở phía trước và phía sau xe, sẽ làm nhiệm vụ hấp thụ lực, và được làm bằng các chất liệu dễ biến dạng hơn.

Trong tình huống va chạm, những chiếc xe hơi (đâm từ phía trước hoặc bị đâm từ phía sau) không trực tiếp va phần khung siêu cứng vào nhau, mà được tiếp xúc bởi phần đầu hoặc đuôi xe, vốn dễ biến dạng hơn. Khu vực này sẽ như 1 tấm đệm, giảm lực tác động, giảm tốc độ va chạm, để nếu va chạm đủ mạnh để tác động đến phần khung siêu cứng, thì nó cũng đã được giảm nhẹ rất nhiều rồi, nhằm đảm bảo an toàn cho người bên trong xe.

Phần khung siêu cứng bảo vệ người bên trong xe trực tiếp, trong các tình huống xe bị đâm từ bên hông, hoặc chịu tai nạn dẫn tới lật xe hoặc lăn nhiều vòng. Lúc này, phần khung xe cùng với các tầng bảo vệ bên trong như dây an toàn, túi khí sẽ phải làm thay nhiệm vụ của hệ thống thân vỏ “mềm như bún” vẫn thường bị chê bai kia. Điều này khiến các vụ tai nạn khi bị đâm ngang hay lật xe, thương vong thường lớn hơn, tuy nhiên nếu bạn tuân thủ đúng việc cài dây an toàn mọi lúc mọi nơi, thì khả năng sống sót vẫn còn không ít.

Nói chung, quan điểm coi những chiếc xe vỏ mỏng là xe đểu, xe chất lượng kém cần được thay đổi sớm, vì nó thật sự đáng lo ngại với ngành công nghiệp ô tô cũng như sự an toàn của con người. Sẽ thế nào nếu những chiếc xe sản xuất hay lắp ráp tại Việt Nam, vì nhu cầu người dùng luôn cần 1 chiếc xe vỏ cứng, sẽ bỏ qua những yếu tố an toàn để “chiều khách”, sản xuất những chiếc xe có vỏ cứng như thép?

Dĩ nhiên ở Việt Nam, khi xe hơi vẫn là khối tài sản lớn mà nhiều người phải cố gắng hàng chục năm mới có thể sở hữu, không ai muốn chỉ sau 1 tai nạn mà nó đã trở nên “tan nát”. Nhưng mạng sống con người, đặc biệt là những người bị đâm bởi ô tô, có nên so sánh với 1 chiếc ô tô không?

Tô Tùng

Từ khóa » Xpander Vỏ Mỏng