Những Lưu ý Khi Dùng Loratadin Chữa Dị ứng

Đây là thuốc kháng histamin (thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể H1 thế hệ thứ hai) có tác dụng kéo dài đối kháng chọn lọc trên thụ thể H1 ngoại biên và không phân bố vào não khi dùng ở liều thông thường, nên thuốc không có tác dụng an thần. Do đó, loratadin không gây buồn ngủ, khắc phục được nhược điểm an thần, gây buồn ngủ của các thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất, ví dụ như clopheniramin chẳng hạn.

Đối với các bệnh trên, loratadin có tác dụng làm nhẹ bớt triệu chứng của viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng do giải phóng histamin. Thuốc còn có tác dụng chống ngứa và nổi mày đay liên quan đến histamin. Tuy nhiên, loratadin không có tác dụng bảo vệ hoặc trợ giúp lâm sàng đối với trường hợp giải phóng histamin nặng như choáng phản vệ và thuốc kháng histamin không có vai trò trong điều trị hen (không dùng để điều trị hen).

Loratadin có tác dụng làm nhẹ bớt triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Ảnh: TL

Do tác dụng nhanh, không có tác dụng an thần, thuốc được dùng ngày 1 lần nên loratadin là thuốc lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm mũi dị ứng hoặc mày đay dị ứng.

Cần lưu ý, những thuốc kháng histamin không có tác dụng chữa nguyên nhân mà chỉ trợ giúp làm nhẹ bớt triệu chứng. Đối với người bệnh viêm mũi dị ứng có thể là bệnh mạn tính và tái diễn, để điều trị thành công thường phải dùng các thuốc kháng histamin lâu dài và ngắt quãng, và sử dụng thêm những thuốc khác như glucocorticoid dùng theo đường hít, và dùng kéo dài (theo chỉ định của bác sĩ).

Không dùng thuốc cho người bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Đối với người bệnh bị suy gan cần dùng hết sức thận trọng và có sự theo dõi chặt chẽ. Khi dùng loratadin, có nguy cơ khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi, và tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng thuốc.

Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc mà người bệnh cần lưu ý (đặc biệt khi sử dụng thuốc với liều lớn hơn 10 mg hàng ngày). Thường gặp là các hiện tượng như đau đầu, khô miệng. Ngoài ra, một số triệu chứng ít gặp hơn như  chóng mặt, khô mũi và hắt hơi, viêm kết mạc. Nếu xảy ra các hiện tượng như buồn nôn, tim đập nhanh, loạn nhịp nhanh trên thất, đánh trống ngực, choáng phản vệ… cần ngừng thuốc ngay và tìm kiếm ngay sự trợ giúp của cán bộ y tế. Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.

Dược sĩ Nguyễn Thị An

Phòng viêm mũi dị ứng khi giao mùa Phòng viêm mũi dị ứng khi giao mùaThế nào là viêm mũi dị ứng? Thế nào là viêm mũi dị ứng?Viêm mũi dị ứng - Làm gì để hết khó chịu? Viêm mũi dị ứng - Làm gì để hết khó chịu?

Từ khóa » Thuốc Dị ứng Loratadin