Sri Lanka Vỡ Nợ: Chỉ Báo đối Với Các Nền Kinh Tế đang Phát Triển
Có thể bạn quan tâm
Tình hình của Sri Lanka cho đến nay là duy nhất trong tất cả các cuộc khủng hoảng nợ - cụ thể ở đây liên quan đến một chính phủ không được lòng dân do một gia đình toàn quyền điều hành, hậu quả của cuộc nội chiến kéo dài 30 năm và các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố chưa được giải quyết. Nhưng câu chuyện của hòn đảo này đang bắt đầu được coi là chỉ báo cho các thị trường mới nổi, nơi tình trạng thiếu hụt trầm trọng hơn do lạm phát, bao gồm cả chi phí thực phẩm cao kỷ lục trên toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế của quốc gia.
“Việc Sri Lanka vỡ nợ là một dấu hiệu đáng ngại đối với các thị trường mới nổi,” Guido Chamorro, đồng giám đốc phụ trách nợ bằng ngoại tệ của thị trường mới nổi tại Pictet Asset Management, công ty nắm giữ trái phiếu Sri Lanka, cho biết. “Tăng trưởng chậm lại và các điều kiện tài trợ khó khăn hơn sẽ làm tăng rủi ro vỡ nợ, đặc biệt là đối với các nền kinh tế cận biên ".
Sri Lanka, nền kinh tế có quy mô 81 tỷ đô la nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam của Ấn Độ Dương, đã sa lầy vào tình trạng hỗn loạn trong nhiều tuần do lạm phát tính theo năm ở mức 30%, đồng tiền giảm mạnh và cuộc khủng hoảng kinh tế khiến quốc gia này thiếu ngoại tệ mạnh để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu. Sự tức giận về tình hình - do nhiều năm vay nợ quá mức để tài trợ cho các công ty nhà nước đang phình to và các khoản phúc lợi xã hội hào phóng - đã bùng lên thành các cuộc biểu tình bạo lực.
Các vụ đốt phá và đụng độ trên diện rộng đã được báo cáo từ một số địa phương trong khi nhà cửa và tài sản của một số nhà lập pháp chính phủ bị thiêu rụi. Ít nhất 9 người, bao gồm một thành viên Quốc hội, đã thiệt mạng trong vụ bạo động.
Trái phiếu bằng đồng đô la của quốc gia này nằm trong số những trái phiếu hoạt động kém nhất trên thế giới trong năm nay, chỉ sau trái phiếu của Ukraine, Belarus và trái phiếu phát hành bằng đồng Bitcoin của El Salvador. Ngày 18/4, Chính phủ Sri Lanka đã thất bại trong việc thanh toán 78 triệu đô la lãi trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2028, khiến S&P Global Ratings tuyên bố vỡ nợ có chọn lọc. Fitch Ratings và Moody’s Investors Service vẫn chưa tuyên bố chính thức vỡ nợ, mặc dù đã đưa ra các cảnh báo.
Sau khi thời gian ân hạn đối với các khoản thanh toán đó kết thúc vào ngày 18/5, các cuộc đàm phán với các chủ nợ có thể bắt đầu một cách nghiêm túc, một quá trình sẽ là chìa khóa để giành được viện trợ từ IMF. Trước đó, nước này cho biết họ cần từ 3 đến 4 tỷ USD trong năm nay để thoát khỏi khủng hoảng.
Nhưng để hoàn thành một thỏa thuận nhanh chóng sẽ không dễ dàng như vậy. Trong khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã kêu gọi một trong những đối thủ chính trị của mình lên làm Thủ tướng sau khi anh trai ông, Mahinda Rajapaksa từ chức, tình trạng bất ổn vẫn kéo dài. Sự chia rẽ vẫn sâu sắc sau cuộc nội chiến kéo dài 30 năm (kết thúc vào năm 2009) và Thống đốc Ngân hàng trung ương đã đe dọa sẽ từ chức nếu ổn định chính trị không sớm trở lại.
Các vấn đề của Sri Lanka là một sự cảnh báo cho các thị trường mới nổi khác, nơi gánh nặng nợ nần đang hội tụ với các vấn đề kinh tế và bất ổn xã hội. Thách thức càng trở nên khó khăn hơn khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất trong nỗ lực dập tắt lạm phát, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn.
Trang Nguyen, Giám đốc điều hành chiến lược thị trường mới nổi tại JPMorgan Chase & Co. nói: “Giờ đây họ buộc phải đối mặt với gánh nặng nợ nần trong bối cảnh điều kiện tài chính ngày càng thắt chặt”.
Ít nhất 14 nền kinh tế đang phát triển được theo dõi trong thước đo của Bloomberg có lợi suất nợ vượt hơn 1.000 điểm cơ bản so với trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, một ngưỡng đối với trái phiếu được coi là rủi ro vỡ nợ.
Áp lực gia tăng của việc tăng giá lương thực và năng lượng đã bắt đầu nổi lên ở các quốc gia khác, bao gồm Ai Cập, Tunisia và Peru. Nó có nguy cơ biến thành một khoản nợ lớn hơn và một mối đe dọa khác đối với sự phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới sau đại dịch. Tháng trước, Bloomberg Economics cho biết, Pakistan, Ethiopia và Ghana cũng có nguy cơ là những trường hợp tiếp theo
Brendan McKenna, chiến lược gia tại Wells Fargo ở New York, cho biết: “Sri Lanka có thể là sự khởi đầu xu hướng trên khắp các thị trường cận biên và mới nổi, nơi các chính phủ đang trải qua khủng hoảng nợ - và có thể vỡ nợ, không thể thanh toán nghĩa vụ nợ”. “Khi lãi suất tăng cao hơn, các quốc gia có các nền tảng cơ bản yếu, với các khoản nợ bằng đồng đô la có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu.”
(Theo Times)
Từ khóa » Hậu Quả Vỡ Nợ Quốc Gia
-
Điều Gì Xảy Ra Khi Một đất Nước Vỡ Nợ? - VnExpress
-
Chuyện Gì Xảy Ra Khi Một Quốc Gia Vỡ Nợ?
-
điều Gì Xảy Ra Khi Quốc Gia Vỡ Nợ? - Facebook
-
Nguy Cơ Vỡ Nợ đe Dọa Nhiều Nước đang Phát Triển
-
Những Rủi Ro Và Lợi ích Khi Một Quốc Gia Vỡ Nợ - VietnamBiz
-
Chuyện Gì Xảy Ra Khi Sri Lanka Vỡ Nợ? - Zing
-
Những ảnh Hưởng Khi Nga Rơi Vào Tình Trạng Vỡ Nợ
-
Vỡ Nợ Là Gì? Chuyện Gì Sẽ Xảy Ra Khi Người Vay Hay Quốc Gia Vỡ Nợ
-
[PDF] Khủng Hoảng Nợ ở Các Nước đang Phát Triển
-
6 Quốc Gia Vỡ Nợ, 1/3 Các Nền Kinh Tế Mới Nổi điêu đứng Và Các Xu ...
-
Về Chuyện Chính Phủ Mỹ đóng Cửa, đe Dọa Vỡ Nợ
-
"Vỡ Nợ" Nước Ngoài Có ý Nghĩa Gì Với Nga Và Phương Tây?
-
Tin Kinh Tế - Tài Chính Quốc Tế Ngày 15/10/2020 15/10/2020 17:03:00
-
Nga Sắp Vỡ Nợ Khi Hết Hạn Thanh Toán Lãi Vay - BBC News Tiếng Việt