Những Rủi Ro Và Lợi ích Khi Một Quốc Gia Vỡ Nợ - VietnamBiz

Chuyện gì xảy ra khi một quốc gia vỡ nợ? - Ảnh 1.

Tiền giấy của Argentina. Ảnh: Reuters.

Vỡ nợ quốc gia là gì?

Theo cách hiểu đơn giản nhất, một quốc gia vỡ nợ khi chính phủ không thể thanh toán tiền gốc hoặc tiền lãi của các khoản vay. Một quốc gia cũng có thể được coi là vỡ nợ trong trường hợp phải thảo luận lại các điều kiện của khoản vay.

Ví dụ, khi một quốc gia phải gia hạn thời gian đáo hạn của trái phiếu và trả lãi suất cao hơn so với ban đầu thì cũng được coi là vỡ nợ, vì các điều khoản được điều chỉnh theo hướng bất lợi hơn trước.

Thông thường, khi một quốc gia vỡ nợ, bộ trưởng tài chính của nước đó sẽ tuyên bố họ không có tiền để trả lại các chủ nợ.

Các quốc gia vỡ nợ nhiều lần nhất

Theo Investopedia, các nước Mỹ Latinh là những quốc gia dẫn đầu về số lần vỡ nợ. Trong thời hiện đại, Venezuela đã vỡ nợ 11 lần và Ecuador là 10 lần.

Dù là một trong những quốc gia mới nổi tăng trưởng nhanh nhất, Brazil cũng đã vỡ nợ 9 lần. Costa Rica và Uruguay đã 9 lần lỗi hẹn với các nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 200 năm qua. Argentina cũng có mặt trong danh sách này, với tổng cộng 9 lần vỡ nợ.

Vụ vỡ nợ đình đám nhất

Vụ vỡ nợ có qui mô lớn nhất thuộc về một quốc gia châu Âu – Hy Lạp. Dù có sự hỗ trợ tài chính từ cả Liên minh châu Âu và IMF, Hy Lạp vẫn rơi vào cảnh vỡ nợ vào năm 2012. Tổng số tiền Hy Lạp không trả được lên đến 261 tỉ USD.

Theo sau là vụ vỡ nợ của Argentina năm 2001, với qui mô 82 tỉ USD.

Hậu quả khi một quốc gia vỡ nợ

Tuyên bố vỡ nợ có ảnh hưởng rất xấu đến danh tiếng của một quốc gia. Trong tương lai, một quốc gia từng vỡ nợ sẽ phải trả lãi suất cao hơn nhiều khi đi vay. Để cứu vãn danh tiếng của mình, thông thường các quốc gia sẽ cố gắng tái cấu trúc các khoản nợ thay vì thẳng thừng từ chối chi trả.

Tái cấu trúc nợ vay có thể được thực hiện bằng cách giảm tiền lãi, tiền nợ gốc hoặc gia hạn thời gian trả nợ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các chủ nợ vẫn phải chịu thiệt hại. Theo ước tính, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu chính phủ Argentina đã phải chịu lỗ đến 50% khi nước này vỡ nợ năm 2001.

Để trừng phạt quốc gia vỡ nợ, thị trường vốn sẽ áp đặt mức lãi suất cao ngất, hoặc hoàn toàn từ chối cho vay. Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng tín dụng chắc chắn sẽ cảnh báo nhà đầu tư không nên rót tiền vào một quốc gia vỡ nợ.

Không chỉ với các chủ nợ, chính bản quốc gia vỡ nợ cũng phải chịu tác động rất lớn. Dự đoán giá trị đồng nội tệ sẽ lao dốc, người dân và các nhà đầu tư sẽ vội vã đổ xô đi rút tiền ở ngân hàng và chuyển ra nước ngoài.

Để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt, chính phủ có thể sẽ đóng cửa ngân hàng và thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn. Những người để dành tiền tích cóp cả đời trong ngân hàng bỗng chốc trắng tay. Phẫn nộ và lo lắng, người dân có thể xuống đường biểu tình, gây bất ổn xã hội.

Lợi ích khi tuyên bố vỡ nợ

Lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất là chính phủ tránh được việc phải hoàn trả khoản nợ khổng lồ. Các chủ nợ sẽ rất khó đòi một quốc gia trả lại tiền cho họ.

Việc tịch thu tài sản của một quốc gia khó hơn nhiều tịch thu tài sản của một doanh nghiệp hay một cá nhân phá sản. Chủ nợ có thể kiện ra tòa án, nhưng kể cả nếu được xử thắng thì cũng gần như không thể ép buộc một quốc gia trả nợ.

Ví dụ, Argentina đã thua kiện hơn 100 lần, nhưng vẫn từ chối trả các khoản tiền còn thiếu hồi năm 2001.

Ngoài ra, quốc gia vỡ nợ cũng không bị cấm cửa hoàn toàn khỏi thị trường tài chính. Dù có thể sẽ gặp khó khăn trong một thời gian, nhưng các nhà đầu tư thích rủi ro sẽ lại tiếp tục cho quốc gia vỡ nợ vay nếu được hứa hẹn lợi suất xứng đáng.

Vỡ nợ có thể khiến đồng nội tệ của một quốc gia bị phá giá. Các nhà xuất khẩu được hưởng lợi nhờ giá hàng hóa rẻ đi, làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các nhà cung cấp dịch vụ trong nước cũng có thể tận dụng được cơ hội nhờ vào lượng khách du lịch gia tăng.

Từ khóa » Hậu Quả Vỡ Nợ Quốc Gia