Những Người Con Của đất Nước Triệu Voi Mang Dòng Máu Việt (bài 2)
Có thể bạn quan tâm
>> Bài 1: Khăm Cợt ấm tình, đậm nghĩa
Video: Người dân biên giới Hà Tĩnh - Bôlykhămxay giao lưu kết đoàn, hỗ trợ nhau làm ăn, cùng chung tay bảo vệ biên giới (Lời bài hát bài ca hữu nghị Việt Lào)
Trên đất nước Triệu Voi, những người dân mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, tích cực lao động sản xuất, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp chung. Họ chính là những hạt nhân bồi đắp cho tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, là điểm tựa để xây dựng tuyến biên giới chung bình yên và hưng thịnh.
Sang đất nước Lào cùng 36 gia đình khác đã hơn 40 năm, ông Sống Dở (76 tuổi, ở bản Thoọng Pẹ) được xem là “hạt giống đỏ” với nhiều việc làm ý nghĩa giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào nơi biên viễn. Ông từng là giáo viên cấp 2 và làm cán bộ xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nên từ lúc sang đây, ông đã được mọi người trong và ngoài bản tôn trọng, trìu mến gọi là “bố Sống Dở”. Ở miền biên viễn này, ông được xem là biểu tượng của sự dẻo dai, trí tuệ, trách nhiệm và đoàn kết.
Ông Sống Dở xuống tận nương hướng dẫn cho con cháu và xóm giềng nhổ mạ đúng thời điểm, phải đủ nước, cấy thẳng hàng, phân tro đầy đủ... thì ruộng mới cho năng suất cao.
Dù mới bị tai nạn nhưng ông vẫn chống gậy ra ruộng hướng dẫn con cháu, xóm giềng cày sâu, bừa kỹ, lấy đủ nước, cấy thẳng hàng, che chắn cẩn thận để có một vụ mùa bội thu. Trên đường từ ruộng về nhà, ông lại ghé qua mấy nhà ven đường nhắc họ phải ăn chín, uống sôi, ngủ phải mắc màn, vệ sinh sạch sẽ cho con trẻ, sớm thu xếp di dời chuồng trại để ăn ở hợp vệ sinh hơn… Dường như, sự hiện diện của ông đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây bởi mỗi lời động viên của ông là động lực để họ làm tốt mọi việc, những lời nhắc nhở cũng khiến họ cảm thấy ấm lòng vì luôn được quan tâm.
Ông Sống Dở chia sẻ: “Tôi là đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Với hiểu biết, kinh nghiệm và trách nhiệm của mình, tôi đã hướng dẫn các đảng viên trong vùng sinh hoạt chi bộ nghiêm túc, làm việc hiệu quả, tổ chức triển khai các nghị quyết tốt. Suốt 33 năm qua, tôi luôn sinh hoạt đều đặn, giúp chi bộ Đảng không ngừng lớn mạnh, giàu sức chiến đấu”.
Ông Sống Dở treo ảnh chân dung các vị lãnh tụ quốc tế vô sản, Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng nước CHDCND Lào nơi trang trọng nhất trong phòng khách.
“Ngoài ra, tôi cũng hướng dẫn người dân bản địa kỹ thuật canh tác lúa nước, trồng ngô, trồng sắn để tránh tình trạng thiếu đói triền miên. Tôi cũng nhắc bà con, nhất là người dân các dân tộc Lào từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không tin vào con ma, không ăn uống linh đình khi có người chết, không trồng và sử dụng thuốc phiện, lúc ốm đau phải đến bệnh viện chữa trị... Đặc biệt, chính tôi đã gợi ý để Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh xây dựng Trạm xá Quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ vào năm 2007 để vừa giúp đỡ người dân, vừa góp phần bảo vệ tuyến biên giới chung” - “bố Sống Dở’ phấn khởi khoe thêm.
Ông Tít Viêng Kiêng Thà Vì (57 tuổi, ở bản Na Pê) cũng là “hạt giống đỏ” nổi tiếng khắp vùng 9 bản giáp biên. Ông là thế hệ thứ 2 từ Làng Chè, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn sang Lào lập nghiệp. Đến nay, ông đã được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Lào gần 20 năm, có 6 năm làm phó bản và 9 năm làm trưởng bản (tương đương chủ tịch UBND xã ở Việt Nam).
Ông Tít Viêng Kiêng Thà Vì khoe với vợ con thành tích đã đạt được trong suốt hàng chục năm cống hiến không ngưng nghỉ.
Nhiều năm qua, ông Tít Viêng Kiêng Thà Vì đã giúp đỡ, vận động nhân dân (hiện có 93% dân bản là người gốc Việt) tập trung làm ăn, có ý thức xây dựng phong trào chung. Ông luôn nhắc nhở dân bản vun vén, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng, đặc biệt là liên hệ và triển khai các hoạt động hướng về cố hương, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào.
Ông Tít Viêng Kiêng Thà Vì - Trưởng bản Na Pê chia sẻ: “Tôi chỉ mong muốn được làm việc, đóng góp công sức, làm “cầu nối” giữa bà con với cấp trên và giữa Na Pê với xã Sơn Kim 2. Qua đó, góp phần giúp bản làng bình yên, bà con có cuộc sống sung túc. Từ sự cống hiến không mệt mỏi và thành tích của bản thân, tôi đã hơn 20 lần được tỉnh Bôlykhămxay và huyện Khăm Cợt khen thưởng, giấy khen treo khắp nhà. Đặc biệt, tôi đã 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng bằng khen vào các năm 2016 và 2019”.
Sau 14 năm cầm súng đánh giặc và hàng chục năm phục vụ tại địa phương, ông Nguyễn Khắt hàng ngày rửa xe, sửa chữa máy móc mưu sinh nhưng vẫn là “tai mắt” của lực lượng chức năng 2 nước nơi biên giới.
Cùng với 2 “hạt giống đỏ” trên thì các bản vùng biên của huyện Khăm Cợt còn có hơn 10 người Lào gốc Việt lớn tuổi được người dân tin tưởng, tín nhiệm bầu vào các chức sắc trong cộng đồng và hàng trăm người con đất Việt (thế hệ thứ 3, thứ 4) được sinh ra ở các bản giáp biên đang làm việc ở các cơ quan hành chính, đơn vị vũ trang, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp... Họ đều là những người có bản lĩnh, trách nhiệm và có kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Sự cống hiến và những việc làm của họ đã góp phần dựng xây đất nước Lào giàu đẹp và vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Ngoài chăm lo cho bà con dân bản thì già làng Pà Hử Lỳ (người Lào gốc Việt thế hệ thứ nhất) là trung tâm của khối đại đoàn kết trong cộng đồng, là nhịp cầu nối vun đắp tình đoàn kết.
Những người con mang dòng máu Việt đang sinh sống trên đất nước Triệu Voi luôn ý thức rõ ràng rằng, chủ quyền lãnh thổ của 2 đất nước đều thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Vì vậy, những người đồng bào của chúng ta ở bên kia đường phân thủy Keo Nưa (đường phân nước, phân định biên giới Việt - Lào trên đỉnh Trường Sơn) cũng đang ngày đêm chung tay gìn giữ từng tấc đất biên cương của 2 đất nước bằng những việc làm cụ thể thường ngày nhưng rất hiệu quả và ý nghĩa.
Sau 14 năm cầm súng bảo vệ đất nước Lào, ông Nguyễn Khắt (SN 1959, ở bản Thoọng Pẹ) trở về đời thường vẫn tiếp tục tham gia lực lượng dân quân kiêm an ninh cụm bản. Bàn chân của ông đã in dấu khắp 9 bản vùng biên, trực tiếp tham gia giải quyết hàng nghìn vụ việc phức tạp, hòa giải thành công hàng trăm vụ mâu thuẫn, cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin có giá trị. Ông luôn dành cảm tình đặc biệt với BĐBP Việt Nam. Bây giờ dù chân đã mỏi, tóc đã hoa râm nhưng ông vẫn thường xuyên trao đổi các thông tin với BĐBP Việt Nam.
Khi phát hiện những đấu hiệu bất thường, ông Nguyễn Khắt thường báo ngay cho lực lượng chức năng
Lực lượng chức năng thường xuyên xuống các bản trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình để triển khai các biện pháp bảo vệ biên giới hiệu quả.
Cách nhà ông Nguyễn Khắt không xa là nhà ông Dông Nụ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ bản Thoọng Pẹ. Với tinh thần chung tay, góp sức bảo vệ vùng biên ải bình yên, người đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quê gốc Nghệ An này thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho dân bản về việc giữ gìn ANTT, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Ông đến tận nhà nhắc nhở bà con không vi phạm pháp luật, không vi phạm quy chế biên giới, không trồng cây thuốc phiện và không tiếp tay cho tội phạm ma túy. Khi thấy dấu hiệu bất thường, khả nghi thì báo ngay cho các lực lượng chức năng của Lào và Việt Nam để kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn...
Đồn Biên phòng Cửa Khẩu quốc tế Cầu Treo.
Giữa Đồn Biên phòng Sơn Hồng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Đồn Biên phòng Hương Quang... thường xuyên phối hợp với Đồn Công an Cửa khẩu Nậm Pao, Đại đội Bảo vệ biên giới 252, Đại đội Bảo vệ biên giới 253 tuần tra bảo vệ đường biên giới chung.
Hội đàm công tác bảo vệ biên giới giữa BĐBP Hà Tĩnh và Công an tỉnh Bôlykhămxay
Nghe lời những người lớn tuổi, có uy tín, chức sắc trong cộng đồng, kiều bào ta ở đây đã có ý thức, trách nhiệm hơn và tích cực tham gia giữ gìn ANTT, bảo vệ tuyến biên giới chung. Anh On Noy - Trưởng bản Na Hạt đánh giá: “Bà con Việt Nam sinh sống trên đất Lào đều lương thiện, chăm chỉ làm ăn, dễ gần gũi, luôn vun đắp tình đoàn kết trong cộng đồng và trách nhiệm cao trong đảm bảo ANTT, bảo vệ biên giới. Họ luôn đề cao cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc của các thành phần xấu, không tiếp tay cho bọn tội phạm, nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia, bọn buôn lậu, khai thác rừng và động vật hoang dã...”.
Huyện Vũ Quang và huyện Khăm Cợt (tỉnh Bolykhămxay - CHDCND Lào) tổ chức hội nghị giao ban hữu nghị (tháng 7/2022)
Là một bộ phận cư dân quan trọng trên tuyến biên giới Việt - Lào, những người mang trong mình dòng máu Việt cũng luôn đồng hành với Đồn Công an Cửa khẩu Nậm Pao, Đại đội Bảo vệ biên giới 252, Đại đội Bảo vệ biên giới 253 (Lào). Mỗi năm, các cư dân ở khu vực biên giới Khăm Cợt đã cung cấp cho lực lượng chức năng Lào khoảng 500 thông tin có giá trị. Ngoài ra, những người có uy tín và trách nhiệm trong cộng đồng cũng đã tham gia khoảng 10 cuộc tuần tra, kiểm tra đường biên, cột mốc với các đơn vị bảo vệ biên giới và khoảng 60 cuộc tuần tra, kiểm tra địa bàn với các lực lượng chức năng khác.
Những mũi tiêm, viên thuốc của quân y biên phòng ở bản Thọong Pẹ luôn ấm tình đồng bào, nặng nghĩa bang giao.
Họ cũng luôn dành tình cảm đặc biệt và hỗ trợ BĐBP Việt Nam, Đội Quy tập hài cốt hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung tá, bác sỹ Nguyễn Việt Đức - Trạm trưởng Trạm xá Quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ cho biết: “Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, chúng tôi đang ngày đêm chăm sóc sức khỏe cho cư dân biên giới huyện Khăm Cợt (khoảng 4.000-4.500 lượt người/năm, trong đó có khoảng 40% người gốc Việt). Bà con ở đây cũng luôn xem chúng tôi như người con của dân bản. Vì vậy, bà con đã tin tưởng và cung cấp cho BĐBP hàng trăm thông tin có giá trị, kịp thời liên quan đến hoạt động bảo vệ biên giới ở ngoại biên. Sự giúp đỡ, hỗ trợ đó đã góp phần tăng cường hoạt động đối ngoại biên phòng, kịp thời triển khai các biện pháp bảo vệ biên giới và cửa khẩu, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào và thắt chặt thêm tình quân dân cá nước”.
Quân, dân Hương Sơn - Khăm Cợt tham quan, bảo vệ cột mốc biên giới chung.
Từ ý thức, trách nhiệm của cư dân vùng biên giới nói chung và những người Lào gốc Việt nói riêng đã giúp cho các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu của 2 nước làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Từ những thông tin do bà con cung cấp, 5 năm gần đây (2017-2022), BĐBP Hà Tĩnh và 2 đại đội bảo vệ biên giới của bạn đã tổ chức 16 cuộc tuần tra song phương để kiểm tra, bảo vệ 71,4 km đường biên, 24 cột mốc giới và 7 cọc giới chung.
Ngoài ra, lực lượng chức năng 2 bên cũng đã đấu tranh thành công 14 chuyên án về ma túy, bắt giữ 47 đối tượng, thu giữ 356 bánh heroin, 175 kg ma túy tổng hợp dạng đá, 817.000 viên ma túy tổng hợp, 1.000 bánh cần sa; phát hiện, bắt và bàn giao 23 vụ/142 đối tượng người Mông ở các tỉnh miền Bắc di cư trái phép…
BĐBP Việt Nam luôn giành sự ưu tiên đặc biệt cho những đồng bào gốc Việt đang sinh sống ở các bản giáp biên của huyện Khăm Cợt, nhất là hoạt động qua lại, thăm thân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Khăm Cợt (tỉnh Bôlykhămxay) Pả Súc Chu Ma La Vong thông tin: “Nhân dân cùng các lực lượng chức năng ở huyện Khăm Cợt chúng tôi với các huyện Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh) thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin để cùng nhau phát hiện và giải quyết các hiện tượng tiêu cực, những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ANTT ở khu vực biên giới. Hai bên cũng đã phát hiện và ngăn chặn âm mưu phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Lào của những phần tử phản động và các thế lực thù địch. Ngoài ra, bà con ở khu vực biên giới cũng luôn có ý thức tuân thủ quy chế biên giới Việt Nam - Lào, nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật và phong tục tập quán của mỗi nước...”.
Những người con mang dòng máu Việt đang sinh sống ở Lào được tạo điều kiện tham quan mô hình sản xuất, học tập kinh nghiệp làm ăn tại Hà Tĩnh.
Đại tá Nguyễn Thái Bình - Phó Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “BĐBP tỉnh luôn xác định công tác đối ngoại biên phòng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần tạo điều kiện phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia nên đã có nhiều hoạt động, việc làm thiết thực để giúp đỡ, nhất là đối với những cư dân người Việt Nam đang sinh sống tại các bản giáp biên của huyện Khăm Cợt.
Những người con đất Việt đang ngày đêm góp sức để bản Thọong Pẹ ngày càng giàu đẹp.
Cùng với giúp khám chữa bệnh, hỗ trợ trang thiết bị y tế, làm nhà hữu nghị, hỗ trợ xi măng làm công trình phúc lợi, chúng tôi luôn tạo điều kiện để bà con hai bên qua lại thăm thân nhằm thắt chặt tình máu mủ, giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, các đơn vị biên phòng cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau với các đơn vị bảo vệ biên giới phía bạn để thực thi tốt các nhiệm vụ được giao và bảo vệ cuộc sống bình yên cho cư dân biên giới”.
Những người dân mang dòng máu Việt đã trở thành một bộ phận cư dân quan trọng của các bộ tộc Lào anh em. Họ vẫn là “khúc ruột” của đồng bào, luôn dành cho quê hương những tình cảm thiêng liêng nhất. Họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc vun đắp tình đoàn kết Việt - Lào. Nhờ đó, chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam sẽ được bảo vệ từ xa, tuyến biên giới chung sẽ luôn hòa bình, thịnh vượng và phát triển, tình bang giao hai nước sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Những người con chung dòng máu Việt ở biên giới 2 nước Việt - Lào luôn tay nắm chặt tay, cùng nhau ca vang bài ca kết đoàn.
THiết kế : Thành Nam
Từ khóa » đát Nước Triệu Voi
-
Khám Phá đất Nước Triệu Voi - Báo Tuyên Quang
-
Vì Sao Gọi Lào Là 'đất Nước Triệu Voi'? - Địa điểm Du Lịch - Zing
-
ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI LÀO - VYC Travel
-
Tour Du Lịch: Khám Phá Lào - Đất Nước Triệu Voi (5N4Đ)
-
Đúng, Lào được Biết đến Là đất Nước Triệu Voi - VnExpress
-
Du Lịch Lào - Đất Nước Triệu Voi Vẫy Chào Những đôi Chân Xê Dịch
-
Vì Sao Gọi Lào Là đất Nước Triệu Voi - Chonmuacanho
-
Lào - đất Nước Triệu Voi Tươi đẹp
-
Bất Ngờ Khi Lào, đất Nước 'triệu Voi' Chỉ Còn Chưa Tới 1.000 Voi
-
Đất Nước Triệu Voi Ngày Càng Hút Khách Nhờ 9 địa điểm Nổi Tiếng Này
-
Tháng 7 Trên đất Nước Triệu Voi
-
Khám Phá đất Nước Triệu Voi Và Cánh đồng Chum Bí ẩn
-
Tour Du Lịch Lào 4N3Đ: Khám Phá đất Nước Triệu Voi
-
Đất Nước Triệu Voi - Tạp Chí Công Thương