Những Nguyên Tắc Cơ Bản Khi Thiết Kế Nhà Vệ Sinh - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Trong ngôi nhà hiện đại, phòng vệ sinh là một không gian, phòng chức năng quan trọng. Đây là nơi có tần suất sử dụng nhiều và có ý nghĩa ghi nhận mức độ tiện nghi của không gian sống. Để phòng vệ sinh tiện nghi và dễ sử dụng, việc thiết kế và thi công cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản.
Vị trí
Theo phong thủy, phòng vệ sinh là nơi chứa uế khí, vì vậy tránh đặt chính giữa nhà (trung cung). Vệ sinh nên đặt về các góc hoặc nép một bên nhà. Về hướng, nên đặt theo hướng xấu (hung). Với những mặt bằng đất méo, phòng vệ sinh nên đặt ở những chỗ lồi ra, khuyết lõm, để tạo sự vuông vức, cân bằng.
Phòng vệ sinh phải ở nơi thuận tiện đi lại, dễ nhìn, dễ tìm. Với nhà nhiều tầng, các phòng vệ sinh tránh đặt trên các không gian quan trọng có yếu tố tâm linh như bếp, phòng thờ. Tốt nhất ở dưới phòng vệ sinh tầng trên là phòng vệ sinh tầng dưới hoặc các không gian phụ như nhà xe, kho chứa đồ. Các phòng vệ sinh thẳng nhau trên trục đứng còn thuận tiện cho việc đi đường ống cấp thoát nước, tiết kiệm, thẩm mỹ và đảm bảo kỹ thuật, thuận tiện cho việc bảo dưỡng, sửa chữa, không làm ảnh hưởng đến các không gian sinh hoạt khác.
Trong trường hợp phòng ngủ có vệ sinh riêng, thì phòng vệ sinh nên ở phía gần cửa ra vào, gần tủ quần áo để tiện cho việc sử dụng, sinh hoạt. Phòng vệ sinh không nên ở đầu giường, cửa phòng vệ sinh không nên "chiếu" vào vị trí giường ngủ. Nếu nhà có nhiều phòng chức năng chung một phòng vệ sinh, thì phòng vệ sinh cần đặt ở khoảng giữa để không có vị trí nào phải đi quá xa khi tiếp cận. Nếu tận dụng gầm cầu thang làm nhà vệ sinh thì đó chỉ nên là nhà vệ sinh phụ.
Phân khu chức năng
Một phòng vệ sinh có ba khu chức năng cơ bản, đó là rửa, xí và tắm. Trong nhà vệ sinh kiểu cũ hay làm tách biệt, có thể là khu tắm riêng hoặc khu xí riêng có cửa. Phòng vệ sinh hiện đại tích hợp hết các khu chức năng này vào thành "3 trong 1" song có thể phân biệt làm hai khu là khu khô (rửa và xí) và khu ướt (tắm). Sự phân định không gian có thể chỉ là ước lệ của việc bố trí thiết bị, cũng có thể là những ngăn cách "mềm" bằng vách kính, riđô ni-lông nhằm ngăn nước ở khu vực tắm không bắn, chảy tràn sang khu vực khô.
Xí tiêu chuẩn là xí bệt, còn chậu rửa có thể là chậu tường, chậu bàn (bàn đá, bàn gỗ), tắm có thể là tắm đứng, hoặc tắm bồn, hoặc cả hai. Tùy vào mặt bằng cụ thể và lối tiếp cận vào phòng vệ sinh mà bố trí ba khu chức năng này phù hợp, trên nguyên tắc nơi sử dụng nhiều nhất tiện về đi lại. Theo đó, với một vệ sinh tiêu chuẩn tối thiểu, thì khu vực chậu rửa ở gần cửa (thường thẳng cửa vào), tiếp theo là xí và sau cùng là tắm. Khoảng cách dành cho mỗi thiết bị này dao động từ 90 cm đến một mét.
Nếu là một phòng vệ sinh bố trí thiết bị theo chuỗi dài thì sẽ có chiều dài khoảng 2,7 - 3 mét, với chiều rộng khoảng 1,4 - 1,5 mét. Còn trong trường hợp phòng vệ sinh vuông thì bố trí thiết bị ở ba góc với một góc là cửa, mỗi cạnh trung bình khoảng 2 mét. Việc phân khu chức năng hợp lý không những thuận tiện cho sinh hoạt mà còn thuận tiện cho việc thi công những hệ thống kỹ thuật của phòng vệ sinh.
Thiết bị
Thiết bị liên quan trực tiếp đến phân khu chức năng là rửa, xí và tắm, ví dụ như chậu rửa, vòi chậu, bồn cầu, vòi sen tắm, bồn tắm, bồn sục, cabin tắm đứng, vách kính.Việc lựa chọn thiết bị dựa trên nhu cầu sử dụng, diện tích và hình dáng mặt bằng phòng, phong cách nội thất, khả năng kinh tế.
Trên thị trường có nhiều hãng thiết bị vệ sinh với đủ loại kiểu dáng và mẫu bộ, bán rời hoặc bán cả bộ theo một phong cách. Việc lựa chọn thiết bị cần thực hiện từ khâu thiết kế để có giải pháp kỹ thuật hợp lý. Ví dụ như loại chậu âm bàn thì làm cao độ bàn theo tiêu chuẩn, nhưng loại chậu đặt trên bàn thì phải hạ thấp bàn theo chiều cao của chậu. Mỗi loại xí có tiêu chuẩn ống thoát khác nhau, cần chờ ống lúc thi công phần thô chuẩn thì mới dễ lắp đặt và đảm bảo thẩm mỹ.
Bên cạnh những thiết bị này, còn nhóm thiết bị kỹ thuật, phụ trợ như đường ống cấp – thoát, van, bình nước nóng, hệ thống đèn chiếu sáng. Chiếu sáng nên có hai hệ thống là hệ thống chiếu sáng chung và chiếu sáng gương (đèn rọi). Trong trường hợp có bồn tắm thì có thể lắp đặt một hệ thống chiếu sáng riêng cho bồn tắm.
Hệ thống kỹ thuật, chống thấm
Đứng đằng sau các thiết bị sử dụng là hệ thống kỹ thuật. Một phòng vệ sinh vận hành hoàn hảo, an toàn, bền vững là nhờ hệ thống này.
Các đường ống nước (cấp và thoát) coi như được chôn "chết" trong tường, sàn, nên phải sử dụng những loại ống tiêu chuẩn, đảm bảo bền vững với thời gian. Các đường ống phải được lắp đặt chính xác, khoa học, chắc chắn. Tiết diện ống phải đảm bảo theo tiêu chuẩn và công suất thiết kế. Ống thoát phải đảm bảo độ dốc khi đi ngang. Các loại ống cấp thoát dùng đúng chủng loại, không được dùng ống cấp lạnh cho đường nước nóng.
Các thiết bị liên quan đến điện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, dây dẫn không được hở, không được đi dây điện vào những khu vực ướt, dễ rò điện gây nguy hiểm. Bình nước nóng nhất thiết phải có dây nối đất, thiết bị ngắt an toàn (aptomat). Đèn chiếu sáng nên sử dụng loại có mặt kính chắn để tránh hơi nước bốc lên gây chập cháy và nguy hiểm cho người sử dụng.
Đặc điểm của khu vệ sinh là có nước, và hơi nước. Vì vậy việc chống thấm cũng rất quan trọng. Cần thực hiện chống thấm sàn và chân tường trước khi ốp lát, lưu ý những vị trí xung yếu như chân ống xuyên sàn, chân hộp kỹ thuật. Sàn phải đảm bảo độ dốc thoát nước về miệng ga và thấp hơn sàn chính (sàn sảnh, phòng kế cận) ở vị trí cửa vào khoảng một - hai cm. Trong trường hợp không thể thấp hơn thì phải xây gờ hoặc dùng bậu đá để chắn nước không tràn ra ngoài khi sử dụng làm cho sàn ướt. Khu vực khô và khu vực ướt phải có ga thoát riêng biệt, không dùng chung.
Sàn vệ sinh không nên làm sàn âm vì khi có sự cố thấm dột sẽ khó "bắt bệnh" và sửa chữa. Nên làm sàn như bình thường và che hệ thống ống kỹ thuật trên trần bằng trần giả.
Thông thoáng
Phòng vệ sinh là nơi có nước, ẩm thấp, và "nặng mùi" nên rất cần thông thoáng. Khi thiết kế bố trí trên mặt bằng rất cần lưu ý tính toán tới điều này. Lý tưởng nhất là phòng vệ sinh tiếp xúc với khoảng không bên ngoài, để có thể bố trí cửa sổ thông thoáng và lấy ánh sáng tự nhiên.
Trong điều kiện nhà phố ở đô thị hiện nay, việc có nhiều mặt thoáng là khá hiếm. Bên cạnh đó, do đặc điểm sử dụng, cấu trúc chung của mặt bằng mà nhà vệ sinh hay rơi vào khúc giữa, không có mặt thoáng. Với những trường hợp này, nên thiết kế giếng trời, khe kỹ thuật để thông gió lên mái. Cửa sổ thông gió của phòng vệ sinh có thể đặt kế bên chậu rửa, sau lưng xí hoặc tường biên khu tắm. Đặc biệt, nếu phòng vệ sinh đặt bồn tắm thì nhất thiết phải có cửa sổ thông thoáng bên cạnh bồn. Tắm bồn là để thư giãn mà nếu xung quanh chỉ là những bức tường kín đặc, người sử dụng sẽ bức bối.
Trường hợp không có thông thoáng tự nhiên, bắt buộc phải lắp đặt quạt thông gió, thông sang không gian khác, hoặc hút vào ống thông gió riêng rồi đưa lên mái hay ra khoảng không bên ngoài.
Kích thước tiêu chuẩn
Để sử dụng thuận tiện, an toàn và tăng độ thẩm mỹ, các kích thước trong phòng vệ sinh phải đảm bảo theo tiêu chuẩn nhân trắc học. Ví dụ, trần phòng vệ sinh cao tối thiểu 2,2 mét, chiều cao tới mặt chậu rửa là 82 - 85 cm; chiều cao "củ" vòi sen là 75 - 80cm, chiều cao bát sen treo trên tường là 1,7 - 1,75 m, chiều cao mắc áo là 1,65 - 1,70 cm, độ rộng cánh cửa vào khu tắm đứng là 60 cm. Đối với nhà ở, mỗi gia đình có thể điều chỉnh đôi chút cho phù hợp chiều cao của các thành viên.
Một số thiết bị khác như tiểu nam, bồn vệ sinh nữ đều có kích thước tiêu chuẩn lắp đặt nên khi công cần lưu ý. Cũng có những thiết bị kích thước và quy cách lắp đặt hơi khác thường, nhất là những thiết bị nhập khẩu. Nếu sử dụng cần xem kỹ quy cách lắp đặt khi thi công từ phần thô để đặt ống cấp thoát cho chính xác. Ví dụ như khoảng cách tim ống thoát đến tường lưng ở bồn xí, cao độ ống thoát ngang xuyên tường của xí treo, khoảng cách giữa đầu ra hai vòi nóng - lạnh ở vòi sen...
Vật liệu trang trí, hoàn thiện
Nói chung, vật liệu trong phòng vệ sinh phải là những vật liệu chịu được nước, ẩm, nhiệt. Các loại gạch ốp lát phải có khả năng chống thấm, gạch lát sàn phải nhám để chống trơn trượt. Phòng vệ sinh thường nhỏ, vì vậy nên sử dụng gạch ốp tường màu sáng để tăng ánh sáng khuếch tán trong phòng, cho cảm giác rộng rãi, gạch nền màu sẫm để cân bằng thị giác (trên nhẹ dưới nặng) và không đọng bẩn. Việc chọn lựa kích thước gạch ốp lát cần căn cứ trên nhiều yếu tố: độ rộng phòng, kích thước cụ thể mặt bằng, kích thước phân khu chức năng, chiều cao trần. Có thể dùng tấm thảm cao su, thảm nhựa loại chống trơn trượt để trải trong phòng vệ sinh, cũng là một cách trang trí.
Nếu sử dụng trần thạch cao phải là tấm trần chịu nước, chịu ẩm. Hạn chế dùng vật liệu gỗ, nhất là trong khu ướt vì dễ hỏng. Các loại vật liệu có thể dùng trong vệ sinh là đá, gạch ceramic, kính, kim loại không gỉ (nhôm, inox), nhựa chất lượng cao.
Phòng vệ sinh có ý nghĩa công năng rất lớn, vậy nên cần chú trọng vào công năng, đảm bảo sự tiện dụng, an toàn rồi mới tính đến chuyện thẩm mỹ, hay trang trí. Những thiết bị vệ sinh cũng đã là vật trang trí cơ bản và làm nên nét đẹp của phòng vệ sinh.
Một số cách bố trí mặt bằng phòng vệ sinh cơ bản.
Hà Thành
Từ khóa » Những Lưu ý Khi Xây Nhà Vệ Sinh
-
Những Lưu ý Quan Trọng Khi Thiết Kế Nhà Vệ Sinh đẹp, đơn Giản Mà ...
-
04 Lưu ý Khi Xây Nhà Vệ Sinh để Tránh Rước Họa Vào Thân
-
Lưu ý Khi Xây Nhà Vệ Sinh, Tư Vấn Xây Nhà Vệ Sinh Chi Tiết, đầy đủ Nhất
-
Những Lưu ý Về Phong Thủy Khi Thiết Kế Nhà Vệ Sinh - Nhà đất
-
5 Nguyên Tắc Khi Thiết Kế Nhà Vệ Sinh Tránh Rước Tai Họa Vào Nhà
-
Các Lưu ý Quan Trọng Khi Xây Nhà Vệ Sinh, Nhà Tắm. - Kim Long Hoa
-
Lưu ý 12 điều Sau Nếu Muốn Sở Hữu Nhà Vệ Sinh đẹp, Tiện Nghi
-
Những Lỗi Cần Tránh Khi Thiết Kế Nhà Vệ Sinh Cho Nhà ở - Happynest
-
Những Lưu ý Khi Thiết Kế Phòng WC
-
Phong Thuỷ Nhà Vệ Sinh: 50 điều Tối Kỵ Bạn Cần Phải Biết
-
4 Lưu ý Khi Xây Dựng Nhà Vệ Sinh Giúp Gia đình Bạn Luôn Có được ...
-
5 Lưu ý Khi Xây Dựng Nhà Tắm, Nhà Vệ Sinh - Vách Ngăn
-
[MẸO] Cách đặt Nhà Vệ Sinh Chuẩn Phong Thủy Và Những điều Cần ...