Những “sát Ngư” Trên Dòng Sêrêpốk - Tiền Phong

Lênh đênh nghề sông nước

Chúng tôi tìm gặp anh Hà Văn Cảnh (37 tuổi - ngụ tại thôn Phú Sơn) trong buổi chiều ngày mưa. Anh Cảnh vội vã ăn chén cơm chiều để xuống sông kiểm tra mồi câu cá lăng. Dụng cụ chuẩn bị rất đơn giản, khoảng vài mét dây cước, lưỡi câu, tấm lưới nhỏ, mồi câu rồi cho gọn vào túi nilon nhỏ chuẩn bị lên đường.

Chiếc xe máy cà tàng của anh băng qua con đường hai bên là đá tảng dựng đứng, lội qua những con suối mới đến được “đại bản doanh” tập kết. Ngay bờ sông, có hàng chục chiếc thuyền nhỏ đủ sức chở 2 người ngồi đang neo chặt bên bờ chờ ngư phủ. Dừng chân lấy sức, anh Cảnh lên thuyền gỗ… buông chèo ra giữa sông Sêrêpốk.

“Nghề sông nước cũng khá nhàn hạ, cứ mang câu, mồi câu ra sông từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau ra bắt cá đem bán, rồi về nhà làm việc khác. Vào mùa này, khi thủy điện xả nước sẽ xuất hiện những con cá có trọng lượng từ 25 đến gần 50 kg.

Anh Cảnh cho biết

Mặt trời trên đỉnh đồi, ánh nắng chiếu thẳng xuống mặt nước soi bóng từng bước di chuyển của ngư phủ. Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, anh Cảnh tâm sự về cơ duyên theo sông nước của mình. “Tôi bắt đầu theo nghề câu cá lăng từ lúc 19 tuổi. Gia đình tôi có rất nhiều người làm nghề này. Khi học xong bậc THPT, tôi chỉ muốn có vài sào rẫy để trồng tiêu, cà phê. Nhưng đất đai ở đây chủ yếu là đá tảng, nên trồng cây gì cũng khó. Trong một lần, chú ruột nhờ ra sông vớt cá thấy nghề câu cá lăng vừa có thu nhập lớn, lại khá nhàn hạ nên tôi quyết đi theo nghề này” - anh Cảnh chia sẻ.

Cho thuyền lướt nhẹ trên sông để kiểm tra các vị trí gắn lưỡi câu, anh Cảnh tiếp tục câu chuyện. “Mùa bắt cá lăng chỉ diễn ra từ tháng 11 đến hết tháng 6 của năm kế tiếp. “Kiếm ăn” nhiều nhất vào thời điểm đầu mùa mưa. Do vậy, thời điểm này tại thôn Phú Sơn có hàng chục ngư phủ tranh thủ xuống sông bắt cá.

Công việc đầu tiên là chuẩn bị một sợi dây cước (phi 4) dài bằng bề ngang lòng sông (khoảng trên 300 mét). Trên sông, các vị trí câu của từng hộ cũng được phân định rõ ràng, có khoảng cách, để không phải “đụng hàng”. Sau đó, cứ 10 mét sẽ gắn một lưỡi câu bằng thép chịu lực. Ở miền Bắc có nơi gọi là câu vằng. Mỗi lưỡi câu đó có gắn một chiếc “phao” làm bằng chai nhựa. Chiếc phao này, sẽ báo hiệu cho người câu biết mỗi khi cá lăng dính mồi” - anh Cảnh cho biết.

Những “sát ngư” trên dòng Sêrêpốk ảnh 1

Sông Sêrêpốk có rất nhiều cá lăng “khủng” sinh sống.

Mặt trời bắt đầu dần khuất sau rặng núi, gió thổi tứ bề mỗi lúc một mạnh, nhưng mặt hồ vẫn yên tĩnh đến lạ thường. Đây là thời điểm khó khăn cho việc kiểm tra các vị trí câu, do gió đẩy thuyền trôi nhanh hơn, khó kiểm soát hơn. Theo các tay câu lão luyện, muốn “chinh phục” được cá lăng khủng, quan trọng nhất nằm ở khâu chuẩn bị mồi câu.

“Do lòng sông rộng, việc đặt vị trí “mời” được cá lăng đến ăn mồi rất “hên xui”. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu chuẩn bị mồi câu. Cá lăng thường ăn mồi cá mè dinh (to bằng ngón tay cái) và sâu đất. Khi khai mồi vào lưỡi câu, cá mè phải còn sống, mới “dụ” được cá lăng ăn. Nếu con mồi chết trắng bụng, có để cả tuần chẳng con nào đến. Vì thế, ngày nào chúng tôi cũng phải ra chợ mua mồi tươi, ra vườn đào những con sâu đất còn sống để làm thức ăn ngon lành cho cá lăng” - anh Cảnh cho biết.

Dòng sông Sêrêpốk vào đầu mùa mưa khá tĩnh lặng. Dòng nước dâng lên ở mức vừa phải. Đang dang dở câu chuyện với anh Cảnh, ngư phủ Trần Hùng Mạnh (35 tuổi) xuất hiện, cho thuyền tiếp cận vị trí để kiểm tra. Anh Hùng theo nghề câu cá lăng được gần 15 năm nay. Anh giải thích, sở dĩ theo nghề này là thu nhập cao, có thể nuôi sống cả gia đình.

“Nghề sông nước cũng khá nhàn hạ, cứ mang câu, mồi câu ra sông từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau ra bắt cá đem bán, rồi về nhà làm việc khác. Vào mùa này, khi thuỷ điện xả nước sẽ xuất hiện những con cá có trọng lượng từ 25 đến gần 50 kg. Hộ nào câu được cá lăng lớn, anh em phải huy động thuyền, lưới đến để hỗ trợ. Còn nhớ, cách đây 2 năm về trước, anh Cảnh câu được con cá nặng trên 40 kg, chúng tôi phải dìu mãi, mới đưa được cá lên bờ. Do trọng lượng cá khủng, tôi phải đưa thuyền ra hỗ trợ. Nhưng sáng hôm ấy, bỗng nhiên gió lớn làm thuyền lật úp. May mắn, chúng tôi ai cũng biết bơi nên không hề hấn gì. Đó là con cá lớn nhất trong cuộc đời đi câu mà anh Cảnh từng câu được” - anh Hùng kể.

Mặt trời dần khuất sau rặng đồi. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng các vị trí gắn lưỡi câu, anh Cảnh và những ngư phủ khác trở về nhà nghỉ ngơi. “Hôm nay kiểm tra các vị trí câu, thấy mồi cá mè và sâu đất vẫn còn sống. Mặt sông yên lặng, tĩnh mịch, ngày mai ắt hẳn có cá to cắn câu.

Nghề câu này là vậy đó, chiều ra kiểm tra các vị trí câu khoảng 1 tiếng; sáng hôm sau thức dậy sớm, chúng tôi cho thuyền đi kiểm tra lại cũng hết chừng thời gian đó. Nếu bắt được cá lớn, thời gian kéo dài khoảng trên 2 tiếng. Vật lộn với cá dù nguy hiểm, nhưng có thu nhập là động lực khiến anh em chúng tôi theo bám nghề này từ nhiều năm nay” - anh Cảnh tâm sự.

Nguy cơ “mất nòi”

Ngư phủ Hà Thanh Diêm (62 tuổi - chú ruột anh Cảnh) nổi tiếng trong thôn Phú Sơn, bởi ông được xem là một trong những người tiên phong nghề câu cá lăng. Do tuổi tác khá cao, nay ông ít ra sông hơn. Trong căn nhà nhỏ, ông Diêm cho biết, tổ tiên ông có 5 đời theo nghề câu cá lăng, và ông đang truyền lại cho khá nhiều thanh niên trai tráng trong thôn.

“Gia đình tôi quê gốc ở Thanh Hóa, vào đây sinh sống và lập nghiệp từ năm 1992. Cả dòng tộc tôi theo nghề câu cá lăng do bố truyền lại. Vào xã Cư Pô sinh sống, gần sông Sêrêpốk có nhiều cá lăng, nên tôi làm nghề bắt cá để nuôi sống gia đình. Ngày xưa, giá bán cá lăng bèo, không đủ sống. Nay nhờ dòng sông Sêrêpốk mà tôi xây được cửa nhà khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn, mua sắm nương rẫy” - ông Diêm cho biết.

Những “sát ngư” trên dòng Sêrêpốk ảnh 2

Cá lăng có trọng lượng gần 50 kg đem bán cho nhà hàng.

Theo một số nhà hàng ở thành phố Buôn Ma Thuột, thịt cá lăng nhiều chất dinh dưỡng nên được khách hàng rất ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lan, chủ nhà hàng Mỹ Lan ở xã Hoà Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, có những khi gia đình bà mua được những con cá lăng có trọng lượng gần 50 kg. Sau đó xẻ thịt đem bán với giá cao. Đây là một trong những nơi tiêu thụ cá lăng cho những ngư phủ ở thôn Phú Sơn, và nhiều địa bàn khác.

“Cá lăng không đủ cung ứng theo nhu cầu của người tiêu dùng. Thị trường khi nào cũng “cháy” hàng. Nếu trúng cá lớn, có tháng thu nhập gần 40 triệu là chuyện bình thường. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, kèm với việc nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến lượng cá câu được ít hơn so với những năm trước. Chúng tôi chỉ săn cá bằng việc đặt lưới và câu mà không dùng dụng cụ kích nổ hay rà điện” - ông Diêm bày tỏ.

Ông Hà Quang Âm, trưởng thôn Phú Sơn cho biết, ở thôn này có khoảng gần 30 người theo nghề câu cá lăng, thu nhập khá ổn định. “Người dân ở thôn Phú Sơn theo nghề câu cá lăng trên sông Sêrêpốk hàng chục năm nay. Ban đầu chỉ có một số hộ di nhập cư từ Thanh Hoá đi câu, thấy thu nhập cao, nhiều hộ đi theo nghề này và giàu lên nhanh chóng. Hiện nay, không biết nguồn thải bẩn từ đâu, cứ mỗi lần thuỷ điện xả nước, cá chết hàng loạt trôi dạt ven bờ sông, khiến nghề câu cá lăng hoang mang, bất ổn… ” - ông Âm cho biết.

Vũ Long

Từ khóa » Câu Cá Trên Sông Sê Rê Pốc