NHỮNG LOẠI HÌNH KHÁC NHAU CỦA CÁC KIỂU GẮN BÓ

Các kiểu gắn bó được đặc trưng bởi những cách tương tác và hành xử khác nhau trong các mối quan hệ. Trong những năm đầu thời thơ ấu, những kiểu gắn bó này tập trung vào cách cha mẹ và con cái tương tác như thế nào. Khi trưởng thành, những kiểu gắn bó được dùng để miêu tả những mẫu hình gắn bó trong các mối quan hệ lãng mạn. Khái niệm về kiểu gắn bó đến từ những học thuyết và nghiên cứu về sự gắn bó xuất hiện trong suốt những năm 60, 70 của thế kỷ 20. Ngày nay các nhà tâm lý học, về cơ bản, đã công nhận bốn kiểu quan hệ gắn bó chủ yếu.

   Gắn bó là gì? Gắn bó là mối quan hệ cảm xúc đặc biệt, liên quan đến việc trao cho nhau sự thoải mái, quan tâm và khoái lạc. Nguồn gốc của nghiên cứu về sự gắn bó bắt đầu từ những học thuyết của Freud về tình yêu, nhưng người được công nhận là cha đẻ của học thuyết gắn bó là một nhà nghiên cứu khác.

John Bowlby cống hiến nghiên cứu bao quát về khái niệm sự gắn bó, miêu tả nó như một “Sự kết nối tâm lý lâu dài giữa con người”.

Bowlby chia sẻ chung quan điểm phân tâm học rằng những trải nghiệm đầu thời thơ ấu quan trọng trong việc tác động đến sự phát triển và hành vi sau này. Những kiểu gắn bó ban đầu khi còn nhỏ được thiết lập thông qua mối quan hệ trẻ sơ sinh/ người chăm sóc.

Bên cạnh đó, Bowlby tin rằng sự gắn bó đã có một yếu tố có tính tiến hóa; nó giúp ích trong việc sinh tồn. Ông giải thích rằng “Thiên hướng thiết lập những mối quan hệ cảm xúc mạnh mẽ với những cá nhân cụ thể là một phần cơ bản trong bản chất con người”.

1. Các đặc điểm của quan hệ gắn bó

Bowlby tin rằng có bốn đặc điểm tiêu biểu của sự gắn bó gồm: – Duy trì sự gần gũi – mong muốn được ở gần người mà ta gắn bó. – Nơi trú ẩn an toàn – quay về với đối tượng gắn bó vì sự an toàn và an ủi khi đối mặt với một nỗi sợ hay mối đe dọa. – Nền móng đảm bảo- đối tượng gắn bó đóng vai trò như một nền móng an toàn để từ đó đứa trẻ có thể khám phá thế giới xung quanh. – Nỗi lo âu chia cách – lo lắng xuất hiện khi vắng mặt đối tượng gắn bó

Bowlby cũng đưa ra 3 định đề chính về học thuyết gắn bó. Đầu tiên, ông cho rằng khi những đứa trẻ được nuôi lớn với sự tin tưởng rằng người chăm sóc đầu tiên của chúng sẽ luôn ở bên chúng, chúng có ít khả năng trải nghiệm sợ hãi hơn những đứa trẻ được nuôi lớn nhưng không có niềm tin như thế.

Thứ hai, ông tin rằng sự tin tưởng này được tạo dựng trong một giai đoạn then chốt của sự phát triển, trong những năm đầu đời, tuổi thơ ấu và tuổi niên thiếu. Những trông đợi được hình thành trong giai đoạn đó có xu hướng duy trì một cách tương đối trong phần đời còn lại của một người.

Cuối cùng, ông cho rằng những trông đợi này được hình thành gắn kết trực tiếp với trải nghiệm. Nói cách khác, những đứa trẻ phát triển những kỳ vọng rằng người chăm sóc chúng sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của chúng, vì từ kinh nghiệm, người chăm sóc đã tích cực đáp lại chúng trong quá khứ.

2. Đánh giá tình huống lạ lẫm của Ainsworth

Trong những năm 1970, nhà tâm lý học Mary Ainsworth tiếp tục mở rộng dựa trên công trình đột phá của Bowlby trong nghiên cứu “Tình huống lạ lẫm” nổi tiếng thời bấy giờ của cô. Nghiên cứu bao gồm quan sát những đứa trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 18 tháng phản ứng với tình huống chúng bị bỏ lại một mình trong một thời gian ngắn và sau đó đoàn tụ với mẹ.

Đánh giá tình huống lạ lẫm của Ainsworth tuân theo trình tự cơ bản sau đây: – Cha/ mẹ và con ở một mình trong một căn phòng. – Đứa trẻ khám phá căn phòng với sự giám sát của cha mẹ. – Một người lạ bước vào phòng, nói chuyện với cha/ mẹ và tiếp cận đứa trẻ. – Cha mẹ lặng lẽ rời khỏi phòng. – Cha mẹ trở về và an ủi con.

Dựa trên những quan sát này, Ainsworth kết luận rằng có ba kiểu gắn bó chính: gắn bó an toàn, gắn bó không an toàn – nước đôi và gắn bó không an toàn – né tránh.

Nhà nghiên cứu Main và Solomon đã thêm một kiểu gắn bó thứ tư được gọi là kiểu gắn bó không an toàn – rối loạn chức năng. Nhiều nghiên cứu đã ủng hộ kết luận của Ainsworth và nghiên cứu bổ sung đã tiết lộ rằng những kiểu gắn bó sớm này có thể giúp dự đoán các hành vi sau này trong cuộc sống.

3. Gắn bó trong cuộc đời

Trước khi bạn bắt đầu mang vấn đề trong các mối quan hệ đổ tại cha mẹ, thì điều quan trọng cần lưu ý là các kiểu gắn bó được hình thành trong thời thơ ấu không nhất thiết phải giống với những gì được thể hiện trong các kiểu gắn bó lãng mạn khi trưởng thành. Có một khoảng thời gian dài trôi qua giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành, vì thế những trải nghiệm trong khoảng giữa này cũng đóng một vai trò lớn trong kiểu gắn bó khi trưởng thành.

Những người được mô tả là gắn bó nước đôi hoặc tránh né trong thời thơ ấu có thể trở nên gắn bó an toàn khi trưởng thành, trong khi những người có sự gắn bó an toàn trong thời thơ ấu có thể thể hiện các dạng gắn bó không an toàn ở tuổi trưởng thành. Bản tính cũng được cho là đóng một phần trong sự gắn bó.

Vậy thì các yếu tố như ly dị hoặc bất hòa của cha mẹ có thể đóng vai trò gì trong việc hình thành các kiểu gắn bó? Trong một nghiên cứu, Hazan và Shaver thấy rằng việc ly hôn của cha mẹ dường như không liên quan đến phong cách gắn bó. Thay vào đó, nghiên cứu của họ chỉ ra rằng dự đoán tốt nhất cho kiểu gắn bó khi trưởng thành là nhận thức của người ta về chất lượng mối quan hệ của họ với cha mẹ, cũng như mối quan hệ của cha mẹ họ với nhau.

Nhưng nghiên cứu trong lĩnh vực này chỉ ra rằng các kiểu gắn bó được thiết lập trong thời thơ ấu có tác động quan trọng lên các mối quan hệ sau này. Hazan và Shaver cũng tìm thấy niềm tin khác nhau về mối quan hệ giữa những người trưởng thành với các kiểu gắn bó khác nhau. Người lớn gắn bó an toàn có xu hướng tin rằng tình yêu lãng mạn là bền vững. Người lớn gắn bó nước đôi cho biết rằng họ thường dễ phải lòng, trong khi những người có kiểu gắn bó tránh né mô tả việc họ yêu ai đó là hiếm thấy và chóng vánh.

Mặc dù chúng ta không thể nói rằng các kiểu gắn bó ban đầu giống với kiểu gắn bó lãng mạn dành khi trưởng thành, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng các phong cách gắn bó ban đầu có thể giúp dự đoán các kiểu hành vi ở tuổi trưởng thành.

4. Các đặc điểm của kiểu gắn bó an toàn

Trẻ em được gắn bó an toàn thường trở nên buồn bã thấy rõ khi người chăm sóc của chúng rời đi và vui vẻ khi cha mẹ trở về. Khi sợ hãi, những đứa trẻ này sẽ tìm kiếm sự dỗ dành từ cha mẹ hoặc người chăm sóc. Sự tiếp xúc tới từ cha/mẹ dễ dàng được chấp nhận bởi những đứa trẻ gắn bó an toàn và chúng chào đón sự trở lại của cha/ mẹ với hành vi tích cực. Mặc dù những đứa trẻ này có thể được dỗ dành ở một mức độ nào đó bởi những người khác trong trường hợp không có cha mẹ hoặc người chăm sóc, nhưng chúng rõ ràng vẫn thích cha mẹ hơn người lạ. Cha mẹ của những đứa trẻ gắn bó an toàn có xu hướng chơi đùa với con cái của họ nhiều hơn. Ngoài ra, những phụ huynh này hồi đáp nhu cầu của con cái họ nhanh hơn và thường phản ứng nhiệt tình hơn với con cái của họ so với cha mẹ của những đứa trẻ gắn bó không an toàn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ gắn bó an toàn sẽ đồng cảm hơn trong các giai đoạn sau này của thời thơ ấu. Những đứa trẻ này cũng được mô tả là ít quậy phá, ít hung dữ và trưởng thành hơn so với những đứa trẻ có kiểu gắn bó nước đôi hoặc né tránh.

90243225_2278466609116192_1058179817456795648_n    Đối với trẻ nhỏ: – Có thể tách khỏi cha mẹ. – Tìm kiếm sự an ủi từ cha mẹ khi sợ hãi. – Chào đón sự trở về của cha mẹ với những cảm xúc tích cực. – Thích cha mẹ hơn người lạ.

   Đối với người lớn: – Có những mối quan hệ lâu dài, đáng tin cậy. – Có khuynh hướng có lòng tự trọng cao. – Thoải mái chia sẻ cảm xúc với bạn đời và bạn bè. – Tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội.

Mặc dù việc hình thành kiểu gắn bó an toàn với những người chăm sóc là điều bình thường và có thể đoán trước, như Hazan và Bleach đã lưu ý, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một vài yếu tố khác nhau góp phần vào sự phát triển (hoặc sự thiếu hụt) của mối quan hệ gắn bó an toàn, đặc biệt là khả năng đáp ứng của người mẹ đối với nhu cầu của trẻ sơ sinh trong năm đầu đời của trẻ. Những bà mẹ phản ứng không nhất quán hoặc hay xen vào các hoạt động của trẻ có xu hướng làm cho những đứa trẻ trở nên ít khám phá, khóc nhiều hơn và lo lắng hơn. Những bà mẹ luôn từ chối hoặc phớt lờ nhu cầu của trẻ có xu hướng khiến cho những đứa trẻ trở nên cố gắng tránh né việc tiếp xúc.

Khi trưởng thành, đối với những người gắn bó an toàn thường có mối quan hệ lâu dài, tin cậy. Các đặc điểm chính khác của các cá nhân gắn bó an toàn bao gồm lòng tự trọng cao, thích các mối quan hệ thân mật, tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội và có khả năng chia sẻ cảm xúc với người khác.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng phụ nữ có kiểu gắn bó an toàn có nhiều cảm xúc tích cực về mối quan hệ thân mật của họ hơn so với những phụ nữ khác có kiểu gắn bó không an toàn.

Có bao nhiêu người tự phân loại mình là gắn bó an toàn? Trong một nghiên cứu kinh điển của Hazan và Shaver, 56% số người được hỏi tự nhận mình là gắn bó an toàn, trong khi 25% được xác định là gắn bó tránh né và 19% là gắn bó nước đôi / lo âu.

5. Những đặc điểm của kiểu gắn bó nước đôi

Những đứa trẻ gắn bó nước đôi có xu hướng cực kỳ nghi ngờ người lạ. Những đứa trẻ này biểu lộ sự lo lắng đáng kể khi bị tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc, nhưng dường như không thể được trấn an hoặc dỗ dành bằng sự trở lại của cha mẹ. Trong một số trường hợp, đứa trẻ có thể khước từ cha mẹ một cách thụ động bằng cách từ chối sự dỗ dành, hoặc có thể thẳng thắn thể hiện sự gây hấn trực tiếp đối với cha mẹ.

89731638_2278466659116187_2320503927323230208_n

Theo Cassidy và Berlin, sự gắn bó nước đôi là tương đối hiếm gặp, chỉ có 7 đến 15% trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ biểu hiện kiểu gắn bó này. Trong một đánh giá về tài liệu của kiểu gắn bó nước đôi, Cassidy và Berlin cũng phát hiện ra rằng nghiên cứu quan sát luôn liên hệ sự gắn bó không an toàn với sự vắng mặt của người mẹ. Khi những đứa trẻ này lớn lên, giáo viên thường mô tả chúng là bám víu và phụ thuộc quá mức.

   Đối với trẻ nhỏ: – Có thể cảnh giác với người lạ. – Trở nên vô cùng lo lắng khi cha mẹ rời đi. – Không thấy được an ủi khi bố mẹ trở về.

   Như người lớn: – Không thích trở nên thân thiết với người khác. – Lo lắng rằng bạn đời không yêu mình. – Trở nên rất quẫn trí khi những mối quan hệ kết thúc.

Khi trưởng thành, những người có kiểu gắn bó nước đôi thường cảm thấy không sẵn sàng về việc gần gũi với người khác và lo lắng rằng bạn đời của họ không đáp lại tình cảm của họ. Điều này dẫn đến việc chia tay thường xuyên, thường là do mối quan hệ lạnh nhạt và xa cách. Những cá nhân này cảm thấy đặc biệt quẫn trí sau khi kết thúc một mối quan hệ. Cassidy và Berlin đã mô tả một kiểu mẫu bệnh lý khác là người lớn có kiểu gắn bó nước đôi dính lấy với trẻ nhỏ như một nguồn an toàn.

6. Các đặc điểm của kiểu gắn bó tránh né

Trẻ em với kiểu gắn bó tránh né có xu hướng tránh cha mẹ và người chăm sóc. Sự tránh né này thường trở nên đặc biệt rõ rệt sau một thời gian vắng mặt. Những đứa trẻ này có thể không từ chối sự chú ý từ cha mẹ, nhưng chúng cũng không tìm kiếm sự dỗ dành hay tiếp xúc. Trẻ em với kiểu gắn bó tránh né không có biểu hiện gì về việc yêu thích cha mẹ hơn một người hoàn toàn xa lạ.

90111958_2278466615782858_5806920862229594112_n    Đối với trẻ nhỏ: – Có thể tránh bố mẹ. – Không tìm kiếm nhiều sự tiếp xúc hoặc an ủi từ cha mẹ. Biểu lộ ít hoặc không có sự yêu thích cha mẹ hơn người lạ.

   Đối với người lớn: – Có thể có vấn đề với sự thân mật. – Đầu tư ít về mặt cảm xúc vào các mối quan hệ xã hội và lãng mạn. – Không muốn hoặc không thể chia sẻ suy nghĩ hoặc cảm xúc với người khác. – Khi trưởng thành, những người có kiểu gắn bó né tránh có xu hướng gặp khó khăn với sự thân mật và mối quan hệ thân thiết. Những cá nhân này không đầu tư nhiều cảm xúc vào các mối quan hệ và ít trải qua đau khổ khi một mối quan hệ kết thúc.

Họ thường tránh việc thân mật bằng cách sử dụng những cái cớ (chẳng hạn như thời gian làm việc dài) hoặc có thể tưởng tượng về những người khác trong khi quan hệ tình dục. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người trưởng thành có kiểu gắn bó né tránh sẽ dễ chấp nhận và có khả năng tham gia vào tình dục ngẫu hứng hơn. Các đặc điểm chung khác bao gồm sự thất bại trong việc đồng hành với bạn đời trong lúc căng thẳng lo lắng và không thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và cảm xúc với bạn đời.

7. Các đặc điểm của kiểu gắn bó vô tổ chức

Trẻ em với kiểu gắn bó không an toàn – rối loạn chức năng cho thấy thiếu hành vi gắn bó rõ ràng. Hành động và phản ứng của chúng đối với người chăm sóc thường là sự pha trộn của các hành vi, bao gồm cả tránh né hoặc phản kháng. Những đứa trẻ này được mô tả là biểu hiện hành vi sững sờ, đôi khi có vẻ bối rối hoặc e ngại khi có người chăm sóc.

85183123_2278466682449518_1722337965083983872_n    Lúc 1 tuổi: – Thể hiện sự trộn lẫn của hành vi tránh né và chống đối – Có thể sững sờ, bối rối, hoặc e ngại.

  Lúc 6 tuổi: – Có thể đảm nhận vai trò làm cha mẹ. – Một số trẻ có thể đóng vai trò là người chăm sóc cho cha mẹ. – Main và Solomon đề xuất rằng hành vi không nhất quán từ phía phụ huynh có thể là một yếu tố góp phần trong kiểu gắn bó này. Trong nghiên cứu sau này, Main và Hesse lập luận rằng các bậc cha mẹ đóng vai là hình tượng của cả nỗi sợ hãi và sự trấn an đối với một đứa trẻ góp phần vào kiểu gắn bó vô tổ chức. Bởi vì đứa trẻ cảm thấy vừa được cha mẹ an ủi, vừa bị làm sợ hãi, dẫn đến sự rối loạn.

Một số nhắn nhủ từ Verywell

Mặc dù các kiểu gắn kết lãng mạn ở người lớn có thể không chính xác tương ứng với các kiểu gắn kết thời thơ ấu, nhưng không nghi ngờ rằng các mối quan hệ đầu tiên của chúng ta với người chăm sóc có đóng vai trò trong quá trình phát triển. Bằng cách hiểu rõ hơn về vai trò của sự gắn bó, bạn có thể có được sự đánh giá tốt hơn về kiểu gắn bó đầu tiên trong cuộc đời của bạn có thể tác động như thế nào đến các mối quan hệ khi trưởng thành.

Nguồn: Kendra Cherry, The Different Types of Attachment Styles Article sources: Bowlby, J. A Secure Base: Clinical Applications of Attachment Theory. London: Routledge; 2012. Salter, MD, Ainsworth, MC, Blehar, EW, & Wall, SN. Patterns of Attachment: A Psychological Study of the Strange Situation. New York: Taylor & Francis; 2015. https://www.verywellmind.com/attachment-styles-2795344

Người dịch: Hoàng Diệu Người edit: Bùi Minh Đức Design: Phạm Nguyễn Thu Hoa

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Gắn Bó Là Cái Gì