Những Thành Kiến Quy Chụp

“Điều tệ nhất rằng, bạn không hề hay biết. Bạn không thể đoán được rằng người đang ở ngay cạnh mình đang mang một trái tim tan vỡ. Bạn không thể biết được rằng họ đang rất tổn thương ra sao. Bạn cũng không thể hiểu được rằng họ đang đấu tranh để mỉm cười như thế nào. Không thể biết được nếu như họ muốn quỵ xuống và khóc. Và điều đáng buồn là, họ ước rằng bạn biết.”

df2e0a9532eee7dd8b65543efb1198c4

Via Pinterest

Bên cạnh giả thuyết về thế giới công bằng mà Beautiful Mind VN đã post hôm trước thì hiện tượng đỗ lỗi cho nạn nhân còn bị ảnh hưởng bởi những thành kiến như sau:

– Quy chụp sai lệch căn bản (fundamental attribution error): Hiện tượng này xảy ra khi chúng ta đánh giá quá cao sức ảnh hưởng của những yếu tố bên trong như tính cách và coi nhẹ mức ảnh hưởng của tình huống khi lý giải hành vi của một người. Nói theo cách khác, khi chúng ta thấy ai đó đang làm gì, chúng ta thường hay nghĩ rằng hành vi ấy đến từ tính cách của người đó hơn là tình huống mà người đó đang đối mặt (1).

Ví dụ như bạn đến dự một buổi tiệc và bạn thấy có một cô gái đứng thu mình trong góc, ít nói chuyện với ai và bạn cho rằng cô ấy là người hướng nội, không biết hòa đồng và khó nói chuyện. Nhưng thật ra có thể cô bạn ấy thường là người khuấy động buổi tiệc và rất dễ bắt chuyện, chỉ là hôm ấy cô bạn không khỏe trong người nên mới ít nói như vậy.

Trong trường hợp đổ lỗi cho nạn nhân thì quy chụp sai lệch căn bản thể hiện ở việc cho rằng nạn nhân ra đường ban đêm thì hẳn không phải là loại con gái tốt lành gì, hay “cô ta phải ra sao thì mới bị tấn công.”

– Thành kiến diễn viên-người quan sát (actor-observer bias): chúng ta thường quy chụp hành vi của một người là dựa trên tính cách, còn hành vi của chúng ta là dựa trên tình huống. Khi được hỏi về hành vi cả một người, chúng ta thường nhanh chóng cho rằng hành vi ấy là kết quả từ tính cách (“À, Giang ấy à, nó bị động với nhát lắm”). Ngược lại, khi được hỏi về bản thân, chúng ta thường quan tâm đến tình huống “Ừm, tôi ấy à, tôi chỉ hơi bị động khi làm việc cùng với nhóm thôi chứ khi ở với đám bạn thân thì tôi cũng quẩy tưng bừng đấy.” Khi một người hành xử thân thiện, chúng ta tự nhiên cho rằng tính cách họ là thân thiện, nhưng khi chúng ta cư xử giống y hệt vậy, thì chúng ta nhận ra có rất nhiều lý do giải thích tại sao chúng ta lại làm những việc mà chúng ta làm (2).

Giống như quy chụp sai lệch cơ bản, thành kiến diễn viên-người quan sát phản ánh việc chúng ta đặt nặng sự lý giải cá nhân về hành vi của người khác và cho rằng hành vi ấy đến từ tính cách hơn là tình huống.

Một thông điệp khá quan trọng rút ra được từ hai thành kiến này chính là: Chúng ta không nên quá vội vã đánh giá người khác. Về mặt nhận thức, rất dễ để chúng ta nghĩ rằng người nghèo là lười biếng, những người nói mấy lời khó nghe là vô duyên và không thân thiện. Nhưng những sự quy chụp này nhấn mạnh quá mức cần thiết những yếu tố bên trong của một người như tính cách mà bỏ qua những yếu tố bên ngoài. Có đôi lúc những người chúng ta gặp có thể không thân thiện, lười biếng hoặc khó tính, nhưng có lẽ bản thân họ cũng là nạn nhân của những tình huống. Khi bạn nhận thấy bản thân đang đánh giá một người với những suy nghĩ thiên về tính cách hay con người họ, thì kiến thức về những thành kiến quy chụp này có thể giúp bạn dừng lại và suy nghĩ cẩn thận hơn: Bạn có muốn người khác đánh giá tính cách con người bạn dựa trên một tình huống hay bạn thích người ta suy nghĩ cẩn thận hơn và để ý đến những yếu tố khác xung quanh hành vi của bạn?

Để tóm gọn lại, có một câu nói rất hay như thế này, chúng ta cần phải cố gắng rộng lượng hơn với những đánh giá hay quy chụp của chúng ta về người khác, vì mỗi người đều đang chiến đấu với những trận chiến mà chúng ta chẳng hề hay biết.

(1) https://www.psychologytoday.com/blog/real-men-dont-write-blogs/201406/why-we-dont-give-each-other-break

(2) https://opentextbc.ca/socialpsychology/chapter/biases-in-attribution/

Tổng hợp và viết: Khả Tú, Khánh Linh

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Từ khóa » Sự Quy Chụp