Sạp Báo Thời 4.0 - Công Luận

Một ngày tháng 6, chúng tôi dạo quanh nhiều con phố tại Hà Nội nhưng không thể  tìm được một sạp bán báo nào. Chúng tôi dùng cả google map và các trang web chuyên cung cấp địa chỉ để tìm sạp báo nhưng những ứng dụng tiên tiến này không hề có thông tin mà chúng tôi cần. Dường như, công nghệ 4.0 đã “quay lưng” với các sạp báo.

Từng kiếm sống bằng nghề bán báo nhưng giờ đây, chủ sạp báo trên phố Vương Thừa Vũ thu nhập chính bằng việc bán đồ chơi.

Từng kiếm sống bằng nghề bán báo nhưng giờ đây, chủ sạp báo trên phố Vương Thừa Vũ thu nhập chính bằng việc bán đồ chơi.

Không tìm được sự trợ giúp từ công nghệ, chúng tôi tìm lên hồ Hoàn Kiếm và bắt gặp gần chục cụ ông đang ngồi đọc báo. Dù đều đã trên 70 tuổi, nhưng các ông ngày nào cũng hẹn nhau ra đây tập thể dục và đọc báo. Theo ông Nguyễn Trâm (Khu tập thể Bộ Giáo dục, Hoàn Kiếm, Hà Nội), các ông không chỉ đọc để biết được tình hình tin tức tại Hà Nội và cả nước, mà còn học hỏi các câu chuyện, kinh nghiệm để về dạy dỗ các con, các cháu. “Sáng sớm đi tập thể dục, gặp anh em ngồi với nhau thì tôi thường đi mua tờ báo về xem bài nào hay nhất thì tôi sao ra, chúng tôi có 10 anh em thì tôi sao ra 10 tờ chia cho mọi người” - ông Trâm nói.

Sạp báo trên phố Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sạp báo trên phố Phan Huy Chú, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nhờ những độc giả lâu năm của báo giấy, chúng tôi mới biết, giờ muốn mua lẻ một tờ báo in ở khu vực trung tâm, ta chỉ có thể tìm đến vài nơi như: số 71 phố Hàng Trống, Bưu cục Tràng Tiền và sạp báo trên phố Phan Huy Chú gần Thông tấn xã Việt Nam. Và có những nơi cũng không thực sự còn là sạp báo nữa, bởi để tồn tại, các chủ sạp phải treo biển chính là bán sim, thẻ điện thoại, sách, đồ tạp hóa…

Tìm đến sạp báo Hà Oanh trên đường Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dù là buổi sáng nhưng sạp báo có rất ít người mua. Mãi đến gần trưa, người dân mới tìm đến mua báo nhiều hơn nhưng cũng chỉ lác đác vài người. Tại đây, độc giả chủ yếu mua các báo: Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong… Theo chủ sạp, tình trạng sụt giảm này đã diễn ra từ lâu và ngày càng trầm trọng hơn. Cách đây 8 - 10 năm, khách mua báo phải xếp hàng từ trong ra ngoài cửa hàng nhưng hiện tại, đây chủ yếu là nơi giới thiệu sản phẩm báo chí tới người đọc.

Hình ảnh các cô cậu học sinh chờ mua tờ Hoa Học Trò và Mực Tím mỗi sáng thứ 2 đã trở thành ký ức không thể quên đối với nhiều người và cả ông Bùi Văn Quyết, chủ sạp báo trên đường Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Dù gia đình đã gắn bó với công việc bán báo hơn 20 năm qua nhưng ông quyết định sẽ nghỉ bán vì quá ế ẩm. “Bây giờ người ta đọc báo mạng nhiều, không ai đọc báo giấy nữa. Tôi chuyển sang bán đồ chơi, hàng tạp hóa. Trước đây phố này có 3 sạp. Nhưng họ nghỉ lâu lắm rồi, còn mình nhà tôi bán lâu nhất ở đây. Nhưng giờ cũng nghỉ thôi” – ông Vũ nói.

Quầy bán báo cuối cùng trên phố Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Quầy bán báo cuối cùng trên phố Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nếu trước đây, nhiều sạp báo phải thuê người bán vì quá đông khách thì hiện tại, những chồng báo xếp từ sáng đến trưa không có người mua. Một số sạp vẫn có nhiều đầu báo được trưng bày, song chủ yếu là báo của các toà soạn cho người mang đến kí gửi, không bán được thì ngày hôm sau sẽ có người đến lấy về.

Chia sẻ về niềm tiếc nuối một thời hoàng kim của báo giấy, ông chủ sạp báo trên phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bán báo từng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông nhưng giờ ông bán sách là chủ yếu. Có thời tờ An ninh Thế giới ra 2 số 1 tuần thì ông phải bán được 200 tờ nhưng giờ thì 5 tờ bán không hết và chủ yếu là phục vụ khách quen. “Thời tôi mới bán hơn 10 năm về trước, ở đây có 4 – 5 sạp báo, giờ họ nghỉ hết rồi, thời đấy báo là nguồn thu rất tốt. Trước có cậu Hùng đưa báo, giờ cậu ấy bỏ rồi lại chuyển sang người khác. Người đưa báo mới này lúc đưa lúc không vì họ cũng chán. Đến thời điểm phải chấp nhận dừng bán thôi, xu hướng bây giờ là thế” – ông chủ sạp báo cuối cùng trên phố Tạ Quang Bửu nói.

Khi thành lập vào năm 2009, Hội Phát hành Báo chí Việt Nam đã thống kê, riêng Hà Nội có 60 đại lý và khoảng 700 sạp bán báo. Nhưng đến năm 2017, cả Thủ đô chỉ còn khoảng 60 sạp, tập trung chủ yếu ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân và Ba Đình, các quận xa trung tâm thì gần như không có. Đến thời điểm hiện tại, tình hình chắc chắn còn thê thảm hơn.

Để tự cứu lấy tờ báo giấy của mình, thay vì bán báo theo cách truyền thống, nhiều tòa soạn đã chọn cách xây dựng các “sạp báo điện tử” bằng việc đưa vào sử dụng các trang web chỉ dành để đặt báo. Việc này được báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ áp dụng từ sớm và đã thu được những kết quả nhất định. Ngoài ra, một số tòa soạn đã đưa báo của họ vào trong một số siêu thị để bạn đọc dễ dàng tiếp cận hơn.

Việc thay đổi thói quen đọc tin tức của độc giả đã khiến các sạp báo ngày càng vắng bóng.

Việc thay đổi thói quen đọc tin tức của độc giả đã khiến các sạp báo ngày càng vắng bóng.

Hay như báo Hoa Học Trò còn bán báo của họ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến hiện nay. Nhờ nền tảng kỹ thuật tốt cộng với các hình thức giảm giá, bán báo theo bộ sản phẩm và miễn phí giao hàng tận nơi, giờ đây độc giả không phải đến tận sạp mà vẫn mua được tờ báo Hoa Học Trò.

Dù những thay đổi của thời đại công nghệ 4.0 đang đi sâu vào đời sống của chúng ta, khi mà cách tiếp cận tin tức của độc giả đã thay đổi, dù báo giấy chỉ còn trong lòng các độc giả trung thành, dù sạp báo giấy dần vắng bóng và trở thành ký ức của người dân Hà Nội thì tình yêu của độc giả dành cho báo giấy vẫn mãi không đổi thay.

Nguyễn Mạnh – Phú Thắng – Đình Tâm

Từ khóa » Các Sạp Báo ở Hà Nội