Những Nguyên Tắc Cơ Bản Khi Cúng Lễ Ngày Tết – Mega Story

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là một trong những nét đẹp truyền thống không thể bỏ qua khi nói đến Tết Nguyên đán. Qua những làn khói hương, người ta được kết nối với thế giới tâm linh thiêng liêng, nhớ về cội nguồn và gửi gắm mong ước về sự an lành, phát triển trong cuộc sống.

Qua thời gian, tục cúng lễ có nhiều thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại. Để có những thực hành đúng, Báo điện tử VietnamPlus có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ – một trong những chuyên gia văn hóa dân gian hàng đầu tại Việt Nam để cùng nhắc lại những ý nghĩa của Tết, cùng với một số ứng xử cốt lõi khi thực hành cúng lễ trong khoảng thời gian quan trọng này.

  • Thưa chuyên gia, xin ông chia sẻ về nguồn gốc của tục thờ cúng tổ tiên, ông bà của người Việt ngày nay. Vì sao chúng ta lại có thói quen cúng lễ trong dịp Tết, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Tết là cách phát âm khác của chữ Tiết, nghĩa là tiết khí. Trong mục “Tứ thời tiết lập” (cuốn “Việt Nam phong tục”) cụ Phan Kế Bính cách đây hơn 100 năm đã đặt Tết Nguyên đán đứng đầu. Nói đến Tết là nói đến việc sử dụng Âm lịch. Trước khi sử dụng Âm lịch, người ta có thể tổ chức nghi lễ hội hè theo mùa, theo vụ gieo trồng, vụ gặt hoặc tuần Trăng.

Khi hội nhập vào văn hóa phương Đông chung, chúng ta bắt đầu sử dụng Âm lịch. Sau đó, với sự hội nhập của các tôn giáo, chúng ta du nhập các lễ hội, nghi thức, từ đó mà hình thành di sản văn hóa Tết.

Đồ lễ cần tinh sạch, có món do mình tự nấu và lấy cái tâm làm chính. (Ảnh: TTXVN)

Việc thờ cúng người đã khuất là nhờ có ký ức, con người luôn tái hiện những hình ảnh của người đã mất, hình thành cả một thế giới trong tâm trí cho họ. Không phải động vật nào cũng hình thành được ký ức lâu bền. Tùy theo các tín ngưỡng hay các tôn giáo khác nhau mà con người đã bắt đầu tổ chức các nghi lễ, nghi thức để cúng tế theo những thời gian nhất định.

Có cộng đồng, người chết được tưởng niệm trong một khoảng thời gian nhất định rồi nhập vào với thánh thần hoặc đấng tối cao mà thờ chung, không giỗ riêng nữa. Với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như ở Việt Nam, cha mẹ, ông bà, cụ kỵ sẽ được giỗ hàng năm theo ngày mất, được khấn theo ngày sóc, ngày vọng và trong các lễ kỵ khác. Như vậy có nghĩa là hình ảnh họ sẽ được nhắc đi nhắc lại trong tâm trí người sống, trong mọi dịp có thể của một năm, trong đó có ngày Tết. Nó tạo nên một năng lực tích lũy văn hóa rất hữu hiệu để làm nền tảng cho quá trình tồn tại có gốc có ngọn, uống nước nhớ nguồn. Có người gọi tục thờ cúng tổ tiên là một thứ “đạo” là vì vậy.

[Mâm cỗ, lễ vật cúng ông Công ông Táo]

Nếu ở các tôn giáo khác, con người giành thời gian đi lễ, tụng kinh thường xuyên là để tu thân, để nhắc nhớ biểu tượng khởi nguyên tôn giáo thì tục thờ cúng tổ tiên ở ta cũng định kỳ nhắc nhớ như vậy. Đây là một bản sắc văn hóa trong tổng thể văn hóa nhân loại.

Ngày Tết, vì vậy, trước hết dành cho gia đình, họ tộc, sau đó là bạn bè, làng xóm, quê hương, Tổ quốc với cái ý nghĩa chính là “bất vong bản” – không quên nguồn cội.

  • Trong những ngày Tết, khói hương giống như một cách kết nối với tổ tiên, cội nguồn và thế giới tâm linh mỗi người. Khi lên hương, số nén hương được thắp có thể đa dạng và là các số lẻ như 1, 3, 5, 7… Tuy nhiên, phần lớn người dân đều chọn thắp ba nén. Con số này có thể được lý giải ra sao, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng sẽ có một cách giải thích, nhưng chung quy thì ý nghĩa cốt lõi nằm ở biểu tượng của những con số. Trong đó, số một (1) mang ý nghĩa biểu tượng là sự khởi nguyên, cũng đồng thời bao quát cho tất cả khi coi thế giới như một tổng thể. Đây là con số được ý thức đầu tiên trong nhân loại. Rồi người ta phát hiện ra sự song hành, đối xứng, tức con số hai (2). Đó là sự tồn tại, song hành của nam và nữ, ngày và đêm, Mặt Trăng và Mặt Trời… Như vậy, người xưa coi số một và hai là những con số cơ bản, mô tả nền tảng của sự hiện hữu.

Về sau, người ta nhận ra có những sự hiện hữu lớn hơn một và hai. Vì vậy, số ba tượng trưng cho sự vượt qua những cái hiện hữu để tạo ra số nhiều. Cuốn “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” (Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2016) cũng khẳng định số ba là “số nhiều đầu tiên cơ bản nhất.”

Tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng hay vùng miền mà có nhiều cách diễn giải ý nghĩa cho ba nén hương, song tất cả đều có chung một nền tảng tư duy. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Soi chiếu vào thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, chúng ta có những “quá tam ba bận”; “cơm ba bát, áo ba manh”; “ba keo thì mèo mở mắt”; hay như vế câu “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”… Thử xem các khái niệm tôn giáo đã sử dụng con số để cấu tạo nên khái niệm (công cụ để tư duy trừu tượng) như thế nào, chúng tôi nhân thấy (qua “Phật Quang Đại Từ điển,” 7374 trang) xuất hiện nhiều nhất là số 1 (550 lần), số 3 (504 lần), số 5 (469 lần), số 4 (460 lần)… các số khác đều ít hơn nhiều. Điều này cho thấy số ba có tầm quan trọng thứ nhì trong tư duy. Khi thắp hương theo số lẻ thì người ta thường rút xuống “số nhiều cơ bản” là 3. Thế nên, chúng ta hay thắp 3 cây hương là như vậy. Ngày nay, người ta cũng có thể rút xuống 1 cây hương vì đây cũng là số lẻ cơ bản của hiện hữu.

Các tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có những cách lý giải khác nhau về ba nén hương. Người theo Nho giáo lý giải ba nén hương tượng trưng cho thiên-địa-nhân; người theo Phật lý giải thành Phật-Pháp-Tăng; người theo tín ngưỡng thờ Mẫu coi ba nén hương tượng trưng cho Tam tòa Thánh Mẫu… Chúng ta tôn trọng tất cả những ý kiến, song cần nhìn nhận con số ba có một nền tảng chung cho tư duy nhân loại.

  • Trải qua hàng ngàn năm, nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Việt ngày nay đã có nhiều sự thay đổi và biến chuyển theo thời gian, đa dạng theo từng vùng miền, tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Thậm chí được đơn giản hóa tới mức tối thiểu, phức tạp hóa đến mức tối đa. Vậy xin ông cho biết đâu là những nguyên tắc bất di bất dịch mà người thực hành cần nhớ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Khi đứng trước bàn thờ, chúng ta phải tuân theo ba hành vi đảnh lễ là: Thân-khẩu-ý. “Thân lễ” nghĩa là phải ăn mặc nghiêm trang đứng đắn, dung nhan và thái độ hành lễ nghiêm túc. “Khẩu lễ” là sự thưa, bẩm một cách cung kính, đầy đủ các vị thần thánh, tổ tiên về những điều trong năm qua đã đạt được. Cuối cùng, “ý lễ” là thể hiện lòng thành tâm, uống nước nhớ nguồn, ngẫm suy về những việc mình đã làm và khẩn cầu sự phù trợ của tổ tiên cho năm tới.

Tục thờ cúng tổ tiên là hình thức lưu giữ người đã mất trong tâm trí người còn sống, tạo nên năng lực tích lũy văn hóa hữu hiệu. (Ảnh: iStock)

Bàn thờ phải tinh sạch, đồ lễ cũng vậy. Về đồ lễ cũng cần tuân theo ba nguyên tắc: Tinh sạch; nhất thiết phải có món do mình tự nấu, trồng và lấy cái tâm làm chính. Người xưa thường đựng đồ lễ trong một cái mủng đội trên đầu và dùng vải sạch phủ lên trên là vì vậy, không gồng gánh hay cắp nách, để dưới thấp, bởi nó không tạo sự tinh sạch về tinh thần.

Cuộc sống ngày nay vốn bận rộn, nhiều gia đình không có thời gian nấu cỗ bàn cầu kỳ song không nên để toàn bộ đồ cúng lễ là đồ hộp đặt mua. Ở quê có vườn tược, người ta thường giành vật nuôi, rau cử quả tự mình chăm sóc để làm đồ lễ. Chúng ta có thể sắm nhiều thứ ở chợ nhưng nên bỏ công nấu một món gì đó, là những món mà người xưa muốn ăn chẳng hạn. Đây cũng có thể được coi là biểu tượng để tưởng nhớ.

Cuối cùng chính là sự thành tâm, khiêm cung, kính cẩn. “Lễ bạc lòng thành” là câu khuyên bảo từ xưa. Mình theo hoàn cảnh của mình là tự do nhất. Tùy tiền mà biện lễ, liệu cơm mà gắp mắm, đừng đua đòi theo người khác mà quá sức, tốn kém, bỏ bớt những gì là mê tín, hoang phí.

  • Như vậy, việc nằm lòng những nguyên tắc để giúp thực hành cho đúng có ý nghĩa như thế nào đối với nền văn hóa của người Việt nói chung, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Những ngày lễ Tết, phong tục thờ cúng… có thể được coi là di sản bền vững nhất trong dân nhân, giúp tạo nên một cộng đồng có bản sắc. Giữ gìn bản sắc văn hóa, giá trị văn hóa chính là giữ vững độc lập dân tộc, góp thêm sự phong phú cho nhân loại.

Chúng ta thấy rằng trên thế giới hiện nay có khoảng 6.500 đến 7.000 ngôn ngữ tộc người. Ít nhất trong thế kỷ XX đã có 400 ngôn ngữ bị tuyệt diệt. Các nhà nghiên cứu ước lượng rằng trong thế kỷ XXI, có ít nhất 40%-50% ngôn ngữ nữa bị vĩnh viễn mất đi. Vậy tiếng Việt và văn hóa Việt sẽ như thế nào? Chúng ta tin vào sự trường tồn của nó nhưng không chủ quan. Chúng ta tiếp biến nhưng phải dựng xây không mỏi mệt cho sự trường tồn đó.

Những lễ nghi chính là một trong các thành tố quan trọng để gìn giữ một nền văn hóa… Là một cộng đồng văn hóa riêng biệt và bình đẳng với các cộng đồng văn hóa khác, nếu chúng ta biết yêu quý, tự hào những lễ nghi ấy thì qua thời gian, không chỉ văn hóa mà còn cả chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.

  • Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Chúng ta tin vào sự trường tồn của văn hóa mình nhưng không được chủ quan. Chúng ta tiếp biến nhưng phải dựng xây không mỏi mệt cho sự trường tồn đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ
Minh Anh
Minh Anh

(thực hiện)

Chia sẻ:

  • Tweet

Có liên quan

Từ khóa » Cách Cúng Ba Ngày Tết