Những ông Chồng “việc Nhà Thì Nhác…” | Báo Dân Trí

Những ông chồng “việc nhà thì nhác…” - 1
Lấy chồng 3 năm, nhưng với chị Ngọc Huyền, nhân viên tiếp thị một hãng mỹ phẩm, thì những việc trong nhà cần đến bàn tay đàn ông, chớ có gọi chồng. Câu trả lời của anh sẽ luôn là: “Để đó, khi nào rảnh anh làm”. Chờ mãi, nhắc hoài mà anh vẫn không rảnh, chị tức mình xắn tay áo: bóng đèn cháy - chị bắc ghế lên thay; vòi nước hư - chị hì hục cầm kìm vặn sửa; cái xe đạp dùng đi chợ bị tuột xích - chị loay hoay chỉnh lại. Thấy mình làm được mọi việc mà không cần chồng, chị còn cảm thấy tự hào, riết rồi chị nghĩ anh lười thì mặc.

Nhưng nào phải anh Thích, chồng chị lười. Anh chỉ lười khi vợ nhờ việc. Chiều nọ xong việc về sớm, đang tưới cho mấy cây cảnh trước nhà, chị Huyền nghe bà hàng xóm khen chồng mình khéo tay: “Chú ấy thấy vậy mà giỏi quá. Cái máy bơm nước nhà tôi bị cháy motor, ông nhà tôi lại đi vắng. Đang rối vì không có nước xài thì gặp chú ấy đi đâu về. Tôi cũng chỉ định hỏi thăm xem chú có biết thợ ở đâu để gọi giúp, vậy mà chú ấy lúi húi một lúc là máy bơm lại chạy ro ro, rõ tài”. Ngạc nhiên xen chút tự hào về chồng, chị Huyền cũng không mấy bận tâm khi anh giúp hàng xóm, lại là bà cụ tốt bụng vẫn hay chơi đùa với con mình.

Chỉ đến khi phát hiện anh Thích vẫn thường sang giúp cô Diễn Châu, một phụ nữ góa chồng, những việc linh tinh liên quan đến máy móc, điện đóm, chị Huyền mới tá hỏa. “Nổi cơn tam bành”, chị tra hỏi anh tại sao “việc nhà thì nhác, việc đằng đó thì siêng?”. Tưởng chồng sẽ lo sợ mà “nhận tội”, nào ngờ anh quắc mắt: “Cô có cần tới thằng này đâu. Chuyện gì cũng tự tay làm hết, cô giỏi lắm mà. Người ta chân yếu tay mềm, không biết làm mới nhờ đến tôi. Giúp người ta, tôi mới thấy mình là thằng đàn ông, còn trong nhà này, việc gì cô cũng đã làm hết rồi!”.

Khóc lặng vì tức và tủi, chị Huyền không dám cãi vì thấy trong cái vô lý của chồng hình như mình cũng có phần sai. Nhìn thấy nguy cơ mất chồng nếu không xem anh là “thằng đàn ông trong nhà”, từ đó có việc gì cần đến bàn tay đàn ông, chị đều nhờ chồng giúp, tất nhiên phải nhắc nhở kèm theo một chút năn nỉ để anh có cơ hội thấy mình quan trọng. Có lẽ nhờ thế mà anh Thích không còn siêng năng việc nhà cô Diễn Châu nữa…

Khôn nhà dại chợ

Hồi yêu nhau, anh Kiên tuyên bố sau này sẽ dành phần nấu ăn, đảm bảo “em chỉ có khen mà thôi”. Nghe thế, chị Nguyệt sung sướng lắm. Ngay ngày đầu là vợ chồng, chị nhõng nhẽo đòi anh trổ tài đầu bếp. Loanh quanh bên anh, thán phục tài tay dao tay thớt loang loáng, chị nức nở khen khiến anh nở từng khúc ruột. Thế nhưng niềm vui trong anh xẹp nhanh như bong bóng xà phòng. Vừa nếm miếng ăn đầu tiên, chị đã phun phèo phèo, hết chê “nhạt quá, tanh quá” lại chê “cay quá, nồng quá”… và nhiều cái “quá” khác làm anh chưng hửng.

Nghĩ mình làm mấy món không hợp khẩu vị nên bị vợ chê, những ngày sau, anh Kiên tiếp tục trổ tài chinh phục cô vợ khó tính. Thế nhưng, lòng nhiệt tình, kiên nhẫn và hãnh diện của anh cứ trôi dần trước sự khó tính đến bảo thủ của chị: không có món nào khiến chị hài lòng. Sau một tuần không thể chứng minh, khẳng định cho vợ thấy tài đứng bếp của mình là cha truyền con nối (cha anh từng là bếp phó của một nhà hàng khá nổi tiếng), anh Kiên “đầu hàng”, giao lại gian bếp cho “bà chủ hợp pháp” - như lời vợ anh tự nhận.

Để thỏa mãn lòng yêu thích nấu ăn của mình, anh Kiên chuyển hướng sang trổ tài tại các độ nhậu với bạn bè. Vậy là mỗi lần ý ới gọi nhau, bạn bè anh lại tụ về nhà một người trong nhóm để Kiên khoe tài. Họ được thưởng thức nhiều món ngon, lạ và hết lời khen ngợi. Chỉ cần thế là anh Kiên “hởi lòng, hởi dạ” lắm rồi. Nhưng khi độ nhậu xoay tua đến nhà mình, Kiên lại nhường vai đầu bếp cho vợ để rồi cắn răng nghe mấy ông bạn vừa ăn vừa mắng: “Mày nấu ăn giỏi thế mà sao không dạy vợ. Dân nhậu ăn không nhiều nhưng phải ăn ngon, mấy món này làm sao nuốt nổi. Thôi, mai mốt không nhậu ở nhà mày nữa, đến nhà tụi tao”. Anh Kiên ngượng tím người, còn Nguyệt lại giận sưng mặt: “Hóa ra là vậy, lão này “khôn nhà dại chợ”, toàn đi hầu thiên hạ, vợ con thì không được nhờ!”.

Thấy con gái hằm hè chờ bạn chồng về sẽ xử tội con rể, mẹ chị Nguyệt ở quê vào chơi liền gọi con vào phòng: “Người đáng mắng là con chứ không phải thằng Kiên đâu. Con xem, nó muốn nấu ăn cho vợ con, mà lúc nào con cũng chê bai, không hài lòng. Hôm con đi công tác, ở nhà Kiên nó nấu, mẹ ăn được hai chén cơm đầy với bao nhiêu là thức ăn, trong khi mọi bữa mẹ chỉ ăn được lưng chén. Mẹ thấy nó nấu ăn vừa ngon, lại biết chiều ý người khác. Chỉ có con lúc nào cũng khe khắt, xét nét người khác. Con không thấy sống như thế ngột ngạt lắm sao? Kiên nó nấu ăn cho bạn bè vì người ta thích món ăn nó nấu, biết trân trọng nó. Con xem chồng nhẹ hơn người ngoài rồi đấy”.

Vẫn giận chồng lắm, nhưng chị Nguyệt giật mình vì câu cuối của mẹ: “Con không biết trân trọng chồng mình, sẽ có ngày hối hận”. Ngẫm đi ngẫm lại, chị thấy cái tật “khôn nhà dại chợ” của chồng là do mình, mà “cái tật” ấy cũng đáng yêu làm sao. Chị nghĩ, từ ngày mai, chị sẽ rủ chồng cùng nấu bếp.

Theo Xuân Nhân

PNO

Từ khóa » Việc Nước Thì Siêng