Những Nguyên Nhân Không Ngờ Gây Ra Tình Trạng Buồn Nôn - Kenh14

Buồn nôn là một trong những trải nghiệm tồi tệ và có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu. Buồn nôn là một quá trình bình thường của cơ thể trong trường hợp bạn bị cúm, bệnh dạ dày, ngộ độc thực phẩm, say tàu xe và mang thai ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, buồn nôn cũng hoàn toàn có thể đến từ những nguyên nhân không ngờ dưới đây.

Chứng đau nửa đầu

Đau nửa đầu nặng thường đi kèm với buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Các chuyên gia tin rằng, chất serotonin trong não đã kích hoạt một phần não khi đau nửa đầu, khiến con người dễ cảm thấy buồn nôn hơn. Để tránh đau nửa đầu thì bạn nên giảm thiểu những căng thẳng về cảm xúc, tránh ánh sáng quá mạnh, ăn và ngủ đầy đủ.

Những nguyên nhân không ngờ gây ra tình trạng buồn nôn - Ảnh 1.

Bồn chồn, lo âu

Sự lo âu có thể làm tăng sự kích hoạt hệ thống thần kinh của bạn. Khi điều này xảy ra, máu sẽ tăng lưu lượng chảy vào cơ bắp thay vì các cơ quan của hệ tiêu hóa của bạn, gây ra buồn nôn. Các hormone kích thích như cortisol, epinephrine, và những loại khác cũng sẽ nhiều lên trong máu, làm tăng số lượng các cơn co thắt trong dạ dày của bạn, tạo ra cảm giác khó chịu.

Những nguyên nhân không ngờ gây ra tình trạng buồn nôn - Ảnh 2.

Nếu những cơn lo lắng của bạn đi cùng cảm giác buồn nôn thì điều bạn cần làm là kiểm soát sự lo lắng của mình. Hãy cố gắng thư giãn, đến chuyên gia tư vấn, tập thể dục hoặc dùng thuốc kiểm soát theo toa của bác sĩ.

Cơ thể bị mất nước

Mất nước xảy ra khi cơ thể bạn không có đủ nước để thực hiện các quá trình bình thường của nó. Khi có ít chất lỏng tuần hoàn trong cơ thể, cơ thể sẽ truyền lượng chất lỏng đó và máu đến các bộ phận quan trọng nhất là não và trái tim. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan của đường tiêu hóa, gây buồn nôn, cảm giác cồn cào và đau bụng.

Những nguyên nhân không ngờ gây ra tình trạng buồn nôn - Ảnh 3.

Không chỉ buồn nôn, mất nước còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác như giảm huyết áp, tăng nhịp tim, bị co giật, thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong. Bạn nên chăm uống nước mỗi ngày và ăn những loại rau củ, trái cây nhiều nước như dưa chuột, cà chua, dưa hấu…

Lượng đường trong máu thấp

Có nhiều loại hormone hoạt động để điều chỉnh lượng đường trong máu của bạn. Khi lượng đường trong máu của bạn bắt đầu giảm ở mức quá thấp (được gọi là hạ đường huyết), một số hormone như glucagon và epinephrine sẽ tăng đột biến để giúp cơ thể sản sinh ra nhiều glucose hơn. Khi điều này xảy ra, những tín hiệu từ não đến dạ dày sẽ bị biến đổi, gây ra cảm giác buồn nôn. Hạ đường huyết gây ra chóng mặt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, tim đập nhanh, nặng sẽ dẫn đến tình trạng hôn mê.

Những nguyên nhân không ngờ gây ra tình trạng buồn nôn - Ảnh 4.

Cách tốt nhất để giữ lượng đường trong máu ổn định là ăn đủ bữa, đúng giờ. Protein, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và trái cây là những thực phẩm nên có trong khẩu phần ăn để duy trì đường huyết ổn định. Đối với người có tiền sử hạ đường huyết thì việc chia nhỏ các bữa ăn, cứ 3 – 4 tiếng ăn một lần là cách tốt để lượng đường trong máu luôn ổn định.

Trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng buồn nôn. Khi mắc bệnh này, axit từ dạ dày sẽ trào thực quản, có thể làm hỏng lớp lót thực quản, từ đó làm bạn thấy đầy bụng, khó chịu, buồn nôn. Các triệu chứng khác của trào ngược dạ dày bao gồm đau ngực, ợ nóng, khó nuốt thức ăn, hoặc cảm thấy như có một cục u trong cổ họng.

Những nguyên nhân không ngờ gây ra tình trạng buồn nôn - Ảnh 5.

Giải pháp để hạn chế trào ngược dạ dày là tránh ăn quá nhiều, hút thuốc, nạp quá nhiều caffeine và rượu, tránh các thức ăn cay, béo hoặc có tính axit. Một mẹo nhỏ khác bạn có thể áp dụng đó là cố gắng đứng thẳng ít nhất 30 phút sau bữa ăn.

Dị ứng

Tình trạng dị ứng thời tiết, dị ứng phấn hoa, đồ ăn lạ… cũng có thể gây ra buồn nôn. Dị ứng gây ra chảy nước mắt, ngứa cổ họng, hắt hơi, và lượng chất nhầy dư thừa trong mũi chảy xuống phía sau cổ họng, xuống đường tiêu hóa và gây kích ứng dạ dày – thực quản, dẫn đến tình trạng buồn nôn. Hãy cố gắng tránh xa những tác nhân có thể gây ra dị ứng cho bạn.

Uống thuốc khi bụng rỗng

Buồn nôn là một tác dụng phụ thường gặp của nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh… Dạ dày xử lý thức ăn bằng cách giải phóng axit, khi bạn uống thuốc thì cơ chế tương tự cũng được vận hành, nhưng vì viên thuốc quá bé nên lượng axit sẽ dư thừa, gây ra kích ứng đường tiêu hóa và buồn nôn. Một bữa ăn trước khi uống thuốc sẽ "đỡ" cho bạn lượng axit dạ dày này, làm giảm đáng kể tình trạng buồn nôn.

Những nguyên nhân không ngờ gây ra tình trạng buồn nôn - Ảnh 6.

Bệnh viêm loét dạ dày

Nguyên nhân gây loét dạ dày phổ biến nhất là do vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp). Vi khuẩn thâm nhập vào niêm mạc dạ dày, gây ra những vết loét mở, dẫn đến đau dạ dày, đầy hơi, ợ nóng và buồn nôn. Để chữa bệnh bạn sẽ phải sử dụng thuốc kháng sinh và những loại thuốc làm chậm quá trình sản xuất axit trong dạ dày.

Những nguyên nhân không ngờ gây ra tình trạng buồn nôn - Ảnh 7.

Để tránh bệnh trở nặng hơn hoặc quay trở lại, bạn nên kiêng tuyệt đối đồ uống có cồn, đồ ăn có tính axit cao, thức ăn cay nóng và thuốc lá. Vi khuẩn Hp có trong dịch tiết dạ dày và nước bọt người bệnh vì rất dễ lây lan qua tay vào miệng, vào đường tiêu hóa. Để hạn chế nhiễm vi khuẩn nguy hiểm này, bạn nên rèn thói quen chăm rửa tay, không dùng chung những vật dụng như cốc, chén, bàn chải… và tránh sự chung đụng trong ăn uống như chấm chung bát mắm, thổi đồ ăn...

Nguồn: Prevention

Từ khóa » Bụng Bồn Chồn Buồn Nôn