“Những Lời Bộc Bạch” Của Jean-Jacques Rousseau Và Bàn Về Sự Tử Tế

Tôi không thể nhớ nổi mình đã học hay biết về tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau ở góc nào trong chương trình văn học trung học, nhưng tên ông cùng những tác phẩm và tư tưởng của ông đã được mẹ gieo rắc vào đầu tôi từ khi còn rất nhỏ, từ khi tôi có thể đọc sách. Một tối chủ nhật đẹp trời nọ, cùng những người bạn thân thiết đi nghe một buổi tọa đàm giới thiệu về bản dịch tác phẩm “Những lời bộc bạch” (dịch giả Lê Hồng Sâm), cuối cùng tôi cũng trực tiếp được tiếp cận tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau.

Theo thời gian, thói quen và cách đọc sách của tôi đã bị thay đổi khá nhiều. Ngày trước, tôi chỉ vùi đầu vào cuốn sách, bất kể ngày đêm, công việc, để đọc hết một lèo. Đọc sách từng là niềm vui lớn nhất và gần như duy nhất của tôi trong những tháng hè. Cũng rất may mắn là bố mẹ chưa từng bắt tôi đi học bất cứ lớp học hè nào, ngoại trừ những lớp học có tính chất giải trí như: đàn hát, múa, họa, thể thao. Vì thế, những tháng hè của tôi được cống hiến khá trọn vẹn cho việc đọc sách. Tôi đã từng có thể giam mình trong nhà liên tục trong một tháng, với nhịp độ đi ngủ lúc hai giờ đêm cùng cuốn sách, và bảy giờ sáng mở mắt dậy, việc đầu tiên lại là vớ lấy cuốn sách! Bây giờ thì cuộc sống không cho phép tôi làm vậy nữa, và nhiều mối quan tâm đa dạng khác cũng vây quanh tôi, buộc mình phải học cách chia sẻ thời gian. Khả năng đọc mặc dù vượt xa lúc trước (đọc, tìm kiếm và nắm bắt ý rất nhanh; có thể đọc nhiều sách, tài liệu về những thể loại hoàn toàn khác nhau trong cùng một thời gian), nhưng tôi lại cũng mất đi niềm vui được đọc nhâm nhi, thong dong tản bộ cùng với các nhân vật, sống cùng diễn biến câu chuyện. Bây giờ, để đạt được điều đó, cần phải tĩnh tâm lại, để lòng mình thanh thản, trước khi cầm lấy cuốn sách.

Mặc dù chỉ mới bắt đầu một phần cuốn “Những lời bộc bạch”, nhưng cảm giác thật là thú vị. Jean-Jacques Rousseau vốn nổi tiếng về cách hành văn, dẫn dắt ý tuyệt vời của mình nên bản gốc tiếng Pháp vốn đã tuyệt hay, nhưng không thể quên dành một lời đề tặng lớn cho tài năng chuyển ngữ của dịch giả Lê Hồng Sâm.

Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) là nhà văn, triết gia người Pháp gốc Thụy Sĩ và từng được mệnh danh là “người thầy của nhân loại”. Mặc dù cuộc đời ông gây nên nhiều tranh cãi (ông bị lên án, phê phán nặng nề với việc bỏ các con vào Trại trẻ vô thừa nhận), nhưng những tư tưởng của ông về xã hội và giáo dục rất tiến bộ. Thậm chí những tư tưởng này vẫn giữ nguyên giá trị tiến bộ của nó trong xã hội hiện đại, vẫn có thể khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều về chính bản thân mình cũng như cuộc sống quanh ta.

Jean-Jacques Rousseau (1712-1778)

Nhân chúng ta thường bàn về sự tử tế dạo gần đây, tôi tình cờ lại tìm thấy những bàn luận thú vị của Rousseau xoay quanh chủ đề này và rộng hơn nữa, là đạo đức làm người.

Chắc phải tóm tắt lại một chút về tình huống phần câu chuyện mà tôi muốn nhắc đến trong bài viết này. Khi ấy, Rousseau mười sáu tuổi, đang đi học việc tại một nhà thợ khắc. Đối lập với tuổi thơ tươi đẹp được bao bọc bởi tình yêu thương, “quen được bình đẳng hoàn toàn với người trên của mình trong cách sống, quen chẳng thấy một thú vui nào không ở tầm tay của mình, chẳng thấy một món ăn nào mà mình không có phần, chẳng một mong muốn nào mà mình không bày tỏ, rốt cuộc, quen nói ra mồm tất cả những cảm kích trong lòng”, thì cuộc đời bất công và bị ngược đãi của kiếp thợ học việc“tại một ngôi nhà mà tôi chẳng dám mở miệng, mà phải ra khỏi bàn ăn khi mới được một phần ba bữa, phải ra khỏi phòng ngay khi không còn gì để làm ở đó; tại nơi mà, bị trói buộc liên miên vào công việc, tôi chỉ nhìn thấy những lạc thú cho người khác còn riêng mình phải nhịn; tại nơi mà hình ảnh sự tự do của chủ và các bạn nghề tăng thêm gánh nặng cho tình trạng lệ thuộc của mình; tại nơi mà trong các cuộc tranh cãi về những gì mình biết rõ nhất, tôi không dám mở miệng; tại nơi mà rốt cuộc mọi thứ nhìn thấy đều trở thành đối tượng thèm khát của lòng tôi, duy chỉ vì tôi bị cấm mọi thứ”, đã gây nên một cú sốc lớn cho Rousseau, khiến ông trở nên “học thèm muốn một cách lặng lẽ, học giấu mình, học che đậy, học nói dối, cuối cùng là lấy trộm, cái trò mà cho đến bấy giờ tôi chưa nghĩ đến, và từ đấy tôi không thể chữa cho khỏi hẳn”.

Ông nhận xét, “sự thèm muốn và sự bất lực bao giờ cũng dẫn đến chỗ đó”;  trộm cắp, “đấy là vì sao tất cả các gã đầy tớ đều tinh ranh trộm cắp, và vì sao tất cả các thợ học việc có lẽ đều như vậy; nhưng ở một tình trạng bình đẳng và yên lành, tại đó mọi thứ họ nhìn thấy đều ở tầm tay của họ, thì khi lớn lên những thợ học việc sẽ mất đi khuynh hướng đáng hổ thẹn nọ”. Rốt cuộc thì một ngày kia, ông đã bỏ trốn khỏi nhà chủ, “lìa quê hương, họ hàng, những chỗ dựa, những phương tiện; bỏ lại một việc học nghề dang dở, chẳng đủ thạo để nhờ đó mà sống được”, để ra đi, “phó mình cho những nỗi gớm ghê của cảnh khốn cùng mà chẳng nhìn thấy một phương kế nào thoát khỏi; ở độ tuổi yếu đuối và thơ ngây, mạo hiểm trước mọi cám dỗ của tật xấu và tuyệt vọng; kiếm tìm ở chốn xa xôi những khổ đau, lầm lạc, cạm bẫy, tình trạng nô lệ và cái chết, dưới một ách áp bức còn sắt đá hơn rất nhiều cái ách mà mình đã không chịu nổi”.

Trên đường đi, ông nhận được nhiều sự trợ giúp. Cha ông cùng một người bạn đã lần tìm theo ông, và gặp được một trong số các ân nhân của Rousseau, bà De Warens, khi Rousseau vừa rời khỏi nhà bà. Một điều đáng bàn khác đã xuất hiện ở đây.“Hai ông gặp bà De Warens, và đành chỉ cùng bà khóc thương cho số phận tôi, thay vì đi theo và đuổi kịp tôi, như lẽ ra họ có thể làm được một cách dễ dàng, vì họ đi ngựa còn tôi đi bộ.”Rousseau yêu và kính trọng cha ông.Đối với ông, cha “không chỉ là một người trọng danh dự, đó là một người có lòng chính trực vững vàng, và ông có một trong những tâm tính mạnh mẽ làm nên đức lớn; hơn nữa ông là người cha tốt, nhất là với tôi”. Tuy cha ông yêu ông rất tha thiết, “nhưng ông cũng rất yêu các thú vui của ông, và những ham thích khác đã làm nhạt phai đôi chút tình phụ tử”. Cha ông già đi và không có nhiều tài sản gì để trông cậy khi tuổi già đến. Rousseau và một người anh của ông có được một ít tài sản thừa kế từ người mẹ quá cố, và vì cả hai đều ở xa, nên lợi tức của tài sản này phải thuộc về cha ông. Với cha ông, “ý tưởng này không trực tiếp bày ra với ông, và không cản trở ông thực hiện bổn phận mình; nhưng nó tác động âm thầm mà bản thân ông không nhận thấy, và đôi khi trì hoãn niềm sốt sắng mà nếu không có nó, có lẽ ông đã đẩy xa hơn.”.  Rousseau cho rằng đó là lý do khiến cha ông đã không theo tìm kiếm ông đến cuối cùng, mặc dù “thâm tâm ông biết chắc sẽ đuổi kịp” con trai mình. “Đó còn là lý do khiến cho từ khi bỏ trốn, tôi nhiều lần đến thăm ông, và bao giờ cũng được ông vồn vã âu yếm với tình cha, nhưng không cố gắng nhiều để giữ tôi lại”.

Rousseau đã suy ngẫm nhiều từ đó. Phần này có thể hơi dài dòng, nhưng nó phản ánh rất nhiều điều thú vị về cuộc sống, về đạo làm người, về việc làm sao để sống tốt, sống tử tế nên tôi mạn phép xin được trích lại toàn bộ dưới đây.

“Cách xử sự này của một người cha mà tôi biết rất rõ tình thương yêu và sự đức độ đã khiến tôi có những suy nghĩ về bản thân mình, những suy nghĩ đã góp phần không nhỏ duy trì cho tôi con tim lành mạnh. Tôi đã rút từ đó ra phương châm quan trọng về đạo lý, có lẽ là phương châm duy nhất thông dụng trong thực tiễn, đó là tránh những tình thế đặt bổn phận của ta đối lập với lợi ích của ta, và cho ta thấy điều lợi của ta ở trong điều hại của người khác, vì chắc chắn rằng trong những tình thế như vậy, dù ta thành thật yêu mến sự đức độ đến mấy, thì sớm muộn ta cũng yếu lòng mà không nhận thấy; và ta trở nên bất công và ác trong thực tế, song không ngừng công bằng và tốt trong tâm hồn.”

Rousseau có nêu một ví dụ của bản thân ông khi áp dụng phương châm này, là ông đã kịch liệt từ chối việc ngài Thống chế George Keith, một trong những người bạn trung thành nhất của Rousseau, muốn đưa tên Rousseau vào di chúc của ngài.

Ví dụ này cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong xã hội, tôi xin phép không bàn đến ở đây. Tuy nhiên, qua một phần nhỏ câu chuyện đời của Rousseau, đã có nhiều điều khiến ta phải suy nghĩ. Một cách tóm gọn, đầu tiên là tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường bình đẳng và tự do, nơi con người được trân trọng, được yêu thương, để con người được sống tử tế và từ đó ngược lại bằng hành động, thái độ sống tử tế của mình, con người giúp môi trường sống của mình càng tốt đẹp hơn. Kế đó, là việc tránh những tình thế gây mâu thuẫn về lợi ích. Sống tử tế cũng có thể xem là khi một người có thể tự biết tránh đặt mình vào tình thế nêu trên.

Đây chỉ là một vài tản mạn về một vài khía cạnh nhỏ, một phần rất nhỏ của việc “sống tử tế”, thông qua tác phẩm “Những lời bộc bạch” của Jean-Jacques Rousseau. Tôi thật không có tham vọng có thể nói hết được mọi điều về sống tử tế lẫn những điều hay ý đẹp của tác phẩm vĩ đại này. Riêng với bản thân mình, tôi cho rằng sống tử tế là một điều dễ mà khó, đôi khi cũng có thể đó là một sự khổ hạnh, hy sinh một chút hay nhiều với bản thân nhưng cũng vừa là suối nguồn hạnh phúc, đem lại cho ta niềm vui tinh thần mà không một niềm vui vật chất nào có thể so sánh được. Sống tử tế không thể là một sự giáo điều, được khoa trương và bị bắt buộc. Thật ra, ta làm điều tốt, sống tử tế, trước hết, bởi vì điều đó khiến ta cảm thấy hạnh phúc, khiến tâm hồn ta vui sướng khi thấy mình có ích và giúp người khác được vui, được hạnh phúc./.

Nguyễn Ngọc Hân

 

Từ khóa » Tính Bộc Bạch