Những Phân Ngành Chính Của Tâm Lý Học - Phan Phuong Dat

Các nhà tâm lý học nghiên cứu tâm trí và hành vi con người như thế nào? Tâm lý học là một lĩnh vực rất lớn, và khó mà diễn tả được độ rộng và sâu của nó. Vì vậy, nhiều phân ngành (branch) chuyên biệt đã được hình thành, nhằm giải quyết các chủ đề cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu về tâm trí, não bộ và hành vi.

Giới thiệu

Mỗi phân ngành hoặc lĩnh vực nhìn nhận các câu hỏi và vấn đề từ các góc nhìn (perspective) khác nhau (nên xem bài này trước). Mặc dù mỗi phân ngành tập trung vào một vấn đề tâm lý riêng, tất cả đều có chung mục tiêu nghiên cứu và lý giải suy nghĩ và hành vi của con người.

Cơ bản, tâm lý học có thể được chia thành hai mảng chính:

  1. Nghiên cứu, nhằm gia tăng nền tảng kiến thức
  2. Thực hành, qua đó kiến thức được áp dụng để giải quyết các vấn đề trong thực tế.

Do hành vi của con người rất đa dạng, số lượng các phân ngành trong tâm lý học không ngừng phát triển và mở rộng. Một số đã giành được chỗ đứng vững chắc, và nhiều trường đại học đã đưa ra các khóa học và chương trình đào tạo lấy bằng về các phân ngành này.

Mỗi phân ngành trong tâm lý học đại diện cho một lĩnh vực nghiên cứu nhất định, tập trung vào một chủ đề cụ thể. Thông thường, các nhà tâm lý học chuyên về một trong số các phân ngành này. Dưới đây là một số các nhánh chính của tâm lý học. Với một số lĩnh vực đặc thù, cần có thêm bằng cấp về chuyên ngành đó để có thể làm việc.

Tâm lý học dị thường (Abnormal Psychology)

Tâm lý học dị thường nghiên cứu về tâm bệnh học (psychopathology) và các hành vi bất thường. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần đánh giá, chẩn đoán và điều trị nhiều loại rối loạn tâm lý, bao gồm lo âu và trầm cảm. Các nhà tư vấn, nhà tâm lý học lâm sàng và trị liệu tâm lý thường trực tiếp làm việc trong lĩnh vực này.

Tâm lý học hành vi (Behavioral Psychology)

Tâm lý học hành vi, hay thuyết hành vi (behaviorism), là một lý thuyết về học tập, dựa trên ý tưởng rằng tất cả các hành vi được hình thành thông qua điều kiện hóa. Phân ngành này từng thống trị tâm lý học trong suốt giai đoạn đầu của thế kỷ 20, nhưng bắt đầu mất dần ảnh hưởng từ những năm 1950. Tuy vậy, các kỹ thuật hành vi vẫn đóng vai trò trụ cột trong trị liệu, giáo dục, và nhiều lĩnh vực khác.

Các phương pháp như điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning) và điều kiện hóa từ kết quả (operant conditioning) thường được sử dụng để dạy và điều chỉnh hành vi. Ví dụ, một giáo viên có thể dùng chế độ thưởng nhằm khuyến khích học sinh ngoan ngoãn trong giờ học. Khi học sinh ngoan, các em sẽ nhận được những ngôi sao, sau đó có thể dùng để đổi lấy một số đặc quyền nhất định.

Tâm lý học sinh học (Biopsychology)

Tâm lý học sinh học tập trung vào cách bộ não, tế bào thần kinh và hệ thần kinh ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi thế nào. Phân ngành này liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tâm lý học cơ bản, tâm lý học thực nghiệm, sinh học, sinh lý học, tâm lý học nhận thức, và khoa học thần kinh.

Các nhà khoa học trong lĩnh vực này thường nghiên cứu tác động của chấn thương não và các bệnh về não lên hành vi của con người. Tâm lý học sinh học đôi khi còn được gọi là tâm lý học sinh lý học, khoa học thần kinh hành vi hoặc sinh học tâm lý học.

Tâm lý học Lâm sàng (Clinical Psychology)

Tâm lý học lâm sàng quan tâm đến việc đánh giá và điều trị các bệnh tâm thần, hành vi dị thường và rối loạn tâm thần. Các nhà tâm lý học lâm sàng thường làm việc tại các cơ sở tư nhân, nhưng nhiều người cũng làm việc trong các Trung tâm cộng đồng hoặc trường đại học.

Một số khác làm việc tại các bệnh viện hoặc phòng khám sức khỏe tâm thần, hợp tác cùng các bác sĩ, bác sĩ tâm thần và các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác.

Tâm lý học nhận thức (Cognitive Psychology)

Tâm lý học nhận thức tập trung vào các trạng thái tinh thần bên trong. Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1960, lĩnh vực này đã và đang tiếp tục phát triển, nghiên cứu một cách khoa học cách con người suy nghĩ, học tập và ghi nhớ.

Các nhà tâm lý học làm việc trong lĩnh vực này thường nghiên cứu những chủ đề như cảm tri (perception), động lực, cảm xúc, ngôn ngữ, học tập, trí nhớ, sự chú ý, ra quyết định và giải quyết vấn đề.

Các nhà tâm lý học nhận thức thường sử dụng mô hình xử lý thông tin để mô tả cách thức hoạt động của tâm trí, cho rằng não bộ lưu trữ và xử lý thông tin rất giống như máy tính.

Tâm lý học so sánh (Comparative Psychology)

Tâm lý học so sánh nghiên cứu hành vi của động vật. Việc này có thể dẫn đến sự hiểu biết sâu và rộng hơn về tâm lý con người.

Bắt nguồn từ nghiên cứu của các nhà khoa học như Charles Darwin và George Romanes, lĩnh vực này đã phát triển thành một chủ đề rất đa ngành, với đóng góp không chỉ từ các nhà tâm lý học mà còn cả các nhà sinh học, nhân chủng học, sinh thái học, di truyền học và các lĩnh vực khác.

Tâm lý học tư vấn (Counseling Psychology)

Tâm lý học tư vấn là một trong những phân ngành rộng nhất của tâm lý học, tập trung điều trị những bệnh nhân đang trải qua phiền muộn (distress) tâm lý và nhiều triệu chứng tâm lý khác.

Hiệp hội Tâm lý học tư vấn mô tả phân ngành này như một lĩnh vực có thể giúp một người cải thiện cách xử lý các mối quan hệ trong cuộc sống thông qua việc cải thiện sức khỏe xã hội và cảm xúc, cũng như giải quyết những mối lo về sức khỏe, công việc, gia đình, hôn nhân, v.v.

Tâm lý học đa văn hóa (Cross-Cultural Psychology)

Tâm lý học đa văn hóa xem xét cách các yếu tố về văn hóa tác động lên hành vi con người. Kể từ khi Hiệp hội Quốc tế về Tâm lý học Đa văn hóa (IACCP) được thành lập vào năm 1972, phân ngành này đã tiếp tục tục mở rộng và phát triển.

Càng ngày càng có nhiều nhà tâm lý học nghiên cách sự khác biệt về hành vi giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Tâm lý học phát triển (Developmental Psychology)

Tâm lý học phát triển tập trung nghiên cứu cách con người thay đổi và phát triển trong suốt cuộc đời. Nghiên cứu khoa học về sự phát triển của con người hướng đến việc tìm hiểu và lý giải cách thức và nguyên thân con người thay đổi theo thời gian. Các nhà tâm lý học phát triển thường nghiên cứu các chủ đề như tăng trưởng thể chất, phát triển trí tuệ, thay đổi cảm xúc, phát triển xã hội và thay đổi tri giác diễn ra qua các giai đoạn của cuộc đời.

Một số nhà tâm lý học phát triển chuyên về một lĩnh vực như sự phát triển của trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên, hoặc người già, trong khi những người khác có thể nghiên cứu về ảnh hưởng của sự chậm phát triển. Lĩnh vực này bao phủ các chủ đề trải rộng từ phát triển trước khi sinh cho đến bệnh Alzheimer.

Tâm lý giáo dục (Educational Psychology)

Tâm lý học giáo dục tập trung vào các trường học, tâm lý học giảng dạy, các vấn đề về giáo dục, quan tâm của học sinh. Các nhà tâm lý học giáo dục thường nghiên cứu cách học sinh học tập, hoặc trực tiếp làm việc với học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà quản lý nhằm cải thiện kết quả học tập.

Họ có thể nghiên cứu các biến khác nhau ảnh hưởng đến kết quả của từng học sinh như thế nào. Họ cũng nghiên cứu các chủ đề như khuyết tật về học tập, năng khiếu, quá trình sư phạm và sự cá biệt.

Tâm lý học thực nghiệm (Experimental Psychology)

Tâm lý học thực nghiệm sử dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu não bộ và hành vi. Nhiều phương pháp trong số đó cũng được ứng dụng trong các lĩnh vực khác của tâm lý học để nghiên cứu mọi chủ đề, từ sự phát triển thời thơ ấu đến các vấn đề xã hội.

Các nhà tâm lý học thực nghiệm làm việc trong nhiều môi trường khác nhau như các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, nhà nước, và các doanh nghiệp tư nhân. Các nhà tâm lý học thực nghiệm sử dụng phương pháp khoa học để nghiên cứu toàn bộ các hành vi và hiện tượng tâm lý của con người.

Phân ngành này thường được xem như một lĩnh vực con riêng biệt, nhưng trên thực tế các kỹ thuật và phương pháp thí nghiệm được sử dụng rộng rãi trong mọi phân ngành của tâm lý học. Một số phương pháp được sử dụng trong tâm lý học thực nghiệm bao gồm thí nghiệm, nghiên cứu tương quan, nghiên cứu điển hình và quan sát tự nhiên.

Tâm lý học pháp y (Forensic Psychology)

Tâm lý học pháp y là một lĩnh vực chuyên môn, giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý học và pháp luật. Những người làm việc trong lĩnh vực này áp dụng các nguyên tắc tâm lý học vào các vấn đề pháp lý. Điều này có thể bao gồm nghiên cứu hành vi tội phạm, chữa trị hoặc trực tiếp làm việc trong hệ thống tòa án.

Các nhà tâm lý học pháp y thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cung cấp lời khai trong các phiên tòa, đánh giá về trẻ em trong các trường hợp nghi ngờ lạm dụng trẻ em, chuẩn bị cho trẻ em để đưa ra lời khai, và đánh giá năng lực tâm thần của các nghi phạm.

Phân ngành này được định nghĩa như giao điểm giữa tâm lý học và luật pháp, nhưng do các nhà tâm lý học pháp y có thể thực hiện nhiều vai trò nên định nghĩa này có thể thay đổi. Trong nhiều trường hợp, những người làm việc trong lĩnh vực tâm lý học pháp y không nhất thiết phải là “nhà tâm lý học pháp y”. Họ có thể là nhà tâm lý học lâm sàng, tâm lý học trường học, nhà thần kinh học hoặc nhà tư vấn – những người dùng chuyên môn tâm lý của mình để cung cấp lời khai, phân tích hoặc khuyến nghị trong các vụ án pháp lý hoặc hình sự.

Tâm lý sức khỏe (Health Psychology)

Tâm lý học sức khỏe là một lĩnh vực chuyên môn tập trung vào cách sinh học, tâm lý học, hành vi và các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật. Các thuật ngữ khác đôi khi được sử dụng thay thế bao gồm tâm lý học y tế và y học hành vi. Phân ngành tập trung vào việc thúc đẩy sức khỏe cũng như phòng ngừa và điều trị bệnh tật.

Các nhà tâm lý học sức khỏe quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe trên nhiều khía cạnh.

Những chuyên gia này không chỉ thúc đẩy các hành vi lành mạnh, mà họ nghiên cứu cách phòng ngừa và điều trị bệnh tật. Các nhà tâm lý học sức khỏe thường giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe như quản lý cân nặng, cai thuốc lá, quản lý căng thẳng và dinh dưỡng.

Họ cũng có thể nghiên cứu cách mọi người đối phó với bệnh tật và giúp bệnh nhân tìm kiếm các chiến lược đối phó mới, hiệu quả hơn. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này giúp thiết kế các chương trình phòng ngừa và nâng cao nhận thức cộng đồng, trong khi những người khác làm việc trong các cơ quan nhà nước để cải thiện các chính sách chăm sóc sức khỏe.

Tâm lý học tổ chức-công nghiệp (Industry-Organizational Psychology)

Tâm lý học tổ chức-công nghiệp là một phân ngành áp dụng các nguyên tắc tâm lý học để nghiên cứu về các vấn đề tại nơi làm việc như năng suất và hành vi. Lĩnh vực này, thường được gọi là tâm lý học I/O (Industrial-Organizational – tổ chức-công nghiệp), hướng đến việc cải thiện năng suất và hiệu suất tại nơi làm việc, đồng thời tối đa hóa sự thỏa mãn (well-being) của nhân viên.

Nghiên cứu trong tâm lý học tổ chức-công nghiệp được gọi là nghiên cứu ứng dụng vì nó tìm cách giải quyết các vấn đề thực tế. Các nhà tâm lý học trong lĩnh vực này nghiên cứu các chủ đề như thái độ của người lao động, hành vi của nhân viên, các quá trình trong tổ chức, và khả năng lãnh đạo (leadership).

Một số nhà tâm lý học trong lĩnh vực này nghiên cứu về các vấn đề như yếu tố con người, công thái học và tương tác giữa con người với máy tính. Tâm lý học về yếu tố con người là một lĩnh vực liên ngành tập trung vào các chủ đề như lỗi của con người, thiết kế sản phẩm, công thái học, khả năng của con người và tương tác giữa con người với máy tính.

Những người nghiên cứu về yếu tố con người tập trung cải thiện cách con người tương tác với sản phẩm và máy móc cả ở trong và ngoài nơi làm việc. Họ có thể giúp thiết kế các sản phẩm nhằm giảm thiểu thương tích hoặc tạo ra nơi làm việc có thể nâng cao độ chính xác và an toàn.

Tâm lý học nhân cách (Personality Psychology)

Tâm lý học nhân cách tập trung vào việc nghiên cứu những mẫu kiểu tư duy (thought patterns), cảm giác, và hành vi cấu thành nên sự độc đáo của mỗi cá nhân. Các lý thuyết cổ điển về nhân cách bao gồm lý thuyết phân tâm học của Freud về nhân cách và lý thuyết về sự phát triển tâm lý xã hội của Erikson.

Các nhà tâm lý học nhân cách có thể nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau như di truyền, nuôi dạy con cái và trải nghiệm xã hội lên việc nhân cách phát triển và thay đổi như thế nào.

Tâm lý học học đường (School Psychology)

Tâm lý học học đường là một lĩnh vực liên quan đến việc giúp trẻ em giải quyết các vấn đề học tập, cảm xúc và xã hội trong trường học. Các chuyên gia tâm lý học học đường cũng hợp tác với giáo viên, học sinh và phụ huynh để giúp tạo ra một môi trường học tập lành mạnh.

Mặc dù hầu hết các nhà tâm lý học học đường làm việc trong các trường tiểu học và trung học, một số người cùng làm việc trong các phòng khám tư nhân, bệnh viện, cơ quan nhà nước và trường đại học. Một số hành nghề tư nhân và phục vụ với vai trò tư vấn, đặc biệt là những người có bằng tiến sĩ về tâm lý học học đường.

Tâm lý học xã hội (Social Psychology)

Tâm lý học xã hội tìm cách lý giải và hiểu về hành vi xã hội; xem xét các chủ đề đa dạng bao gồm hành vi nhóm, tương tác xã hội, lãnh đạo, giao tiếp phi ngôn ngữ và ảnh hưởng xã hội đến việc ra quyết định.

Phân ngành này tập trung vào việc nghiên cứu các chủ đề như hành vi nhóm, cảm tri (perception) xã hội, hành vi phi ngôn ngữ, tính thích ứng, gây hấn và định kiến. Mối quan tâm chính trong tâm lý học xã hội là ảnh hưởng của xã hội lên hành vi, nhưng các nhà tâm lý học xã hội cũng tập trung vào cách con người cảm tri và tương tác với những người khác.

Tâm lý học thể thao (Sports Psychology)

Tâm lý học thể thao nghiên cứu về cách tâm lý ảnh hưởng đến thể thao, thành tích và tập luyện thể thao, cũng như hoạt động thể chất. Một số nhà tâm lý học thể thao làm việc với các vận động viên và huấn luyện viên chuyên nghiệp để cải thiện thành tích và tăng động lực. Những người khác ứng dụng việc tập thể dục và thể thao để nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của con người xuyên suốt cuộc đời.

Ghi chú của Verywell

Tâm lý học luôn phát triển, các lĩnh vực và phân ngành mới vẫn tiếp tục xuất hiện. Điều cần nhớ là không có nhánh tâm lý học nào quan trọng hơn hoặc tốt hơn nhánh nào. Mỗi lĩnh vực đều đóng góp vào sự hiểu biết của chúng ta về những yếu tố tâm lý có ảnh hưởng đến con người của bạn, cách bạn cư xử và cách bạn suy nghĩ.

Bằng cách tiến hành nghiên cứu và phát triển những ứng dụng mới của kiến thức tâm lý, các chuyên gia làm việc trong mọi phân ngành của tâm lý học có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về bản thân, đối mặt với những vấn đề mà họ gặp phải và sống tốt hơn.

Quỳnh Anh dịch, DatPP hiệu đính.Bài gốc: The Major Branches of Psychology (Verywell mind).

Xem thêm:Các hướng nghiên cứu của tâm lý học hiện đại

Share this:

  • Tweet

Like this:

Like Loading...

Từ khóa » Blogger Tâm Lý Học Là Gì