|
Trải qua hai năm đại dịch COVID-19, báo giấy dù vẫn phát hành nhưng không còn thu hút độc giả như trước. Hình ảnh người dân cầm tờ báo để đọc cũng ngày càng ít đi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Hằng ngày, cứ vào khoảng 4 giờ 30, trên vỉa hè con phố Đinh Lễ (Quận Hoàn Kiếm) lại rộn ràng cảnh hàng chục người phân loại, giao báo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Những người tham gia công việc này chủ yếu đã lớn tuổi, về hưu. Nhiều người cho biết công việc thu nhập cũng chẳng bao nhiêu nhưng chủ yếu vì thói quen và niềm vui được gặp gỡ nhau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Là một trong những người đã gắn bó lâu năm với nghề phân loại và đưa báo, ông Thuần cho biết đã bắt đầu công việc này từ năm 1996 cho đến nay đã hơn 26 năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Ông Thuần cho hay trước đây báo giấy phát hành với số lượng rất lớn, ông cùng các đồng nghiệp rất vất vả để phân loại và giao báo. Nhưng đến giờ số lượng xuất bản giảm mạnh, báo giấy chủ yếu phục vụ các cơ quan, đoàn thể và những cá nhân đặt báo hàng ngày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
'Công việc hàng ngày của tôi bắt đầu từ 4 giờ đến 8 giờ sáng. Sau khi phân loại tôi sẽ đi giao báo hàng chục cây số xung quanh Hà Nội. Công việc tuy vất vả nhưng vui lắm,' ông Thuần chia sẻ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Khu phố Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ được coi là 'chợ báo' ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Những người phân loại báo tại đây cho biết hầu hết chủ sạp báo đều gặp khó khăn khi người dân chuyển qua đọc báo mạng. 'Trước đây, tôi giao 4-5 ngàn tờ báo mỗi ngày, bây giờ chỉ còn 1 ngàn tờ. Lượng người ngồi đây phân phối báo cũng đã giảm đi một nửa.' (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Sau khi sắp xếp, phân loại, báo giấy sẽ tỏa đi khắp ngõ ngách của Thủ đô để có thể đến tay người đọc trước 7 giờ sáng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Chị Nguyễn Thị Phương Oanh, chủ sạp báo duy nhất trên phố Phan Huy Chú cho biết những năm gần đây số lượng người mua báo giấy càng lúc càng ít đi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Chị Oanh chỉ duy trì bán như một nét văn hóa cho khách quen chứ để sống bằng sạp báo này rất khó. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Ông Trần Minh Thư (85 tuổi) cho biết đến giờ vẫn lựa chọn báo giấy thay vì đọc báo điện tử do thói quen. Hàng ngày ông vẫn đạp xe đi mua báo rồi kiếm một quán cà phê để vừa thưởng thức vừa nghiền ngẫm tờ báo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, nhu cầu mua báo giấy ngày càng giảm. Những sạp báo in trên vỉa hè Hà Nội ngày một thưa thớt dần. Chính vì thế tìm kiếm được một sạp báo hay một người đọc báo không hề dễ dàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
|
Sạp báo của chị Đàm Thị Hòa trên đường Phan Đình Phùng cũng không nằm ngoài vòng xoáy của phát triển công nghệ. Sạp báo nhỏ bên cạnh quán nước của chị trong vài năm trở lại đây chỉ bán 'cầm hơi.' (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
|
Khách hàng lui tới những sạp báo chủ yếu của chị là những người ngoài 50 tuổi và hầu hết là khách quen, lượng mua giảm nhiều nên mỗi ngày những sạp báo nhỏ như của chị Hòa chỉ dám nhập về 30 tờ một ngày. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
|
Cũng như chị Hòa, anh Đặng Hữu Phán vẫn duy trì sạp báo của mình đã hơn 30 năm nay nhưng lượng báo bán ra mỗi ngày khoảng 100 tờ. Những khách hàng lui tới chủ yếu là các cụ già trong phố cổ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
|
Không ai dám khẳng định nhiều năm nữa liệu các sạp báo có còn tồn tại hay không. Nhưng với nhiều người dân Thủ đô, hình ảnh các sạp báo nhỏ bên vỉa hè đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa hay hồi ức về Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Link bài gốc:
https://www.vietnamplus.vn/photo-nhung-sap-bao-via-he-hiem-hoi-con-sot-lai-cua-thu-do/799853.vnp
Theo Minh Sơn - Hoài Nam/Thông Tấn xã Việt Nam